ThS. ĐỖ THỊ LỢI Tại Hội thảo “Đánh giá rủi ro về quản lý chất thải trong chăn nuôi vịt” diễn ra hôm qua 14/4 tại TPHCM, Cục Chăn nuôi (Bộ NN-PTNT) và Tổ chức Lương thực - Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) đã cảnh báo mối nguy hại của 2 triệu tấn phân vịt được người chăn nuôi thải bừa bãi ra môi trường mỗi năm, khiến dịch cúm gia cầm liên tục tái phát tại VN.
RUỘNG, KÊNH TIỀM ẨN ĐẦY VIRUS H5N1
VN hiện có khoảng 50 triệu con vịt, trong đó ĐBSCL chiếm trên 31 triệu con và hàng năm thải ra khoảng 2 triệu tấn phân. Điều đáng ngại, lượng phân khổng lồ này hầu hết bị đổ ra môi trường do phương thức chăn nuôi chủ yếu là thả đồng, nhỏ lẻ. Đơn cử như tại An Giang, chỉ có khoảng 2% vịt được nuôi nhốt, 98% còn lại là theo hình thức thả đồng gần và xa. Tình trạng này không chỉ gây lãng phí mà còn là nguyên nhân quan trọng khiến ĐBSCL liên tục tái phát dịch cúm gia cầm trong những năm qua.
Nghiên cứu của FAO cho thấy, virus cúm gia cầm tồn tại rất dai dẳng trong nguồn chất thải gia cầm (chủ yếu là phân) nhưng lại ít được quan tâm nghiên cứu tại các nước nhiệt đới, trong đó có VN. Theo nghiên cứu tại ĐBSCL, khoảng 35% lượng phân thải ra kênh, ruộng và 65% phân thải ra nơi nhốt đối với vịt 3 – 4 tuần tuổi; riêng vịt trưởng thành chăn thả tự do, gần như 100% phân được thải ra kênh, ruộng.
Theo ông Andrew Bisson – Cố vấn kỹ thuật thú y của FAO, hầu hết các ổ dịch cúm gia cầm ở miền Nam VN từ ngày đầu đến nay đều do một nhóm virus có quan hệ gần (nhánh 1) gây ra. Nhóm này khác với nhóm virus ở miền Bắc, miền Trung VN và chỉ tìm thấy ở miền Nam VN. Điều này chỉ ra rằng dịch bệnh ở miền Nam có tính chất khu trú, không có sự xâm nhiễm đáng kể từ bên ngoài. Như vậy, virus cúm gia cầm đã tồn tại dai dẳng trong nguồn nước (chủ yếu do phân vịt thải xuống) trong một giai đoạn đáng kể tùy thuộc vào điều kiện môi trường.
Ngoài ra, vịt có thể bị nhiễm virus cúm gia cầm nhưng không có biểu hiện triệu chứng lâm sàng (đặc biệt là vịt trưởng thành), khiến dịch có thể lưu hành ẩn ở đàn có miễn dịch không hoàn toàn và một đàn vịt 500 con có thể “dính” bệnh chỉ từ 4 – 6 tuần. “Ở ĐBSCL, sự lý giải cho khả năng tồn tại lâu dài của virus cúm gia cầm, đó là sự giao thoa giữa các đàn vịt nhiễm bệnh thể ẩn và các nguồn tàng trữ (chủ yếu là phân vịt) trong môi trường” – ông Andrew Bisson nói.
KHUYẾN KHÍCH NUÔI NHỐT, TRANG TRẠI
Để giảm thiểu rủi ro và quản lý tốt hơn chất thải chăn nuôi vịt tại ĐBSCL, theo ông Nick Taylor – Chuyên gia tư vấn của FAO, 2 triệu tấn phân vịt có thể được tận dụng làm phân vi sinh (compost) và sẽ an toàn sau 7 – 10 ngày xử lý. Trong trường hợp không có điều kiện xử lý làm phân, người chăn nuôi cần giảm sự tiếp xúc của đàn vịt với nguồn bệnh từ 3 – 4 tuần (nồng độ virus thấp xuống mức an toàn với đàn vịt) bằng cách chứa phân ở những vị trí mà những đàn vịt khác không bị phơi nhiễm.
Hiện cả nước có 5 tỉnh là Quảng Ngãi, Tiền Giang, Đăk Lăk, Hà Nam, Bắc Kạn phát sinh dịch cúm gia cầm và nguy cơ lây lan trong những ngày tới được nhận định rất cao. Trước tình hình này, Bộ NN-PTNT đã yêu cầu các địa phương thống kê chính xác đàn gia cầm hiện có, đồng thời tổ chức tiêm phòng vacxin cúm gia cầm đợt 1/2011 nghiêm túc và trách nhiệm.
|
Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, do đặc tính chăn nuôi vịt của VN chủ yếu theo hình thức thả đồng, trên kênh rạch, nên việc thu gom chất thải để làm phân vi sinh và tránh tiếp xúc với đàn vịt mới là “bất khả thi”.
Trước thực tế này, Cục Chăn nuôi cho rằng, về lâu dài phải đẩy mạnh khuyến khích việc chuyển đổi chăn nuôi truyền thống sang hướng thâm canh, bán thâm canh, chăn nuôi công nghiệp, trang trại, an toàn sinh học. Đây là biện pháp mang tính lâu dài, trọng tâm, giúp chấm dứt nguy cơ virus H5N1 tiềm ẩn tràn lan trong môi trường như hiện nay. Tuy nhiên, biện pháp trước mắt vẫn là khuyến khích người dân hạn chế, giảm dần chăn nuôi vịt chạy đồng xa. Có thể áp dụng mô hình chăn nuôi vịt – lúa – cá bằng cách khoanh vùng (đồng ruộng) bằng lưới nhựa; đắp bờ giữ nước để nuôi cá và cách ly, không đổ trực tiếp chất thải ra kênh rạch.
Theo ông Mai Thế Hào – Cục Chăn nuôi, đây là biện pháp phù hợp với đặc điểm vùng ĐBSCL, nhất là chi phí ban đầu không quá lớn vì lưới nhựa khá rẻ nhưng lại giúp người nuôi an toàn dịch, thu nhập cao, ổn định do kết hợp được cả thức ăn tự nhiên và thức ăn công nghiệp. Đặc biệt, các giống vịt (cả vịt đẻ lẫn vịt thịt) đều phù hợp với phương thức nuôi này. “Đáng mừng là đã có một số đơn vị đi tiên phong làm điểm như công ty Ba Huân, Huỳnh Gia Huynh Đệ và Vietfarm phối hợp với nông dân tại Long An, Sóc Trăng, Bình Dương triển khai chương trình chăn nuôi an toàn sinh học, sau đó sẽ nhân rộng trong toàn vùng” – ông Hào nói.
NGUYỄN ĐỨC CƯỜNG Số lần xem trang : 16942 Nhập ngày : 16-04-2011 Điều chỉnh lần cuối : Ý kiến của bạn về bài viết này
Báo Nông Nghiệp Việt Nam Nông nghiệp sạch - Lợi đủ đường: NUÔI HEO AN TOÀN TỪ A - Z(03-05-2012) Mulato - giống cỏ số 1 cho chăn nuôi bò sữa (Báo NNVN - Số ra ngày 6/6/2011) (06-06-2011) VISEN 20SC - THUỐC ĐẶC TRỊ BỆNH VI KHUẨN (Báo NNVN - Số ra ngày 6/6/2011) (06-06-2011) SÂU ĐỤC THÂN, ĐỤC BẮP HẠI NGÔ (Báo NNVN - Số ra ngày 19/4/2011) (22-04-2011) ỨNG PHÓ VỚI THỜI ĐẠI HẠN (Báo NNVN - Số 75 - Ngày 15/4/2011) (16-04-2011) Đối tượng nào được bảo hiểm nông nghiệp? (Báo NNVN - Số 75 - Ngày 15/4/2011) (16-04-2011) Thêm một giống ngô lai được bán bản quyền (Báo NNVN - Số ra ngày 6/4/2011) (06-04-2011) "Sóng thần" rầy nâu đe dọa toàn châu Á - Báo NNVN số ra ngày 4/4/2011 (04-04-2011) DỊCH BỆNH TẤN CÔNG VỤ TÔM MỚI - Báo NNVN số ra ngày 4/4/2011 (04-04-2011) Antracol 70WP giúp khắc phục lúa chậm phát triển - Báo NNVN số ra ngày 1/4/2011 (04-04-2011) Trang kế tiếp ... 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44
|