ThS. ĐỖ THỊ LỢI Gần đây, nghề đánh bắt cá hô tự nhiên dần đi vào “ngõ cụt”. Đó là lẽ tự nhiên khi con cá hô bị đánh bắt một cách vô tội vạ và loài cá quý hiếm của dòng Mê Công này đang được xếp vào loài có nguy cơ tuyệt chủng. Việc nuôi cá hô bằng mô hình công nghiệp không chỉ bảo tồn, phát triển loài cá hô mà còn là mô hình kinh tế khá thành công tại An Giang…
Thành công bước đầu
Với việc Trung tâm Quốc gia giống thủy sản nước ngọt Nam bộ thuộc Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản II ở Cái Bè (Tiền Giang) nghiên cứu, lai tạo thành công loài cá hô quý hiếm năm 2006 đã mở ra một tương lai cho việc bảo tồn phát triển cá hô lưu vực sông Mê Công. Công ty cổ phần Nông ngư Quốc tế IFACO (An Giang) đã mạnh dạn làm cầu nối giữa trung tâm với một số nông dân tâm huyết với con cá hô tìm mua nguồn cá giống, bắt đầu thí điểm mô hình nuôi cá hô công nghiệp trong dân đầu tiên tại Việt Nam.
Người đầu tàu thí điểm mô hình nuôi cá hô công nghiệp là anh Lê Thành Nam ngụ tại ấp Bình Thủy, xã Bình Mỹ, huyện Châu Phú, tỉnh An Giang. Anh Nam cho biết: “Giữa năm 2008, tôi nghe thông tin một số nông dân ở Hậu Giang đã bắt đầu nuôi cá hô trong ao hầm đang phát triển khá. Vốn đam mê con cá hô từ nhỏ, lại sống tại vùng đất là cái nôi nghề đánh bắt cá hô truyền thống, tôi dò hỏi anh Chinh bên Hiệp hội Nghề cá nhờ sự hỗ trợ nhiệt tình từ việc tìm con giống, hướng dẫn một số kỹ thuật cơ bản rồi bắt đầu thả nuôi cá hô ao hầm đến nay được hơn 3 tháng”.
Tận dụng ao nuôi cá tra trên diện tích 10.000m2 của mình, anh Nam mua 5.000 con cá hô giống thương phẩm loại 20 con/kg với giá 15.000 đồng/con. Đến nay, sau 3 tháng nuôi thử nghiệm, 5.000 con giống đã phát triển khá tốt, chưa thấy có hiện tượng cá chết, trọng lượng trung bình 300g/con. Anh Nam cho biết: “Do đặc tính cá hô dễ nuôi, ít bệnh tật, thường ăn các loại phiêu sinh vật, cá ở tầng nước sâu nên mình tận dụng tầng trên nuôi kết hợp cá tra thương phẩm. Với cách làm ấy, mình vừa tận dụng nguồn thức ăn thả nuôi cá tra, vừa cung cấp lượng thức ăn cần thiết từ phân, thức ăn thừa của cá tra cho cá hô. Bên cạnh đó, còn tận dụng được đặc tính sống tầng sâu của cá hô để làm sạch nguồn nước và đáy ao nuôi. Nói chung, đến thời điểm hiện tại, mọi vấn đề liên quan đến việc nuôi cá hô theo mô hình công nghiệp đang có chiều hướng rất khả quan”.
Cùng với hộ anh Nam, hiện Công ty IFACO còn thí điểm song song mô hình nuôi cá hô công nghiệp xen cá rô phi và nuôi trên bè ở hai hộ ông Thái Văn Hưởng ở phường Bình Khánh và ông Lê Chí Bình ở xã Mỹ Khánh (thành phố Long Xuyên) với số lượng 500 con/hộ, mật độ 5m2/con cũng đang phát triển rất tốt.
Thị trường ổn định
Từ những thành công bước đầu, anh Nam hồ hởi nói: “Với lợi thế kinh nghiệm nuôi cá ao hầm hàng chục năm, cùng với việc cá hô đang phát triển rất tốt như hiện tại, tôi tin chắc rằng chỉ sau 2-3 năm thả nuôi, lượng cá hô đang thả này sẽ mang về bạc tỉ. Nếu vụ cá hô lần này thành công, tôi sẽ đẩy mạnh việc phát triển ao nuôi, số lượng cá thả, hướng đến một mô hình nuôi cá hô công nghiệp với qui mô lớn”. Tuy nhiên, hiện anh Nam cũng rất băn khoăn khi nguồn cá hô giống giá quá cao, chỉ duy nhất một nhà cung cấp, những bệnh dịch sau 3 tháng nuôi chưa xuất hiện nhưng cách phòng tránh bệnh dịch vẫn chưa được phòng bị hiệu quả đã và đang là nỗi lo lớn nhất đối với anh.
Cá hô là loài cá lớn nhất thuộc họ cá chép có tên khoa học là Catlocarpio siamensis. Cá từ 5 đến 6 tuổi mới trưởng thành và nặng trung bình 10kg. Ở môi trường tự nhiên, cá nặng trên 100kg. Nếu nuôi theo mô hình công nghiệp, theo đúng quy trình, mỗi năm cá tăng trọng từ 2-3kg. Hiện cá hô vẫn đang là loài cá quý hiếm sống nhiều lưu vực sông Mê Công, nằm trong sách Đỏ thế giới.
|
Trao đổi với chúng tôi, ông Châu Minh Chinh, Trưởng phòng Tư vấn - Kỹ thuật - Thương mại Hiệp hội Nghề nuôi và Chế biến thủy sản An Giang (AFA), Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Nông ngư Quốc tế IFACO, cho biết: “Đây là loài cá quý hiếm có giá trị thương phẩm cao. Giá cá hô trên thị trường hiện từ 160.000 đến 180.000 đồng/kg nhưng không đủ nguồn cung, lại thích hợp với nguồn nước ngọt và thổ nhưỡng Đồng bằng sông Cửu Long. Hiện nay, công ty đang tích cực phối hợp với Trung tâm chuyển giao con giống, cung cấp các tài liệu hướng dẫn kỹ thuật phòng trị bệnh, cung cấp nguồn thức ăn tốt nhất... cho những hộ nuôi thí điểm, nhằm tìm một hướng phát triển bền vững vừa bảo tồn được nguồn gien quý, vừa tạo mô hình chăn nuôi hiệu quả”. Ông Chinh còn cho biết thêm, nếu 3 mô hình thí điểm trên đạt thành công, chúng tôi sẽ đẩy mạnh việc phối hợp Trung tâm cung ứng từ 10.000-20.000 con giống/tháng, loại 20 con/kg với giá cả phù hợp nhằm nhân rộng mô hình.
Theo thạc sĩ Thi Thanh Vinh, Chủ nhiệm Chương trình “Bảo tồn nguồn gien cá nước ngọt”, Trung tâm Quốc gia giống thủy sản nước ngọt Nam bộ, sau 3 năm sưu tầm lai tạo thuần chủng cá đến nay, Trung tâm đang có 40 con cá hô bố mẹ; lai tạo thành công gần 10.000 thế hệ cá hô bột F1 phục vụ các mô hình nuôi thí điểm. Hướng đến Trung tâm sẽ cung cấp lượng giống cá con dồi dào, cung cấp đại trà với giá cả phù hợp để con cá hô chính thức được bảo tồn.
Số lần xem trang : 15216 Nhập ngày : 05-03-2009 Điều chỉnh lần cuối : 05-03-2009 Ý kiến của bạn về bài viết này
Báo Kinh tế nông thôn CÁCH PHÒNG TRỪ SÂU ĐỤC QUẢ NA (Báo KTNT - Số ra ngày 1/4/2009) (02-04-2009) THAO TÁC SỬ DỤNG THUỐC THÚ Y CHO ĐẠI GIA SÚC (Báo KTNT - Số ra ngày 1/4/2009) (02-04-2009) KINH NGHIỆM PHÒNG TRỪ SÂU XÁM HẠI NGÔ XUÂN (Báo NNVN - Số ra ngày 30/3/2009) (02-04-2009) PHÒNG VÀ TRỊ BỆNH CHÁY BÌA LÁ LÚA (Báo KTNT - Số ra ngày 30/3/2009) (02-04-2009) NUÔI GIA CẦM TRONG CHUỒNG KÍN, MÔ HÌNH MỚI (Báo KTNT - Số ra ngày 30/3/2009) (02-04-2009) KỸ THUẬT TRỒNG HOA THIÊN LÝ (Báo KTNT - Số ra ngày 30/3/2009) (02-04-2009) CÁCH XỬ LÝ CÁ NỔI ĐẦU Ở AO NUÔI (Báo KTNT - Số ra ngày 25/3/2009) (25-03-2009) BẮC GIANG: TRỒNG THỬ NGHIỆM THÀNH CÔNG GIỐNG LẠC MỚI (Báo KTNT - Số ra ngày 25/3/2009) (25-03-2009) GIỐNG HOA CẤY MÔ - TIỀM NĂNG PHÁT TRIỂN (Báo KTNT - Số ra ngày 24/3/2009) (24-03-2009) HỌ ĐÃ LÀM GIÀU NHƯ THẾ (Báo NNVN - Số ra ngày 23/3/2009) (24-03-2009) Trang kế tiếp ... 1 2 3 4 5 6 7 8 9
|