ThS. ĐỖ THỊ LỢI Qua 2 năm thực hiện dự án “Xây dựng mô hình trồng hoa từ giống nuôi cấy mô (cúc, vạn thọ) ở An Bình, Long Tuyền, TP Cần Thơ” các chuyên gia và nông dân cùng có chung đánh giá: giống hoa cấy mô rất có triển vọng phát triển vì cây sinh trưởng mạnh, ít sâu bệnh, hoa có chất lượng cao và giá thành chỉ tương đương với cây giống nhân bằng phương pháp truyền thống…
Đưa giống hoa cấy mô đến với nông dân
Từ năm 2003-2006, thạc sĩ Đặng Phương Trâm, cán bộ Trường Đại học Cần Thơ và các cộng sự đã thực hiện thành công đề tài nghiên cứu “Ứng dụng công nghệ sinh học trong nhân giống và áp dụng công nghệ cao để sản xuất một số giống hoa nhập nội tại TP Cần Thơ”. Các giống hoa cúc nhân bằng phương pháp nuôi cấy mô được trồng thử nghiệm trên ruộng theo phương thức cắt cành đã cho hoa khá, đạt giá trị hàng hóa trong vụ đông xuân. Để đưa giống hoa cấy mô vào sản xuất thực tế, Trung tâm Kỹ thuật và Ứng dụng công nghệ Cần Thơ đã triển khai thực hiện dự án “Xây dựng mô hình trồng hoa từ giống nuôi cấy mô (cúc, vạn thọ) ở An Bình, Long Tuyền, TP Cần Thơ” từ giữa năm 2006 đến giữa năm 2008.
Tiếp nhận nguồn gien các loại hoa và kỹ thuật nuôi cấy mô từ Trường Đại học Cần Thơ, các cán bộ của Trung tâm Kỹ thuật và Ứng dụng công nghệ Cần Thơ đã nhân giống tạo cây mô trong phòng thí nghiệm. Sau đó, hợp tác với Hợp tác xã hoa kiểng Bình Minh (phường An Bình, quận Ninh Kiều) để ươm cây mô trong vườn ươm và giâm cành, tạo ra cây giống (còn gọi là cây hom). Dự án đã chọn 2 hộ nông dân có kinh nghiệm trồng hoa kiểng để xây dựng mô hình trình diễn. 2 hộ này được dự án chuyển giao cây giống và được cán bộ kỹ thuật hướng dẫn qui trình sản xuất cây hoa thương phẩm. Ngoài ra, dự án còn tổ chức hội thảo, tập huấn kỹ thuật cho 50 hộ nông dân trồng hoa ở phường An Bình, quận Ninh Kiều và phường Long Tuyền, quận Bình Thủy, nhằm giới thiệu mô hình mới này để nông dân ứng dụng rộng rãi.
Những điểm vượt trội
Qua 2 vụ sản xuất, những nông dân tham gia dự án đánh giá cao giống hoa cấy mô. Ông Nguyễn Văn Phi, phường Long Tuyền, quận Bình Thủy, cho biết: “Trồng hoa từ giống cây cấy mô ít tốn tiền phân, thuốc vì cây mau lớn, ít sâu bệnh, thời gian chăm sóc ngắn mà chất lượng hoa bằng hoặc cao hơn so với giống nhân bằng phương pháp truyền thống. Đặc biệt, chúng tôi không phải qua Sa Đéc, Đồng Tháp để mua cây giống về trồng như trước đây. Điều này cũng giảm thêm một phần chi phí”.
Theo anh Tiêu Thanh Vũ, Phó Trưởng Phòng Ứng dụng Công nghệ, Trung tâm Kỹ thuật và Ứng dụng công nghệ Cần Thơ, ưu điểm của giống cây cấy mô là đạt độ đồng đều cao, nhân giống được với số lượng lớn trong thời gian ngắn nên chủ động được số lượng, cây sinh trưởng mạnh và chống chịu sâu bệnh tốt. Đối với cây giống nhân bằng phương pháp truyền thống, nông dân thường giâm cành để nhân giống từ đời này sang đời khác nên cây dễ bệnh và chất lượng không cao. Trong khi đó, một cây mô (ví dụ như hoa cúc) có thể cắt, giâm cành thành 10 cây giống, không nhân tiếp thế hệ sau nên chất lượng hoa thương phẩm đồng đều, nhiều bông, kích thước khá lớn và màu sắc tươi.
Hiệu quả kinh tế của hoa trồng từ giống cấy mô cũng cao hơn hoa trồng từ giống truyền thống. Ông Hoàng Hữu Toàn, Phó Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật và Ứng dụng công nghệ Cần Thơ, Chủ nhiệm dự án, so sánh: “Chi phí sản xuất chậu hoa cấy mô cao hơn chậu hoa truyền thống khoảng 1.300 đồng/chậu. Nhưng do chất lượng hoa tốt hơn nên giá bán chậu hoa cấy mô trong dự án cao hơn chậu hoa truyền thống. Ví dụ như dịp Tết 2008, một chậu hoa cúc hoặc vạn thọ từ giống cấy mô bán được giá 15.000 đồng, trong khi hoa từ giống truyền thống chỉ 10.000 đồng. Tính ra, lợi nhuận của hoa cấy mô cao gấp gần 2 lần so với truyền thống. Ngoài trồng chậu, hoa cúc giống cấy mô có thể trồng đất theo phương thức cắt cành. Trồng theo phương thức này, giá bán 2.000 đồng/cành trong khi chi phí sản xuất chỉ gần 700 đồng/cành. Nếu tính trên cùng đơn vị diện tích, trồng hoa cúc, vạn thọ từ giống cấy mô có hiệu quả kinh tế cao hơn so với trồng hoa từ giống truyền thống”.
Tiềm năng phát triển
Thấy rõ hiệu quả kinh tế từ mô hình trồng hoa cấy mô, sau khi dự án kết thúc, bên cạnh trồng hoa từ các giống truyền thống, ông Nguyễn Văn Phi, phường Long Tuyền, quận Bình Thủy tiếp tục trồng gần 80 chậu cúc vàng hè, cúc Đài Loan mới và 50 chậu vạn thọ từ giống cấy mô trong dịp Tết 2009. Trừ chi phí, chỉ tính hoa trồng từ giống cấy mô, ông lời khoảng 2,1 triệu đồng. Theo ông Phi, mức lời này tương đương hoa trồng từ giống truyền thống mà công chăm sóc ít hơn. Ông dự tính, vụ hoa tới tiếp tục trồng hoa từ giống cấy mô.
Hợp tác xã Hoa Kiểng Bình Minh ở phường An Bình, quận Ninh Kiều - nơi ươm, nhân giống cây mô và cũng là nơi thực hiện mô hình trình diễn của dự án, trồng vài trăm chậu hoa từ giống cấy mô trong dịp Tết 2009 để giới thiệu (không bán) với khách tham quan. Qua đó, nhiều hộ trồng hoa ở rạch Bà Bộ (Cần Thơ) và ở Bạc Liêu đã đặt hàng giống cây cấy mô của Hợp tác xã. Ông Dương Minh Út, Chủ nhiệm Hợp tác xã, nhận xét: “Nhân giống từ cây mô có thể sản xuất hàng loạt và đều cây theo ý muốn. Cây nhân từ giống cấy mô mạnh hơn cây nhân theo phương pháp truyền thống vì được “trẻ hóa”. Tôi thấy giống cấy mô rất có tiềm năng phát triển nên đã đặt hàng với Trung tâm Kỹ thuật và Ứng dụng công nghệ Cần Thơ gần 10.000 cây mô hoa cúc để tháng 4 âm lịch năm 2009 tiến hành ươm, nhân giống cung cấp cho thị trường trong dịp Tết 2010. Tôi dự tính, giá bán của cây giống cấy mô sẽ bằng hoặc thấp hơn giá bán của cây giống truyền thống”. Hiện nay, một số hộ chuyên cung cấp cây giống cũng đã liên hệ với Trung tâm Kỹ thuật và Ứng dụng công nghệ Cần Thơ đặt mua cây mô để nhân giống thay vì chỉ nhân giống bằng phương pháp truyền thống như trước đây.
Có thể nói, tiềm năng phát triển các giống hoa cấy mô rất lớn vì ưu điểm về chất lượng, hiệu quả kinh tế và giá thành cây giống. Bên cạnh đó, sau khi đưa ra trồng thử nghiệm thành công 8 giống cúc và các giống vạn thọ, Trung tâm Kỹ thuật và Ứng dụng công nghệ Cần Thơ tiếp tục trồng thăm dò trong nhà lưới các giống cúc khác và giống hoa chuông, sống đời, cẩm chướng, các loại hoa lan... nhằm hướng tới việc đưa các giống hoa này đến với người trồng hoa trong thời gian tới. Tuy nhiên, việc nhân rộng mô hình trồng hoa từ giống cấy mô cần phải có thời gian lâu dài, vì việc thay đổi tập quán trồng hoa từ giống nhân bằng phương pháp truyền thống của nông dân trồng hoa không đơn giản. Trong khi đó, giống hoa cấy mô còn khá mới mẻ với người trồng hoa ở TP Cần Thơ và cả ĐBSCL.
Số lần xem trang : 15236 Nhập ngày : 24-03-2009 Điều chỉnh lần cuối : 24-03-2009 Ý kiến của bạn về bài viết này
Báo Kinh tế nông thôn Medicated Feed For Farm (MFF): Dòng sản phẩm tối ưu tăng cường miễn dịch cho heo (KTNT - Ngày 28/3/2011) (06-04-2011) BIẾN RƠM THÀNH ... NHIÊN LIỆU (Báo KTNT - Ngày 21/3/2011) (06-04-2011) WEVIRO: Chế phẩm sinh học thân thiện với môi trường - KTNT ngày 27/10/2010 (10-03-2011) KHI NÀO DÂN TA KHÔNG "SẢN XUẤT THEO PHONG TRÀO" ? (Báo KTNT - Số ra ngày 11/5/2009) (11-05-2009) NỮ THẠC SĨ "ĐỠ ĐẺ" CHO CÁ (Báo KTNT - Số ra ngày 7/5/2009) (11-05-2009) TRIỆU CHỨNG VÀ CÁCH PHÒNG BỆNH H1N1 TRÊN ĐÀN LỢN (Báo KTNT - Số ra ngày 29/4/2009) (29-04-2009) NÔNG DÂN TRỒNG HOA HÀ LAN LAO ĐAO VI CẠNH TRANH (Báo NNVN - Số ra ngày 20/4/2009) (23-04-2009) KINH NGHIỆM CHO CÁ BỐNG TƯỢNG SINH SẢN NHÂN TẠO (Báo KTNT - Số ra ngày 13/4/2009) (23-04-2009) NGƯỜI KHÔI PHỤC GIỐNG CHUỐI LABA (Báo KTNT - Số ra ngày 13/4/2009) (23-04-2009) THANH LONG MẮC "BỆNH LẠ" DO THAM BÓN THÚC (Báo KTNT - Số ra ngày 11/4/2009) (23-04-2009) Trang kế tiếp ... 1 2 3 4 5 6 7 8 9
|