TS. Hoàng Kim |
DẠY VÀ HỌC. Ngày tận thế, tôi lắng nghe Mạc Ngôn kể chuyện qua diễn từ của ông tại lễ trao giải Nobel văn học năm 2012 do Đào Anh Dũng dịch từ nguyên bản tiếng Anh. Mạc Ngôn (hình trên) là một trong ba nhà văn đương đại Trung Quốc mà tôi yêu thích và đã viết ở DẠY VÀ HỌC - Kim Dung, Vương Mông, Mạc Ngôn: bạn thích ai? . Theo Mạc Ngôn: "Đối với một tác giả, viết là cách nói tốt nhất. Các bạn sẽ tìm thấy mọi điều tôi muốn nói trong các tác phẩm của tôi. Lời nói bị gió cuốn đi, còn những câu chữ đã được viết ra thì không bao giờ bị xóa bỏ. Tôi mong các bạn hãy kiên nhẫn đọc các cuốn sách của tôi. Tôi không thể ép buộc các bạn, và ngay cả khi các bạn làm như vậy thì tôi cũng không trông chờ các bạn thay đổi ý kiến về tôi. Chưa có tác giả nào, dù ở bất cứ nơi đâu, lại được mọi độc giả của mình yêu thích; điều đó đặc biệt đúng trong những lúc như thế này". Mạc Ngôn kể chuyện về mẹ, về đất mẹ, về sự hình thành và ra đời của tác phẩm lớn "Ngực lớn mông rộng" ("Báu vật của đời"). Ông đã kính tặng hương hồn mẹ, tác phẩm đỉnh cao đưa ông đến giải Nobel văn chương. Cuối diễn từ, Mạc Ngôn kể tiếp câu chuyện thú vị: "Xin vui lòng nghe tôi, chỉ một câu chuyện cuối nữa thôi, câu chuyện mà nhiều năm trước ông tôi đã kể cho tôi: Một nhóm tám người thợ xây ở ngoại thành đến trú bão trong một ngôi đền. Sấm ầm ầm bên ngoài, trút những quả cầu lửa xuống chỗ họ. Họ thậm chí còn nghe thấy cả âm thanh tựa rồng thét. Họ kinh hãi, mặt tái mét. Một người nói: "Trong chúng ta có một người nào đó hẳn là đã gây tội khủng khiếp đối với trời. Ai có tội thì tình nguyện bước ra nhận lấy hình phạt và cứu những người vô tội khỏi sự đau đớn". Tất nhiên chẳng có ai tình nguyện. Cho nên một trong số bảy người còn lại đề nghị: "Vì không ai muốn bước ra, nên tất cả chúng ta hãy quăng mũ rơm của mình ra cửa. Mũ của ai bay qua cửa thì người ấy có tội, và chúng ta sẽ đòi người ấy bước ra và nhận lấy hình phạt của mình". Thế là họ quăng mũ của mình ra cửa. Bảy cái bị thổi ngược vào trong, một cái bay ra ngoài. Một người bị buộc bước ra và nhận lấy hình phạt của anh ta, và khi anh ta không chịu, bảy người còn lại nhấc bổng anh ta lên và quẳng anh ta ra cửa. Tôi dám cá rằng các bạn đều biết kết cục của câu chuyện: Ngôi đền sụp xuống ngay sau khi anh ta bị quẳng ra khỏi cửa." Tôi là một người kể chuyện. Kể chuyện đã giúp tôi có được giải Nobel văn học. Nhiều điều thú vị đã đến với tôi sau khi đuợc giải thưởng này, và chúng thuyết phục tôi rằng sự thật cũng như công lý vẫn tồn tại, vững vàng. Vì thế trong thời gian tới tôi sẽ tiếp tục kể những câu chuyện của mình. Cảm ơn mọi người!"(xem tiếp) Mạc Ngôn kể chuyện về mẹ, về đất mẹ, về sự hình thành và ra đời của tác phẩm lớn "Ngực lớn mông rộng" ("Báu vật của đời"). Ông đã kính tặng hương hồn mẹ, tác phẩm đỉnh cao đưa ông đến giải Nobel văn chương. Cuối diễn từ, Mạc Ngôn kể tiếp câu chuyện thú vị: "Xin vui lòng nghe tôi, chỉ một câu chuyện cuối nữa thôi, câu chuyện mà nhiều năm trước ông tôi đã kể cho tôi: Một nhóm tám người thợ xây ở ngoại thành đến trú bão trong một ngôi đền. Sấm ầm ầm bên ngoài, trút những quả cầu lửa xuống chỗ họ. Họ thậm chí còn nghe thấy cả âm thanh tựa rồng thét. Họ kinh hãi, mặt tái mét. Một người nói: "Trong chúng ta có một người nào đó hẳn là đã gây tội khủng khiếp đối với trời. Ai có tội thì tình nguyện bước ra nhận lấy hình phạt và cứu những người vô tội khỏi sự đau đớn". Tất nhiên chẳng có ai tình nguyện. Cho nên một trong số bảy người còn lại đề nghị: "Vì không ai muốn bước ra, nên tất cả chúng ta hãy quăng mũ rơm của mình ra cửa. Mũ của ai bay qua cửa thì người ấy có tội, và chúng ta sẽ đòi người ấy bước ra và nhận lấy hình phạt của mình". Thế là họ quăng mũ của mình ra cửa. Bảy cái bị thổi ngược vào trong, một cái bay ra ngoài. Một người bị buộc bước ra và nhận lấy hình phạt của anh ta, và khi anh ta không chịu, bảy người còn lại nhấc bổng anh ta lên và quẳng anh ta ra cửa. Tôi dám cá rằng các bạn đều biết kết cục của câu chuyện: Ngôi đền sụp xuống ngay sau khi anh ta bị quẳng ra khỏi cửa." Tôi là một người kể chuyện. Kể chuyện đã giúp tôi có được giải Nobel văn học. Nhiều điều thú vị đã đến với tôi sau khi đuợc giải thưởng này, và chúng thuyết phục tôi rằng sự thật cũng như công lý vẫn tồn tại, vững vàng. Vì thế trong thời gian tới tôi sẽ tiếp tục kể những câu chuyện của mình. Cảm ơn mọi người!"
Diễn từ của Mạc Ngôn tại lễ trao giải Nobel văn học 2012
NHỮNG NGƯỜI KỂ CHUYỆN
Mạc Ngôn
Đào Anh Dũng dịch, theo bản tiếng Anh: http://www.nobelprize.org/nobel_prizes/literature/laureates/2012/yan-lecture_en.html
Thưa các thành viên Viện hàn lâm Thụy Điển, thưa các quý ông, quý bà!
Tôi nghĩ rằng mọi người ở đây, nhờ truyền hình và internet, đã ít nhiều biết đến huyện Cao Mật vùng Đông-Bắc xa xôi. Các bạn có lẽ đã thấy người cha 90 tuổi, anh trai, chị gái, vợ, con gái, thậm chí cả cháu gái 1 năm 4 tháng tuổi của tôi. Nhưng các bạn sẽ không bao giờ thấy mẹ tôi, người đang choán gần hết tâm trí tôi. Nhiều người chia sẻ niềm vinh dự vì giải thưởng này, còn mẹ tôi thì không.
Mẹ tôi sinh năm 1922 và mất năm 1994. Chúng tôi đã an táng mẹ tại một vườn đào phía Đông ngôi làng. Năm ngoái chúng tôi buộc phải chuyển mộ phần mẹ ra xa làng, để nhường chỗ cho một dự án đường sắt. Khi xới mộ lên, chúng tôi thấy quan tài đã mục và thi hài mẹ bị lẫn đất ẩm. Thế là chúng tôi lấy một ít đất ở đó, thủ tục mang tính tượng trưng ấy mà, và chuyển tới một phần mộ mới. Lúc đó tôi hiểu rằng mẹ đã hòa vào đất, rằng nếu tôi nói với đất mẹ thì cũng là tôi nói với chính mẹ vậy.
Tôi là con út của mẹ.
Kỷ niệm đầu đời của tôi là một lần mang chiếc phích duy nhất của gia đình đi lấy nước uống ở căng-tin công cộng. Yếu ớt vì đói, tôi để rơi và làm vỡ chai. Vô cùng sợ hãi, cả ngày hôm đó tôi trốn trong đống rơm. Tối đến, nghe tiếng mẹ gọi bằng tên thân mật, tôi bò ra và chuẩn bị chịu đánh đòn, mắng mỏ. Nhưng mẹ không đánh, thậm chí không mắng, mà chỉ thở phào và vò đầu tôi.
Kỷ niệm đau đớn nhất của tôi là một hôm đồng cùng mẹ nhặt nhạnh những bông lúa mì. Những người mót lúa khác đã chạy tán loạn khi họ phát hiện người canh lúa. Nhưng mẹ không thể chạy vì chân bó[1], mẹ bị bắt và bị người canh lúa to lớn tát mạnh đến nỗi ngã ra đất. Người canh lúa tịch thu số lúa mà chúng tôi vừa nhặt nhạnh được, rồi huýt sáo bỏ đi. Lúc mẹ ngồi lên, môi mẹ đã rướm máu. Mẹ chỉ biết nhìn theo - một cái nhìn vô vọng mà tôi sẽ không bao giờ quên. Sau này, khi gặp người canh lúa - giờ là một cụ già tóc bạc - ở chợ, mẹ đã phải ngăn tôi trả thù.
Mẹ bình thản nói: "Con trai, người này không phải người đã đánh mẹ."
Kỷ niệm sáng rõ nhất của tôi là một ngày Tết trung Thu, buổi trưa, chúng tôi gặp dịp hiếm hoi được ăn sủi cảo ở nhà, mỗi người một ngăn. Có một người hành khất đứng tuổi đến trước cửa, lúc chúng tôi đang ngồi quanh bàn, và khi tôi cố xua ông ấy đi bằng nửa ngăn khoai lang khô thì ông ấy giận dữ phản ứng: "Tôi già rồi. Mọi người ăn sủi cảo nhưng muốn tôi ăn khoai lang. Sao mọi người có thể vô tâm như vậy chứ!?". Tôi cũng phản ứng giận dữ không kém: "Chúng tôi được ăn sủi cảo hai lần một năm đã là may mắn rồi. Mỗi người một ngăn nhỏ, chỉ đủ để biết mùi vị! Ông nên cảm ơn chúng tôi vì đã cho ông khoai lang chứ, còn nếu không thích thì ông có thể đi khỏi đây!" Sau khi quát mắng tôi, mẹ sẻ nửa ngăn sủi cảo của mình vào ngăn của ông ấy.
Kỷ niệm đáng tiếc nhất của tôi là một lần giúp mẹ bán cải bắp ngoài chợ, tôi đã lấy đắt 1 hào của một người già trong làng - cố tình hay vô ý thì tôi chẳng nhớ rõ - trước lúc tôi đi học. Về nhà, chiều hôm đó, tôi thấy mẹ đang khóc - điều ít khi xảy ra. Thay vì quở mắng tôi, mẹ chỉ nhẹ nhàng: "Con trai, hôm nay con làm mẹ con xấu hổ!"
Mẹ mắc bệnh phổi nặng khi tôi vẫn còn niên thiếu. Đói rét, bệnh tật và quá nhiều việc đã làm gia đình tôi thực sự khó khăn. Quãng đường phía trước trông thực sự u ám, tôi có dự cảm xấu về tương lai, sợ rằng mẹ sẽ tự vẫn. Hàng ngày, việc đầu tiên tôi làm khi bước vào cửa, sau một ngày lao động vất vả, là gọi mẹ. Giọng của mẹ tiếp thêm nghị lực sống cho tôi. Tôi hoảng sợ nếu không nghe thấy nó, và sẽ tìm mẹ trong gian thò cũng như trong gian xay lúa. Một hôm, sau khi tìm kiếm khắp nơi mà không thấy mẹ, tôi ngồi khóc ở sân như một đứa trẻ. Điều đó giúp mẹ tìm thấy tôi, lúc mẹ đi vào sân với một bó củi sau lưng. Mẹ rất buồn vì tôi, nhưng tôi không thể kể với mẹ những gì tôi đang sợ hãi. Song mẹ biết hết. Mẹ bảo: "Con à, đừng lo, có thể mẹ không hạnh phúc, nhưng mẹ sẽ không bỏ con trước khi Diêm Vương gọi mẹ!"
Tôi vốn xấu xí từ lúc được sinh ra. Những người dân làng thường cười vào mặt tôi, và những đứa hay ăn hiếp người khác ở trường thỉnh thoảng đánh đập tôi là vì thế. Tôi chạy về nhà và khóc, mẹ nói: "Con trai, con không xấu xí. Con có mũi và hai mắt, chân tay không khiếm khuyết, vậy con xấu xí thế nào được? Nếu con có tâm hồn đẹp và luôn làm điều đúng thì những gì xấu xí sẽ trở thành đẹp đẽ." Sau này, khi chuyển tới thành phố, có những người được học hành cười sau lưng tôi, và một số thậm chí cười thẳng vào mặt tôi; nhưng cứ nhớ lại những lời mẹ đã nói thì tôi chỉ bình thản đưa ra những lời cáo lỗi.
Người mẹ thất học của tôi rất quý trọng những người biết đọc. Chúng tôi đã quá nghèo và thường không biết kiếm bữa ăn sắp tới ở đâu, nhưng mẹ không bao giờ từ chối đề nghị của tôi mua một cuốn sách hay một thứ gì đó để viết lách. Do bản tính làm việc chăm chỉ, mẹ không cần những đứa trẻ lười biếng, nhưng tôi được phép hoãn làm những việc vặt trong nhà miễn là tôi chúi mũi vào một cuốn sách nào đó.
Có lần một người kể chuyện đến chợ, và tôi đã lén đi để nghe ông ấy. Mẹ không vui vì tôi bỏ bê việc vặt trong nhà. Nhưng tối hôm đó, trong khi mẹ vá quần áo cho chúng tôi dưới ánh sáng yếu ớt của đèn cầy, thì tôi lại không thể ngừng kể lại những câu chuyện mà tôi đã nghe được. Lúc đầu mẹ không kiên nhẫn lắng nghe, vì trong mắt mẹ thì những người kể chuyện chỉ là những gã bẻm mép đáng nghi. Miệng lưỡi họ không mang lại điều gì tốt đẹp. Nhưng dần dần mẹ bị cuốn vào những câu chuyện do tôi kể lại, và từ đó mẹ không bao giờ bắt tôi làm những việc vặt trong nhà vào những ngày có phiên chợ, mà cho phép - nhưng không nói ra - rằng tôi có thể đến chợ và nghe những câu chuyện mới. Để báo đáp lòng tốt của mẹ và để thể hiện trí nhớ của mình, tôi kể lại, với sự phong phú các chi tiết, cho mẹ nghe.
Không mất nhiều thời gian để tôi nhận ra sự hạn chế nếu kể lại những câu chuyện của người khác, vì thế tôi bắt đầu trang trí cho câu chuyện của mình. Tôi nói những điều mà tôi biết sẽ làm mẹ vui lòng, nếu cần thì thỉnh thoảng tôi cũng thay đổi kết cục. Mẹ không phải thính giả duy nhất của tôi, mà sau này còn có các chị, các cô, thậm chí cả bà ngoại tôi. Đôi lúc, sau khi lắng nghe câu chuyện của tôi, mẹ hỏi tôi bằng giọng trăn trở, cứ như tự hỏi mình vậy: "Con sẽ ra sao khi lớn lên, con trai? Có lẽ con sẽ phải nói luôn miệng chỉ để kiếm sống phải không?"
Tôi biết tại sao mẹ lo lắng như vậy. Những đứa trẻ mau mồm mau miệng không được đánh giá cao ở làng tôi. Vì chúng có thể đem đến phiền toái cho chính chúng và gia đình chúng. Trong "Những con bò", có đôi chút hình ảnh niên thiếu của tôi, ở cậu bé mau mồm mau miệng bị những người dân làng làm khó dễ. Mẹ, đã thành thói quen, cảnh báo tôi đừng nhiều chuyện, muốn tôi làm một thiếu niên kiệm lời, hòa nhã và đứng đắn. Nhưng tôi lại có một sự kết hợp nguy hiểm giữa kỹ năng nói đáng nể với khao khát mạnh mẽ. Khả năng kể chuyện của tôi mang lại niềm vui cho mẹ nhưng lại khiến mẹ khó xử.
Có một câu nói quen thuộc rằng "bản tính con người còn khó uốn nắn hơn cả dòng sông" Bất chấp sự uốn nắn không mệt mỏi của cha mẹ, khao khát tự nhiên của tôi - là nói chuyện - không bao giờ cạn, và đó là nguồn gốc cái tên của tôi - Mạc Ngôn, hay "đừng nói" - một sự tự phê thật tréo ngoe.
Sau khi bỏ trường tiểu học, tôi quá nhỏ để có thể lao động nặng, do đó tôi đi chăn cừu và gia súc bên một bờ sông đầy cỏ. Cái cảnh bạn học đang chơi trong sân trường, trong khi tôi lùa lũ động vật qua cổng, luôn làm tôi buồn và thấy rằng thật không may cho những ai - ngay cả một đứa bé - nếu phải rời bỏ tập thể.
Tôi thả lũ động vật nhởn nhơ gặm cỏ bên bờ sông, dưới nền trời xanh nước biển, trên thảm cỏ xa hết tầm mắt - chẳng có bóng dáng hay tiếng người, chẳng có gì ngoài tiếng chim kêu trên đầu. Tôi cô đơn khủng khiếp, và thấy tâm hồn trống rỗng. Thỉnh thoảng tôi nằm trên cỏ nhìn mây lững lờ trôi, và hình dung ra ở đó đủ loại hình ảnh. Khung cảnh ấy gắn liền với những câu chuyện về những con cáo với vẻ ngoài thiếu nữ xinh đẹp, và tôi tưởng tượng rằng một hồ ly tinh đến cùng mình chăn dắt lũ động vật. Cô gái ấy không đến. Tuy nhiên, có lần một con cáo đỏ lửa ve vẩy cái đuôi trước mặt tôi, khiến tôi hoảng hốt rụt chân lại. Tôi vẫn ngồi đó run rẩy khá lâu sau khi con cáo biến mất. Thỉnh thoảng tôi ngồi thụp xuống cạnh con bò, nhìn chằm chằm vào đôi mắt xanh sâu thẳm của nó, đôi mắt thu gọn bóng hình tôi. Đôi khi tôi trò chuyện với lũ chim trên trời, bắt chước tiếng kêu của chúng; vài lần khác tôi tiết lộ với một cái cây những hy vọng và khát khao của mình. Nhưng lũ chim phớt lờ tôi, và những cái cây cũng vậy. Khi đã là một tiểu thuyết gia, tôi đưa một số câu chuyện tưởng tượng ấy vào tác phẩm. Mọi người thường công kích tôi vì tính hư cấu quá nhiều, còn những người yêu văn học thường đề nghị tôi tiết lộ bí mật trong việc phát triển một sự hư cấu phong phú. Phản ứng duy nhất của tôi chỉ là một nụ cười cầu hòa.
Lão Tử, giáo chủ Đạo giáo của chúng tôi đã nói rất hay: "Trong may có rủi. Trong rủi có may." Tôi thôi học khi còn bé, thường bị đói và cô đơn, và không có sách đọc. Nhưng chính vì vậy, cũng như nhà văn Thẩm Tùng Văn của thế hệ trước, tôi đã sớm đọc cuốn sách tuyệt diệu về cuộc sống. Trải nghiệm của tôi, khi đến chợ lắng nghe người kể chuyện, là một trang trong cuốn sách đó.
Sau khi thôi học, tôi bị quẳng vào thế giới của những người trưởng thành, nơi tôi bắt đầu cuộc hành trình học qua nghe. Hai trăm năm trước đây, Bồ Tùng Linh - một trong những người kể chuyện lớn nhất mọi thời đại - đã sống gần nơi tôi lớn lên, nơi mà nhiều người - trong đó có tôi - tiếp nối cái truyền thống mà ông ấy đã tạo dựng. Dù ở bất cứ đâu - làm việc trên đồng với tập thể, trong đội sản xuất ở chuồng bò hay chuồng ngựa, trên chiếc giường có hệ thống sưởi của ông bà, cả trên chiếc xe bò xóc qua xóc lại - thì tai tôi vẫn đầy những chuyện tình siêu nhiên, mang màu sắc lịch sử hay những câu chuyện kỳ lạ và lôi cuốn, tất cả đều liên quan mật thiết với môi trường tự nhiên và lịch sử các bộ lạc, và tất cả đã đem đến một hiện thực sinh động trong tâm trí tôi.
Ngay cả trong những giấc mơ hoang dại nhất tôi cũng không thể mường tượng rằng sẽ có ngày những thứ ấy trở thành chất liệu cho tiểu thuyết của chính mình, vì tôi chỉ là một đứa bé thích những câu chuyện, là người ấn tượng với những câu chuyện mà mọi người quanh mình đang kể. Không nghi ngờ gì nữa, lúc đó tôi tin vào thần thánh, tin rằng mọi sinh vật đều có linh hồn. Tôi dừng lại và cung kính trước một cây đại thụ, nếu tôi thấy một chú chim, thì tôi tin chắc nó có thể trở thành người nếu nó muốn; và tôi tin rằng mỗi người lạ mà tôi gặp đều là một con vật vừa biến hóa sang. Ban đêm, những nỗi sợ hãi kinh khủng cứ theo tôi trên đường về nhà sau khi đã tính xong điểm chấm công, vì thế tôi vừa chạy vừa hát to hết cỡ để lấy bình tĩnh. Cái giọng đang vỡ ra của tôi lúc đó ca lên những bài hát to và ồm ồm làm chói tai bất cứ người dân làng nào nghe thấy chúng.
Tôi đã sống hai mươi mốt năm ở làng, không bao giờ đi xa quá Thanh Đảo, bằng xe lửa, nơi mà tôi gần như mất hút giữa những đống gỗ khổng lồ ở một xưởng gỗ. Khi mẹ hỏi tôi về những gì tôi thấy ở Thanh Đảo, tôi buồn rầu kể rằng tôi nhìn thấy những đống gỗ. Nhưng chuyến đi tới Thanh Đảo đó đã gieo vào tôi một khao khát mãnh liệt rằng phải rời khỏi làng và quan sát thế giới.
Tháng Một năm 1976 tôi nhập ngũ và tới huyện Cao Mật vùng Đông-Bắc mà tôi vừa yêu vừa ghét, bắt đầu một giai đoạn quan trọng trong đời, mang theo trong ba-lô bốn cuốn "Đại cương lịch sử Trung Quốc" mà mẹ vừa mua bằng tiền bán đồ trang sức đám cưới của mình. Vậy là tôi bắt đầu thời kỳ quan trọng nhất của cuộc đời. Tôi phải thừa nhận rằng nếu không có khoảng ba mươi năm phát triển kỳ diệu của xã hội Trung Quốc, và của công cuộc cải cách cũng như mở cửa sau đó, thì tôi không trở thành một tác giả như bây giờ.
Giữa quãng đời quân nhân tẻ ngắt, tôi đón chào cuộc cách mạng về tư tưởng và sự nồng nhiệt với văn học trong những năm 1980, và từ một cậu bé lắng nghe rồi kể lại những câu chuyện, tôi dần trở thành một người viết truyện. Con đường ấy lúc đầu đầy sỏi đá, lúc tôi còn chưa biết vốn liếng văn học mà mình có được từ hai mươi năm sống ở làng là đáng giá nhường nào. Tôi cứ nghĩ rằng văn học là viết về những người tốt làm những việc tốt, là những câu chuyện về những hành động anh hùng và những công dân mẫu mực, cho nên một vài mẩu chuyện đã được xuất bản của tôi chỉ có một chút giá trị văn học.
Cuối năm 1984 tôi được nhận vào khoa Văn học của Viện nghệ thuật Giải phóng quân nhân dân Trung Quốc, nơi mà dưới sự chỉ dẫn của người thầy đáng kính, tác giả nổi tiếng Xu Huaizhong, tôi đã viết một loạt truyện và tiểu thuyết, gồm: "Những dòng chảy mùa Thu", "Sông cạn", "Củ cà-rốt trong suốt", "Cao lương đỏ". Huyện Cao Mật vùng Đông-Bắc lần đầu tiên xuất hiện trong "Những dòng chảy mùa Thu", và từ đó, như một người nông dân lang thang tìm ra mảnh đất riêng cho mình, kẻ lang thang trong văn học này cũng tìm được một vùng mà anh ta có thể coi là thuộc về mình. Tôi phải nói rằng trong quá trình hình thành vùng văn học của mình, huyện Cao Mật vùng Đông-Bắc, tôi bị ảnh hưởng bởi tiểu thuyết gia người Mỹ William Faulkner và tiểu thuyết gia người Colombia Gabriel García Márquez. Tôi chưa đọc nhiều của họ, nhưng bị lôi cuốn bởi cái cách thức táo bạo và tự do của họ khi gây dựng lãnh địa viết mới, và tôi học được từ họ cái điều rằng mỗi tác giả phải có lãnh địa riêng. Sự khiêm tốn và nhún nhường là lý tưởng cho đời sống thường nhật của một người, nhưng trong sáng tác văn học thì sự tự tin tối đa và sự cần thiết tuân theo bản năng lại là điều cốt lõi. Tôi đã theo bước hai bậc thầy này trong hai năm, trước khi thấy rằng mình cần thoát khỏi ảnh hưởng của họ. Đây là cách mà tôi đã làm rõ quyết định đó trong một bài viết: "Họ là hai chiếc lò rực lửa, còn tôi là một khối băng. Nếu tôi quá sát họ thì tôi sẽ bị hóa hơi. Theo tôi, một tác giả này ảnh hưởng tới một tác giả khác khi cả hai có sự tương đồng sâu sắc về tinh thần, hay thứ mà người ta gọi là "những trái tim đập cùng một nhịp". Do đó, dù tôi đọc không nhiều của họ nhưng chỉ một vài trang cũng đã đủ để tôi hiểu họ đang làm gì và làm như thế nào, từ đó tôi biết tôi nên làm gì và nên làm như thế nào."
Những gì tôi nên làm thì thật đơn giản: viết những câu chuyện của chính tôi theo cách của chính tôi. Cách của tôi là cách của người kể chuyện ở chợ, cùng với cái cách mà tôi đã thân thuộc, là cách kể chuyện của ông bà tôi và của những cụ già khác trong làng. Chân thành mà nói, tôi không bao giờ quan tâm xem ai là thính giả khi kể những câu chuyện của tôi; có lẽ thính giả của tôi là những người giống mẹ tôi, và có lẽ chỉ là tôi thôi. Những câu chuyện đầu tay là những trải nghiệm cá nhân của tôi: cậu bé bị ăn đòn trong "Sông cạn", hay cậu bé không bao giờ nói trong "Củ cà-rốt trong suốt". Thực tế là tôi đã làm gì đó sai nên bị cha phạt roi, tôi cũng đã thổi hơi vào lò cho thợ rèn ở một cây cầu. Tất nhiên, không thể chuyển hóa trải nghiệm cá nhân đúng như thực tế vào truyện hư cấu, không thể trùng khớp được. Truyện hư cấu phải có tính hư cấu, phải có tính tưởng tượng. Đối với nhiều người bạn của tôi, "Củ cà-rốt trong suốt" là truyện xuất sắc nhất của tôi, còn tôi thì chẳng có ý kiến gì cả. Những gì tôi có thể nói là, "Củ cà-rốt trong suốt" có tính biểu tượng và ý nghĩa sâu sắc hơn mọi truyện mà tôi đã viết. Cậu bé ngăm đen trong đó, với khả năng chịu đựng và tính nhạy bén của một siêu nhân, là tiêu biểu cho linh hồn trong mọi sản phẩm hư cấu của tôi. Không một nhân vật hư cấu nào của tôi kể từ sau nhân vật ấy lại sát với cái linh hồn của tôi đến vậy. Nói một cách khác, trong tất cả các nhân vật mà tác giả tạo ra, luôn chỉ có một nhân vật tiêu biểu hơn mọi nhân vật còn lại. Với tôi, cậu bé rất kiệm lời ấy chính là một nhân vật tiêu biểu như vậy. Dù cậu ấy chẳng nói gì, nhưng cậu ấy lại mở lối để mọi nhân vật khác, trong sự đa dạng của họ, tự do diễn xuất trên sân khấu của huyện Cao Mật vùng Đông-Bắc.
Trải nghiệm của một người là có hạn, và nếu đã dốc cạn những câu chuyện của bạn rồi, thì bạn phải kể những câu chuyện của người khác. Và vì vậy, bất chấp cái bề dày ký ức thì, như những người lính bị gọi nhập ngũ, những câu chuyện toàn màu hồng - của các thành viên trong gia đình, của những người dân làng cùng cảnh ngộ, và của tổ tiên xa xưa - được tôi học từ miệng của các cụ già, đều lần lượt được huy động. Họ mong mỏi chờ đợi tôi kể những câu chuyện của họ. Ông bà, cha mẹ, anh chị, cô chú, vợ và con gái tôi đều xuất hiện trong những câu chuyện của tôi. Ngay cả những cư dân xa lạ của huyện Cao Mật vùng Đông-Bắc cũng xuất hiện với tư cách khách mời đặc biệt. Tất nhiên phải có sự điều chỉnh về mặt văn học để biến họ thành những nhân vật hư cấu thoát tục.
Một người cô của tôi là nhân vật chính trong "Những con ếch" - tiểu thuyết mới nhất của tôi. Thông báo về giải Nobel này khiến những phóng viên lũ lượt tới nhà cô để đề nghị phỏng vấn. Lúc đầu cô kiên nhẫn đáp ứng, nhưng đã sớm phải trốn tránh sự chú ý của họ bằng cách chạy tới nhà con trai mình ở trung tâm tỉnh. Tôi không phủ nhận rằng cô là hình mẫu để tôi viết "Những con ếch", song có nhiều khác biệt giữa cô ấy và người cô hư cấu. Người cô hư cấu thì kiêu căng và độc đoán, có thể nói là thô bạo, trong khi người cô hiện thực thì tốt bụng và lịch sự, là người vợ hiền cổ điển và là người mẹ đáng yêu. Những năm tháng quý như vàng của người cô hiện thực tràn đầy niềm vui và đáng để hài lòng. Người cô hư cấu thì bị mất ngủ trong những năm cuối đời, do những thương tổn tinh thần, mặc áo choàng đen và đi bộ trong đêm như một bóng ma. Tôi biết ơn người cô hiện thực vì không trách tôi trong việc biến đổi cô khi đưa vào tiểu thuyết. Tôi đặc biệt nể trọng sự hiểu biết của cô về mối quan hệ phức tạp giữa các nhân vật hư cấu với những con người hiện thực.
Sau cái chết của mẹ, trong nỗi đau mất mát, tôi đã quyết định viết một tiểu thuyết tặng mẹ. Chính là "Ngực lớn mông rộng" ("Báu vật của đời"). Khi kế hoạch đã định hình, tôi cháy trong cảm xúc ấy đến mức hoàn thành một bản thảo gồm nửa triệu từ trong chỉ tám mươi ba ngày.
Trong "Ngực lớn mông rộng", tôi không ngần ngại kết hợp chất liệu phụ với trải nghiệm thực tế của mẹ, nhưng trạng thái cảm xúc của mẹ thì được hư cấu đến mức hoàn toàn giả tạo hoặc chỉ là sự pha trộn của nhiều người mẹ ở huyện Cao Mật vùng Đông-Bắc. Dù viết "gửi tới linh hồn mẹ tôi" ở trang đề tặng, nhưng cuốn tiểu thuyết ấy thực sự dành cho tất cả những người mẹ ở khắp nơi, có lẽ, đó là cái tham vọng đầy tự phụ của tôi, cũng như cái tham vọng rằng huyện Cao Mật vùng Đông-Bắc là hình ảnh thu nhỏ của Trung Quốc, thậm chí của toàn thế giới.
Qúa trình sáng tác của mỗi tác giả là không lẫn với ai. Mỗi tiểu thuyết của tôi đều khác với phần còn lại về cốt truyện và ý tưởng chủ đạo. Một số tiểu thuyết, chẳng hạn "Củ cà-rốt trong suốt" xuất phát từ giấc mơ, trong khi một số khác, chẳng hạn "Cây tỏi nổi giận" lại bắt đầu từ những sự việc có thật. Dù khởi nguồn của tác phẩm là giấc mơ hay là đời sống hiện thực, thì chỉ khi kết hợp với những trải nghiệm cá nhân, tác phẩm mới có được cá tính, mới nổi tiếng với những nhân vật đặc biệt - được xây dựng bằng những tình tiết sống động, sử dụng ngôn ngữ đầy tính suy tưởng, và tỏ ra là một cấu trúc được chế tác tốt. Ở đây tôi phải nhấn mạnh rằng trong "Cây tỏi nổi giận", tôi đưa một người kể chuyện, ca sĩ có thực vào một trong những vai quan trọng nhất. Tôi ước rằng mình đã không sử dụng tên thật của anh ấy, dù đã trau chuốt những lời nói và hành vi của anh ấy. Đây là chuyện thường xuyên xảy ra với tôi. Ban đầu tôi sử dụng tên thật của nhân vật để có một cảm giác thân thuộc, và sau khi hoàn thành công việc thì có vẻ như đã quá muộn để thay đổi những cái tên đó. Điều này khiến cho những người bắt gặp tên của họ trong tiểu thuyết của tôi đã tìm cha tôi để trút giận. Cha luôn xin lỗi thay tôi, nhưng sau đó cha kêu gọi họ không nghiêm trọng hóa vấn đề. Cha nói: "Câu đầu tiên trong "Cao lương đỏ", 'Cha tôi, con của thổ phỉ', chẳng làm tôi buồn, vậy tại sao mọi người lại không vui?".
Thách thức lớn nhất của tôi khi viết tiểu thuyết là làm việc với những vấn đề xã hội, chẳng hạn trong "Cây tỏi nổi giận", không phải vì tôi sợ việc phê phán nhiều mặt tối của xã hội, mà vì những cảm xúc nóng nảy và sự giận dữ sẽ làm cho chính trị lấn át văn học và biến tiểu thuyết thành báo cáo về vấn đề xã hội. Với tư cách là một thành viên của xã hội, tiểu thuyết gia có quan điểm và góc nhìn của riêng mình; nhưng khi viết thì họ phải lấy quan điểm nhân văn và chịu sự dẫn dắt của nó. Được vậy thì văn học mới không chỉ quanh quẩn với các sự kiện mà còn vượt qua chúng, không chỉ quan tâm đến chính trị mà còn vĩ đại hơn chính trị.
Có thể vì tôi đã sống quá dài trong hoàn cảnh khó khăn, nên tôi nghĩ rằng mình hiểu biết sâu sắc về cuộc sống. Tôi biết sự can đảm thực sự là gì, và tôi hiểu lòng trắc ẩn đúng nghĩa. Tôi biết cái miền đất mờ ảo trong trái tim và trong lý trí của mỗi người, miền đất mà ở đó không thể định rõ đúng hay sai, xấu hay tốt, và cái lãnh thổ mênh mông này là nơi mà các tác giả thoải mái phô diễn tài năng. Miễn là làm việc hợp lý và miêu tả rõ ràng cái miền đất mờ ảo và nhiều vẻ này, thì nhất định sẽ vượt qua chính trị và thu được thành công trong văn học.
Cứ nói mãi về công việc của tôi thì sẽ rất chán, nhưng cuộc đời và những tác phẩm của tôi lại không thể tách rời nhau được, cho nên nếu không nói về công việc của mình thì tôi không biết nói gì nữa cả. Hy vọng mọi người sẵn lòng lượng thứ cho tôi.
Với tư cách là một người kể chuyện hiện đại, tôi ẩn sau các tác phẩm trước đây, nhưng với tiểu thuyết "Đàn hương hình" tôi đã nhảy ra khỏi cái bóng của tác phẩm. Có thể nói các tác phẩm trước đây của tôi là một loạt những lời độc thoại, không có độc giả; nhưng bắt đầu từ tiểu thuyết này, tôi phác họa rằng mình đang đứng ở một quảng trường công cộng và say sưa kể câu chuyện của mình cho đám đông thính giả. Phong cách ấy là phổ biến trong truyện hư cấu, nhưng đặc biệt phổ biến ở Trung Quốc. Đã có lúc tôi cần mẫn nghiên cứu về truyện hư cấu hiện đại của phương Tây, và tôi đã thử sức với mọi phong cách kể chuyện. Nhưng cuối cùng thì tôi trở lại những phong cách cũ của mình. Nhưng chắc chắn sự trở lại này không thể không có những điều chỉnh. "Đàn hương hình" và các tiểu thuyết sau đó đều là sự kế thừa phong cách tiểu thuyết cổ điển của Trung Quốc nhưng được bổ sung các kỹ thuật văn học phương Tây. Những gì gọi là truyện hư cấu cách tân, hầu hết đều là kết quả của sự pha trộn này, sự pha trộn không những không chia cắt những phong cách trong nước với những kỹ thuật nước ngoài, mà có thể kết hợp truyện hư cấu với những loại hình nghệ thuật khác. "Đàn hương hình" chẳng hạn, kết hợp truyện hư cấu với nhạc kịch địa phương, trong khi một số tác phẩm trước đây còn có mỹ thuật, âm nhạc, thậm chí cả xiếc nữa.
Cuối cùng, tôi mong các bạn rộng lượng cho tôi nói chuyện về tiểu thuyết "Sống đọa thác đầy". Cái tên tiếng Trung bắt nguồn từ kinh sách Phật giáo, và tôi được biết rằng các dịch giả của tôi đang cố chuyển tải nó sang ngôn ngữ của họ. Tôi không hiểu rõ kinh sách Phật giáo và chỉ có kiến thức hời hợt về Phật giáo. Tôi chọn cái tên này vì tôi tin rằng những nguyên lý cơ bản của niềm tin Phật giáo thể hiện tri thức tổng quát, rằng nhiều tranh chấp của loài người là vô nghĩa trong thế giới Phật giáo. Theo quan điểm cao quý của Phật giáo về vạn vật thì thế giới của con người thật là đáng thương. Tiểu thuyết của tôi không phải một luận văn về tôn giáo; mà trong đó tôi vẫn viết về số phận, những cảm xúc, những hạn chế và sự hào phóng của con người, về cuộc tìm kiếm niềm vui của họ và những quãng đường dài mà họ sẽ đi, những sự hy sinh mà họ phải trả, để giữ vững những niềm tin của mình. Theo tôi, Mặt Xanh - một nhân vật đối đầu với những xu thế hiện hành - là một anh hùng chân chính. Một nông dân, ở ngôi làng bên cạnh, là hình mẫu cho nhân vật này. Thời niên thiếu, tôi thường thấy anh ấy đi lướt qua cửa, đẩy một chiếc xe kẽo kẹt bánh gỗ, trước xe là con lừa què được dắt bởi người vợ chân bó. Mang tính chất của xã hội cũ, tổ lao động lạ lùng này có cái hình ảnh không ăn nhập với thời đại. Trong con mắt trẻ con của chúng tôi, họ là những chú hề chống lại các xu thế lịch sử, khiến chúng tôi tức giận tới mức ném đá họ khi họ đi ngang qua chúng tôi trên phố. Sau này, sau khi tôi bắt đầu viết, người nông dân ấy và hoạt cảnh của anh ta thâm nhập tâm trí tôi, và tôi biết rằng một ngày nào đó tôi sẽ viết tiểu thuyết về anh ta, rằng không sớm thì muộn tôi sẽ kể câu chuyện của anh ta cho cả thế giới. Nhưng tôi đã không thể thực hiện được điều ấy cho tới năm 2005, khi tôi xem bức tranh tường "Sáu đường luân hồi của Samsara" của Phật giáo ở một ngôi đền, thì tôi đã biết chính xác phải làm như thế nào để kể câu chuyện của anh ta.
Giải Nobel của tôi gây tranh cãi. Lúc đầu tôi nghĩ rằng tôi là đối tượng của những tranh cãi, nhưng về sau tôi nhận thấy rằng đối tượng thực sự lại là một người không liên quan đến tôi. Cũng như một người đang xem kịch trong nhà hát, tôi quan sát những màn biểu diễn quanh mình. Tôi thấy người giành giải thưởng này vừa được đeo những vòng hoa chúc mừng, vừa bị bao vây bởi những người ném đá và té nước bẩn. Tôi sợ anh ấy sẽ gục ngã trước sự tấn công, nhưng anh ấy đã trụ lại được với một nụ cười trên mặt, giữa những bông hoa và những viên đá; anh ấy lau sạch bùn và bụi, bình thản đứng sang một bên và nói với đám đông: "Đối với một tác giả, viết là cách nói tốt nhất. Các bạn sẽ tìm thấy mọi điều tôi muốn nói trong các tác phẩm của tôi. Lời nói bị gió cuốn đi, còn những câu chữ đã được viết ra thì không bao giờ bị xóa bỏ. Tôi mong các bạn hãy kiên nhẫn đọc các cuốn sách của tôi. Tôi không thể ép buộc các bạn, và ngay cả khi các bạn làm như vậy thì tôi cũng không trông chờ các bạn thay đổi ý kiến về tôi. Chưa có tác giả nào, dù ở bất cứ nơi đâu, lại được mọi độc giả của mình yêu thích; điều đó đặc biệt đúng trong những lúc như thế này."
Dù tôi muốn im lặng, nhưng trong dịp này tôi phải nói một điều gì đó, xin hãy cho tôi nói nhanh mấy câu:
Tôi là một người kể chuyện, do đó tôi muốn kể cho các bạn một vài câu chuyện.
Khi tôi là một học sinh cấp ba vào những năm 1960, trường tôi tổ chức một buổi ngoại khóa để công bố những hình ảnh đau đớn và mất mát, ở đó, dưới sự chỉ đạo của giáo viên, chúng tôi đã khóc thảm thiết. Tôi để nước mắt lăn trên má nhằm gây ấn tượng với giáo viên, và xem một số bạn nhổ nước bọt ra tay rồi xoa nó lên mặt làm nước mắt giả. Tôi thấy một bạn không ướt mặt, vẫn im lặng và không lấy tay ôm mặt. Bạn ấy chỉ nhìn chúng tôi, mắt mở to ngạc nhiên và không hiểu chuyện gì đang xảy ra. Sau buổi ngoại khóa, tôi đã mách với giáo viên và bạn ấy bị cảnh cáo. Sau này, khi tôi tỏ ra sự hối hận vì việc làm đó, giáo viên bảo rằng có ít nhất mười bạn khác cũng làm như tôi. Bạn ấy đã qua đời ít nhất là mười năm rồi, còn lương tâm tôi rất dằn vặt mỗi khi nghĩ về bạn ấy. Nhưng tôi đã học được một số điều quan trọng từ sự cố này, đó là: Khi mọi người quanh bạn đều khóc, bạn vẫn có quyền không khóc, và khi những giọt nước mắt chỉ để làm cảnh, thì không khóc là càng đúng đắn.
Có một câu chuyện khác: Hơn ba mươi năm trước, lúc tôi ở trong quân đội, có một buổi tối khi tôi đang ngồi đọc sách trong phòng, thì một sĩ quan cấp trên mở cửa bước vào. Ông ấy nhìn lướt xuống và ngồi trước mặt tôi rồi thì thầm: "Này, mọi người đâu cả rồi?". Tôi đứng lên và nói to: "Ông bảo rằng tôi không phải một người hay sao?". Sĩ quan cao cấp đỏ bừng hai tai vì bối rối, và ông ấy đi ra. Suốt một thời gian dài sau đó tôi lấy làm tự hào về cái điều mà tôi coi là một phong thái hiên ngang. Sau này, sự tự hào ấy trở thành sự cắn rứt của lương tâm.
Xin vui lòng nghe tôi, chỉ một câu chuyện cuối nữa thôi, câu chuyện mà nhiều năm trước ông tôi đã kể cho tôi: Một nhóm tám người thợ xây ở ngoại thành đến trú bão trong một ngôi đền. Sấm ầm ầm bên ngoài, trút những quả cầu lửa xuống chỗ họ. Họ thậm chí còn nghe thấy cả âm thanh tựa rồng thét. Họ kinh hãi, mặt tái mét. Một người nói: "Trong chúng ta có một người nào đó hẳn là đã gây tội khủng khiếp đối với trời. Ai có tội thì tình nguyện bước ra nhận lấy hình phạt và cứu những người vô tội khỏi sự đau đớn". Tất nhiên chẳng có ai tình nguyện. Cho nên một trong số bảy người còn lại đề nghị: "Vì không ai muốn bước ra, nên tất cả chúng ta hãy quăng mũ rơm của mình ra cửa. Mũ của ai bay qua cửa thì người ấy có tội, và chúng ta sẽ đòi người ấy bước ra và nhận lấy hình phạt của mình". Thế là họ quăng mũ của mình ra cửa. Bảy cái bị thổi ngược vào trong, một cái bay ra ngoài. Một người bị buộc bước ra và nhận lấy hình phạt của anh ta, và khi anh ta không chịu, bảy người còn lại nhấc bổng anh ta lên và quẳng anh ta ra cửa. Tôi dám cá rằng các bạn đều biết kết cục của câu chuyện: Ngôi đền sụp xuống ngay sau khi anh ta bị quẳng ra khỏi cửa.
Tôi là một người kể chuyện.
Kể chuyện đã giúp tôi có được giải Nobel văn học.
Nhiều điều thú vị đã đến với tôi sau khi đuợc giải thưởng này, và chúng thuyết phục tôi rằng sự thật cũng như công lý vẫn tồn tại, vững vàng.
Vì thế trong thời gian tới tôi sẽ tiếp tục kể những câu chuyện của mình.
Cảm ơn mọi người!
[1] Chân bó (bound feet) là một tập tục để làm đẹp ở địa phương, cũng như tập tục nhuộm đen răng hay đeo vòng kéo dài cổ ở nơi khác.
Nguồn: viet-studies
Những bài liên quan:
DẠY VÀ HỌC - Kim Dung, Vương Mông, Mạc Ngôn: bạn thích ai?
Trở về trang chính:
HOÀNG KIM
DẠY VÀ HỌC Số lần xem trang : 19817 Nhập ngày : 21-12-2012 Điều chỉnh lần cuối : 13-02-2013 Ý kiến của bạn về bài viết này
CNM365 Tình yêu cuộc sống CNM365 Chào ngày mới 19 tháng 9(19-09-2020) CNM365 Chào ngày mới 18 tháng 9(18-09-2020) CNM365 Chào ngày mới 17 tháng 9(17-09-2020) CNM365 Chào ngày mới 16 tháng 9(16-09-2020) CNM365 Chào ngày mới 15 tháng 9(15-09-2020) CNM365 Chào ngày mới 14 tháng 9(14-09-2020) CNM365 Chào ngày mới 13 tháng 9(13-09-2020) CNM365 Chào ngày mới 12 tháng 9(12-09-2020) CNM365 Chào ngày mới 11 tháng 9(11-09-2020) CNM365 Chào ngày mới 10 tháng 9(09-09-2020) Trang kế tiếp ... 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 61 62 63 64 65 66 67 68 69 70 71 72 73 74 75 76 77 78 79 80 81 82 83 84 85 86
|