ThS. ĐỖ THỊ LỢI Ngày 19/3, Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam (VAAS) tổ chức hội nghị tổng kết công tác KHCN năm 2008, triển khai kế hoạch năm 2009. Thứ trưởng Bộ NN - PTNT Bùi Bá Bổng đã tới dự.
PGS-TS Nguyễn Văn Bộ, GĐ Viện KHNN VN cho biết: Năm 2008 VAAS được giao 272 nhiệm vụ KHCN với tổng kinh phí trên 135 tỷ đồng, trong đó cho nghiên cứu khoa học 81 tỷ. Các nhiệm vụ KHCN bao gồm 41 đề tài cấp Nhà nước, 138 đề tài cấp Bộ và 101 đề tài cấp cơ sở…
Về nghiên cứu cơ bản, đơn vị thành viên của VAAS đã tái sinh thành công cây từ tế bào trần của 2 giống cam, bước đầu xây dựng quy trình tách, nuôi và tái sinh tế bào trần. Đã tạo ra 10 tổ hợp lai giữa các giống lúa mang gen kháng bạc lá… Đặc biệt phát hiện protein VP2 trong bèo tấm chuyển gen, thu nhận được 1 dòng bèo chuyển gen có khả năng đáp ứng miễn dịch ở gà, mở ra hướng nghiên cứu vacxin qua đường miệng ngừa dịch cúm gia cầm… Năm qua đã thu thập được 575 nguồn gen, xử lí ban đầu để đưa vào lưu giữ tại Ngân hàng gen thực vật QG, cấp phát gần 1.000 nguồn gen cho các địa phương có nhu cầu sử dụng.
Về chọn tạo giống cây trồng, trong năm có 16 giống mới được Bộ NN - PTNT công nhận chính thức, 30 giống được công nhận SX thử. Ngoài ra 2 giống cao su (IAN 873 và RRIC 102) có khả năng cho năng suất mủ cao (1,4 tấn/ha) trong điều kiện lạnh. Nghiên cứu chọn tạo 12 giống nấm mới có nhiều triển vọng. Bước đầu nghiên cứu giống lạc tiên mới, đủ điều kiện công nhận tạm thời.
Về quy trình công nghệ, đã nghiên cứu hoàn thiện quy trình kỹ thuật SX lan hồ điệp theo công nghệ Đài Loan, xử lí bảo quản củ hoa lay ơn; quy trình nhân giống phong lan, hoa hồng môn; trồng và điều khiển thời gian nở hoa lily (giống Sorbonne)… Nghiên cứu và chế biến chè Ôlong từ các giống chè nhập nội như giống PT 95, Hùng Đỉnh Bạch, Phúc Vân Tiên. Hoàn thiện quy trình phòng trừ tổng hợp bệnh vàng lùn-lùn xoắn lá và rầy nâu môi giới truyền bệnh trên lúa ở ĐBSCL; quy trình phòng trừ tổng hợp bệnh chết nhanh, chết chậm, thối rễ cây hồ tiêu, quy trình quản lí tổng hợp rệp sáp phục vụ SX cà phê bền vững…
Trong lĩnh vực dâu tằm, đã nghiên cứu và xây dựng 2 mô hình ứng dụng tổng hợp biện pháp kỹ thuật (giống dâu lai VH13, giống tằm GQ2218) hiệu quả tăng rõ rệt, giảm công lao động và tỷ lệ tằm chết. Hoàn thiện 2 quy trình SX giống dâu lai F1 bằng hạt với hệ số nhân giống đạt 200 kg/ha, giảm chi phí 15 triệu đồng/ha so kỹ thuật trồng dâu bằng giâm hom.
Về kết quả chuyển giao TBKT, đã mở rộng thêm 20.000 ha giống lúa P6, năng suất đạt 60 - 65 tạ/ha, 30.000 ha giống lúa ngắn ngày ĐB5, ĐB6, khoảng 15.000 ha giống SH14, X26, SH 63 và 700 ha giống lúa lai 3 dòng HYT 100 ở phía Bắc… Các giống ngô lai đơn cũng tiếp tục được mở rộng, như LVN 98 (1.200 ha), LVN 145 (3.500 ha) năng suất tăng 400 kg/ha, ước tăng thêm khoảng 1.400 tấn làm lợi 6 tỷ đồng. Giống ngô lai đơn chịu hạn LVN14 gieo trồng khoảng 500 ha ở các tỉnh phía Bắc, năng suất tăng 500 kg/ha làm lợi trên 1 tỷ đồng. Trong năm, đã SX gần 4.000 tấn ngô giống phục vụ SX trong nước và XK sang Lào, TQ…
Về cây ăn quả, đã xây dựng 35 ha mô hình ghép cải tạo thay thế giống vải thiều Thanh Hà bằng các giống vải chín sớm, 10 ha giống nhãn chín muộn; tuyển chọn được 29 cây đầu dòng và nhân trồng 300 ha giống bưởi Đoan Hùng… Kỹ thuật xử lí ra hoa rải vụ đang được áp dụng rộng rãi tại các vùng trồng dứa Cayen với tổng diện tích đạt trên 1.500 ha. Tiếp tục mở rộng khảo nghiệm và SX giống cam mới V2, N01, N02 không hạt, chín muộn ở Nghệ An, Hoà Bình. Đã nhân vô tính 1,5 triệu cây cà phê vối giống TR4, TR5; 75.000 cây cà phê chè giống, 60.000 cây ca cao đầu dòng TC5, TC7… chuyển giao cho bà con SX. Về nấm ăn và nấm dược liệu đã chuyển giao cho 41 tỉnh, thành phố, góp phần SX 220.000 tấn nấm, thu trên 1.000 tỷ đồng, tạo công ăn việc làm cho hàng vạn hộ nông dân…
Theo PGS-TS Nguyễn Văn Bộ, năm 2009 VAAS tiếp tục thu thập tổng thể quỹ gen trong phạm vi cả nước, ưu tiên các vùng có nguy cơ xói mòn cao để ngăn chặn kịp thời việc mất mát nguồn gen, củng cố và phát triển mạng lưới bảo tồn tài nguyên thực vật quốc gia. Nghiên cứu phát triển và áp dụng CNSH trong tạo giống cây trồng biến đổi gen, tách chiết phân lập gen, lập bản đồ gen. Nghiên cứu đánh giá về tác động của công nghiệp hóa và đô thị hoá đến số lượng và chất lượng đất nông nghiệp. Tiếp tục nghiên cứu về dịch tễ học của bệnh VL-LXL. Nghiên cứu chọn tạo các giống dâu, tằm thích hợp cho vùng Tây Nguyên, miền núi phía Bắc, ứng dụng chế phẩm sinh học để nâng cao năng suất chất lượng nuôi trồng nấm. Đề xuất các biện pháp sử dụng hợp lý các loại đất, quản lý môi trường thông qua quan trắc, nghiên cứu giải pháp quản lý chất lượng nước và chất thải trong chăn nuôi và sinh hoạt…
Theo ông Bộ, với một đội ngũ cán bộ khoa học đông đảo, được sự đầu tư ngày một cao của Nhà nước như VAAS thì những đóng góp nêu trên là chưa đáp ứng được yêu cầu. Những vấn đề cần tập trung là chuyển giao mạnh TBKT ra SX đại trà, tiếp tục nghiên cứu và phát triển các tổ hợp lúa lai và kỹ thuật SX hạt lai, các giống lúa thuần tiên tiến đủ khả năng thay thế các giống đang phổ biến của TQ, chọn tạo giống ngô chịu hạn, giống rau, cải tiến giống cây ăn quả, giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường nông thôn, ATVSTP…
Năm 2009 VAAS được giao (lần 1) 199 nhiệm vụ KHCN với tổng kinh phí trên 148 tỷ đồng, trong đó cho nghiên cứu khoa học 81 tỷ gồm 30 đề tài cấp Nhà nước, 68 đề tài cấp Bộ, 101 đề tài cấp cơ sở…
Trường Giang Số lần xem trang : 16813 Nhập ngày : 20-03-2009 Điều chỉnh lần cuối : Ý kiến của bạn về bài viết này
Báo Nông Nghiệp Việt Nam TÌM RA LOẠI VIUS MỚI GÂY BỆNH CHO CÀ CHUA (NNVN - SỐ RA NGÀY 5/12/2008)(05-12-2008) NUÔI CÁ TRA BẰNG THỨC ĂN TỰ CHẾ (NNVN - Số ra ngày 5/12/2008)(05-12-2008)
|