ThS. ĐỖ THỊ LỢI Cam sành Hà Giang, vải thiều Lục Ngạn, nho xanh Ninh Thuận... là những thương hiệu được tạo nên bởi sự đóng góp của Hội Làm vườn. Đây cũng chính là tấm “visa” để các loại nông sản vững vàng đến với nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ.
Vải thiều Lục Ngạn được chính danh
Ngày 27/6/2008 trở thành dấu ấn không thể nào quên của những người trồng vải ở huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) khi Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp Giấy chứng nhận bảo hộ địa lý cho vải thiều Lục Ngạn. Theo đánh giá của các chuyên gia, việc xác lập quyền bảo hộ chỉ dẫn địa lý là căn cứ pháp lý quan trọng, góp phần làm tăng giá trị tích lũy và phát triển thương hiệu; tạo cơ hội cho vải thiều Lục Ngạn đi xa hơn.
Nhưng để đạt được điều đó, ngành chức năng, cán bộ Hội Làm vườn (HLV) và người trồng vải đã trải qua quãng thời gian khó khăn, sản phẩm thường bị đánh đồng với vải của các địa phương khác nên giá trị giảm đáng kể. Ngay từ năm 2004, UBND tỉnh Bắc Giang đã phê duyệt đề án “Xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm đặc sản của tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2005-2010”, trong đó đặc biệt chú trọng đến vải thiều. Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh hỗ trợ HLV huyện Lục Ngạn xây dựng nhãn hiệu tập thể “Vải thiều Lục Ngạn”, đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Giấy chứng nhận đăng ký bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa ngày 17/5/2005.
Trên đà thắng lợi đó, từ tháng 6/2007, Sở Khoa học và Công nghệ Bắc Giang phối hợp với UBND huyện Lục Ngạn triển khai dự án xây dựng chỉ dẫn địa lý cho vải thiều Lục Ngạn. Theo ông Nguyễn Văn Xuất, Phó giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ, đây sẽ là tiền đề để nâng cao uy tín và thúc đẩy lợi thế cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường.
Để nâng cao hơn nữa chất lượng vải thiều, hướng đến sản xuất an toàn, HLV huyện còn phối hợp với Trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội giúp nông dân sản xuất theo tiêu chuẩn VIETGAP. Theo đó, người trồng vải được hướng dẫn từng công đoạn kỹ thuật, từng bước tạo ra những sản phẩm an toàn, chất lượng cao.
|
Nho xanh Ninh Thuận, một trong những thương hiệu mang dấu ấn HLV |
Vú sữa Lò Rèn đạt tiêu chuẩn Global GAP
Theo đánh giá của Viện Nghiên cứu cây ăn quả miền Nam, nước ta giữ thế độc quyền về vú sữa hàng hóa, trong đó huyện Châu Thành (Tiền Giang) là địa phương có đủ năng lực, trình độ sản xuất, với đặc sản là trái vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim. Nắm bắt được lợi thế này, từ năm 2001, HLV huyện Châu Thành đã kết hợp với Viện Nghiên cứu cây ăn quả miền Nam thực hiện đề tài chọn lọc, phục tráng, nâng cao chất lượng vườn vú sữa Lò Rèn. Từ thành công của đề tài, diện tích vú sữa Lò Rèn ngày càng được mở rộng, hiện đã có mặt tại 13 xã phía Nam của huyện với tổng diện tích 2.232ha, sản lượng 30.000 tấn /năm.
ông Lê Văn Ri, Chủ tịch HLV huyện cho biết, để nâng cao chất lượng sản phẩm, Hội còn mạnh dạn triển khai mô hình trồng vú sữa Lò Rèn theo tiêu chuẩn EurepGAP. Các hộ tham gia dự án đều được cung cấp giống (đối với vườn trồng mới), phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, quản lý và thực hiện đúng các quy trình về bón phân, phun thuốc, bao trái, ghi nhật ký nhà vườn. “Mặc dù việc thực hiện tiêu chuẩn EurepGAP không hề dễ dàng nhưng người dân vẫn quyết tâm thực hiện để “lên đời” cho vú sữa. Đầu tiên phải đảm bảo môi trường xung quanh an toàn cho cây, phải có kho chứa phân bón, thuốc trừ sâu riêng biệt, cách ly; trái lớn phải bao lại cẩn thận để tránh côn trùng cắn đốt; quan trọng nhất là ghi nhật ký sản xuất từng ngày để có hồ sơ lưu, có nhà đóng gói đạt tiêu chuẩn quốc tế”, ông Ri nói.
Tháng 3/2008, một tin vui đến với những nhà vườn ở đây khi Công ty SGS của New Zealand, thành viên Hiệp hội Trái cây châu âu, đã cấp giấy chứng nhận GlobalGAP (thực hành nông nghiệp tốt toàn cầu) cho thương hiệu vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim. Đây là thành quả xứng đáng cho sự nỗ lực của nhà vườn, cán bộ HLV và ngành chức năng trong việc nâng cao giá trị của đặc sản quê nhà.
Cam sành, cây xoá đói giảm nghèo ở Hà Giang
Trải qua bao thăng trầm, đến nay cam sành đã đứng vững trên đất Hà Giang, trở thành cây xóa đói giảm nghèo của đồng bào các dân tộc nơi đây. Để làm được điều đó, HLV tỉnh đã chủ động phối hợp với các ngành chức năng mở các lớp tập huấn, nâng cao trình độ kỹ thuật cho nông dân và hội viên. Đã có hàng trăm lớp học được mở, hướng dẫn cho hội viên kỹ thuật chăm sóc, nâng cao chất lượng cam tại các xã Tân Thành, Việt Hồng, Quang Minh (Bắc Quang); Vĩ Thượng, Yên Hà, Bằng Lang (Quang Bình). Phương pháp chủ yếu là thực hành, hướng dẫn bà con tỉa tán cho cam quýt, sử dụng phân bón vi sinh, thuốc bảo vệ thực vật theo đúng khuyến cáo của ngành nông nghiệp và nằm trong danh mục cho phép để cam có chất lượng tốt nhất. Mới đây, Hội đã tạo được uy tín rất lớn khi ứng dụng thành công màng bán thấm BQE 15 vào bảo quản cam, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Đặc biệt, năm 2004, Hội còn xây dựng thành công thương hiệu cam sành Hà Giang (Đơn đăng ký bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa cam sành Hà Giang đã được Cục Sở hữu trí tuệ chấp nhận). Từ khi thương hiệu cam sành Hà Giang được công nhận, giá trị của loại đặc sản này tăng lên rất nhiều, mặt hàng cam đã có mặt tại nhiều siêu thị, trung tâm thương mại lớn trong cả nước.
Khánh Phương Số lần xem trang : 15225 Nhập ngày : 11-03-2009 Điều chỉnh lần cuối : 11-03-2009 Ý kiến của bạn về bài viết này
Báo Kinh tế nông thôn THỦY SẢN VIỆT NAM - NHIỀU KHÓ KHĂN CHƯA ĐƯỢC THÁO GỠ (Báo KTNT - Số ra ngày 23/3/2009) (24-03-2009) ĐIỀU LỆ HỘI SỬA ĐỔI PHÙ HỢP VỚI TÌNH HÌNH MỚI (Báo KTNT - Số ra ngày 18/3/2009) (19-03-2009) CHĂM SÓC VÀ THU HÁI CHÈ VỤ XUÂN (Báo KTNT - Số ra ngày 18/3/2009) (18-03-2009) Đảm bảo an ninh lương thực cho đồng bào dân tộc miền núi (Báo KTNT - Số ra ngày 17/3/2009) (17-03-2009) CÀ PHÊ XUẤT KHẨU THĂNG TRẦM THEO GIÁ (Báo KTNT - Số ra ngày 17/3/2009) (17-03-2009) PHÒNG TRỪ SÂU ĐỤC THÂN CÂY NGÔ (Báo KTNT - Số ra ngày 16/3/2009) (17-03-2009) Kế hoạch hạn chế ngân sách nông nghiệp của Tổng thống Hoa Kỳ: Nông dân ra sức phản đối (Báo KTNT - Số ra ngày 16/3/2009) (16-03-2009) HỢP TÁC TRỒNG LÚA NHẬT, HÌNH THỨC LIÊN KẾT CẦN NHÂN RỘNG (Báo NNVN - Số ra ngày 16/3/2009) (16-03-2009) GIẢI PHÁP DIỆT LÚA BỊ BỆNH VÀNG LÙN - LÙN XOẮN LÁ ĐƠN LÁ ĐƠN GIẢN, HIỆU QUẢ (Báo NNVN - Số ra ngày 13/3/2009) (16-03-2009) LÀM GÌ ĐỂ "HÚT" SINH VIÊN HỌC NGÀNH NÔNG NGHIỆP? (Báo KTNT - Số ra ngày 13/3/2009) (16-03-2009) Trang kế tiếp ... 1 2 3 4 5 6 7 8 9
|