ThS. ĐỖ THỊ LỢI Qua 5 vụ sản xuất thử nghiệm giống lúa TBR-1 trên đồng đất Quảng Ninh (Quảng Bình) cho thấy, giống lúa này đã dần thích nghi và phù hợp với những chân ruộng sâu chua phèn của địa phương và cho năng suất ổn định...
Sau nhiều vụ sản xuất thử nghiệm giống lúa TBR-1, vụ hè-thu năm 2008, Phòng NN-PTNT huyện Quảng Ninh (Quảng Bình) chọn đồng ruộng ở thôn Lộc Long, xã Xuân Ninh, nhân giống TBR-1. Sau vụ đó, UBND huyện Quảng Ninh đã tổ chức kiểm tra chất lượng và tiến hành thu mua giống lúa của nông dân để sản xuất nhân rộng. Đến vụ đông-xuân 2008-2009, toàn huyện Quảng Ninh đưa sản xuất lúa TBR-1 đại trà trên nhiều vùng ruộng sâu của các xã, trị trấn.
Phòng NN-PTNT huyện phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Quảng Bình chỉ đạo 169 hộ nông dân xây dựng mô hình sản xuất khoảng 27ha ở vùng ruộng sâu ven phá Hạc Hải, gồm: HTX dịch vụ nông nghiệp Tiền-Thượng-Hậu (xã Võ Ninh) 12 ha, HTX dịch vụ nông nghiệp Minh Trung (xã Gia Ninh) 9ha và HTX dịch vụ nông nghiệp Vạn Phúc (xã Vạn Ninh) 6ha. Trong quá trình thực hiện, các hộ nông dân được hỗ trợ giống, phân bón và hướng dẫn quy trình, kỹ thuật sản xuất.
Qua 4 tháng thực hiện cho thấy, giống lúa TBR-1 sinh trưởng phát triển tốt và phù hợp với điều kiện khí hậu, đất chua phèn vùng ruộng sâu ở huyện Quảng Ninh. Đánh giá về những ưu điểm của giống lúa TBR-1 trên đồng đất Quảng Ninh, ông Văn Anh Thuyết, Trưởng phòng NN&PTNT huyện cho biết: “Giống lúa TBR-1 thích nghi trên mọi chân đất như đất thịt nhẹ, thịt nặng và đất lầy thụt; có khả năng chịu rét đầu vụ, chống chịu chua phèn. Đặc biệt trong vụ đông-xuân 2008-2009, do thời tiết thay đổi nên hầu hết các loại giống lúa khác đều có biểu hiện vàng lá và khô đầu lá, riêng giống lúa TBR-1 không có hiện tượng này.
Giống lúa TBR-1 có khả năng kháng sâu bệnh tốt. Qua 5 vụ sản xuất chưa thấy xuất hiện sâu bệnh phá hại. Trên chân ruộng TBR-1 cây cao khỏe, chống đổ rạp tốt, độ thuần cao và là giống có tiềm năng năng suất cao. Theo kết quả thăm đồng, năng suất lúa TBR-1 bình quân đạt 57 tạ/ha, trong đó tại xã Võ Ninh đạt 55 tạ/ha, Vạn Ninh đạt 56 tạ/ha và xã Gia Ninh đạt 60 tạ/ha...”.
Trao đổi với chúng tôi, ông Văn Anh Thuyết, Trưởng phòng NN&PTNT huyện nhấn mạnh thời gian tới, các địa phương nên khuyến khích bà con nông dân sản xuất giống lúa TBR-1 trên diện rộng nhằm hạn chế thiệt hại về giống do ngập úng, tiết kiệm công lao động, tiết kiệm cho phí sản xuất, tăng suất và hiệu quả kinh tế.
|
Điều đáng ghi nhận là các điểm lẻ sản xuất giống lúa TBR-1 không thuộc mô hình chỉ đạo cũng đưa lại năng suất khá cao. Ông Nguyễn Tạo, nông dân thôn Văn La (xã Lương Ninh) cho biết: “Vụ đông xuân năm nay là vụ thứ 3 gia đình tôi sản xuất giống lúa TBR-1 cho thấy năng suất đạt khoảng 66 tạ/ha. Giống lúa này có ưu điểm chống chịu sâu bênh, chịu úng, chịu chua phèn tốt, phù hợp với vùng ruộng sâu và đưa lại năng suất khá cao”.
Tại hội thảo đầu bờ ứng dụng tiến bộ kỹ thuật giống lúa TBR-1 vào sản xuất các vùng ruộng sâu ở huyện Quảng Ninh, nhiều ý kiến phát biểu của các sở, ban, ngành cấp tỉnh, huyện, lãnh đạo các xã, chủ nhiệm các hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp và hộ nông dân đều khẳng định giống lúa TBR-1 có nhiều ưu điểm vượt trội hơn so với một số loại giống lúa khác nên có thể đưa vào sản xuất trên diện rộng.
Theo kết quả hạch toán hiệu quả kinh tế giống lúa TBR-1 và các loại giống dài ngày như VN20, X21, Xi23, ngoài mức đầu tư giống nhau về lượng giống, phân bón, thì giống lúa TBR-1 có thể tiết kiệm được một số chi phí đầu tư bơm nước chống úng đầu vụ, giảm bơm nước tưới và công chăm sóc, giảm đầu tư phòng trừ sâu bệnh...
Tâm Phùng - Ngọc Khang Số lần xem trang : 16867 Nhập ngày : 16-06-2009 Điều chỉnh lần cuối : Ý kiến của bạn về bài viết này
Báo Nông Nghiệp Việt Nam TÌM RA LOẠI VIUS MỚI GÂY BỆNH CHO CÀ CHUA (NNVN - SỐ RA NGÀY 5/12/2008)(05-12-2008) NUÔI CÁ TRA BẰNG THỨC ĂN TỰ CHẾ (NNVN - Số ra ngày 5/12/2008)(05-12-2008)
|