ThS. ĐỖ THỊ LỢI
Đã từng đạt đỉnh vinh quang khi được lựa chọn từ trăm ngàn loại quả ngon để tiến vua, ít ai ngờ rằng “hậu duệ” của những thanh trà Thủy Biều, măng cụt Kim Long, sen hồ Tịnh Tâm… trên đất cố đô đang lâm cảnh “cười ít khóc nhiều”. Với nhiều loại cây ăn quả có lẽ chỉ còn là hoài niệm: Ăn măng cụt về Kim Long/ Ăn thanh trà về Thủy Biều/ Hồ Tịnh Tâm nhiều sen bách diệp/ Đất Hương Cần ngọt quýt thơm cam... Nước mắt “nữ hoàng”
Thừa hưởng phù sa từ dòng sông Hương bồi đắp hàng năm, suốt một quá trình dài, bưởi thanh trà Thủy Biều luôn chiếm ngôi "nữ hoàng" của các loại cây ăn quả nổi tiếng ở đất cố đô. Thế nhưng vinh quang dường như chỉ còn trong quá khứ...
|
Được biết UBND tỉnh TT - Huế đã đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ “nữ hoàng” với tên gọi “Thanh trà Huế”. HTX Nông nghiệp Thuỷ Biều cũng đã dán tem riêng trước khi đưa thanh trà của HTX ra thị trường. Nhưng hiện tại nông dân trồng thanh trà vẫn phải chấp nhận “đánh bạc với trời” và hoài niệm về một quá khứ vang bóng.
|
Một thời vương giả
Xã Thủy Biều nằm cách kinh thành Huế 6 km về phía Tây Nam, từ xa xưa đã khá nổi tiếng với nông sản thanh trà. Không ai ở Thủy Biều biết rõ trái thanh trà xuất hiện ở cố đô tự bao giờ, chỉ biết rằng khi Minh vương Nguyễn Phúc Chu, vị chúa Nguyễn thứ 6 trong một lần du ngoạn trên sông Hương thấy non nước hữu tình nên đã ghé thăm làng. Dân địa phương dâng của ngon vật lạ lên ngài thưởng thức. Vừa ăn xong trái thanh trà, chúa tấm tắc khen ngon và lệnh dân làng mở rộng trồng thêm.
Dần dần thành lệ, cứ đến vụ thu hoạch, khi thanh trà đã chín rộ là dân làng lại chọn ra những quả ngon nhất mang vào kinh thành tiến vua và luôn được ban thưởng hậu hĩnh. Bưởi chín vào mùa thu, thời gian thu hoạch chỉ trong vòng hơn một tháng nên vườn nhà nào ra những vụ trái mùa được xem là dịp may, thế nào cũng được cung đình ban thưởng.
Cũng từ đó cây thanh trà được nhân rộng ra, nông dân Thủy Biều lấy làm nghề chính để đảm bảo cuộc sống. Họ càng tự hào hơn khi thanh trà dù thuộc giống bưởi nhưng chỉ trồng được ở TT-Huế. Chỉ có một số xã ven bờ sông Hương mới trồng thành công giống cây trái “quý phái” nổi tiếng khó tính này. Trái bưởi thanh trà khác các loại bưởi khác từ hình dáng đến hương vị. Da trái thanh trà không xanh mà có màu vàng nắng. Trái thanh trà nhẹ hơn bưởi các loại, không chỉ vì nhỏ hơn mà còn vì ít nước hơn. Như bù lại ngoại hình và trọng lượng khiêm tốn ấy, thanh trà thơm ngon đặc biệt, hương vị ngọt thanh giữ lại rất lâu trong miệng sau khi thưởng thức. Thanh trà không chỉ thơm ở những múi ruột của trái, mà thơm từ vỏ, từ lá, tất nhiên cả hoa thanh trà...
Đến nay, toàn xã Thủy Biều có tới 141 ha trồng thanh trà. Nhà nào có vườn thì trồng vườn, không có vườn thì trồng ở ngoài đồng. Diện tích trồng lúa, hoa màu và các loại cây ăn quả khác ngày càng bị thu hẹp để nhường chỗ cho “nữ hoàng”, bởi theo cách tính của họ trồng thanh trà lãi hơn 3-4 lần trồng lúa. Thời hoàng kim của bưởi thanh trà là vào những thập kỷ 80-90 của thế kỉ trước. Ở thời điểm đó, 1ha trồng thanh trà thu hoạch được hơn cả chục tấn quả. Mỗi quả đem bán có khi lên tới 40 ngàn đồng. Nông dân Thủy Biều chỉ cần trồng 1ha thanh trà thu về 70-80 triệu đồng/vụ là chuyện bình thường.
Vị trí số một càng được cũng cố vào năm 2006 khi cây thanh trà 23 năm tuổi của gia đình anh Hoàng Trọng Lâm (36 tuổi) ở thôn Lương Quán đạt giải nhất trong hội thi trái cây ngon toàn tỉnh. Cây thanh trà nhà anh Lâm vụ đó đậu 640 quả, nhiều người đến trả giá hơn 10 triệu đồng nhưng gia đình anh không bán. Hiện vườn anh Lâm trồng gần 100 gốc, tính bình quân mỗi năm thu nhập khoảng hơn 30 triệu đồng. Nhưng ở xứ thanh trà này, ông Võ Đăng Thạnh (64 tuổi) mới được xem là "vua".
Ông nổi tiếng vì có vườn bưởi thanh trà lớn vào loại nhất nhì TP. Huế. Năm 1987, ông đánh liều từ bỏ một gia tài trị giá 20 tỉ đồng ở Tây Nguyên để trở về Huế đầu tư toàn bộ tài sản vào “nữ hoàng”. Hết lứa này đến lứa khác, hiện cả khu vườn rộng chưa đến 1ha có hơn 200 gốc thanh trà gần mười năm tuổi. Bình quân mỗi mùa, thu về cho gia đình ông từ 50 triệu đến 70 triệu đồng. Cũng nhờ thanh trà mà cuộc sống gia đình ông trở nên sung túc. Khu vườn thanh trà của ông được TP. Huế chọn làm “địa chỉ xanh” đón khách du lịch.
“Nữ hoàng” đổ bệnh
"Bưởi thanh trà là cây thuộc họ cam quýt, có tên khoa học là Citrus grandis, quả có trọng lượng trung bình 645 gram/quả. Một điều tra của Viện Nghiên cứu Rau quả cho biết, hiện tại có diện tích hơn 200 ha, được trồng chủ yếu trên đất phù sa được bồi dọc theo sông Hương"
|
“Là “nữ hoàng” nên thanh trà rất khó tính. Chỉ trồng được trên đất phù sa, nếu trồng xen lẫn những cây khác cũng chết, ngập úng cũng chết, hiện đang bị chứng bệnh nan y là chảy nhựa. Chính quyền và nông dân đang hết sức đau đầu”, ông Hoàng Trọng Dĩ - Chủ nhiệm HTX SXNN Thủy Biều lo lắng.
Thời kỳ xuống dốc của cây thanh trà bắt đầu từ đợt lũ lịch sử năm 1999. Nước lũ ngâm nhiều ngày khiến nhiều khu vườn chỉ còn lại bãi đất hoang. Cũng từ sau đợt lũ ấy, “nữ hoàng” liên tiếp đổ bệnh. Hết chết vì lầy gốc do ngập úng lại héo hon vì bệnh chảy nhựa toàn thân. Đã 3-4 vụ gần đây vườn thanh trà rộng hơn 5 sào của gia đình anh Tôn Thất Đại Hỷ (41 tuổi, thôn Lương Quán), không còn “đẻ ra tiền” như những năm trước. Vụ vừa rồi, 150 gốc thanh trà chỉ đem lại cho gia đình anh ngót nghét 20 triệu đồng.
Lác đác trong khu vườn còn lấp xấp nước là những gốc cây còn rỉ nhựa bởi dấu cưa. “Phải cắt bỏ để cứu những cây khác. Cứ đến mùa mưa lại có hàng chục gốc “nữ hoàng” chết lâm sàng. Thứ thì bị úng, thứ bị chảy nhựa, chúng lây lan nhanh lắm”- anh Hỷ đau buồn. Cả tháng trời nay, suốt ngày 2 vợ chồng anh phơi mình phun thuốc nhưng không cứu được cây. Diện tích cây bị chết cứ ăn dần từ vùng trũng đến các vườn cao. Không chỉ riêng gia đình anh mà hàng trăm hộ dân trong xã cũng đang héo hon nhìn những cây quí mà mình đổ bao mồ hôi công sức ngã xuống từng ngày. Những chủ vườn thanh trà thay vì ngồi “hốt bạc” như những năm trước giờ đây ngồi thở ngắn than dài, bất lực nhìn cây chết bệnh.
Theo thống kê của chính quyền địa phương, do ảnh hưởng của hai đợt rét đậm, rét hại kéo dài gần hai tháng đầu năm 2008, hàng chục ha cây thanh trà ở xã Thủy Biều, TP Huế không thể ra hoa, 80% diện tích bị hư hại. Phần lớn đều dính bệnh lầy gốc và chảy nhựa.
“Thanh trà chỉ thích hợp với đất phù sa, mà muốn có phù sa thì phải trồng gần sông, trồng gần sông thì hay bị ngập úng nên dính bệnh lầy gốc. Còn bệnh chảy nhựa nó giống như bệnh ung thư, chưa có cách nào chữa được, lại lây lan rất nhanh nên chúng tôi vẫn đang đau đầu tìm cách khắc phục”- Chủ tịch UBND xã Tôn Thất Đào băn khoăn. (Còn nữa)
HOÀNG ANH Số lần xem trang : 16956 Nhập ngày : 10-02-2009 Điều chỉnh lần cuối : 10-02-2009 Ý kiến của bạn về bài viết này
Báo Nông Nghiệp Việt Nam Nông nghiệp sạch - Lợi đủ đường: NUÔI HEO AN TOÀN TỪ A - Z(03-05-2012) Mulato - giống cỏ số 1 cho chăn nuôi bò sữa (Báo NNVN - Số ra ngày 6/6/2011) (06-06-2011) VISEN 20SC - THUỐC ĐẶC TRỊ BỆNH VI KHUẨN (Báo NNVN - Số ra ngày 6/6/2011) (06-06-2011) SÂU ĐỤC THÂN, ĐỤC BẮP HẠI NGÔ (Báo NNVN - Số ra ngày 19/4/2011) (22-04-2011) ỨNG PHÓ VỚI THỜI ĐẠI HẠN (Báo NNVN - Số 75 - Ngày 15/4/2011) (16-04-2011) NGUY CƠ TỪ 2 TRIỆU TẤN … PHÂN VỊT (Báo NNVN – Số 75 – Ngày 15/4/2011) (16-04-2011) Đối tượng nào được bảo hiểm nông nghiệp? (Báo NNVN - Số 75 - Ngày 15/4/2011) (16-04-2011) Thêm một giống ngô lai được bán bản quyền (Báo NNVN - Số ra ngày 6/4/2011) (06-04-2011) "Sóng thần" rầy nâu đe dọa toàn châu Á - Báo NNVN số ra ngày 4/4/2011 (04-04-2011) DỊCH BỆNH TẤN CÔNG VỤ TÔM MỚI - Báo NNVN số ra ngày 4/4/2011 (04-04-2011) Trang kế tiếp ... 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44
|