ThS. ĐỖ THỊ LỢI Những năm trước đây người dân nuôi ếch chủ yếu nhờ nguồn giống của Thái Lan, giá thành cao, người nuôi không chủ động được giống. Mới đây anh Lê Văn Sao, ở tổ 6, khu phố 7, thị trấn Củ Chi, TPHCM, đã lai tạo thành công giống ếch mới khoẻ mạnh, mau lớn, thịt ngon không kém ếch đồng.
Anh Lê Văn Sao cho biết: Vào khoảng năm 2005 – thời hoàng kim của nghề nuôi ếch Thái, thấy người dân đổ xô rủ nhau đi mua con giống khiến anh cũng thấy ham liền vay mượn mua 200 con, tận dụng diện tích đất bỏ không dưới vườn bưởi da xanh gần 2.000 m2 để nuôi. Khổ nỗi, lúc đầu do thiếu kinh nghiệm, chưa có kỹ thuật, ếch chết gần hết, chỉ còn 30 con. Đang lưỡng lự chưa biết làm gì với lũ ếch đang sống ngắc ngoải trong hồ, nửa muốn nuôi nửa muốn bỏ, thì Hội Nông dân huyện động viên, cử đi tập huấn kỹ thuật chăn nuôi ếch thương phẩm.
Vậy là anh quyết tâm khôi phục đàn ếch của mình. Kiểm tra mới biết đàn ếch của nhà toàn con cái, anh lặn lội đi tìm các cơ sở bán giống thì họ bắt mua cả cặp bố mẹ, không bán lẻ, giá cả lại cao ngất ngưởng. Băn khoăn mãi, cuối cùng anh quyết định tự đi tìm những chú ếch từ thiên nhiên về cho cặp với các nàng ở nhà. Cũng may lúc đó mùa mưa, anh ra đồng soi đèn bắt được rất nhiều ếch mang về rồi chọn một số con đực khoẻ mạnh, theo tỷ lệ 12 con đực, 10 con cái cho giao phối. Kết quả thật bất ngờ, một thời gian sau bể nào bể nấy đầy trứng. Khi ếch đẻ xong, anh bắt ếch bố mẹ ra và tiếp tục ương trứng. Năm 2007 lứa ếch lai đầu tiên được xuất xưởng.
Điều bất ngờ nhất với chúng tôi, ngay khi bước vào trại ếch của anh Sao, nếu không để ý thì đầu sẽ đụng vào những trái bưởi da xanh căng tròn. Cái hay của anh Sao là đã biết tận dụng diện tích đất trống dưới vườn bưởi để nhân giống ếch, tăng thêm thu nhập cho gia đình. Phía trên là lúc lỉu bưởi da xanh, bên dưới vô vàn những chú ếch to bè, vàng rộm. Mỗi khi thấy người, chúng nhảy lõm tõm xuống nước, vài con cất tiếng kêu ộp ộp nghe thật vui tai. Thi thoảng những cơn gió nhẹ vờn nhau trên những tán lá, đụng vào những chùm hoa đang chúm chím nở làm vương vãi hương thơm xuống mặt hồ.
Anh Sao cho hay: Do đất có hạn nên mình vừa trồng bưởi vừa nuôi ếch, vừa tạo bóng mát vừa tăng thu nhập, tự mày mò nghiên cứu tìm ra cách làm chuồng hoàn toàn khác so với mẫu chuồng được tập huấn. Đặc biệt, cách làm của anh đã giảm thiểu chi phí, không cần làm bè bằng gỗ hay tre, ếch tự leo xung quanh bờ để sinh sống, tiện lợi hơn rất nhiều. Anh Sao chia sẻ một số kinh nghiệm:
Cách xây chuồng: Chọn thế đất cao, dễ thoát nước, làm hồ nổi trên mặt đất. Chiều rộng 2m, chiều dài tuỳ theo khổ đất. Nền đất làm trũng ở giữa (lòng chảo) để tiện cho việc tháo nước, hai bên cao dần lên. Xung quanh xây hai hàng gạch, bốn góc chôn 4 cọc, căng dây thép, sau đó thả bạt vào, giàn đều 4 góc, quây cao 80 – 90cm. Đặt ống nước xả đáy, xả tràn.
Kỹ thuật đặt ống xả: Dùng ống nhựa Bình Minh cỡ 27mm, dài khoảng 20cm nối với 1 cái cút (chữ L), đầu kia nối một đoạn dài 20cm (các đầu nối không dùng keo). Đặt một đầu cố định nằm sát nền trũng, đầu kia quay lên trên mặt nước, có thể chỉnh độ cao thấp. Khi nào mưa to nước tràn qua miệng ống chảy ra ngoài. Còn khi nào muốn xả hết thì rút ống đứng ra, nước sẽ chảy hết.
Chuẩn bị hồ cho ếch đẻ: Sau khi căng bạt xong, bơm nước vào ngâm 2-3 giờ, cho vào ít muối hạt rồi tháo hết ra. Bơm nước sạch vào ngâm 3 giờ nữa, lại tháo ra. Lần thứ ba bắt đầu thả con giống.
Thả giống bố mẹ: Chọn ếch giống to khoẻ, đồng đều, không bị bệnh tật, tỷ lệ 12 con đực cho 10 con cái, mực nước trong hồ thường từ 10 – 15cm. Sau đó dùng vòi phun nước làm giả mưa, thời gian khoảng 30 phút. Khoảng 3-4 giờ sáng ếch cái đẻ trứng, ếch đực đi theo phóng tinh trùng vào để thụ tinh cho trứng. Khi ếch đẻ xong ta bắt ếch bố mẹ cho vào hồ khác. 1 ngày sau trứng nở ra nòng nọc. Ta tiếp tục ương.
Thức ăn: Sau khi ếch con nở ta cho thức ăn chủ yếu là con bo bo, lăng quăng. 10 ngày sau cho ăn cám (thức ăn cho cá), thức ăn không đáng kể. Lớn lên cho ăn thức ăn như ếch thịt. Cần cân đối hợp lý thức ăn không thừa không thiếu, tránh gây ô nhiễm nguồn nước.
Phòng trị bệnh: Ếch lai rất khoẻ, ít bệnh tuy nhiên cần vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, nếu thấy ếch bỏ ăn cần bắt ếch sang hồ khác, tháo cạn hồ, dùng vòi nước phun sạch rồi cho ếch trở về.
Thu hoạch: Ếch từ khi nở tới lúc trưởng thành khoảng 6 tháng, nếu tiếp tục nhân giống ta chọn giống bố mẹ để nuôi riêng. Nếu không thì chuyển qua ếch thịt. Ếch cho ăn tốt trọng lượng đạt từ 350 - 400g/con. Giá bán ếch thịt thời điểm này khoảng 35.000đ/kg, giá ếch giống 1.000đ/con.
Qua việc lai tạo thành công giống ếch mới, tận dụng đất trống dưới vườn bưởi để nuôi, bước đầu gia đình anh Lê Văn Sao đã có thêm được một nguồn thu ổn định trên 4 triệu đồng/tháng. Anh Sao cho biết, để nâng cao chất lượng sản phẩm con giống, anh dự tính sẽ cho ra đời giống ếch đồng phục vụ thị hiếu người tiêu dùng.
|
Hiếu Cầu Số lần xem trang : 16993 Nhập ngày : 17-02-2009 Điều chỉnh lần cuối : Ý kiến của bạn về bài viết này
Báo Nông Nghiệp Việt Nam Nông nghiệp sạch - Lợi đủ đường: NUÔI HEO AN TOÀN TỪ A - Z(03-05-2012) Mulato - giống cỏ số 1 cho chăn nuôi bò sữa (Báo NNVN - Số ra ngày 6/6/2011) (06-06-2011) VISEN 20SC - THUỐC ĐẶC TRỊ BỆNH VI KHUẨN (Báo NNVN - Số ra ngày 6/6/2011) (06-06-2011) SÂU ĐỤC THÂN, ĐỤC BẮP HẠI NGÔ (Báo NNVN - Số ra ngày 19/4/2011) (22-04-2011) ỨNG PHÓ VỚI THỜI ĐẠI HẠN (Báo NNVN - Số 75 - Ngày 15/4/2011) (16-04-2011) NGUY CƠ TỪ 2 TRIỆU TẤN … PHÂN VỊT (Báo NNVN – Số 75 – Ngày 15/4/2011) (16-04-2011) Đối tượng nào được bảo hiểm nông nghiệp? (Báo NNVN - Số 75 - Ngày 15/4/2011) (16-04-2011) Thêm một giống ngô lai được bán bản quyền (Báo NNVN - Số ra ngày 6/4/2011) (06-04-2011) "Sóng thần" rầy nâu đe dọa toàn châu Á - Báo NNVN số ra ngày 4/4/2011 (04-04-2011) DỊCH BỆNH TẤN CÔNG VỤ TÔM MỚI - Báo NNVN số ra ngày 4/4/2011 (04-04-2011) Trang kế tiếp ... 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44
|