ThS. ĐỖ THỊ LỢI Nhiều địa phương của vùng ngập mặn huyện Tân Phước (Tiền Giang) đang triển khai mô hình trồng dứa phụng, một loại cây cảnh rất được thị trường ưa chuộng. Hiệu quả kinh tế từ loại cây này đã mở ra một hướng thoát nghèo mới cho người nông dân.
Dứa phụng (hay còn gọi là phụng cảnh) có hình như chim phượng hoàng, phân thành nhiều tầng, nhánh đủ màu sắc, được dùng làm cây cảnh hoặc chưng trong các mâm ngũ quả.
Nở hoa trên đất phèn
Tân Phước vốn là vùng đất chiêm trũng bị nhiễm phèn nặng của Đồng Tháp Mười. Thiên nhiên khắc nghiệt đã khiến cuộc sống người dân nơi đây thêm nỗi nhọc nhằn, vất vả. Người dân phải bôn ba khắp chốn để tìm hướng đi phát triển kinh tế, nhưng cái nghèo, cái khó vẫn đeo đẳng mảnh đất chua, phèn bao đời nay. Những năm gần đây, ở Tân Phước xuất hiện nghề trồng dứa phụng, loại cây cảnh có giá trị kinh tế cao. Người đầu tiên đưa giống dứa “lạ” này về trồng là ông Hà Văn Bảy (SN 1940, ấp Mỹ Lộc, xã Thạnh Mỹ, Tân Phước). “Vùng này quanh năm ngập nước chua mặn, chỉ có một vài cây trồng có sức chống chịu là sống được. Tình cờ tôi được một người thân ở Hậu Giang cho giống dứa cảnh, có hình thù đẹp, màu sắc lạ mắt nên đưa về trồng thử. Cây phát triển tốt trong điều kiện đất phèn chua mặn”, ông Bảy cho biết. Giống dứa phụng trồng rất công phu, đòi hỏi chế độ chăm sóc tỉ mỉ, đúng kỹ thuật mới cho trái đẹp, nhiều tầng nhánh có màu sắc lạ.
Ban đầu ông Bảy chỉ có ý định trồng chơi, bởi không kiếm được đầu ra cho giống cây cảnh lạ này. Nhưng chỉ qua hai mùa vụ, thương lái từ TP. Mỹ Tho đã xuống tận vườn nhà ông để đặt hàng. “Họ cần dứa phụng với số lượng lớn và trả giá rất cao cho những cây hoa đẹp, có hình dáng độc đáo. Dứa phụng được chia thành ba loại với ba mức giá khác nhau tùy vào số lượng nhánh con ở các tầng. Dứa loại I có giá trên 150.000 đồng/trái, loại II, loại III thì thấp hơn từ 50.000 – 100.000 đồng/trái”, ông Bảy nói. Với hơn bốn công đất canh tác dứa phụng, mỗi năm ông Bảy thu về gần trăm triệu đồng.
Từ một vài hộ trồng dứa phụng, đến nay toàn xã Thạnh Mỹ có gần sáu mươi hộ tham gia, trong đó tập trung chủ yếu ở ấp Mỹ Lộc. Dẫn chúng tôi đến thăm vườn dứa phụng của anh Nguyễn Hữu Soi (ấp Mỹ Lộc), một cán bộ nông nghiệp xã cho biết, trước đây vốn là vùng đất hoang hóa, nhiễm phèn nặng, bị bỏ hoang lâu ngày. Năm 2004, anh Soi cùng gia đình đến đây xin khai hoang và trồng dứa phụng. Qua gần sáu năm vật lộn, cải tạo đất, gia đình anh đã gây dựng nên một cơ ngơi khá giả giữa vùng sình lầy, ngập mặn. Anh Soi tâm sự: “Gia đình tôi có gần hai công đất trồng phụng cảnh. Mỗi năm trừ chi phí đầu tư chăm sóc, phân bón, tôi cũng thu về hơn 40 triệu đồng/năm. Sắp tới tôi dự định sẽ mở rộng diện tích canh tác và học hỏi thêm các khâu kỹ thuật lai, ghép tạo ra các loại dứa phụng có hình dáng độc. Phần diện tích trồng dứa thường sẽ dần được thu hẹp”.
Thấy được hiệu quả kinh tế của phụng cảnh, người dân bắt đầu chuyển đổi sang trồng phụng cảnh. Hiện nhiều diện tích ngập mặn, nhiễm phèn ở Thạnh Mỹ và các xã lân cận đang được cải tạo thành những vườn phụng cảnh đầy màu sắc.
Thương hiệu dứa phụng Tân Phước
Theo phòng NN & PTNN huyện Tân Phước, trong dịp tết Tân Mão vừa qua, cả huyện có hơn 1.200 chậu dứa phụng đạt chất lượng cao được thương lái đến đặt hàng, thu mua. Hiện phòng NN huyện đang phối hợp với Sở KHCN nghiên cứu, nhân rộng giống dứa phụng. Ngoài hỗ trợ về mặt kỹ thuật và con giống, phòng NN còn cung cấp phân bón và tập huấn nông dân các biện pháp chăm sóc, tạo nhánh, tạo cành…
Ông Nguyễn Văn Thọ, Phó Chủ tịch UBND xã Thạnh Mỹ cho biết: “Dứa phụng là loại cây trồng mới, lạ nhưng cho hiệu quả kinh tế cao và đang trở thành cây trồng chủ lực của xã. Phụng cảnh đã giúp nhiều hộ dân thoát nghèo, vươn lên làm giàu trên mảnh đất quê hương. Chúng tôi đang có dự định xây dựng một vùng chuyên canh về phụng cảnh”. Hiện nay có nhiều doanh nghiệp từ TP.HCM, Bà Rịa – Vũng Tàu… xuống liên hệ với địa phương để thành lập các vườn trồng phụng cảnh chất lượng cao. Nhưng đây là một loại giống hiếm, có nguồn gốc ngoại nhập nên kỹ thuật trồng và chăm sóc chủ yếu dựa vào kinh nghiệm dân gian. Xã đang phối hợp với phòng nông nghiệp huyện nghiên cứu lai tạo và chuyển giao kỹ thuật cho nông dân, ông Thọ nói thêm.
Trồng phụng cảnh đã mở ra một hướng phát triển mới cho người dân ở vùng phèn, mặn Tân Phước. Nhưng để cây dứa “độc” này có chỗ đứng trên thị trường, cần có một thương hiệu. Người dân và chính quyền Tân Phước đang nỗ lực để xây dựng thương hiệu cho loại dứa lạ này, nó sẽ là một cú hích về phát triển kinh tế cho toàn huyện.
TẤN TÀI Số lần xem trang : 16835 Nhập ngày : 09-03-2011 Điều chỉnh lần cuối : Ý kiến của bạn về bài viết này
Báo Nông Nghiệp Việt Nam LÀM GIÀU BẰNG HOA THIÊN LÝ (Báo NNVN - Số ra ngày 7/9/2010) (08-09-2010) Dưa bao tử cao sản Mimoza (Báo NNVN - Số ra ngày 6/9/2010) (08-09-2010) ĐIỀU KỲ DIỆU NGÔ BIẾN ĐỔI GEN (Báo NNVN - Số ra ngày 2/9/2010) (08-09-2010) QUẢN LÝ SÂU TƠ TRÊN RAU HỌC THẬP TỰ (Báo NNVN - Số ra ngày 25/8/2010) (26-08-2010) Phòng trừ bệnh hại lúa mùa giai đoạn đòng - trổ (Báo NNVN - Số ngày 25/8/2010) (26-08-2010) Treppach Bul 607SL - Thuốc trừ bệnh mới trên cây trồng (Báo NNVN - Số ngày 24/8/2010) (26-08-2010) Trung tâm Giống cây trồng- Vật nuôi Quảng Trị: Giới thiệu nhiều giống lúa mới chất lượng (Báo NNVN - Số ra ngày 25/8/2010) (26-08-2010) LÀM GIÀU TỪ GÀ RỪNG (Báo NNVN - Số ra ngày 15/8/2010) (26-08-2010) Phân hữu cơ khoáng Vedagro cho chanh không hạt (Báo NNVN - Số ra ngày 28/6/2010) (29-06-2010) GIỐNG CÀ CHUA CAO SẢN I-66 (Báo NNVN - Số ra ngày 28/6/2010) (29-06-2010) Trang kế tiếp ... 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44
|