ThS. ĐỖ THỊ LỢI Lắng đọng một thời gian, nay lúa Campuchia lại ồ ạt tuồn qua biên giới theo ngả Tịnh Biên, tỉnh An Giang. Chúng tôi đã trở lại “thương cảng lúa lậu” ở chợ Đường Sứ, xã An Nông, huyện Tịnh Biên để ghi nhận sự việc này.
Mở đường cho lúa ngoại sang
Cảnh nhộn nhịp lên xuống lúa ở cầu sắt Hữu Nghị, thị trấn Tịnh Biên nay đã không còn nữa, nhưng thay vào đó là cả một “thương cảng lúa lậu” sầm uất tại xã An Nông đang hoạt động tấp nập. Theo tuyến quốc lộ N1 chúng tôi vào chợ Đường Sứ thuộc ấp Tân Biên, xã An Nông, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang. Từ trên quốc lộ bắt gặp hàng hàng xe tải chất đầy ứ lúa nối đuôi nhau phóng vun vút giữa cánh đồng lúa Tân Biên.
Anh bạn dẫn đường cho biết, đó là lúa Campuchia được chuyển về chợ Đường Sứ bằng con đường huyết mạch do dân buôn lậu tự đắp để vận chuyển hàng hoá xăng dầu qua lại biên giới. Bây giờ, con đường này có người đứng ra đấu giá, nâng cấp thành tuyến đường buôn lậu chính cho dân buôn hai nước để thu phí. Chợ Đường Sứ hiện ra trước mắt với cảnh mua bán, vận chuyển bốc dỡ lúa tấp nập. Chúng tôi qua đò đặt chân lên vựa lúa lậu khổng lồ.
Theo con đường “huyết mạch” chúng tôi thâm nhập sang cánh đồng lúa Thum Đưng, huyện Kirivong, tỉnh Tà Keo (Campuchia) đang thu hoạch. Con đường đất chỉ rộng khoảng 2,5m bị lún oằn sâu theo 2 lằn bánh xe và mịt mờ bụi đất. Do đường nhỏ nên khi hai xe tải quá khổ gặp nhau thì chiếc xe trống hàng phải lấn xuống ruộng để nhường đường cho xe còn no lúa.
Một nông dân đang thăm ruộng cho biết: “Mỗi ngày có từ 200 – 300 lượt xe tải ùn ùn chở lúa lậu đổ về chợ Đường Sứ. Coi xe nhỏ vậy chứ mỗi chiếc chở hơn 20 tấn, vì chiếc nào chiếc nấy chất lúa cao ngút ngất”. Các xe này do người Campuchia cầm lái và chở thuê cho bạn hàng. Mỗi chiếc xe đầy lúa khi nhập hàng phải đóng phí từ 30.000 – 50.000 đồng, tuỳ xe đầy, xe ít lúa. “Không hiểu sao chính quyền địa phương cho xẻ ruộng để làm đường đón lúa lậu vào nội địa. Tình trạng này diễn ra nhan nhãn giữa ban ngày”- một nông dân bức xúc.
|
Từ vựa lúa, chúng tôi đi bộ khoảng 1,2 km là đến một “mạch long” chỉ rộng chừng 0,5m – ranh giới giữa xã An Nông (Việt Nam) và Thum Đưng (Campuchia). Từ đây, con đường tiếp tục uốn lượn và kéo dài thêm hơn 2km là đến chân núi thuộc xã Thum Đưng. Thời điểm này là vụ thu hoạch lúa rộ không chỉ Thum Đưng mà còn dài lên Kandal đến tận Phnom Pênh nên các bạn hàng người Việt lẫn người Campchia lên đây gom lúa rồi cho xe tải chở về bằng con đường “huyết mạch” kia.
Thương cảng lúa lậu
|
Cảnh xuống lúa tấp nập tại “thương cảng Đường Sứ”
|
Theo đường cũ chúng tôi quay lại chợ Đường Sứ - một thương cảng lúa lậu cực lớn luôn tấp nập cảnh bán mua. Cứ độ 10, 15 phút chúng tôi phải nép người bước một chân xuống ruộng để tránh những chiếc xe tải đang lao vun vút. Bên trong “thương cảng” Đường Sứ là cả vựa lúa lậu to khủng khiếp. Hai dãy nhà kho bằng tôn đối mặt nhau chạy dài hơn 500m trên dãy đất rộng cặp bờ kênh Vĩnh Tế.
Đây là khu vực hoạt động của 5 đại gia vựa lúa ngoại: Ba Đô (Ba Diệp), Túc Dừa, Thuý, Phượng và Tám Tiệm. Mỗi người có từ 2 đến 3 kho cỡ bự, kho nào cũng chất đầy lúa cao lên đến nóc, tràn ra cả lối đi. Trên bờ tấp nập người dỡ lúa từ xe tải vào kho, dưới bến thì cả trăm chiếc ghe bầu từ 50 -100 tấn thay phiên nhau ra vào bến xuống hàng. Ghe nào no lúa vừa rút lui thì đã có ghe khác lấp vào, còn lại hàng chục ghe khác đậu ở bờ kênh đối diện xếp hàng chờ đến lượt. Mỗi chiếc ghe bầu 50-70 tấn chỉ mất khoảng 2 giờ là xuống đầy lúa.
Anh Mạnh, một thương lái ở Cần Thơ cho biết: “Lúa ở đây dễ mua, muốn bao nhiêu cũng có. Bây giờ thương lái đâu còn cảnh phải chạy ghe đi khắp nơi mua từng giạ, mất thời gian, mất chi phí lắm. Bảo đảm, ông cần bao nhiêu họ cũng “lo” đủ cho ông, khỏi đợi”. Theo Mạnh thì mùa này ở Campuchia cũng trồng các giống lúa IR50404 như ở Việt Nam. Nhưng lúa “ngoại” ở đây rẻ hơn lúa nội cùng loại từ 200 đồng/kg. Còn lúa Sóc, loại đặc sản của Campuchia thì giá cao hơn, khoảng 5.000 đồng/kg.
Điều đáng nói là “thương cảng lúa lậu” nằm lộ thiên ngay quốc lộ N1 và chỉ cách mặt UBND xã An Nông chừng 500m, nhưng mọi hoạt động ở đây diễn ra hết sức tự do. Nhiều thương lái còn cho hay, họ luôn được tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để mua bán nên rất “ưng” cái “thương cảng lúa ngoại” này.
Bùi Dũng Số lần xem trang : 16875 Nhập ngày : 17-02-2009 Điều chỉnh lần cuối : Ý kiến của bạn về bài viết này
Báo Nông Nghiệp Việt Nam KHÁNH HÒA: TRỒNG THỬ NGHIỆM THÀNH CÔNG RONG XANH (Báo NNVN - Số ra ngày 15/1/2009) (15-01-2009) XÂY DỰNG KHU NÔNG NGHIỆP CÔNG NGHỆ CAO: BÀI TOÁN KHÓ VỚI BÌNH PHƯỚC (Báo NNVN - Số ra ngày 14/1/2009) (15-01-2009) GIỐNG NGÔ LAI ĐƠN SSC 557 (Báo NNVN - Số ra ngày 14/1/2009) (14-01-2009) KINH NGHIỆM THẢ TÔM GIỐNG (Báo NNVN - Số ra ngày 14/1/2009) (14-01-2009) CÁCH TIÊM VÀ CHO THỎ UỐNG THUỐC THÚ Y (Báo NNVN - Số ra ngày 14/1/2009) (14-01-2009) CẢNH BÁO VỀ VIỆC TRỒNG ĐU ĐỦ BIẾN ĐỔI GEN Ở THÁI LAN (Báo NNVN - Số ra ngày 12/1/2009) (12-01-2009) CHẤT KÍCH THÍCH KHÁNG SAR3 PHÒNG TRỪ BỆNH ĐẠO ÔN (Báo NNVN - Số ra ngày 12/1/2009) (12-01-2009) MUỐN CÂY TRÂM ỔI CÓ NHIỀU MÀU HOA (Báo NNVN - Số ra ngày 9/1/2009) (09-01-2009) CÁCH BẢO QUẢN CỦ KHOAI TÂY SAU THU HOẠCH (Báo NNVN - Số ra ngày 9/1/2008) (09-01-2009) TÁC DỤNG CỦA SẢN PHẨM NÔNG NGHIỆP BIẾN ĐỔI GEN (Báo NNVN - Số ra ngày 9/1/2009) (09-01-2009) Trang kế tiếp ... 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44
|