ThS. ĐỖ THỊ LỢI Hỏi: Lúa đông xuân ở chỗ chúng tôi hiện đang bị chuột gây hại rất nặng, có ruộng bị chúng phá sạch hoàn toàn. Xin NNVN cho biết có cách nào diệt trừ hiệu quả đối với loại chuột đồng quái ác này?
Phạm Văn Tính và một số nông dân ở xã Bình Tân, huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi)
Trả lời: Để hạn chế tác hại của chuột trên đồng ruộng các bạn phải áp dụng kết hợp nhiều biện pháp và đặc biệt phải tuân thủ một số nguyên tắc cơ bản là: phải tiến hành sớm, tiến hành thường xuyên, liên tục, tiến hành đồng loạt trên diện rộng... chứ để đến lúc tác hại của chúng quá nặng mới ra tay, thì chắc chắn hiệu quả sẽ không cao.
Hiện tại chuột đang gây hại nhiều như vậy các bạn nên vận động nhau tổ chức ra quân diệt chuột đồng loạt trên diện rộng mới có thể thu được kết quả mong muốn. Nếu không, các bạn sẽ gặp phải tình trạng ruộng nhà mình vừa diệt xong thì chuột ở những ruộng khác chưa được diệt sẽ tràn sang gây hại tiếp ruộng nhà mình, chẳng khác gì “đánh bùn sang ao” đâu các bạn ạ.
Về biện pháp, thì ngoài việc đào hang bắt chuột (sẽ ít có hiệu quả, vì lúc này chuột đang phân tán trên ruộng lúa, ít ở trong hang) hoặc dùng bẫy, bả để diệt chuột (cũng ít có tác dụng, vì hiện tại trên ruộng đang có rất sẵn lúa làm thức ăn cho chúng), các bạn có thể nghiên cứu áp dụng kinh nghiệm mà nông dân ở một số nơi của đồng bằng Nam bộ đã áp dụng có kết quả. Theo chúng tôi những kinh nghiệm này sẽ phát huy tác dụng với thực trạng ở chỗ các bạn đang gặp phải hiện nay:
1- Kinh nghiệm của bà con nông dân Đồng Tháp (áp dụng cho những ruộng lúa trước thu hoạch): dùng hai băng vải nilon, có chiều cao 60-70 cm, chiều dài (mỗi băng) thì tùy theo độ dài của khu ruộng (nhưng không dài quá 50-60 mét, nếu ruộng dài quá sẽ làm thêm nhiều cái như vậy). Hai băng nilon này được kéo dài và dựng trên ruộng thành hình chữ V. Cứ cách 2-2,5 mét lại cắm một cọc tre để cột giữ cho tấm vải nilon đứng thẳng (giống như một bức tường) dưới chân “tường” dùng ghim cắm ém chặt tấm vải nilon xuống cho chắc chắn để chuột không thể chui qua được. Trên "bức tường nilon" này, cứ cách 4-5 mét lại khoét một lỗ vừa đặt một cái lộp, cái bóng (dụng cụ để bắt cá), quay miệng hom vào phía trong lòng chữ V. Ở vị trí cuối cùng của chữ V (đáy chữ V) đặt một cái lộp lớn (cũng quay hom vào phía trong chữ V).
Sau khi dựng xong “bức tường” hình chữ V, thì huy động một số người dàn hàng ngang trên miệng của chữ V, cầm cây khua động trên ruộng lúa vừa khua, vừa hò la và tiến dần về phía đáy của chữ V. Thấy động chuột sẽ chạy dần về phía đáy của chữ V. Trên đường đi chúng sẽ chạy trốn ra xung quanh, gặp miệng hom của những cái lộp đặt ở hai bên hông của “bức tường” hình chữ V chúng sẽ thi nhau chui vào, số còn lại khi chạy tới cuối chữ V, hết đường chạy chúng cũng sẽ chui vào cái lộp lớn đặt ở phía đáy của chữ V.
Đặc tính của chuột là thường tràn lên ruộng phá lúa vào ban đêm, vì thế cách làm này nên tiến hành vào ban đêm thì hiệu quả sẽ cao hơn. Sau khi bắt lần thứ nhất cứ để nguyên hiện trạng để bắt tiếp trong các đêm hôm sau. Khi nào vãn chuột thì nhổ “bẫy” đi đặt ở chỗ khác.
2- Kinh nghiệm của bà con nông dân ở Sóc Trăng (có thể áp dụng cho những ruộng đang thu hoạch): do gieo cấy nhiều, nên khi thu hoạch bà con ở đây thường vần công, đổi công cho nhau, tạo nên một lực lượng thợ gặt khá đông đảo. Khi gặt họ bố trí người gặt thành hàng ngang gặt từ xung quanh bờ tiến dần vào giữa ruộng. Khi thấy động, chuột chạy về phía trước (tức chạy dần vào giữa ruộng). Trong quá trình gặt, diện tích lúa chưa gặt được thu hẹp dần, vòng vây ngày càng được khép chặt, cho đến khi ruộng lúa chỉ còn một diện tích nhỏ chưa gặt ở giữa ruộng.
Bị dồn đến đây, chuột không còn chỗ trú ẩn, bắt buộc chúng phải phóng chạy ra ngoài, lúc đó thợ gặt sẽ hò la, dí đuổi bắt chuột một cách dễ dàng, đã có những ruộng họ bắt được hàng trăm con. Đối với những ruộng có gò đống trong ruộng (những chỗ này không trồng lúa), khi gặt họ cũng gặt dần từ ngoài vào, khi thấy động chuột sẽ chạy lên các gò đống này. Gặt xong thợ gặt chỉ việc dùng các tấm lưới dầy, tấm đăng hay tấm cót... quây chặt, ém kỹ xung quanh các gò đống. Trên các tấm lưới, tấm cót... thỉnh thoảng chừa một lỗ rồi đặt một cái lộp, cái bóng hướng cho hom của lộp, bóng quay vào phía trong của gò đống, Sau đó cho người vào bên trong đánh động, hò la, dí đuổi làm cho chuột sợ phóng chạy ra xung quanh, chui vào hom của những cái lộp, cái bóng đã đặt sẵn, người thợ gặt chỉ việc thu gom lộp, bóng để bắt chuột ở bên trong.
Nguyễn Danh Vàn Số lần xem trang : 17064 Nhập ngày : 27-02-2009 Điều chỉnh lần cuối : 27-02-2009 Ý kiến của bạn về bài viết này
Báo Nông Nghiệp Việt Nam Nông nghiệp sạch - Lợi đủ đường: NUÔI HEO AN TOÀN TỪ A - Z(03-05-2012) Mulato - giống cỏ số 1 cho chăn nuôi bò sữa (Báo NNVN - Số ra ngày 6/6/2011) (06-06-2011) VISEN 20SC - THUỐC ĐẶC TRỊ BỆNH VI KHUẨN (Báo NNVN - Số ra ngày 6/6/2011) (06-06-2011) SÂU ĐỤC THÂN, ĐỤC BẮP HẠI NGÔ (Báo NNVN - Số ra ngày 19/4/2011) (22-04-2011) ỨNG PHÓ VỚI THỜI ĐẠI HẠN (Báo NNVN - Số 75 - Ngày 15/4/2011) (16-04-2011) NGUY CƠ TỪ 2 TRIỆU TẤN … PHÂN VỊT (Báo NNVN – Số 75 – Ngày 15/4/2011) (16-04-2011) Đối tượng nào được bảo hiểm nông nghiệp? (Báo NNVN - Số 75 - Ngày 15/4/2011) (16-04-2011) Thêm một giống ngô lai được bán bản quyền (Báo NNVN - Số ra ngày 6/4/2011) (06-04-2011) "Sóng thần" rầy nâu đe dọa toàn châu Á - Báo NNVN số ra ngày 4/4/2011 (04-04-2011) DỊCH BỆNH TẤN CÔNG VỤ TÔM MỚI - Báo NNVN số ra ngày 4/4/2011 (04-04-2011) Trang kế tiếp ... 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44
|