Số lần xem
Đang xem 1385 Toàn hệ thống 3319 Trong vòng 1 giờ qua
Trang liên kết
Tỉnh thức
giữa đêm thiêng Yên Tử
Để thấm hiểu đức Nhân Tông
Ta thành tâm đi bộ
Lên tận đỉnh chùa Đồng
Tâm sáng Ức Trai
trong tựa ngọc TÌNH YÊU CUỘC SỐNG
DẠY VÀ HỌC Để chấn hưng giáo dục Việt Nam cấp thiết phải có đội ngũ những người thầy giáo ưu tú có tâm đức thiết tha với nghề, có trình độ chuyên môn cao và có kỹ năng giảng dạy tốt. Đây là trang thông tin chuyên đề dạy và học để trao đổi và bàn luận
Norman Borlaug Lời Thầy dặn Việc chính đời người chỉ ít thôi
Chuyên tâm đừng bận chuyện trời ơi
Phúc hậu suốt đời làm việc thiện
Di sản muôn năm mãi sáng ngời.
BÀI THƠ KHÔNG QUÊN Hoàng Kim
Nhân dân ta, dân tộc ta, non sông đất nước ta đời đời ghi nhớ ơn những người con trung hiếu đã hiến thân minh cho Tổ Quốc. Bài thơ không quên ĐẤT NƯỚC TÔI mỗi năm ngày 27 tháng 7, và ngày 29 tháng 8 âm lịch, chúng tôi đều học lại: Tấm ảnh Bác Hồ nghiêm trang lặng lẽ đã dạy chúng tôi thật nhiều điều: “Có những dòng sông mãi không chảy ra biển, chẳng phải vì bãi bờ níu kéo mà bởi lòng người còn gửi gắm trĩu nặng ở nơi đây! Có những thảm cỏ không ai nỡ đặt chân, chẳng phải vì cỏ non xanh mướt mà vì còn nhiều người con ưu tú đất Việt đang nằm dưới đất này! Có những khoảng trời thật trong xanh chỉ để dành cho hương trầm lan tỏa! Và có những khoảng thời gian, cả dân tộc ta cùng hướng về Ngày Thương Binh Liệt Sĩ “
“Viếng mộ cha mẹ”; “Em ơi em can đảm bước chân lên”; “Mẹ”, ”Ba nén hương”; “Thư của người ra trận”; “Qua Thạch Hãn nhớ Linh Giang” “Linh Giang dòng sông quê hương”; “Thắp đèn lên đi em”; “Tháng Bảy mưa ngâu”, “Bạn ơi” “Ngày linh thiêng trong tháng linh thiêng” là những bài thơ không quên và chùm ảnh cùng chủ đề. “Viếng mộ cha mẹ” là bài thơ của đại tá Hoàng Trung Trực rút trong tập thơ “Dấu chân người lính”. “Em ơi em can đảm bước chân lên” là bài thơ của thầy giáo Nguyễn Khoa Tịnh. “Mẹ” là bài thơ của nhà thơ chiến sĩ Tô Hoàn, rút trong “Tuyển tập thơ lục bát Việt Nam” tái bản tháng 7 năm 2000, Nhà xuất bản Văn hóa thông tin ấn hành. “Ba nén nhương” là bài thơ của nhà thơ thương binh Hoàng Cát đăng trên báo và trang thơ Nguyễn Trọng Tạo.”Thư của người ra trận” là bài thơ do anh Lê Trung Xuân đọc và Hoàng Kim chép lại theo trí nhớ sau khoảng thời gian hơn bốn mươi năm. Bốn người bạn Xuân, Chương, Trung, Kim đều cùng là sinh viên đại học nhập ngũ tháng 9 năm 1971. Chúng tôi cùng trong một tổ chiến đầu bốn người. Hai anh Xuân và Chương đều hi sinh năm 1972 tại Quảng Trị, còn Phạm Huy Trung và Hoàng Kim trở về trường cũ sau ngày đất nước thống nhất . Anh Xuân ra đi đã mang theo bí mật của bài thơ tình “Thư của người ra trận” mà cho đến nay chúng tôi vẫn chưa biết rõ ai là tác giả. “Thắp đèn lên đi em”; “Qua Thạch Hãn nhớ Linh Giang” “Linh Giang dòng sông quê hương”; “Tháng Bảy mưa ngâu” là thơ Hoàng Kim. “Ban ơi ” là bài thơ chưa rõ tác giả; “Ngày linh thiêng trong tháng linh thiêng” là bài viết của Trần Đăng Khoa..
VIẾNG MỘ CHA MẸ Hoàng Trung Trực
Dưới lớp đất này là mẹ là cha
Là khởi phát đời con từ bé bỏng
Là lời mẹ ru dịu dàng cánh võng
Là gươm đao cha một thuở đau đời
Hành trang cho con đi bốn phương trời
Là nghĩa khí của cha, là nhân từ của mẹ
Vẫn bầu sữa tinh thần không ngừng không nghỉ
Để hành trang cho con đi tiếp cuộc đời
Cuộc đời con bươn chãi bốn phương trời
Nay về lại nơi cội nguồn sinh trưởng
Dâng nén hương mà lòng hồi tưởng
Thuở thiếu thời dưới lồng cánh mẹ cha
“Ước hẹn anh em một lời nguyền
Thù nhà đâu sá kể truân chiên
Bao giờ đền được ơn trung hiếu
Suối vàng nhắm mắt mới nằm yên”.
EM ƠI EM CAN ĐẢM BƯỚC CHÂN LÊN Nguyễn Khoa Tịnh
Thầy ước mong em noi gương Quốc Tuấn
Đọc thơ em, tim tôi thắt lại
Lòng nghẹn ngào, nước mắt chảy rưng rưng
Nửa xót xa nhưng nửa lại vui mừng
Xót xa vì đời em còn thơ dại
Mới tuổi thơ mà cuộc đời đầy khổ ải
Mới biết cười đã phải sống mồ côi
Như chiếc thuyền giữa biển tự trôi
Như chiếc lá bay về nơi vô định “Bụng đói” viết ra thơ em vịnh:
“Cơm ngày một bữa sắn trộn khoai Có biết lòng ta bấy hỡi ai? Vơi vơi lòng dạ, cồn cào bụng Kể chi no đói, mặc ngày dài”
Phải!
Kể chi no đói mặc ngày dài
Rất tự hào là thơ em sung sức
Rất tự hào là em tôi đầy nghị lực
Đã hiển lộ mình qua “Cái chảo rang”
“Trung dũng ai bằng cái chảo rang Lửa to mới biết sáp hay vàng Xào nấu chiên kho đều vẹn cả Chua cay mặn ngọt giữ an toàn Ném tung chẳng vỡ như nồi đất Quăng bừa xó bếp vẫn nằm ngang Tốt đẹp đâu cần danh tiếng hão Bạn cùng lửa đỏ, nóng chang chang”
Phải!
Lửa to mới biết sáp hay vàng!
Em hãy là vàng,
Mặc ai chọn sáp!
Tôi vui sướng cùng em
Yêu giấc “Ngủ đồng”
Hiên ngang khí phách:
“Sách truyền sướng nhất chức Quận công Ta sướng khi ra ngủ giữa đồng Lồng lộng trời hè muôn làn gió Đêm thanh sao sang mát thu không Nằm ngữa ung dung như khanh tướng Lấy mấy vần thơ tỏ nỗi lòng Tinh tú bao quanh hồn thời đại Ngủ đồng khoan khoái ngắm gương trong”
Tôi biết chí em khi “Qua đèo Ngang”
Ung dung xướng họa với người anh hùng
Đã làm quân thù khiếp sợ:
“Ta đi qua đèo Ngang Cũng gặp Người trèo qua núi hiểm Đỉnh dốc chênh vênh Xe mù bụi cuốn Có lẽ thiên nhiên đã định bao giờ Một dãy Hoành Sơn bát ngát trận đồ Điệp điệp núi cao Trùng trùng rừng thẳm. Người thấy Súng gác trời xanh Gió lùa biển lớn Nông dân rộn rịp đường vui Thanh Quan nàng nhẽ có hay Cảnh mới đã thay cảnh cũ. Ta hay Máu chồng đất đỏ Mây cuốn dặm khơi Nhân công giọt giọt mồ hôi Hưng Đạo thầy ơi có biết Người nay nối chí người xưa
Tới đây Nước biếc non xanh Biển rộng gió đùa khuấy nước Đi nữa Đèo sâu vực thẳm Núi cao mây giỡn chọc trời
Nhớ thù nhà, luống thẹn làm trai Thương dân nước, thà sinh phận gái “Hoành Sơn cổ lũy” Hỏi đâu dấu tích phân tranh? Chỉ thấy non sông Lốc cuốn, bốn phương sấm động.
Người vì việc nước ra đi Ta muốn cứu dân nên thăm trận thế Điều không hẹn mà xui gặp mặt Vô danh lại gặp hữu danh Cuộc đời dài ắt còn sẽ gặp nhau Nay hội ngộ giữa đỉnh cao trời đất Anh em ta ngự trên xe đạp Còn Người thì lại đáp com măng Đường xuyên sơn Anh hùng gặp anh hùng Nhìn sóng biển Đông Như ao trời dưới núi.
Xin kính chào Bậc anh hùng tiền bối Ta ngưỡng mộ Người Và tỏ chí với non sông Mẹ hiền ơi! Tổ Quốc ơi! Xin tiếp bước anh hùng!”
Hãy cố lên em!
Noi gương danh nhân mà lập chí
Ta với em
Mình hãy kết thành đôi tri kỷ!
Đất Quảng Trạch này đâu kém Nam Dương
Tôi tự hào bài “Tỏ chí” của em:
“Quốc Tuấn ngày xưa chí vững bền Thù nhà, nợ nước chẳng hề quên Đến bữa quên ăn, đêm quên ngủ Thương dân, yêu nước quyết báo đền Văn hay thu phục muôn người Việt Võ giỏi kinh hồn lũ tướng Nguyên Mươi năm sau nữa ơi ông Tuấn Nối chí ông, nay cháu tiến lên!”
Tôi thương mến em
Đã chịu khó luyện rèn
Biết HỌC LÀM NGƯỜI !
Học làm con hiếu thảo.
Mười lăm tuổi đã “Tập làm thầy giáo”
“Vui gì hơn buổi đầu làm thầy giáo Của lớp vở lòng đất mẹ yêu thương Trưa nắng luyến các em cùng đến lớp Giọng líu lo như chim hót ven đường.
Đứng trước các em tuổi nhỏ đáng yêu Mà đã tưởng tới bao nhiêu người lớn Nghe em đọc giọng thanh thanh dễ mến Mà đã nghe đất nước xuyến xao mình!”
Tổ Quốc đang chờ em phía trước.
Em ơi em, can đảm bước chân lên!
(*) “Bụng đói”, “Cái chảo rang”, “Ngủ đồng”, “Qua đèo Ngang”, “Tỏ chí”, “Tập làm thầy giáo” là những bài thơ Hoàng Kim được thầy Nguyễn Khoa Tịnh trích dẫn in nghiêng trong bài thơ này.
MẸ
Tô Hoàn
Con về thăm mẹ chiều mưa
Mới hay nhà dột gió lùa bốn bên
Hạt mưa sợi thắng sợi xiên
Cứ nhằm vào mẹ những đêm trắng trời
Con đi đánh giặc một đời
Mà không che nổi một nơi mẹ nằm!
BA NÉN HƯƠNG
Hoàng Cát
Nén hương này con thắp giỗ mẹ
Bom ập đến mẹ về cõi thế
Nén hương này anh thắp giỗ em
Ở lại miền Nam không có mộ để anh tìm
Nén hương này tôi thắp giỗ thân tôi
Chiến tranh cướp đi hai chục năm rồi
Ba nén hương một mình tôi làm giỗ
Giỗ chính mình, giỗ mẹ, giỗ em tôi !
THƯ CỦA NGƯỜI RA TRẬN
(Bài thơ chưa rõ tác giả)
Anh viết cho em lá thư dài tâm sự
Trời Lục Nam đêm này khó ngủ
Cũng mơ màng như nét bút anh biên.
Ở quê hương giờ chắc đã lên đèn
Sau vất vả một ngày lao động
Đêm nay nhé cùng anh em hãy sống
Những ngày đầu thơ ấu của tình yêu.
Nhớ lắm em ơi những sớm những chiều
Ta sánh bước dưới trời cao trong vắt
Anh nắm tay em, em cười trong mắt
Trăng thẹn thùng lẫn vội bóng mây trôi
….
Rồi từ đó bao đêm thao thức bồi hồi
Anh mơ được cùng em xây tổ ấm
No đói có nhau ngọt bùi khoai sắn
Một căn nhà đàn con nhỏ líu lô
Tấm lòng em là cả một bài thơ
Anh muốn viết như một người thi sĩ
Ruộng lúa nương khoai tấm lòng tri kỷ
Có bóng em đi thêm đẹp cả đất trời.
Nhưng em ơi khi ta bước vào đời
Đâu chỉ có bướm có hoa có trời có đất
Đâu chỉ có mơ màng những đêm trăng mật
Mà đất trời đã nổi phong ba
Tạm biệt em, anh bước đi xa
Khi thửa ruộng luống cày còn dang dỡ
Khi mầm non tình ta vừa mới nhú
Khi căn nhà còn tạm mái tranh.
Quê hương ơi xóm nhỏ hiền lành
Có biết chăng người yêu ta ở đó
Một nắng hai sương giải dầu mưa gió
Mắt mỏi mòn ai đó ngóng trông nhau.
Anh đi biển rộng sông sâu
Con thuyền nhỏ vẫn mong ngày cập bến
Đò có đông em ơi đừng xao xuyến
Nắng mưa này đâu chỉ có đôi ta.
Anh đi bão táp mưa sa
Chỉ thương em một cánh hoa giữa trời
Đời là thế đó em ơi
Buồn thương xa cách chia phôi là thường.
Anh gửi cho em lời nhắn lên đường
Bức thư của người ra trận
Dù mai sau trong niềm vui chiến thắng
Anh chưa về nhưng đã có thư anh …
THẮP ĐÈN LÊN ĐI EM ! Hoàng Kim
Thắp đèn lên đi em!
Xua tăm tối, giữa đêm trường ta học
Vũ trụ bao la đèn em là hạt ngọc
Cùng sao khuya soi sáng mảnh đất này
Dù sớm chiều em đã học hăng say
Dù ngày mệt chưa một hồi thanh thản
Đèn hãy thắp sáng niềm tin chiến thắng
Em thắp đèn lên cho trang sách soi mình.
Thắp đèn lên đi em!
Xua tăm tối giữa đêm trường ta học
Em đâu chỉ học bằng ánh mắt
Mà bằng cả lòng mình, cả khối óc hờn căm
Thù giặc giết cha, bom cày sập tung hầm
Nhà tan nát, sân trường đầy miệng hố
Hãy học em ơi, dù ngày có khổ
Lao động suốt ngày em cần giấc ngủ ngon
Nhưng đói nghèo đâu có để ta yên
Và nghị lực nhắc em đừng ngon giấc
Nợ nước thù nhà ngày đêm réo dục
Dậy đi em, Tổ quốc gọi anh hùng.
Thắp đèn lên đi em!
Xua tăm tối giữa đêm trường ta học
Mặc cho gió đêm nay lạnh về tê buốt
Tấm áo sờn không đủ ấm người em
Vùng dậy khỏi mền, em thắp ngọn đèn lên
Để ánh sáng xua đêm trường lạnh cóng
Qua khổ cực càng yêu người lao động
Trãi đói nghèo càng rèn đức kiên trung
Em đã đọc nhiều gương sáng danh nhân
Hãy biết nhục, biết hèn mà lập chí
Thắp đèn lên đi em, ngọn đèn dầu bền bỉ
Sáng giữa đời lấp lánh một niềm tin.
LINH GIANG Hoàng Kim Hãy học thái độ của nước mà đi như dòng sông
Nhà mình gần ngã ba sông
Rào Nan, chợ Mới, nguồn Son, Quảng Bình
Linh Giang sông núi hữu tình
Nơi đây cha mẹ sinh thành ra con
“Chèo thuyền cho khuất bến Son
Để con khỏi chộ nước non thêm buồn “
Câu ru quặn thắt đời con
Mẹ cha mất sớm, con còn trẻ thơ
Ra đi từ bấy đến chừ
Lặn trong sương khói bến đò sông quê
Ngày xuân giữ vẹn lời thề
Non sông mở cõi, tụ về trời Nam.
HOME RIVER
Hoang Kim Learning the attitude of water that goes like the river
My house is near a confluence
Rao Nan, Cho Moi, Nguon Son, Quang Binh
Linh River charming Mountain River
The place where I was born.
“Rowing far away the SON wharf
Not to see our village that makes me sadder “
Lullaby makes me heart- rending
My parents died early when I was a baby.
Leaving our village since then
Diving in smog from the wharf of our river
Keeping full oath in Spring days
When the country unify, we’ll live together in the South
English translation
by NgocphuongNam
LINH RIVER Hoang Kim Learning the attitude of water that goes like the river
By confluence sited is my home
Rao Nam, Cho Moi, Nguon Son, Quang Binh
Linh river of charming
That is place releasing a person
Rowing out of the Son
Let is the upset not involved in my mind
Such a sad lunlaby
Parents is dead left five child barren
Leaving home since then
Smog of wharf is driven my life
When Vietnam unified
The South chosen the homeland to live.
English translation
by Vu Manh Hai
THÁNG BẢY MƯA NGÂU Hoàng Kim
Tháng Bảy mưa Ngâu
Trời thương chúng mình
Mưa giăng
Ướt đầm vạt áo
Bảy sắc cầu vồng
Lung linh huyền ảo
Mẹ thương con
Đưa em về cùng anh.
Chuyến xe tốc hành
Chạy giữa trăm năm
Chở đầy kỷ niệm
Chở đầy ắp tình em
Từ nơi chân trời
Góc biển
Chàng Ngưu hóa mình vào dân ca
Con ngựa, con trâu
Suốt đời siêng năng làm lụng.
Thương con gà luôn dậy sớm
Biết ơn con chó thức đêm trường.
Em ơi !
Những câu thơ ông bà gửi lại
Đã theo chúng mình đi suốt thời gian.
Tháng Bảy mưa Ngâu
Đầy trời mưa giăng giăng
Thương nàng Chức Nữ
Em là tiên đời thường
Đầy đặn yêu thương
Tháng Bảy mưa Ngâu
Nhớ thương ai góc biển chân trời
Những cuộc chia ly
Đong đầy nỗi nhớ …
Chiêm bao mơ về chuyện cũ
Khói sương mờ ký ức thời gian
Chốn nào chúng mình hò hẹn
Nơi em cùng anh xao xuyến yêu thương
Ngắm mưa Ngâu tháng Bảy
Mưa, mưa hoài, mưa mãi
Mưa trong lòng người
Nên mưa rất lâu…
Mưa rơi như dòng lệ trắng
Đất trời thương nối một nhịp cầu.
Em ơi
Lời tình tự của nghìn năm dân tộc.
Như sắc cầu vồng
Nối hai miền xa cách
Để xa nên gần
Vời vợi nhớ thương.
Đó chính là ngày 27 tháng 7. Không hiểu sao, vào một ngày linh thiêng trong tháng linh thiêng này, tôi cứ lẩn mẩn nghĩ đến mấy câu thơ Chính Hữu viết về đồng đội. Câu thơ thật giản dị mà lại sâu sắc, ám ảnh. Đối với những người lính, đồng đội là hớp nước uống chung, miếng cơm sẻ nửa, là chia nhau một sớm nắng, một chiều mưa, chia khắp anh em một mẩu tin nhà, chia nhau đứng trong chiến hào chật hẹp, chia nhau nụ cười, chia nhau cái chết…
Vâng! Đúng vậy! Và ngay cả khi đã chết rồi, những người lính ấy vẫn chẳng lìa nhau. Dù ngã xuống ở Điện Biên, trước cửa ngõ Sài Gòn, hay trên đảo Gạc Ma, đảo Hoàng Sa, Trường Sa những năm gần đây thì họ vẫn cùng chung nhau một ngày giỗ: Ngày 27 – 7.
Vào một ngày “giỗ đồng đội” như thế, tôi tham gia đoàn tháp tùng Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết về Nghĩa trang Trường Sơn, Nghĩa trang Đường 9. Lần đầu tiên, Chủ tịch nước đi tầu hỏa, ăn bánh mì luộc, uống nước gạo rang như những người lính vào mặt trận năm xưa, nghe lại những bài hát xưa của lính.
Có lẽ không ở nơi nào, số người chết trận nhiều như ở Việt Nam. Hầu như làng nào, xã nào cũng có Nghĩa trang Liệt sĩ. Rồi còn bao nhiêu những Nghĩa trang ở bên ngoài Nghĩa trang? Khi chủ tịch nước và đoàn tùy tùng thả những vòng hoa xuống dòng sông Thạch Hãn, rồi hai bên bờ sông nhói lên những câu thơ quen thuộc: Đò lên Thạch Hãn, xin chèo nhẹ – Đáy sông còn đó bạn tôi nằm – Bao tuổi hai mươi thành sóng nước – Vỗ yên bờ bãi, vỗ ngàn năm…Và tôi rùng mình, chợt nhận ra rằng, con sông Thạch Hãn trong vắt và lạnh buốt như nước mắt kia, hóa ra là một nghĩa trang bằng nước.
Tháng Tư vừa rồi, tôi trở lại Trường Sa. Trước khi vào Đảo, chúng tôi thả hoa xuống Biển Đông. Và cả một đại dương mênh mông, mặn đắng ấy cũng là một nghĩa trang bằng nước. Chúng ta còn có bao nhiêu những Nghĩa trang ở bên ngoài Nghĩa trang như thế trong vô vàn những con sông, những cánh rừng mù mịt thăm thẳm kia?
Nếu trên mộ mỗi người lính chỉ thắp một ngọn nến, thì đêm đêm, trên dải đất hình chữ S của chúng ta sẽ sáng rực lên như một dải Ngân hà.
Hiện nay vẫn còn trên 200.000 liệt sĩ chưa tìm được hài cốt. Và như thế, vẫn còn trên 200.000 người mẹ, người cha, người vợ, và những người con phấp phỏng, khắc khoải chờ đợi người thân trở về, dù người thân chỉ còn là một chút xương mỏng trong đất lạnh. Chiến tranh đã qua 37 năm rồi, nhưng trong lòng những người có lương tri, chiến tranh đâu phải đã tắt.
Mỗi năm chỉ có một ngày 27.7. Nhưng với chúng ta, ngày nào cũng phải là ngày 27.7, ngày đền ơn đáp nghĩa, để không một ông bố, bà mẹ, không một người vợ, người con liệt sĩ nào phải bần hàn, đói rét. Để họ khổ hạnh bần hàn là chúng ta có tội.
Ngày xưa, chúng ta từng xếp hàng tiếp máu, giúp các thương binh, bệnh binh vượt qua cái chết. Bây giờ, người “tiếp máu” cho chúng ta lại chính là các liệt sĩ nằm trong các nghĩa trang kia. Nói như một thi sĩ, chúng ta xếp hàng vào nghĩa trang, không phải chỉ để thắp hương, tri ân các liệt sĩ, mà chính là nhận lại những nguồn máu Cách mạng, nguồn máu trong trẻo, tinh khiết của những người đã khuất. Trong đời sống bụi bặm, ô nhiễm này, rất nhiều người trong chúng ta cần được tiếp máu, thậm chí là thay máu, để cuộc sống ngày một trong lành, tươi sáng hơn.
Và chỉ như thế, sự hi sinh của hàng triệu liệt sĩ mới thực sự có ý nghĩa. Một hiền triết nói rằng: Những anh hùng liệt sĩ chỉ thực sự chết chừng nào chúng ta không còn nhớ đến họ.
Bởi thế, một lần nữa, tôi cầu mong: Ngày nào cũng là ngày 27 Tháng 7.