ĐI NHƯ MỘT DÒNG SÔNG
Hoàng Kim trả lời Chủ Chính Dép
Dòng Không Xuôi
Tác giả Chủ Chính Dép
Trong mộng mị ... ta tìm sự thật
Giữa cuộc đời ẩn khuất dối gian
Tìm đâu cuộc sống đàng Hoàng
Bình yên với cảnh là dòng không xuôi
Nào lạc lối ... vào nơi tủi thẹn
Chẳng lỡ lầm...mà nén sầu cay
Mưa giăng mịt lối sương dày
Hỏi đời ai hiểu phận này vì đâu !!??
*
Đi Như Một Dòng Sông
Tác giả Hoàng Kim
Mối lương duyên ... bạn nhờ phước đức
Trong nhân gian đằm thắm cõi Người
Khôn lường họa phúc Chính Trời
Gần hiền lánh dữ là nơi tìm về
Không lạc lối ... là nhờ minh triết
Chẳng lỡ lầm ... vì bớt sân si
Tham lam chẳng ích lợi gì
Ta đi như một dòng sông đi hoài
https://cnm365.wordpress.com/2016/…/24/di-nhu-mot-dong-song/
Sông Gianh tỉnh Quảng Bình là dòng sông huyền thoại nối liền đôi bờ lịch sử “Đằng Ngoài và Đằng Trong” của thời Lê Trịnh Nguyễn. Sông Việt Nam có 2.360 sông kênh lớn nhỏ hợp thành 45 tuyến giao thông đường thủy chính, bao gồm 17 tuyến phía Bắc, 10 tuyến miền Trung và 18 tuyến phía Nam, trong đó có 198 sông kênh thuộc Danh mục đường thuỷ nội địa quốc gia được Ban hành kèm theo Quyết định số 970/QĐ-BGTVT ngày 15 tháng 4 năm 2009 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải. Sông Gianh tuy không là sông lớn như hệ thống sông Hồng, hệ thống sông Cữu Long nhưng lại là một trong những con sông sử thi chủ yếu của Việt Nam quan hệ nhiều đến quá trình Nam Tiến của người Việt.
Lịch sử Nam tiến của dân tộc Việt đi như một dòng sông lớn, thuận chiều, xuôi dòng, hướng về biển lớn. Dòng sông về biển có khi hiền hòa có khi hung dữ tùy theo thế nước nhưng mãi mãi là nguồn sống, nguồn sinh lực của con người, cây xanh và vạn vật.
Sông Đồng Nai và Văn miếu Trấn Biên là tình yêu lớn, quê hương thứ hai của tôi ở đất phương Nam. Gia đình tôi do số phận và hoàn cảnh đặc biệt mà tôi đã kể tại Thầy bạn là lộc xuân cuộc đời đã học thái độ của nước để đi như một dòng sông:
LINH GIANG DÒNG SÔNG QUÊ HƯƠNG
Hãy học thái độ của nước mà đi như dòng sông
Hoàng Kim
Nhà mình gần ngã ba sông
Rào Nan, chợ Mới, nguồn Son, Quảng Bình
Linh Giang sông núi hữu tình
Nơi đây cha mẹ sinh thành ra con
Chèo thuyền cho khuất bến Son
Để con khỏi chộ nước non thêm buồn
Câu ru quặn thắt đời con
Mẹ cha mất sớm, con còn trẻ thơ
Ra đi từ bấy đến chừ
Lặn trong sương khói bến đò sông quê
Ngày xuân giữ vẹn lời thề
Non sông mở cõi, tụ về trời Nam.
Câu chuyện Nam Tiến của tôi quan hệ đến chuyện học “đúp 5 lớp đại học” . Chuyện của tôi nghe qua thì buồn cười nhưng thực tế là có thật. Tôi thi đậu vào Trường Đại học Nông nghiệp 2 Hà Bắc năm 1970, học Trồng trọt 4 cùng khóa với các bạn Trần Văn Minh, Đỗ Thị Minh Huệ, Phan Thanh Kiếm, Đỗ Khắc Thịnh, Vũ Mạnh Hải, Phạm Sĩ Tân, Phạm Huy Trung, Lê Xuân Đính, Nguyễn Hữu Bình, Lê Huy Bá … cho đến ngày 02 tháng 9 năm 1971 thì tôi gia nhập quân đội cùng lứa với Nguyễn Văn Thạc.
Đợt tuyển quân sinh viên trong ngày độc lập đã nói lên sự quyết liệt sinh tử và ý nghĩa thiêng liêng của ngày cầm súng. Chiến trường đánh lớn. Đơn vị chúng tôi chỉ huấn luyện rất ngắn rồi vào trận ngay với 81 đại đội vượt sông Thạch Hãn. Chiến dịch Quảng Trị năm 1972 sau này đã đi vào huyền thoại: “Đò lên Thạch Hãn ơi chèo nhẹ/ Đáy sông còn đó bạn tôi nằm/ Có tuổi hai mươi thành sóng nước/ Vỗ yên bờ mãi mãi ngàn năm”. Tổ chúng tôi bốn người thì Xuân và Chương hi sinh, chỉ Trung và tôi trở về trường sau ngày đất nước thống nhất.
Những vần thơ viết dưới đây là xúc động sâu xa của tôi khi nghĩ về bạn học đồng đội đã khuất: “Trận chiến hôm qua bạn góp máu hồng. Lớp học hôm nay bạn không trở lại. Trách nhiệm trong mình nhân lên gấp bội. Đồng chí ơi, tôi học cả phần anh”.
Tôi về học tiếp năm thứ hai tại Trồng trọt 10 của Đại học Nông nghiệp 2 Hà Bắc đến cuối năm 1977 thì chuyển trường vào Đại học Nông nghiệp 4, tiền thân Đại học Nông Lâm thành phố Hồ Chí Minh hiện nay. Trồng trọt 2 thuở đó là một lớp chung mãi cuối khóa mới tách ra 2A,2B, 2C. Tôi làm Chủ tịch Hội Sinh viên thay cho anh Nguyễn Anh Tuấn khoa thủy sản ra trường về dạy ở Trường Đại học Cần Thơ.
Những lớp sinh viên nông nghiệp chúng tôi, nay nhìn lại, phần lớn đều Nam tiến, theo đúng con đường của dân tộc đang đi. Các bạn sinh viên lứa tôi ở trường Đại học Nông nghiệp 2 Hà Bắc đi bộ đội đợt 1971 khoảng 150 người, sau này khoảng bốn mươi phần trăm hi sinh ở chiến trường phương Nam, số bạn về trường học lại còn khoảng bốn mươi phần trăm, và hai mươi phần trăm nữa chuyển ngành sang học trường khác hoặc làm nghề khác.
Khóa 4 thời đó, số bạn không đi bộ đội, lúc ra trường sau 1975, phần lớn đều vào nhận nhiệm sở ở Nam Bộ, Tây Nguyên và Duyên hải Nam Trung Bộ . Lứa bạn tôi ở khóa 10 trường Đại học Nông nghiệp 2 Hà Bắc cũng vậy, có khoảng trên sáu mươi phần trăm tăng cường cho nông nghiệp miền Nam.
Đối với lúa bạn ở ba lớp Trồng trọt 2A,2B, 2C của Trường Đại học Nông Lâm thành phố Hồ Chí Minh tuyển sinh ở phía Nam thì hiển nhiên sau này ra nghề làm việc ở miền Nam. Có một số ít bạn theo gia đình sang Mỹ, Pháp, Đan Mạch …
Ai bảo Nam Tiến là dễ ? Nam Tiến, đi như một dòng sông, nói thì dễ nhưng sự thật đời người là khó. Bạn học cùng tổ với tôi là Cao Văn Hàng, là một thí dụ mưu sinh, tìm đường sống lập nghiệp.
Cao Văn Hàng dân Thanh Hóa tốt nghiệp kỹ sư nông học Trường Đại học Nông nghiệp 2 Hà Bắc (tiền thân của Trường Đại học Nông Lâm Huế và Đại học Nông – Lâm Bắc Giang ngày nay). Anh viết đơn tình nguyện “đi bất cứ nơi nào khi Tổ Quốc cần” theo sự phân công của tổ chức. Và anh đã được toại nguyện Nam Tiến về nông trường Con Cuông một nơi heo hút phía Tây Nghệ An.
Anh Cao Văn Hàng Nam Tiến với ước mơ cháy bỏng “hành được những điều sở học” về một nông trường nghèo vùng núi sâu, ít cán bộ có bằng cấp chính quy đại học thực thụ, năm năm sau tạm ổn định và cố gắng lấy vợ sinh con, mười năm sau có được một vị trí công việc hợp với mình và nơi ấy, mười lăm năm sau có được chút thành quả, hai mươi năm sau có được một sản phẩm gì đó trở về “bái tổ” ở đất quê hương.
Mấy chục năm sau, tôi về thăm anh thì anh đã lộn ngược về quê Thanh Hóa cũ. Anh trở về với cái gốc ban đầu và đang tính đường … nuôi hươu. Nằm ngủ tại nhà bạn Cao Văn Hàng dưới túp tranh nghèo, tôi ám ảnh trước bài thơ của anh:
Tiếc một đời sống dở, ở không xong
Ta đã sống một thời bay theo gió
Hương còn đó hồi sinh đang đó
Mà bơ vơ lạc lõng giữa quê nhà.
Đọc thơ Cao Văn Hàng tự dưng tôi liên tưởng tới “Đường sống” của Lev Tonstoy mà tôi đã trích dẫn trong “Con đường xanh của chúng ta“.
Nam Tiến nghề nông chúng tôi căn bản đã đi theo đúng con đường Nam tiến của dân tộc. Lớp chúng tôi hôm về thăm Văn Miếu Trấn Biên, đã ngồi trò chuyện với nhau bên dòng sông lớn Đồng Nai, đã chiêm nghiệm về điều ấy.
xem tiếp…
Cuối một dòng sông là cửa biển
TĨNH LẶNG
Hoàng Kim
đùa bạn Hoahuyen Đào Ngọc
Đường trần ta lại rong chơi
Vui thêm chút nữa buồn thôi lại về …
Đọc thơ cũ, bình câu thơ mới
Nhớ bạn hiền phơi phới LỘC XUÂN
Tuy xa mà thật là gần
ĐƯỜNG XUÂN vui bạn, thơ xuân an nhàn.
XẾP CỤC GẠCH chén anh chén chú
Vô tình gieo MẦM NHỚ cho ai
Đình Quang XUÂN LỘC với người
Thung dung ‘PHÍM’ CHIẾN, bạn chơi chân thành
Nay cảnh giới thuyền câu TĨNH LẶNG
Chim vào MÙA LÁ RỤNG ngẫn ngơ
VẦNG TRĂNG CỔ TÍCH duyên thơ
QUÊ HƯƠNG XỨ NHÃN đến bờ HƯƠNG GIANG
ĐI NHƯ MỘT DÒNG SÔNG thanh thản
TỈNH THỨC vui cùng bạn làm thơ
Mình vui chính việc mình ưa
Bận tâm chi những chuyện thừa thế gian
(*) Trăng, chim và thuyền câu tĩnh lặng (ảnh Hoahuyen Đào Ngọc) Những chữ in hoa là tên của các tác phẩm của Hoahuyen Đào Ngọc, Hoàng Đình Quang, Hoàng Kim và bạn hữu, được tác giả ví như LỘC XUÂN https://hoangkimvietnam.wordpress.com/locxuan/