TS. Hoàng Kim |
DẠY VÀ HỌC.Sông Thu Bồn là sông lớn của miền Trung thuộc tỉnh Quảng Nam có vị trí đặc biệt quan trọng trong dòng chảy lịch sử văn hóa dân tộc. "Có 500 năm như thế của Hồ Trung Tú đã neo một nghiên cứu tỉ mỉ về bản sắc văn hoá của người Quảng Nam và đất Quảng Nam trong mối tương quan chặt chẽ với văn hóa và con người Cham pa. Đến sông Thu Bồn, thánh địa Mỹ Sơn và phố cổ Hội An, ta nhớ về đức lớn của Nhân Tông với thiên huyền sử Chế Mân và Huyền Trân (công chúa, con vua Nhân Tông, em ruột vua Anh Tông) của 700 năm trước. Chế Mân vị vua anh minh của vương quốc Champa đã tâm đắc cùng hai vua Trần, gạt bỏ điều tiếng thị phi "cắt đất châu Ô châu Lí vì tình" để nhiều lần kiến nghị với Đại Việt "xin kết thông gia, hình thành liên minh một nhà Đại Việt - Champa, nước lớn hơn, dân đông hơn, đủ sức chế ngự cường địch". Sự thật lịch sử là đế quốc Angkor (bao gồm Chân Lạp) ở phương Nam ở thế kỷ 12 - 13 có đất đai rộng gấp năm lần nước Căm pu chia hiện tại luôn gây hấn để thôn tính Champa (xem bản đồ Đại Việt - Champa trong sự tương quan với Angkor thế kỷ 12). Đế quốc Nguyên Mông ở phương Bắc đã nuốt trọn Trung Quốc nhà Tống và đưa chiếu thư cho Đại Việt mượn đường đánh Chiêm Thành (xem bản đồ Trung Quốc năm 1294 so sánh với bản đồ Trung Quốc năm 2011). Cuộc liên minh Đại Việt - Champa chống Nguyên Mông thăng lợi nhưng mối lương duyên Chế Mân và Huyền Trân đang tốt đẹp lại bị tan vỡ vì Chế Mân chết do mưu sát (?) đình thần Champa tìm mọi cách đưa hoàng hậu Việt lên giàn thiêu theo chồng. Huyền Trân được nhà Trần cứu thoát về đi tu. Hoàng tử Chế Đa Đa, con vua Chế Mân và hoàng hậu Huyền Trân, bị giết bởi phe chống đối Đại Việt.
Ngưỡng mộ đức Nhân Tông, cảm phận Huyền Trân công chúa, cảm thương vua Chế Mân và hoàng tử Chế Đa Đa, tôi có hai bài thơ họa vần "Cảm phận Huyền Trân" của Sao Khuê (xem tiếp)
CẢM PHẬN HUYỀN TRÂN
Vì Nước đâu nề cảnh biệt ly
Nghìn trùng thăm thẳm buổi vu quy
Ngấn lệ duyên xưa đành lỗi hẹn
Khóc thầm tình mới thảm sầu bi
Hòa giải Cha nêu gương trung hiếu
Yêu thương Con chịu tiếng thị phi
Đại Việt Diên Hồng tan thù hận
Chiêm Thành Ô Lý xóa hiềm nghi)
Chuông chùa vang vọng tan niềm tục
Núi Ngự dòng Hương mãi mãi ghi
CẢM THƯƠNG CHẾ MÂN
Vận Nước thời tàn thảm biệt ly
Dấu xưa hoang phế vứt vinh quy
Anh hùng rơi lệ lòng di hận
Liệt nữ thoát vòng dạ sầu bi
Diên Hồng chẳng thẹn lời nhân nghĩa
Ô Lý không nề tiếng thị phi
(Hòa giải đức cao tan thù hận
Yêu thương công lớn xóa hiềm nghi)
Mỹ Sơn hóa đá lìa xa cách
Sông nước Thu Bồn sử sách ghi
Hoàng Kim
Bản đồ Đại Việt (đời Trần) thế kỷ 12 trong sự tương quan với đế quốc Nguyên Mông và đế quốc Angkor
Bản đồ Đại Việt (đời Trần) thế kỷ 12 trong sự tương quan
với đế quốc Nguyên Mông và đế quốc Angkor
Bản đồ Trung Quốc năm 1294
Bản đồ Trung Quốc năm 1294
Bản đồ Trung Quốc ngày nay năm 2011
Xem thêm:
Sao Khuê
Ô, Rí năm nào đổi biệt ly
Huyền Trân Công Chúa bước vu qui
Ba sinh chưa vẹn đà tan tác
Hương lửa đang nồng vội thảm bi!
Đại Việt cướp người thuyền vượt lướt
Chiêm Thành ôm hận ngựa cuồng phi
(Cũng bởi thông gia bày nghịch cảnh
Mà lời hậu thế dậy hồ nghi)
Kiên trinh há thẹn dòng Long Phụng
Trung Đẳng(*) lòng son sử sách ghi!
TẠM BIỆT HUẾ
Thu Bồn
Bởi vì em dắt anh lên những ngôi đền cổ
Nên chén ngọc giờ chìm dưới đáy sông sâu
Những lăng tẩm như hoàng hôn chống lại ngày quên lãng
Mặt trời vàng và mắt em nâu.
Xin chào Huế một lần anh đến
Để ngàn lần anh nhớ vô tư
Em rất thực nắng thì mờ ảo
Xin đừng lầm em với cố đô
Áo trắng hỡi thuở tìm em không thấy
Nắng minh mang mấy nhịp Tràng Tiền
Nón rất Huế mà đời không phải thế
Mặt trời lên từ phía nón em nghiêng
Nhịp cầu cong và con đường thẳng
Một đời anh đi mãi chẳng về đâu
Non sông giùng giằng con sông không chảy
Sông chảy vào lòng nên Huế rất sâu
Tạm biệt Huế với em là vĩnh biệt
Hải Vân ơi xin người đừng tắt ngọn sao khuya
Tạm biệt nhé với chiếc hôn thầm lặng
Anh trở về hóa đá phía bên kia.
SÔNG THU BỒN VÀ NHỮNG VIÊN NGỌC LẤP LÁNH
Nguyễn Trọng Huấn
Trên dòng chảy của mình, sông Thu Bồn đã lần lượt sinh ra đến bốn địa chỉ lịch sử - văn hóa, trong đó, hai địa danh đã trở thành những giá trị tinh thần của nhân loại...
Cũng như sông Hồng, dòng sông mẹ sinh ra kinh đô Thăng Long nghìn năm văn vật, nay là thủ đô Hà Nội đang rộn rã chuẩn bị cho đại lễ kỷ niệm một nghìn năm sinh nhật của mình; cũng như sông Hương, dòng sông Thơ đã sinh ra Huế; sông Sài Gòn sinh ra thành phố cùng tên, Thu Bồn - một dòng sông hoang dã tưởng chừng chìm đắm trong cõi vô danh, ấy vậy mà, trên dòng chảy của mình đã lần lượt sinh ra đến bốn địa chỉ lịch sử - văn hóa, trong đó, hai địa danh đã trở thành những giá trị tinh thần của nhân loại.
Từ những con suối trên địa bàn các xã Trà Nam, Trà Don, Trà Cang, Trà Vân... giữa những cánh rừng đại ngàn nức mùi hương quế của huyện Trà My, tỉnh Quảng Nam, đã khởi nguyên một dòng sông, mà phải chăng làn nước đượm hương của nó khi đổ về xuôi đã giúp cư dân trên hai bờ cảm hứng siêu phàm để sáng tạo ra những kiệt tác kiến trúc vĩnh hằng?
Dòng suối nhỏ ban đầu mang một cái tên rừng núi: “dak Di ” gom nước về xuôi. Khi qua địa bàn Tiên Phước, Hiệp Đức, suối đã thành sông, tuy vẫn còn mang một cái tên quê mùa, dân dã: “sông Tranh”. Phải đến địa bàn Quế Sơn, Duy Xuyên, mới trở thành một dòng sông chững chạc với danh xưng “Thu Bồn”, sẵn sàng hợp lưu với một dòng sông chị em: “sông Vu Gia” từ phía Bắc đổ về trên đất Đại Lộc, thành một dòng chảy văn hóa, để sáng tạo ra những giá trị nghệ thuật tồn tại đến muôn đời.
Thánh địa Mỹ Sơn là một mỹ danh trong chuỗi địa danh văn hóa đó.
Là quần thể di tích Chămpa lớn nhất còn giữ được, Mỹ Sơn, sau những tàn phá của thời gian, của chiến tranh, của đổi thay dâu bể, những gì may mắn còn sót lại chỉ đủ giúp chúng ta, những chứng nhân hậu thế kinh ngạc, sửng sốt trước tư duy uyên áo về vũ trụ, nhân sinh của người nghệ sĩ Chămpa.
Những thủ pháp tài hoa, bằng chứng của một năng lực sáng tạo vô hạn thông qua ngôn từ của gạch, đá còn lại đến nay chắc chắn chỉ là bóng dáng nhạt mờ của một thời hoàng kim lộng lẫy. Tư liệu của các nhà nghiên cứu cho biết dưới triều vua Giaya Indravarman IV trị vì khoảng giữa thế kỷ XII, những khối đá nhọn trên chóp các ngôi tháp lớn nơi thánh địa Mỹ sơn đều được bọc vàng. Còn những hiện vật đang lưu giữ ở các Bảo tàng Chàm (Đà Nẵng), Bảo tàng Mỹ thuật cung đình Huế, Bảo tàng Lịch sử Việt nam (Louis Finot) ở Hà Nội, TP.HCM, Trường Viễn Đông Bác cổ ở Paris, bằng đất nung hay bằng sa thạch cũng chỉ là những mảnh vụn rời rạc, câm lặng của một quá khứ huy hoàng!
Người Chăm - một trong những thành viên của cộng đồng dân tộc Việt - đã từng xây dựng trên dải đất miền Trung này một nền văn minh rực rỡ và phóng tâm để lại bên sông Thu Bồn một chứng tích huy hoàng mà chúng ta ngày nay còn may mắn được chứng kiến.
Đến thánh địa Mỹ Sơn, người giàu tưởng tượng vẫn còn có thể hình dung quang cảnh ngày thánh lễ với hàng đoàn voi ngự lộng lẫy trong phục sức lấp lánh kiệu vàng, trong tiếng cồng chiêng âm vang rộn rã, và bao tiên nữ hóa thân thành những đoàn Apsara rực rỡ xiêm y đang bay lượn trong những điệu múa của thần linh bên chân tháp cổ.
Hối hả xuôi về biển cả, trước khi đổ ra đại dương, Thu Bồn còn kịp dừng chân sáng tạo để lại cho đời sau một trong những đô thị cổ đẹp nhất Việt Nam hiện còn giữ được: “Thị xã Hội An”.
Sử cũ chép: “… Năm Giáp Tý (1744) (chúa Nguyễn) mới xưng vương hiệu đổi phủ ra làm điện, sửa sang phép tắc, và định lại triều phục. Lại chia nước ra làm 12 dinh” (Việt Nam sử lược - Trần Trọng Kim - NXB Văn hóa - Thông tin - 2002 - Trg 358 ). Chúa Nguyễn mở mang bờ cõi, mở rộng giao thương, xây dựng Hội An thành hải khẩu buôn bán với nước ngoài.
“Bấy giờ đất phía Nam tuy độc lập nhưng họ Nguyễn chỉ xưng chúa, chứ không xưng vua và vẫn không đặt quốc hiệu. Nhưng người ngoại quốc thường gọi đất chúa Nguyễn là Quảng Nam quốc. Đấy là vì ở Quảng Nam có phố Hội An (Faifo) là chỗ người Tàu và người các nước ra vào buôn bán nên mới lấy tên Quảng Nam mà gọi” (VNSL - Sách đã dẫn - Trg 359).
Nằm trên bờ tả sông Thu Bồn, cách cửa Đại (còn gọi là cửa Đợi) khoảng 4km, giao thông thủy bộ thuận lợi, Hội An nhanh chóng phát triển thành một đô thị sầm uất. Cùng với phố Hiến ở Đàng Ngoài, Hội An trở thành một trong hai hải khẩu quan trọng của nước ta thời ấy giao thương rộng rãi với thế giới. Cứ xem mức thuế xuất nhập khẩu thời bấy giờ để ước lượng quy mô:
“Lệ cứ những tàu ở Thượng Hải và Quảng Đông lại, thì phải nộp 3.000 quan, đến lúc đi phải nộp 300 quan. Tàu ở Ma Cao, ở Nhật Bản lại, thì phải nộp 4.000 quan, đến lúc đi phải nộp 400 quan. Tàu ở Tiêm La, ở Lã Tống lại, thì phải nộp 2.000 quan, đến lúc đi phải nộp 200 quan. Tàu ở các nước phương Tây lại, thì phải nộp 8.000 quan, đến lúc về phải nộp 800 quan. Thuế ấy chia ra làm mười thành: 6 thành thì đem vào kho, 4 thành để nộp cho quan lại và binh lính đã coi về việc thu thuế…”. “… Bấy giờ số tiền có năm thu vào 338.100 quan… có năm được hơn 423.300 quan…, vàng có năm thu 830 lượng, có năm 890 lượng…” (Sách đã dẫn - Trg 353 - 354). Trước khi trở thành một địa chỉ văn hóa, Hội An từng là một thương hiệu kinh tế Việt Nam có uy tín trên bản đồ thế giới.
Thương nhân các nước đến làm ăn, mến cảnh, mến người, định cư, lập nghiệp, Hội An nhanh chóng trở thành một đô thị quốc tế. Bên cạnh quần thể kiến trúc đô thị giàu bản sắc địa phương, những công trình xây dựng, những công trình tôn giáo của cư dân các nước còn giữ được đến nay minh chứng cho một thời Việt Nam từng có lúc hội nhập rất sâu vào đời sống quốc tế. Chẳng thế mà, UNESCO, tổ chức uy tín đầy mình của Liên Hiệp Quốc đã ghi danh cả Mỹ Sơn và Hội An vào Danh mục Di sản Văn hóa nhân loại.
Tin cho biết tỉnh Quảng Nam đang xúc tiến hồ sơ đệ trình UNESCO xem xét ghi danh Cù lao Chàm - một bình phong tự nhiên dựng lên ngoài biển khơi che chắn cho cửa Đại - vào danh mục Di sản văn hóa nhân lọai. Còn cửa Đại, cát sạch, nước trong, đất đai bằng phẳng rộng rãi, từng là một trong những cửa biển nổi tiếng của nước ta đang như một cô gái trinh nguyên đón đợi đầu tư.
Tương lai, hy vọng rằng không xa, một thành phố du lịch hấp dẫn sẽ mọc lên trên địa điểm này. Lúc ấy, sông Thu Bồn sẽ là dòng sông duy nhất trên đất nước ta như một chuỗi ngọc xâu chuỗi cùng lúc bốn giá trị tầm cỡ quốc tế trên dòng chảy đượm hương từ những rừng quế thượng nguồn. Mong lắm thay.
Theo Doanh nhân Sài Gòn Cuối tuần
Số lần xem trang : 19701 Nhập ngày : 28-08-2012 Điều chỉnh lần cuối : 28-08-2012 Ý kiến của bạn về bài viết này
CNM365 Tình yêu cuộc sống Ai về Bắc ta theo với … (05-05-2011) Hịch Khoa học Công nghệ và Video Tuổi trẻ Thanh niên Sôi nổi(19-04-2011) Video sắn làm nhiên liệu sinh học(04-04-2011) Thư viện giáo trình điện tử của Bộ GD&ĐT (27-03-2011) Ayako Ebata (08-03-2011) Chi tiết: tản văn hay của Nguyễn Ngọc Tư (27-02-2011) Quà xuân và thú chơi văn hoá(10-02-2011) Cảnh xuân: bài thơ đọc xuôi ngược đều hay(24-01-2011) Sóc Bom Bo, người lính, cây sắn và tuổi thơ(21-01-2011) Sự im lặng của núi(31-12-2010) Trang kế tiếp ... 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 61 62 63 64 65 66 67 68 69 70 71 72 73 74 75 76 77 78 79 80 81 82 83 84 85 86
|