TS. Hoàng Kim
CÂY LƯƠNG THỰC. Mời các bạn đến địa chỉ xanh Tiến sĩ lúa mùa , bài và ảnh của Vĩnh Hòa đăng trên báo Sài Gòn Tiếp Thị tháng 9 năm 2012. Tại đây có tên của các giống lúa mùa ưu tú đang được chọn tạo: Sỏi, Một Bụi Đỏ năng suất cao, chịu mặn khá. Hơn thế nữa, ở đó đang tiếp tục tạo chọn những giống lúa thơm chịu mặn TP (Thơm Phức) bằng kỹ thuật điện di protein lấy cái phần thơm ngon của lúa thơm lai với các giống lúa năng suất cao chịu mặn. Chúng ta hãy đón nhận những thành tựu mới này của PGS.TS.Võ Công Thành cùng cộng sự ở Trường Đại học Cần Thơ , các giống lúa chịu mặn ưu tú của TS. Phạm Trung Nghĩa và cộng sự Viện Lúa Đồng Đằng Sông Cửu Long, những kết quả mới của chương trình Siêu Lúa Xanh ( Green Super Rice - GRS). Sự cần thiết phải tiếp sức để đánh giá và tuyển chọn giống lúa tốt trên diện rộng. Giấc mơ xanh trên 700.000 ha ngập mặn đòi hỏi sự nỗ lực đúng hướng của nhiều thế hệ.
Tiến sĩ lúa mùa
SGTT.VN - Trên chuyến xe đò từ Cần Thơ về huyện Hồng Dân (Bạc Liêu) hồi cuối tháng 2 năm nay, dọc đường, điện thoại của một người rặt vóc dáng nông dân không ngừng reo. Người gọi là những hộ dân đang trồng thí điểm một số giống lúa mùa, họ lo lắng khi độ mặn hiện giờ đã vượt 10%0. Dưới cái nắng giữa cuối mùa khô và độ mặn cứ tăng dần mỗi ngày, tôm cũng dễ chết nên lúa giống đang ủ liệu có nảy mầm, lúa đang trổ đòng liệu có ngậm sữa… Người nghe là phó giáo sư – tiến sĩ Võ Công Thành.
Lúa chịu mặn
Buổi làm việc với tiến sĩ Thành ở Hồng Dân hôm ấy, có mặt cả bí thư lẫn chủ tịch huyện. Số là, mấy năm trước, khi biết ông đang lai tạo một số giống lúa mùa chịu được mặn, huyện tìm đến ông và ký hợp đồng để phá hoang vùng ngập mặn hơn 24.000ha. Suốt mấy năm đeo đuổi, cải tạo, nhân giống, cách mà ông thường gọi là “phục tráng”, các giống lúa Một Bụi Đỏ, Một Bụi Hồng… đã bám rễ ở những vùng độ mặn 6 – 8%0 và trở thành gạo thương phẩm, vừa sạch vừa ngon, được đăng ký bảo hộ. Một bước dài, năm nay khoảng 16.000ha vùng mặn xen ngọt đã được giải quyết, nông dân làm được một vụ lúa, một vụ tôm – cá hoặc xen canh tôm – lúa.
Cái cũ chưa xong, đầu năm ngoái, hai bên lại ký tiếp hợp đồng mới, yêu cầu của bên trả tiền: giải quyết nốt 5.000ha vùng quá mặn (trên dưới 10%0). Bên nhận tiền trưng ra một loại lúa mùa khác, tên “Sỏi”. Buổi làm việc căng như dây đàn dù toàn người thân quen. Hợp đồng cũ coi như xong, nhưng huyện đề nghị ông giảm bớt tỷ lệ bạc bụng trong gạo, hỗ trợ một phần đầu ra. Hợp đồng mới còn ngổn ngang, sau một năm, từ 4kg lúa Sỏi giống siêu nguyên chủng của phòng thí nghiệm, Hồng Dân thu được 20 tấn lúa giống. Lúa Sỏi xuống ruộng không phải dùng thuốc trừ sâu bệnh, chịu mặn, chịu nóng, năng suất 4 – 5 tấn/ha, cơm mềm, khoáng chất cao, chỉ cần rút ngắn thời gian sinh trưởng xuống 100 ngày là ổn. Mùa này, cả huyện xuống giống hơn 300ha, tới vụ thu hoạch ước chừng từ 1.200 – 1.500 tấn. Thôi thì trăm thứ để bàn, trồng theo phương án nào, 20 tấn giống xử lý ra sao, có bán ra ngoài tỉnh không. Đầu ra, huyện có dám bao tiêu hết…. Thế mới biết, lấy được một đồng chân chính từ ngân sách thật không dễ!
Trong chuyến về Hồng Dân hôm ấy, nhìn ông lúc làm việc với lãnh đạo huyện Hồng Dân, hay khi bì bõm lội ruộng thăm lúa, mái tóc bạc cháy nắng, da đen sạm, nụ cười chất phác trên khoé môi khô, đôi bàn tay chai sạn, người lạ sẽ nghĩ ngay ông là một nông dân chính hiệu chứ không phải một phó giáo sư – tiến sĩ, giảng viên của đại học Cần Thơ.
Tiến sĩ “biến đổi khí hậu”
Người ta gọi ông bằng nhiều cái tên: “tiến sĩ thơm phức” (ông lai tạo một giống lúa mùa có tên Thơm Phức) hay “tiến sĩ thần nông mặn” (tên khác của lúa Sỏi), nhưng tôi vẫn thích gọi ông bằng cái tên “tiến sĩ biến đổi khí hậu”. Có lẽ chính vì cái sự biến đổi khí hậu của thiên nhiên, nên những vốn quý của đồng bằng – các giống lúa mùa truyền thống – được ông sưu tập, bảo tồn từ nhiều năm trước nay phát huy tác dụng. Mặc dù, “vốn quý” này đã bị bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn khai tử hơn chục năm trước vì năng suất kém, thời gian sinh trưởng dài và đặc biệt là tác nhân phát tán rầy. Ông thổ lộ: “Nếu không có biến đổi khí hậu, mấy giống lúa mùa chịu mặn, chịu hạn của tôi bị bỏ quên tới mục”.
Các giống lúa Một Bụi Đỏ, Một Bụi Hồng… đã bám rễ ở những vùng độ mặn 6 – 8 %0 và trở thành gạo thương phẩm, vừa sạch vừa ngon, được đăng ký bảo hộ. Một bước dài, năm nay khoảng 16.000ha vùng mặn xen ngọt đã làm được một vụ lúa, một vụ tôm – cá hoặc xen canh tôm – lúa.
|
Cái mốc đáng nhớ của ông là vào mùa khô năm 2007 – 2008, khi các tỉnh ven biển đồng bằng sông Cửu Long bị hạn, nước mặn xâm nhập sâu vào nội đồng. Tất cả đổ xô đi tìm giống lúa chịu mặn. Họ tìm ông và ngay sau đó “Thơm Phức” (ông gọi tắt là TP) được đưa xuống Trà Vinh thử nghiệm. Vào vụ gặt, TP vẫn trĩu hạt dù nước ruộng đã mặn từ lâu, trong khi các giống quen bông trổ thẳng đứng, lép kẹp. Cơm mềm, bay mùi thơm phức. Vụ đầu mỗi hecta được 4 – 5 tấn, mấy vụ sau lên 6 – 7 tấn. Công ty lương thực Trà Vinh làm thêm một bước: bao tiêu đầu ra. TP được cục Sở hữu trí tuệ cấp chứng nhận nhãn hiệu.
“Tiếng lành đồn xa”, nhiều địa phương, cả doanh nghiệp lẫn nhà quản lý tìm đến ông đặt hàng các giống lúa mùa thích ứng với biến đổi khí hậu ở vùng của mình. Họ đến từ vùng mặn ở Cà Mau, Kiên Giang… và cả từ vùng hạn ở Tri Tôn, Thoại Sơn (An Giang). Ông bận túi bụi khi phải phục tráng hàng loạt giống lúa mùa: Thần Nông, Tài Nguyên, Nàng Níu, Nàng Thơm… Đến nay, hơn chục giống lúa mùa, qua bàn tay ông và cộng sự, đã chịu được hạn, mặn, ngắn ngày, năng suất khá, thơm mềm.
Giấc mơ xanh trên 700.000ha ngập mặn
Cơ duyên đưa ông đến với những giống lúa mùa chịu hạn, chịu mặn bắt đầu từ cuối thập niên 90 của thế kỷ trước, khi Nhật Bản chuyển giao cho trường đại học Cần Thơ một công nghệ có tên “Điện di protein SDS-PAGE”. Công nghệ này được phía Nhật ứng dụng trên cây đậu nành. Thấy có vẻ không hợp ở xứ mình, nên ông mạnh dạn đề nghị chuyển sang cây lúa. Nôm na, kỹ thuật điện di protein SDS-PAGE có thể phát hiện gạo mềm, hoặc cứng cơm, tăng được nhiều hàm lượng quý như sắt, protein… trong gạo, nên có thể tuyển lấy nguồn giống tốt nhất. Đây là đề tài luận án tiến sĩ của ông vào năm 2003, tại đại học Công nông Tokyo.
Cũng lúc này, tiến sĩ Võ Công Thành bắt đầu hành trình đi tìm, thu thập những giống lúa mùa của dân gian vùng đồng bằng từ xa xưa. Nhiều năm rong ruổi trên chiếc xe máy, từ Long An, Bến Tre đến Cà Mau, Kiên Giang… không vùng ngập mặn nào ông không đặt chân, ăn nằm với nông dân để tìm hiểu đặc điểm sinh trưởng của từng giống. Lúc này, lúa mùa đã gần như bị loại khỏi cuộc chơi vì dài ngày, năng suất chỉ cỡ 1 tấn/ha. Đến 2004, ông kiếm được khoảng 150 giống lúa mùa. Trong số này, không ít giống có khả năng kháng mặn, kháng bệnh, ông chọn ra và nhân giống ở phòng thí nghiệm của trường. Đầu tiên là Một Bụi Đỏ và lúa Sỏi. Bước nữa, ông dùng kỹ thuật điện di protein lấy cái phần thơm ngon của lúa thơm lai tạo với giống chịu mặn.
Và TP ra đời với sức chịu mặn hơn 3%0.
“Nếu không có cái vụ biến đổi khí hậu thì mấy cái giống lúa mùa chịu mặn, chịu hạn của tôi bị xếp xó tới mục”
TS Võ Công Thành
|
Lúc này, ông công bố một đề tài nghiên cứu “Đánh giá khả năng chịu mặn và đa dạng di truyền protein dự trữ của các giống lúa trồng ven biển vùng đồng bằng sông Cửu Long”. Mục đích nhằm khai thác vốn gen quý, phục vụ chọn tạo giống, đặc biệt trong tình hình biến đổi khí hậu hiện nay. Tiếc rằng, đề tài của ông lúc đó chưa được quan tâm, nó ngủ quên giống như bộ sưu tập lúa mùa (khoảng 100 loại giống bị hư hỏng vì không có điều kiện bảo quản) và chỉ thức giấc khi nước mặn xâm lấn sâu vào đồng bằng trong mùa khô 2007 – 2008.
***
Bước vào phòng thí nghiệm di truyền – chọn giống và ứng dụng công nghệ sinh học của đại học Cần Thơ, nơi đang ươm gần chục giống lúa để sẵn sàng cấp ngay giống nguyên chủng cho khách hàng, cũng nhỏ bé như cái chỗ ngồi của ông trưởng phòng – phó giáo sư, tiến sĩ Võ Công Thành. Chưa đầy chục con người, tất cả đều là học trò của ông vẫn miệt mài với từng hạt lúa. Từ lâu, cái phòng thí nghiệm nhỏ bé này phải xoay xở để tự trang trải chi phí, trả lương cho tám con người, mà đầu tàu là thầy Thành. Nhưng dường như, những cái khốn khó thường nhật đã tạm quên trong ánh mắt của vị tiến sĩ khi ông nói tới cái ngày 700.000ha đất ngập mặn của vùng đồng bằng đều trồng lúa.
Bài cùng chủ đề:
Giống lúa chịu hạn, mặn ở ĐBSCL
Theo các nhà khoa học nghiên cứu chọn tạo giống lúa ở ĐBSCL, thì việc tìm giống lúa chịu hạn, mặn thích nghi với biến đổi khí hậu đã được họ chuẩn bị từ lâu.
TS Võ Công Thành, Trưởng Bộ môn Di truyền giống nông nghiệp Khoa Nông nghiệp & Sinh học ứng dụng, trường ĐH Cần Thơ cho biết: Từ năm 2000 một số nhà khoa học trường ĐH Cần Thơ đã có những công trình sưu tập và giữ lại những giống lúa cổ truyền. Chúng tôi ngạc nhiên với giống lúa mùa địa phương như: Nàng Qướt, Tiêu Chùm, Sỏi Đá có khả năng chịu mặn tới 20%o, dù năng suất rất thấp, chỉ chừng 2-3 tấn/ha. Trong đó giống lúa Nàng Qướt của Tiền Giang xưa kia nổi trội thích nghi trên đất sát mé biển, vùng ngập mặn thường xuyên. Hay giống lúa Sỏi Đá nổi tiếng cứng cây, năng suất khá...
TS Phạm Trung Nghĩa, Trưởng Bộ môn Công nghệ sinh học - Viện Lúa ĐBSCL cho rằng: Cả 2 vùng lúa phía Bắc và Nam đã bắt đầu thực hiện đề tài chọn tạo giống lúa chịu mặn của Bộ NN-PTNT. Ở phía Nam, Viện Lúa ĐBSCL thực hiện chọn tạo bộ giống chịu mặn với kinh phí 3 tỷ trong 5 năm (2009-2013). Thời gian từ lai tạo - tuyển chọn, cho đến khi có được một số dòng lúa mới thuần chủng cần ít nhất là 6-7 vụ lúa, sau đó cần khoảng 2-4 vụ cho việc đánh giá năng suất, khảo nghiệm đặc tính của giống. Do đó thời gian chọn tạo giống là tương đối dài, cho nên mỗi chương trình, đề tài chọn giống đều có phần kế thừa nguồn dòng/giống lúa từ đề tài chọn tạo giống lúa khác thực hiện trước đó.
Từ năm 2009 đến nay, Viện Lúa ĐBSCL đã bước đầu tìm 30 dòng lúa có triển vọng chịu mặn là những dòng lúa kế thừa, được phát hiện chịu mặn qua nhiều lần thanh lọc trong phòng thí nghiệm và nhà lưới. Đánh giá những dòng lúa triển vọng này có khả năng chịu mặn tốt trong sản xuất lúa vùng ĐBSCL hay không còn đang được phối hợp khảo nghiệm ở một số trung tâm giống của các tỉnh như SócTrăng, Kiên Giang, Bến Tre, Bạc Liêu...
TS Nghĩa cho biết thêm, trong nghiên cứu ngoài việc chọn tạo giống lúa chịu mặn, chúng tôi cũng đang rất quan tâm đến các biện pháp kỹ thuật liên quan đến canh tác lúa như sử dụng phân bón giàu khoáng vi lượng-vitamin, chế phẩm sinh học, hóa chất cải tạo đất, kỹ thuật tưới tiêu, cải tạo đất... sao cho giúp cây lúa chịu đựng tốt hơn trong điều kiện bị nhiễm mặn. Kết hợp được giống lúa chịu mặn với biện pháp kỹ thuật sẽ giúp tăng tính chịu mặn của cây lúa lên cao hơn, sản xuất lúa trong mùa vụ nhiễm mặn sẽ an toàn, hiệu quả. Ngoài tính chịu mặn ra, giống lúa mới cần phải có năng suất cao, thời gian sinh trưởng ngắn, kháng sâu bệnh, thích nghi với điều kiện tự nhiên thì mới được bà con nông dân ưa thích, gieo trồng trong sản xuất.
Hiện nay, một số giống lúa mới của Viện Lúa ĐBSCL xác định có khả năng kháng mặn khá cao như OM6976, OM6677, OM5464, OM5629, OM5166... đã và đang được khảo nghiệm ở một số tỉnh: Sóc Trăng, Kiên Giang, Bạc Liêu, Bến Tre. Kết quả khảo nghiệm ban đầu ghi nhận khá khả quan, trong đó giống lúa OM5464 đang được đề nghị nhân rộng và trình Bộ NN-PTNT công nhận là giống lúa sản xuất thử trong năm 2010. Hai giống OM6976 và OM5166 đang được tiếp tục khảo nghiệm, xác định biện pháp kỹ thuật thích hợp để tăng tính chịu mặn và năng suất của giống. Hai giống lúa mới này đang dự kiến xin công nhận trong năm 2011.
TS Võ Công Thành xác nhận: Trong 2 năm 2008-2009, giống lúa BN được chọn tạo từ giống lúa IR 50404 đột biến cho thấy khả năng thích nghi trên vùng đất phèn, chịu hạn ở Đồng Tháp, Trà Vinh và ở Hậu Giang đã có gần 400-500ha. Giống BN chất lượng gạo mềm cơm, hàm lượng amylose trên 22%, bạc bụng 5% (ngưỡng cho phép 15%); kháng rầy, kháng đạo ôn, khô đầu lá, bệnh vonnnn Riêng giống Một bụi đỏ Hồng Dân, từ tháng 2/2009 bắt đầu thực hiện đến nay có được kết quả bước đầu với 100kg giống chuyển giao về huyện Hồng Dân (Bạc Liêu) nhằm đáp ứng cho mô hình lúa-tôm, không sử dụng thuốc trừ sâu để sản xuất gạo sạch. Bên cạnh đó, hiện nay Bộ môn Di truyền chọn giống nông nghiệp Khoa nông nghiệp & Sinh học ứng dụng, trường ĐH Cần Thơ đã có kết quả trong việc chọn tạo giống đậu bắp mới với ưu thế lai, có khả năng kháng sâu đục trái, sâu đục thân, chịu hạn, phèn; có khả năng trồng trên vùng đất mặn và năng suất cao. Đây là giống hướng tới sản xuất sạch, không dùng thuốc sâu để phát triển vùng rau màu ở vành đai các đô thị.
Trở lại với đề tài nghiên cứu chọn tạo giống lúa chịu mặn, TS Nghĩa nhận xét: Thực tế trong sản xuất hiện nay ở một số vùng lúa nhiễm mặn, ruộng lúa thường bị ngập tạm thời trong thời gian từ 7-18 ngày sau khi xuống giống đầu vụ. Hướng nghiên cứu thích nghi này đã được Viện Lúa Quốc tế thực hiện, còn Viện Di truyền NN và Viện Lúa ĐBSCL cũng đang bắt đầu thực hiện. Giống lúa bố mẹ mang tính chịu mặn và chịu ngập đã được xác định và không bị rào cản về bản quyền nguồn giống. Do BĐKH, kết hợp với việc xuất hiện đê ngăn nước thượng nguồn sông Mê Kông, nước trong sông, kênh rạch vùng ĐBSCL có thể bị thiếu tạm thời. Do đó chọn giống lúa chịu hạn trong thời gian ngắn (khoảng 5-14 ngày), đất không quá khô hạn (chủ yếu là ráo nước đến hơi khô) mà vẫn cho năng suất khá cao (từ 4-7 tấn/ha) là thích ứng nhất với điều kiện ĐBSCL. Chọn giống lúa theo hướng này sẽ đáp ứng tốt với kỹ thuật quản lý nước tưới tiêu tiết kiệm của Viện Lúa Quốc tế (tưới - khô ráo xen kẽ), hợp với điều kiện nguồn nước của ĐBSCL hiện nay
Đối với chọn giống lúa chịu nhiệt độ cao, TS Nghĩa cho rằng: Nhiệt độ cao trong giai đoạn trổ bông sẽ ảnh hưởng đến năng suất lúa. Ở nhiệt độ cao hơn 35oC trong vài giờ sẽ làm bông lúa đang trổ bị lép rất nhiều sau này. Nhiệt độ cao cũng sẽ làm giảm kích thước hạt lúa và giảm tỷ lệ xay chà gạo. Một vài đặc tính liên quan đến cấu trúc bông lúa cũng như đặc tính trổ sớm vào buổi sáng của một số lúa hoang có thể giúp lúa ít bị thiệt hại do nhiệt độ cao. Do đó, việc đầu tiên của hướng chọn giống này là phải đánh giá lại các ngân hàng gen giống lúa cho đặc tính chịu nhiệt độ cao, hoặc tìm nguồn giống lúa chịu nhiệt độ cao sử dụng trong các chương trình lai tạo.
Nguồn: Báo Nông nghiệp Việt Nam
Chọn tạo giống lúa hướng đến thích ứng với biến đổi khí hậu
Tiến sĩ Phạm Trung Nghĩa
Phó Viện Trưởng Viện Lúa ĐBSCL |
Báo Điện tử Cần Thơ 16.9.2011 |
Trong điều kiện khí hậu, môi trường ngày càng khắc nghiệt, công tác nghiên cứu, chọn tạo giống lúa nhằm nâng cao giá trị hạt gạo, phục vụ sản xuất được đặt ra hàng đầu. Xoay quanh vấn đề này, Tiến sĩ Phạm Trung Nghĩa, Phó Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL, cho biết:
- Sản xuất lúa ở vùng ĐBSCL đang phải đối diện với những khó khăn ban đầu do biến đổi khí hậu gây ra như: hiện tượng nhiễm mặn lan rộng, kéo dài và khô hạn cục bộ. Mặc dù tình hình trên chưa ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất lúa vùng ĐBSCL nhưng mức độ thiệt hại đang có chiều hướng tăng lên. Do đó, công tác nghiên cứu, chọn tạo giống lúa đang tập trung nhiều vào đặc tính chống chịu mặn, hạn cho giống lúa cao sản. Bên cạnh đó, Viện Lúa ĐBSCL hiện đang tập trung vào 2 mục tiêu nghiên cứu chọn tạo chính cho vùng phù sa nước ngọt, thâm canh là: (1) Chọn tạo giống lúa ngắn ngày (80-90 ngày), kháng sâu bệnh, phẩm chất gạo tốt, thích nghi cho canh tác các vùng trồng 3 vụ lúa/năm. Một vài giống lúa triển vọng ngắn ngày mới (OM11211, OM10424, OM10434, OM6904,...) đang được khảo nghiệm tại các tỉnh ĐBSCL. (2) Chọn tạo các giống lúa theo hướng tăng trần năng suất (đạt 10-12 tấn/ha), thời gian sinh trưởng từ 95-105 ngày, kháng sâu bệnh, phẩm chất gạo tốt, thích nghi cho vùng 2 vụ lúa/ năm. Với xu hướng tăng trần năng suất, công tác nghiên cứu, chọn tạo giống lúa mới từ các tổ hợp lai giống lúa dạng hình indica với giống lúa japonica đang được tập trung thực hiện. Nhiều dòng lúa triển vọng từ các tổ hợp lai indica x japonica với thân rạ to, cứng cây, đẻ nhánh khá, bông to chùm, tiềm năng năng suất cao đang được quan sát tại Viện Lúa ĐBSCL.
* Xu hướng nghiên cứu, chọn tạo và khuyến cáo các giống lúa phù hợp trong tình hình hiện nay được Viện tiến hành ra sao, thưa Tiến sĩ?
- Mục tiêu chọn tạo ra được các giống lúa chống chịu mặn ở mức độ từ 4-6‰ muối là rất cần thiết nhằm bảo đảm sản lượng lúa vùng ĐBSCL. Các nghiên cứu của Viện Lúa cho thấy, các giống lúa cao sản bị chết trên 80% số cây khi bị nhiễm mặn ở mức 4-6‰ trong vòng 1 tháng ở giai đoạn mạ, và giảm trên 60% năng suất khi bị mặn liên tục từ ngày thứ 55 sau khi gieo đến trổ. Thực tế, trong sản xuất lúa ở các vùng nhiễm mặn ĐBSCL, người dân vẫn còn đang canh tác diện rộng một số giống lúa cao sản chịu mặn cũ, phẩm chất gạo xấu (OM576, OM1490, AS996,...). Một số giống lúa mới phóng thích gần đây như: OM6976, OM8923, OM4900, OM5451, OM5464, OM5629 có tính chịu mặn từ 3-4‰ muối, phẩm chất gạo khá tốt và có tiềm năng năng suất cao. Một số dòng lúa chịu mặn mới như: OM7347, OM9915, OM9921 và OM9916 có tính chịu mặn khá tốt, gạo có mùi thơm đậm, cơm ngon, đang được khảo nghiệm và nhân rộng tại một số trung tâm giống các tỉnh như: Cà Mau, Sóc Trăng, Kiên Giang, Bến Tre và Trà Vinh. Về giống lúa chịu hạn, hiện có 2 giống lúa mới có tính chịu hạn khá, thích hợp cho vùng ĐBSCL đã được phóng thích vào sản xuất là OM5464 và OM6162. Do tính chất hạn ở ĐBSCL chỉ là những đợt hạn ngắn khoảng 5-14 ngày nên việc chọn tạo giống theo hướng chọn giống lúa thích nghi với điều kiện đất khô ráo, tưới nước tiết kiệm nhưng vẫn cho năng suất cao. Riêng xu thế chọn giống lúa có phẩm chất gạo cao, Viện cũng đã tạo ra được một số giống lúa thơm, gạo thon dài trên 7mm như: OM4900, OM6162, OM7347, OM9915, OM9921,...
* Thực tế, có một số giống lúa chất lượng cao nhưng vẫn chưa được người tiêu dùng biết đến, chấp nhận. Theo Tiến sĩ nguyên nhân do đâu? Viện có chiến lược gì để phát triển giống lúa chất lượng cao?
- Có vài lý do chính sau: Thứ nhất, giống lúa chất lượng cao thường hay bị nhiễm một hoặc vài loại sâu bệnh, thuộc nhóm giống có thời gian sinh trưởng từ 95-105 ngày. Đây là khuyết điểm cho nhóm lúa chất lượng cao khi so sánh với các giống lúa cao sản, ngắn ngày, chất lượng gạo thấp như IR50404, OM4218,... nên nông dân còn e dè trong sử dụng giống lúa này. Thứ hai, chúng ta vẫn chưa có nhiều vùng sản xuất lúa cho một giống lúa chất lượng cao nào đủ lớn để các doanh nghiệp thu mua, chế biến và hình thành thương hiệu. Một vùng sản xuất lúa canh tác hàng chục giống lúa khác nhau thường dẫn đến tình trạng bị trộn lẫn nhiều loại giống lúa khác nhau, làm giảm giá trị hạt gạo. Thứ ba, hạt gạo chất lượng thấp như: IR50404, OM576... hiện nay có thị trường thu mua nhiều hơn so với hạt gạo của giống lúa chất lượng cao, đôi khi giá mua giữa 2 loại gạo này không khác biệt. Do đó, ngoài biện pháp chọn tạo ra các giống lúa chất lượng cao, kháng sâu bệnh tốt hơn, thì việc quy hoạch sản xuất và tìm thị trường tiêu thụ nhằm đảm bảo giá trị kinh tế của hạt gạo chất lượng cao là cần thiết.
Để các chương trình phát triển giống lúa chất lượng cao có thể đưa vào sản xuất lúa trong điều kiện môi trường, khí hậu ngày càng khốc liệt, thì mục tiêu chọn tạo giống lúa chất lượng cao phải được kết hợp với mục tiêu chọn tạo giống lúa cho điều kiện canh tác bất lợi như: chống chịu mặn, hạn, ngập tạm thời... Viện Lúa ĐBSCL cũng đang tiếp tục thực hiện các đề tài nghiên cứu chọn tạo giống lúa chất lượng cao. Mục tiêu chất lượng gạo của các đề tài chọn giống lúa chất lượng hiện nay là phải đạt tiêu chuẩn hạt gạo của giống Jasmine85 (thơm, hạt gạo thon dài, trong, ít bạc bụng, cơm dẽo mềm). Hướng phấn đấu trong tương lai là chất lượng hạt gạo phải đạt tiêu chuẩn chất lượng của giống lúa Basmati- một giống lúa nổi tiếng ở các vùng sản xuất lúa của Pakistan và Ấn Độ có mùi thơm đậm, gạo thon dài, mềm dẻo và ngon.
* Theo Tiến sĩ, để nâng cao hơn nữa giá trị kinh tế của hạt gạo thì cần phải quan tâm đến vấn đề gì trong sản xuất?
- Theo tôi, vấn đề cần quan tâm trước hết là việc sử dụng giống lúa xác nhận trong nông dân hiện nay chỉ khoảng 20-40%, còn lại là hạt lúa tự để lại từ ruộng sản xuất để làm giống cho vụ sau, nên cần nâng cao hơn nữa số lượng hạt giống xác nhận được sử dụng trong nông dân. Để làm tốt khâu này, mạng lưới đánh giá và nhân giống lúa các cấp giữa cơ quan tạo giống (viện/ trường đại học) với các trung tâm giống các tỉnh, công ty giống cần phải được liên kết, tổ chức lại chặt chẽ hơn. Cơ quan tạo giống cần nắm bắt được nhu cầu giống lúa, số lượng cần cho từng năm, để có kế hoạch nhân giống lúa siêu nguyên chủng, nguyên chủng cung cấp đủ cho các tỉnh. Trung tâm giống, trung tâm khuyến nông các tỉnh cần tăng cường công tác nhân giống lúa cấp nguyên chủng, xác nhận và đẩy mạnh xã hội hóa công tác giống. Đồng thời thực hiện tốt mạng lưới nhân giống lúa các cấp, để cung cấp đủ số lượng giống xác nhận cho nông dân sử dụng lên trên 80% diện tích canh tác lúa. Cần đẩy mạnh hơn nữa việc quy hoạch và thực hiện các vùng sản xuất lúa cho từng giống lúa chất lượng cao. Gần đây, một số tỉnh thực hiện rất tốt mô hình “Nông hộ nhỏ, cánh đồng lớn” giúp quy hoạch lại ruộng đất, cơ giới hóa trồng lúa và hình thành cơ cấu một vài giống lúa chủ lực/cánh đồng. Một vấn đề quan trọng cần quan tâm là khâu tổ chức sấy lúa và bảo quản trong vụ hè thu. Do biện pháp sấy lúa hiện nay vẫn chưa thuận tiện, tốn kém nhiều chi phí vận chuyển, nên nhiều nông hộ tự phơi lúa, điều đó thường không đảm bảo cho phẩm chất hạt gạo khi bảo quản và chế biến, làm giảm giá trị kinh tế. Nếu chúng ta tổ chức được các lò sấy lúa di động, nhất là ở những cánh đồng lớn, giúp các nông hộ sấy lúa kịp thời sau khi thu hoạch, thì việc sản xuất lúa vụ hè thu sẽ thuận lợi hơn.
* Xin cảm ơn Tiến sĩ!
N.NGÂN (Thực hiện)
Cuộc khủng hoảng lúa gạo diễn ra từ 2007 - 2008 đã làm chuyển biến sâu sắc trong chính sách thương mại, kinh tế và an ninh lương thực toàn cầu. Hiện nay, nhiều quốc gia đã tập trung vào nông nghiệp- tình hình này đã làm chúng ta liên tưởng đến cuộc Cách mạng Xanh trong thập niên 50 của thế kỷ trước
Nền tảng của cuộc Cách mạng Xanh là tạo ra giống lương thực mới, qua ý tưởng của Norman Borlaug, là cha đẻ của cuộc Cách mạng Xanh. Một trong những giống này là IR8, được biết như “giống lúa mầu nhiệm”, phát triển cách đây 40 năm tại Viện Nghiên cứu Lúa Quốc tế (IRRI). Khi được tưới và bón phân đạm đầy đủ, IR8 sẽ cho năng suất cao hơn giống lúa mùa. IR8 đã làm thay đổi tình hình lương thực trên thế giới. Nhưng nạn đói vẫn còn từ khi “giống lúa mầu nhiệm” được phổ biến cùng với những giống cây lương thực khác.
Cái giá của giống lúa mầu nhiệm
Giống lúa cao sản cho năng suất cao hơn các giống lúa mùa truyền thống, nhưng chúng lại cần nhiều chất dinh dưỡng hơn để phát huy được hết tiềm năng năng suất. Sử dụng quá nhiều phân hóa học sẽ gây tổn hại đến môi trường. Khoảng 30-80% lượng phân đạm thất thoát khi bón sẽ chảy vào nước, không khí và gây bộc phát nhiều loại sâu bệnh. Sử dụng phân hóa học sẽ làm tăng thêm chi phí cho nông dân nếu không tuân theo chiến lược quản lý dinh dưỡng theo từng thữa ruộng (Site Specific Nutrient Management- Bón phân theo độ phì đất và nhu cầu dinh dưỡng cây lúa)
Trong suốt cuộc Cách mạng Xanh, thế giới đã sử dụng ngày càng nhiều thuốc trừ sâu để bảo vệ cây trồng. Tuy nhiên, sự sử dụng quá mức và bừa bãi của thuốc trừ sâu đã làm ảnh hưởng đến hệ sinh thái và sức khoẻ con người
.
Nước tưới dành cho sản xuất nông nghiệp là vấn đề nan giải hiện nay. Nhiều chuyên gia tin rằng nguồn cung cấp nước toàn cầu đang cạn kiệt nhanh chóng. Dưới sức ép của biến đổi khí hậu toàn cầu, dân số tăng, ô nhiễm môi trường và công nghiệp phát triển đã góp phần làm khủng hoảng nước ngày càng nghiêm trọng. Cây lúa ước tính sử dụng đến 30% lượng nước dành cho cây trồng trên thế giới. Tại châu Á hơn 80% lượng nước ngọt được sử dụng cho cây lúa. Tuy nhiên đến năm 2025 ước lượng 15-25 triệu ha sẽ thiếu nước tưới. Do đó trong tương lai chúng ta sẽ buộc phải sử dụng nguồn tài nguyên nước thông minh và hiệu quả hơn
Cuộc cách mạng thân thiện môi trường
Câu hỏi lớn hiện nay là liệu thế giới có thể tồn tại mà không cần áp dụng kỹ thuật thâm canh trong cuộc cách mạng xanh và liệu sản xuất nông nghiệp có nuôi còn tiếp tục nuôi nổi thế giới trong điều kiện tài nguyên ngày càng ít?
Vấn đề chính trong sản xuất nông nghiệp bền vững là tạo ra ngày nhiều sản lượng trên cùng diện tích đất trong khi vẫn tiếp tục duy trì nguồn nước sạch, không tạo ra khí thải nhà kính, không bị ngập lụt, trao đổi nước ngầm tốt và giữ được cảnh quan môi trường tốt. Với quan điểm trên, dự án lúa xanh siêu cao sản (Green Super Rice -GSR) cho vùng nghèo tài nguyên ở châu Á và châu Phi. Đây là dự án hợp tác giữa Viện Nghiên cứu lúa Quốc tế IRRI và Viện Hàn lâm Khoa học Nông nghiệp Trung Quốc (CAAS) được xem là cách sản xuất nông nghiệp bền vững tạo ra nhiều lượng lương thực cho tăng trưởng dân số thế giới. Dự án được tài trợ bởi nhà tỷ phú lừng danh của Microsoft là Quỹ Bill & Melinda Gates (Bill & Melinda Gates Foundation -BMGF). Mục tiêu của dự án là tạo ra giống lúa cho năng suất cao bền vững trong điều kiện đầu tư thấp và điều kiện môi trường sản xuất không thuận lợi.
Chủ nhiện dự án là Zhikang Li, nhà di truyền phân tữ của Viện Nghiên cứu lúa Quốc tế IRRI, từng là thành viên của Viện Hàn Lâm Khoa học Nông nghiệp Trung Quốc. Dự án kế thừa ý tưởng của cuộc cách mạng xanh để tạo ra giống có năng suất cao hơn. Các giống lúa cao sản hiện nay chỉ cho năng suất cao khi cung cấp đầy đủ nước, dinh dưỡng và phòng chống sâu bệnh triệt để. Điển hình giống IR64 được IRRI phóng thích từ năm 1985, trở thành giống phổ biến nhất trên thế giới do có năng suất cao. Nhưng giống này rất nhạy cảm đối với hạn hán. Qua đó, dự án giống lúa xanh siêu cao sản sẽ lai tạo ra giống lúa chịu hạn nhưng vẫn kế thừa các ưu điểm của giống IR64. Sau 12 năm nỗ lực lai tạo, các nhà khoa học đã nhiều lần thực hiện lai hồi giao ở thế hệ thứ hai (backcrossed second-generation lines - BC2F2) đã tạo ra nhiều giống lúa phát triển tốt dưới điều kiện áp lực sâu bệnh cao và môi trường khác nghiệt. Họ đã xác định được nhiều gene chống chịu điều kiện khắc nghiệt của môi trường từ nhiều nguồn giống khác nhau, đặc biệt là tính chịu hạn từ. Các giống này được lai với những giống đã phổ biến như IR64, Huang Hua Zhan, BR11 và BG3000.
Quan điểm mới trong kỹ thuật lai
Trước kia, các nhà chọn giống IRRI chỉ sử dụng tới lui chỉ có 3 loại giống là IR64, Teqing, và giống lúa dạng hình mới (new plant type) IR68552-55-3-2 được lai hồi giao với 205 giống bố mẹ khác. Tuy nhiên, dự án lúa xanh siêu cao sản (GSR) mở rộng sang Trung Quốc, nhận 46 giống lúa bố mẹ từ Mạng lưới Lai tạo Phân tữ Lúa Quốc gia Trung Quốc (China National Rice Molecular Breeding Network). Lai tạo được thực hiện với 500 giống để tạo sự đa dạng về mặt di truyền. Các giống này đều được xây dựng bản đồ di truyền để có thể khai thác thêm về sau
Có ít nhất 18 viện nghiên cứu và 125 nhà khoa học về di truyền phân tữ tham gia dự án. Mỗi cơ quan ở Trung Quốc và IRRI thực hiện lai tạo từ 1-2 giống lúa đã phổ biến. Mỗi giống này được lai hồi giao để nhận gene kháng các loại côn trùng như rầy nâu; kháng các bệnh quan trọng như cháy lá, cháy bìa lá, sọc vi khuẩn, khô vằn và tungro; chống chịu điều kiện khắc nghiệt của môi trường như hạn hán, mặn, ngập… hạn chế năng suất lúa.
Ngoài quỹ tài trợ của Bill Gate, chính phủ Trung Quốc còn tài trợ thêm để hỗ trợ cho các nhà khoa học của dự án nhằm tăng sản lượng lúa ở châu Á và châu Phi. Dự án đã tạo ra nhiều giống lúa thích nghi với nhiều vùng sinh thái khác nhau. Điển hình, một loại giống GSR có thể phát triển nhanh và mạnh hơn cỏ dại, chúng lấn át hoàn toàn cỏ vì nhiều nước giá thuốc trừ cỏ quá đắt, vượt khỏi tầm của nông dân nghèo. Giống kháng cỏ dại trồng thử nghiệm ở Bangladesh. Các gene chịu hạn cũng được chuyển qua những giống lúa cao sản như IR64. Điển hình giống IR83142-B-19-B phát triển tốt hơn giống Sahbhagi dhan tại Ân Độ trong điều kiện hạn hán và không đầu tư chi cả (không bón phân, không xịt thuốc, chỉ làm cỏ bằng tay 1 lần)
Chuyển giao kỹ thuật
Trong năm 2009, nhiều giống lúa xanh siêu cao sản được trồng khảo nghiệm ở các như Indonesia, Việt Nam, Lào, Cambodia, Pakistan, Bangladesh, Sri Lanka, và Trung Quốc. Trong đó, 56 giống GSR tỏ ra kháng nhiều loại sâu bệnh như cháy lá, rầy nâu, muổi lá hành… được chuyển giao cho nhiều nước. 106 giống GSR được đưa qua Ngân hàng gene của Mạng lưới Quốc tế Đánh giá Di truyền lúa (International Network for the Genetic Evaluation of Rice). Các giống này chịu hạn, thích nghi với vùng đất thấp không tưới, chống chịu với nhiều loại sâu bệnh.
Các giống này cũng phối hợp với các kỹ thuật canh tác thân thiện môi trường như kỹ thuật quản lý dinh dưỡng cho từng thửa ruộng (Site Specific Nutrient Management-SSNM) và kỹ thuật quản lý cây trồng tổng hợp (Integrated Crop Mangement- ICM). SSMN là kỹ thuật bón phân theo nhu cầu của cây lúa của từng miếng ruộng dựa trên màu sắc lá lúa và độ phì đất theo hướng tối ưu hóa các chất dinh dưỡng vào từng thời điểm. ICM là hệ thống sản xuất cây trồng dựa trên sự hiểu biết rõ về mối tương tác giữa sinh học, môi trường và quản lý đất. Mục đích là sản xuất lương thực theo hướng bảo tồn và vung đắp nguồn tài nguyên thiên nhiên
Mở rộng dự án
Dự án GSR đã tổ chức nhiều buổi thảo luận với các nhà biên soan chính sách và các nhà khoa học, các khóa tập huấn kỹ thuật và nhiều hội thảo. Điển hình tại Sri Lanka, cơ quan giống và khuyến nông đã được dự án tập huấn để các giống lúa GSR có thể tiếp được với nhu cầu của nông dân ở vùng dự án. Để bảo đảm cho nông dân có đủ lượng giống GSR được cung cấp đều đặn, dự án đã mở các khóa huấn luyện về kỹ thuật sản xuất giống cho các công ty giống tư nhân vừa và nhỏ ở Bangladesh, Indonesia, Sri Lanka, Việt Nam và Pakistan
Tóm lại, trong những năm gần đây các nhà khoa học phải đương đầu với thách thức là vừa phải bảo đảm an ninh lương thực, vừa phải bảo tồn tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường. Đối với Viện Nghiên cứu lúa Quốc tế IRRI, vấn đề chính của cuộc cách mạng xanh lần thứ hai là phát triển các kỹ thuật canh tác thân thiện với môi trường và phổ biến giống lúa xanh siêu cao sản.
Tài liệu tham khảo
Jauhar Ali & Alaric Francis Santiaguel, 2011. Green super rice. Rice Today Vol 10 No 1. International Rice Research Institude
TS Jauhar ali, nhà chọn giống của IRRI đang chỉ giống lúa xanh siêu cao sản vẫn phát triển tốt trong điều kiện môi trường khắc nghiệt và đầu tư thấp t
|
Số lần xem trang : 16031 Nhập ngày : 20-09-2012 Điều chỉnh lần cuối : 20-09-2012 Ý kiến của bạn về bài viết này
Văn hóa và Giáo dục Cây táo chuyện đọc lúc nửa đêm(22-07-2009) Trường chứ không phải chợ(07-07-2009) Bạn và tôi. Hai nhà văn già và một cô gái trẻ (05-07-2009) Bảo đảm sự phát triển ổn định hệ thống đại học, cao đẳng ngoài công lập ở nước ta(05-07-2009) Xếp hạng đại học và cách tiếp cận mới trong xếp hạng đại học(30-06-2009) Trường đại học Việt Đức đào tạo theo tiêu chuẩn Đức tại Việt Nam (24-06-2009) Nguyên Ngọc nhà văn chiến sĩ(06-06-2009) Thắp đèn lên đi em !(21-05-2009) Trường tôi và lòng thương yêu gửi lại của thầy Lưu Trọng Hiếu(15-05-2009) Rưng rưng Trường Sa(15-05-2009) Trang kế tiếp ... 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23
|