ThS. ĐỖ THỊ LỢI Người dân xã Thanh Sơn (Tân Phú, Đồng Nai) đang điêu đứng khi ở những nơi khác người ta hồ hởi vì bắp được mùa được giá, còn Thanh Sơn dính… bắp không hạt. Cách đây một năm, 40ha bắp của người dân xã Thanh Sơn cũng từng lâm cảnh có trái mà không hạt.
Về cánh đồng Đa Tôn, xã Thanh Sơn, đi đâu chúng tôi cũng gặp một màu xanh biếc của những ruộng bắp đang thời kỳ ra trái. Thế nhưng, khi trao đổi với bà con nông lại nhận được những tiếng thở dài. Chỉ vào cánh đồng bắp ngút ngàn, nông dân Vũ Văn Nam ở ấp Đa Tôn xé toạc nhiều trái bắp to như bọng tay để chứng minh lời mình nói. Tôi liếc nhìn, quả thật không trái nào có hạt! Ông Nam thở dài: Bắp không có hạt đã đành, nhưng lạ thay cứ mỗi nách là ra 2 đến 3 bắp, có cây tui đếm có 9 bắp.
Theo tìm hiểu của NNVN, trước đó có 46 hộ nông dân Thanh Sơn có ký hợp đồng với Cty CP Giống cây trồng miền Nam. Theo đó, phía Cty GCTMN sẽ đầu tư khoảng 400kg giống (mỗi kg giá 200.000 đồng) để người dân gieo trồng trên 19,2ha bắp. Cty cam kết hướng dẫn kỹ thuật canh tác, đến khi thu hoạch sẽ thu mua với giá 6.000 đồng/kg bắp tươi gồm cả hạt lẫn cùi. Thế nhưng, bao nhiêu công sức nông dân bỏ ra để trồng bắp đến ngày thu hoạch thì hỡi ơi bắp không hạt. Nông dân Vũ Văn Nam nói như mếu: Không biết rồi đây Cty có tính toán bồi thường thiệt hại cho chúng tôi hay không, chứ tất cả 8 sào bắp là “nồi cơm” của cả gia đình.
Được biết, trước đó việc đầu tư vùng nguyên liệu giống của Cty GCTMN với bà con nông dân xã Thanh Sơn, sau đó thu mua lại toàn bộ với giá cao đã khiến cho nông dân rất phấn khởi. Bởi theo tính toán, việc trồng bắp giống sẽ thu lợi được rất nhiều so với trồng bắp thường. Trớ trêu thay, người dân ở xã nghèo nhất nhì của huyện Tân Phú mừng chưa lâu thì nay đành ngậm trái đắng.
Càng đau hơn khi cách đây đúng 1 năm, 40ha bắp của người dân xã Thanh Sơn cũng lâm cảnh không hạt do gieo trồng giống NK54 của Cty Syngenta. Năm nay, nhiều người dân vốn là nạn nhân của năm ngoái vẫn chưa thoát khỏi cảnh khốn khó thì “kịch bản" cũ lại lặp lại.
|
Qua ruộng bắp của nông dân Nguyễn Văn Khải, ông này cho biết: Việc SX bắp giống từ hai loại giống bố mẹ nguyên chủng cho ra loại giống F1, chúng tôi đã được Cty GCTMN hướng dẫn kỹ thuật rất chặt chẽ và thực hiện nghiêm ngặt. Theo đó, cứ 1 hàng bắp giống bố thì trồng 5 hàng bắp giống mẹ và phải cách ruộng bắp “thịt” tới 300 mét. Ngoài ra, chế độ phân bón và thuốc BVTV phải thực hiện cực kỳ chuẩn xác. Chính vì thế, so với bắp “thịt” thì trồng bắp giống chúng tôi phải bỏ công ra rất nhiều. Hàng ngày, mọi người nhà tôi phải ở ngoài đồng để chăm sóc và theo dõi từ sáng sớm tới tối mịt. Tương tự ở cánh đồng của ông Nguyễn Văn Mộc, dù đã mở cả trăm trái bắp ở nhiều chỗ khác nhau nhưng lạ thay không cái nào cho dù chỉ một hạt.
Khảo sát của NNVN tại nhiều cánh đồng mà nông dân có ký hợp đồng với Cty GCTMN thấy toàn bộ bắp đều không hạt. Ông Lê Văn Thiều - Phó Chủ tịch UBND xã Thanh Sơn cho biết, cánh đồng này nằm trong chương trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ lúa sáng bắp nhằm nâng cao hiệu quả SX. Biết Cty GCTMN đang cần một vùng đất SX giống, xã liền giới thiệu đến cánh đồng Đa Tôn. Cty đã về khảo sát thổ nhưỡng, khí hậu thấy phù hợp mới đặt bút ký hợp đồng với từng hộ dân. Cũng theo ông Thiều, ngay sau khi xảy ra hiện tượng bắp không hạt của 46 hộ dân, UBND Thanh Sơn đã thông báo với Cty GCTMN.
Còn ông Trần Bá Đạt – Trưởng phòng NN- PTNT huyện Tân Phú cho biết, Phòng đã mời đại diện Cty GCTMN lên xác định nguyên nhân và tìm hướng giải quyết nhưng đến nay phía Cty chưa có đền bù nào.
Đức Trung - Tiến Khang Số lần xem trang : 16955 Nhập ngày : 09-04-2009 Điều chỉnh lần cuối : Ý kiến của bạn về bài viết này
Báo Nông Nghiệp Việt Nam TÌM RA LOẠI VIUS MỚI GÂY BỆNH CHO CÀ CHUA (NNVN - SỐ RA NGÀY 5/12/2008)(05-12-2008) NUÔI CÁ TRA BẰNG THỨC ĂN TỰ CHẾ (NNVN - Số ra ngày 5/12/2008)(05-12-2008)
|