ThS. ĐỖ THỊ LỢI
Giống cá sống hoàn toàn ở biển này đã được một chàng trai trên hai mươi tuổi thuần hoá tới mức có thể nuôi ở nước ngọt trăm phần trăm. Thông tin này khiến ngay cả các nhà khoa học thuỷ sản cũng ngỡ ngàng. Trị cắp rổ cá tạp ra bờ ao rồi lấy một thanh tre gõ vào chiếc “mõ” tự tạo là một viên gạch. Cạch, cạch… tiếng kêu của mõ vang lên khô khốc. Anh nhanh nhảu thảy từng con mồi xuống “nhà ăn”. Mặt ao dần xuất hiện những tăm sủi li ti. “Vược bắt đầu vào ăn đấy…”. Trị giải thích chưa dứt câu, mặt ao đang trong xanh, phẳng lặng bỗng tung toé bọt nước trắng xoá.
Những con vược vảy óng ánh bạc, mắt đỏ ngầu giương những sống lưng nhọn hoắt, chĩa mang gió sắc lẻm xông vào nhau giành giật miếng mồi. Tiếng quẫy nước tùm tùm, tiếng cá đớp mồi tồm tộp nghe sướng cả lỗ tai. Chẳng mấy chốc những vụn cá cuối cùng cũng bị thanh toán hết. Lũ vược lại tản ra, trả lại mặt nước vẻ tĩnh lặng như chưa từng có bữa ăn kỳ lạ.
“Cá vược đi ăn theo đàn, ăn đúng giờ, đúng điểm, đúng theo tiếng gõ mõ, đúng kích cỡ mồm. Tất cả cứ răm rắp hệt như công nhân khu công nghiệp vậy. Nếu bỏ thức ăn ra ngoài hoặc cho ăn khác giờ nó không ăn đâu, phải mất rất lâu mới huấn luyện được thói quen cho chúng như vậy đấy”. Trị nhỏ nhẻ. Rời khu cá thịt, chúng tôi sang khu cá mới ương. Trông một con vược bé tẹo bằng ngón tay đang bơi lờ đờ, Trị phán đoán nó đã mắc bệnh tiêu chảy vì thân cá đã chuyển sang màu xanh đen.
Loại bỏ con bị bệnh ra, chiếc vợt trong tay Trị vục lên được một con vược rất nhỏ khác, anh bảo tôi: “Con này vừa thoát khỏi mỏ chim bói cá. Đây anh xem hai sống lưng nó còn trầy xước theo vệt mổ của con chim”. Tôi nhìn theo tay anh, quả thực trên lưng con cá có vết xước đều ra hai bên rất mờ. Mới hay, những dấu vết dù rất nhỏ của đàn cá vược cũng không thể qua được cặp mắt tinh tường của anh chàng này.
Gốc gác thuần nông tại Nam Chính (Tiền Hải, Thái Bình), học xong Cao đẳng Nuôi trồng thuỷ sản, Trương Văn Trị xin làm thuê cho Cty Việt Mỹ rồi Viện Nghiên cứu thuỷ sản I chỉ để “dắt lưng vốn” kiến thức chuyên môn rồi tự lập. Năm 2005, anh đấu thầu được 1ha đất hoang ven sông Lân với giá 5 triệu đồng vay từ quỹ người nghèo. Đấu xong đất cũng là hết sạch tiền, chẳng biết xoay xoả thế nào mà đào ao, dựng trại. Bao ngày đêm vắt óc, Trị nghĩ ra cách “lấy mỡ nó rán nó”, cho đất các lò gạch để đỡ mất công đào ao. Liên hệ với một Cty xây đắp của huyện để thuyết phục cho đất, ai ngờ Giám đốc Cty này còn trả 3.000đ/m3 khiến Trị mừng húm.
|
"Nuôi đúng kỹ thuật, không gì lãi bằng cá vược" - Anh Trị nói
|
Không may, nỗi vui mừng ấy chẳng kéo dài được lâu khi khai thác được 2 ao thấy khó quá, Cty này bèn rút quân. Cạy cục Cty thứ hai, họ đồng ý, làm được hai buổi thấy đất xấu, “khó nhằn” quá cũng tìm cớ thu máy móc về. Bực mình, Trị mới tự thuê một lúc 7 con xe, quật đất rồi chở đi bán cho các lò gạch. Trừ tất tật tiền máy móc, tiền “rải đường”, tiền chi phí nhân công mỗi m3 Trị được 3.000đ.
Những cái ao liên tiếp được ra đời nhờ diệu kế “mỡ nó rán nó” như vậy. Số tiền dư ra đủ cho Trị đắp bờ, dựng một cái trại lợp bờlô ximăng trên nền đất thì cũng cạn tiền. Cái trại không có cửa mà chỉ che tạm bằng tấm lợp, gió lùa thông thống. Một mình một chiếu, một chăn, một chiếc giường đi mượn giữa khu bãi đầy mồ mả, cỏ dại mọc đầy, Trị bắt đầu nuôi mộng làm giàu.
Lúc đầu đào ao, anh chỉ nghĩ đến sản xuất cá truyền thống nhưng nuôi loại đó đòi hỏi diện tích lớn, lao động nhiều mà thu nhập chẳng được bao nhiêu. Chính vì thế, Trị cứ trăn trở mãi. Một lần đọc tài liệu của nước ngoài thấy có nhà khoa học viết về chuyện tình cờ thấy cá vược trong môi trường nước ngọt. Ký ức hồi nhỏ chợt hiện về: “Bố tôi hồi xưa đi biển đánh cá, những con cá, tôm nhỏ tôi vẫn thường nghịch đem thả xuống ao nhà. Đa phần chúng đều chết, làm mồi cho cá nước ngọt. Năm đó, nhà tôi tát ao, đang quây lưới bỗng thấy ùm ùm, chạy lại hoá ra thấy một con cá vược rất lớn. Cá vược sống được ở nước ngọt nhưng từ trước đến nay chưa có quy trình chuẩn để thuần hoá, nuôi chúng mà thôi”.
Từ thành công trong việc thuần hoá cá vược, Trị đã cung cấp giống cá cho cả vùng rồi cả vài tỉnh phía Bắc và bao tiêu sản phẩm luôn. Hiện cá thịt riêng cung ứng cho thị trường Thái Bình đã không đủ chứ chưa nói phải đi bán xa. Thu nhập một năm với quy mô 1ha, anh lãi trên 300 triệu.
Bên nồi cá vược om dưa ngọt lừ trong căn lều lồng lộng gió sông Lân, Trị ấp ủ với tôi chuyện vừa đấu thầu một khu trại thật lớn gần khu cảng cá Nam Thịnh để nghiên cứu cho đẻ nhiều loại cá biển trong đó cá vược là con chủ lực…
|
Nghĩ là làm, Trị vét đến cả cái nhẫn, cái vòng bố mẹ, họ hàng cho làm của hồi môn lúc cưới để nhập cá vược gốc Thái Lan về thuần hoá bằng cách cho vào thùng xốp rồi cho nước ngọt vào dần dần. Trị cũng hì hụi luộc cá nhỏ làm thức ăn chăm chút cho lũ vược con. Vừa nuôi anh vừa tấp tểnh sang tận Nam Định để lo đầu ra cho vược, về nhà kẻ trộm đã lấy mất 3 tấm lợp để che cửa. Vận đen chưa dứt khi bao công lao chăm sóc là thế nhưng lũ cá vược thi nhau chết chỉ còn sót lại cỡ 10%.
Ngán ngẩm nhưng vẫn phải làm tiếp vì chót phóng lao rồi, Trị lại xoay vốn của người quen, nhập giống cá vược nội địa ở Vũng Tàu về thuần hoá trong bể xây xi măng. Lúc đầu anh cho 50% nước ngọt, sau rút đi dần 30, 20, 10% rồi không phần trăm nào. Tỷ lệ sống của cá lúc này được cỡ 50-60%, không thất bại hẳn như lần trước nhưng cũng không lãi.
Vừa làm, vừa đúc rút kinh nghiệm từ những thất bại xương máu, đến lần thứ ba thuần hoá theo công thức mới của riêng mình, thành công đã đến với Trị khi tỷ lệ sống sót tới 98-99%, cá nuôi được trong nước ngọt 100%, tốc độ lớn rất nhanh.
Trị cũng là người lần mò, nghiên cứu ra quy trình kỹ thuật nuôi cá vược sớm ở miền Bắc, thậm chí nuôi ghép được cả trắm, trôi, mè, chép để tận dụng thức ăn thừa. “Không gì hiệu quả kinh tế bằng con cá vược. Ở vùng biển, sẵn cá tạp nên giá bán chỉ trên 3.000đ/kg, tôi mua cả tấn về trữ đông để cho cá ăn dần mà không dùng bất kỳ thức ăn công nghiệp nào. Cứ 5-6kg cá tạp được 1kg cá thịt, cộng cả chi phí giống vào nữa giá thành 1kg cá thương phẩm chỉ vào cỡ 30-35.000đ trong khi bán được cỡ 80.000đ là lãi quá nửa. Cá vược nuôi nước ngọt lớn nhanh, với yêu cầu cá thương phẩm khoảng 1-2kg thì thả khoảng 5-8 tháng là đạt được”.
Dương Đình Tường Số lần xem trang : 17160 Nhập ngày : 15-12-2008 Điều chỉnh lần cuối : Ý kiến của bạn về bài viết này
Báo Nông Nghiệp Việt Nam Nông nghiệp sạch - Lợi đủ đường: NUÔI HEO AN TOÀN TỪ A - Z(03-05-2012) Mulato - giống cỏ số 1 cho chăn nuôi bò sữa (Báo NNVN - Số ra ngày 6/6/2011) (06-06-2011) VISEN 20SC - THUỐC ĐẶC TRỊ BỆNH VI KHUẨN (Báo NNVN - Số ra ngày 6/6/2011) (06-06-2011) SÂU ĐỤC THÂN, ĐỤC BẮP HẠI NGÔ (Báo NNVN - Số ra ngày 19/4/2011) (22-04-2011) ỨNG PHÓ VỚI THỜI ĐẠI HẠN (Báo NNVN - Số 75 - Ngày 15/4/2011) (16-04-2011) NGUY CƠ TỪ 2 TRIỆU TẤN … PHÂN VỊT (Báo NNVN – Số 75 – Ngày 15/4/2011) (16-04-2011) Đối tượng nào được bảo hiểm nông nghiệp? (Báo NNVN - Số 75 - Ngày 15/4/2011) (16-04-2011) Thêm một giống ngô lai được bán bản quyền (Báo NNVN - Số ra ngày 6/4/2011) (06-04-2011) "Sóng thần" rầy nâu đe dọa toàn châu Á - Báo NNVN số ra ngày 4/4/2011 (04-04-2011) DỊCH BỆNH TẤN CÔNG VỤ TÔM MỚI - Báo NNVN số ra ngày 4/4/2011 (04-04-2011) Trang kế tiếp ... 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44
|