ThS. ĐỖ THỊ LỢI Đến nay, Hội Làm vườn Việt Nam đã trải qua 4 kỳ Đại hội. Ở mỗi kỳ Đại hội, Điều lệ Hội đều được xem xét, điều chỉnh cho thích ứng với tình hình, nhiệm vụ và sự đổi thay của đất nước. Trong nhiệm kỳ V tới đây, Điều lệ Hội tiếp tục được sửa đổi, bổ sung phù hợp với sự lớn mạnh của phong trào làm kinh tế VAC và sự trưởng thành của tổ chức Hội.
Theo ông Phí Văn Hà, Phó chủ tịch Trung ương Hội Làm vườn (HLV) Việt Nam, những năm qua, hoạt động Hội luôn bám sát tôn chỉ, mục đích trên cơ sở phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước. Điều này thể hiện rõ chức năng, nhiệm vụ của Hội trong phát triển kinh tế - xã hội thời gian qua, đảm bảo việc xây dựng tổ chức Hội ngày càng vững mạnh, thể hiện được nguyện vọng, ý chí của hội viên, đồng thời tạo nên những hoạt động thiết thực, phong phú, hiệu quả và đẩy mạnh phong trào phát triển kinh tế VAC trên mọi miền. Bên cạnh đó, Hội cũng góp phần xoá đói giảm nghèo, tăng thu nhập cho hội viên, đóng góp tích cực vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Đại bộ phận các cấp Hội đã thực hiện tốt Điều lệ Hội, đảm bảo việc củng cố, xây dựng, phát triển Hội ở các cấp; cụ thể hoá nhiệm vụ hoạt động bằng các chương trình cụ thể, qua đó xuất hiện những điển hình tốt để quần chúng học tập và làm theo. Đặc biệt, việc tạo tư cách pháp nhân cho các cấp Hội ngày càng thuận lợi, là tiền đề để hoạt động Hội có chất lượng hơn và thu hút đông đảo hội viên tham gia.
Tuy nhiên, ông Hà nhận định, việc thực hiện Điều lệ Hội từ sau Đại hội I đến nay vẫn còn không ít tồn tại và hạn chế. Một số cấp Hội chưa quy định cụ thể chức năng, nhiệm vụ, nhất là trong các nhiệm vụ hướng dẫn, tư vấn, dịch vụ, hỗ trợ cho hội viên; việc lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý hoạt động Hội ở nhiều nơi còn mang nặng tính hành chính và cồng kềnh, dẫn tới chưa thể hiện được chức năng, vai trò là tổ chức xã hội nghề nghiệp - tổ chức nhân dân tự nguyện. Việc sắp xếp đội ngũ cán bộ chưa hợp lý nên chưa khai thác hết tiềm năng, vì vậy hoạt động Hội ở một số nơi còn khó khăn. Trong đó, hạn chế không nhỏ là việc sinh hoạt, quán triệt và nâng cao nhận thức Điều lệ Hội ở các cấp Hội, nhất là cấp cơ sở còn bị coi nhẹ, dẫn đến việc nhiều hội viên chưa hiểu rõ mục đích, tính chất, tổ chức và nhiệm vụ của Hội cũng như quyền lợi, nghĩa vụ của hội viên, chưa phát huy vai trò nòng cốt trong phong trào phát triển kinh tế VAC...
Đại hội nhiệm kỳ V lần này diễn ra trong bối cảnh sau hơn 2 năm nước ta gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), đặc biệt là sau khi có Nghị quyết về nông nghiệp - nông dân - nông thôn (gọi tắt là tam nông) nên nhận thức, quan điểm của hội viên về Hội càng phải được nâng cao. Theo ông Hà, Điều lệ Hội vẫn giữ nguyên cơ cấu với 8 chương, 30 điều, và việc sửa đổi chỉ nhằm vào một số điều cần thiết nhằm làm rõ thêm về tổ chức, mục đích, nhiệm vụ của Hội trong tình hình mới, tập trung vào 6 điều: 2, 5, 10, 14, 19 và 24. Đơn cử, tại Điều 10, nếu trước đây tuỳ theo tình hình thực tế ở địa phương, UBND tỉnh quyết định thành lập Hội ở tỉnh, huyện, xã thì nay, HLV ở Trung ương và các địa phương được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền ra quyết định công nhận và có tư cách pháp nhân theo quy định của pháp luật. Tại Điều 14, nếu trước đây Ban Thường vụ họp định kỳ 3 tháng/lần, khi cần thiết theo đề nghị của Chủ tịch, Ban Thường vụ có thể triệu tập họp bất thường thì nay Ban Thường vụ họp định kỳ 6 tháng/lần.
Tại Điều 19, chi Hội được tổ chức ở thôn, ấp, bản, làng, khu phố... Chi Hội là cơ sở của Hội. ở cơ sở có từ 5 hội viên trở lên được thành lập chi Hội thì trong Điều lệ sửa đổi, chi Hội là tổ chức cơ sở của Hội, là nơi trực tiếp quản lý, sinh hoạt và hướng dẫn hội viên hoạt động. Chi Hội được tổ chức ở thôn, ấp, bản, làng, khu phố, cơ quan, xí nghiệp, trường học, đình, chùa, nhà thờ, họ đạo... Cơ sở có từ 3 hội viên trở lên được thành lập chi Hội... Chi Hội sinh hoạt định kỳ 1 lần/tháng.
Theo ông Hà, những vấn đề này sẽ tiếp tục được thảo luận và thống nhất trong Đại hội lần thứ V sắp tới.
Minh Huệ (ghi)
Những mong muốn trước thềm Đại hội
Trong không khí tất bật, khẩn trương trước thềm Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Làm vườn (HLV) Việt Nam lần thứ V, chúng tôi đã ghi lại những ý kiến, mong muốn của hội viên, lãnh đạo Hội gửi tới Đại hội. Bên cạnh lời khen, cũng có những góp ý thẳng thắn về một số yếu kém, tồn tại trong hoạt động Hội thời gian qua, nhưng trên hết là mong muốn HLV ngày càng phát triển vững mạnh.
Anh Hoàng Văn Nguyện, hội viên HLV Cao Bằng:
Hội phải đảm đương tốt vai trò đầu tàu
Trong những năm qua, đặc biệt là từ sau khi bộ máy tổ chức HLV tỉnh được củng cố, kiện toàn, đến nay, các cấp Hội đã làm tốt vai trò của mình: thường xuyên tuyên truyền, nhân rộng những điển hình làm VAC giỏi, tổ chức tham quan mô hình để hội viên học tập và nhân rộng.
Tuy nhiên, với đặc điểm là tỉnh biên giới, tập quán canh tác của bà con, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số còn lạc hậu, tôi nghĩ, HLV Cao Bằng nên chú trọng đến công tác cải tạo vườn tạp, khuyến khích hội viên xây dựng các vườn cây ăn quả, hướng dẫn bà con trồng cây phù hợp với điều kiện từng vùng. Không những thế, trong giai đoạn hiện nay, Hội phải là đầu tàu hướng dẫn bà con về kỹ thuật chăm sóc, tạo ra những sản phẩm an toàn, hướng đến sản xuất hàng hoá, từ đó, mang lại thu nhập cao cho hội viên, nông dân.
Ông Ngô Xuân Thìn, Phó chủ tịch HLV tỉnh Bắc Giang:
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho hội viên
Hoạt động của HLV thời gian qua chưa thực sự xuất sắc và nổi bật, nhiều phong trào không rõ nét nên hội viên rất dễ nhầm lẫn với hoạt động của các hội khác. Đặc biệt, trong xu thế hội nhập, với sự ra đời của rất nhiều hội ngành nghề khác có phương thức hoạt động tương đối giống với HLV, chúng ta phải tạo ra được sự khác biệt. Vì vậy, Đại hội lần này, Hội phải đưa ra được chương trình hành động cụ thể, phải làm sao phát huy, thể hiện được vai trò của mình là đầu tàu trong phát triển kinh tế VAC.
Muốn làm được việc này, ngoài việc giúp hội viên nâng cao tay nghề thông qua các buổi tập huấn, chương trình chuyển giao tiến bộ kỹ thuật thì cần chú trọng công tác tuyên truyền. Đây chính là một trong những khâu quan trọng nhất để Hội hoạt động vững mạnh và hiệu quả.
Anh Nguyễn Văn Khéo ở xã Hồng Minh (Phú Xuyên - Hà Nội):
Tôi rất mong quê mình có HLV
Hiện, gia đình tôi đang trồng 2 mẫu bưởi Diễn và cam Canh, kết hợp trồng hoa, thả cá và thu mua nông sản của bà con trong xã. Bước đầu, mô hình này giúp gia đình tôi có thu nhập ổn định. Trong xã, cũng có nhiều nông dân tìm đến gia đình tôi học hỏi cách trồng bưởi, cam thế nào cho hiệu quả cao. Tuy nhiên, những điều tôi truyền đạt lại cho bà con chỉ là kinh nghiệm do bản thân đúc kết được qua quá trình sản xuất thực tế chứ không căn cứ vào khoa học hay sách vở.
Mặc dù HLV Hà Tây (nay là HLV Hà Nội) thành lập đã lâu nhưng mức độ phổ cập còn hạn chế, hiện ở xã Hồng Minh vẫn chưa có tổ chức Hội. Trong khi đó, HLV là tổ chức xã hội nghề nghiệp rất có uy tín, không những là địa chỉ để hội viên giao lưu, học hỏi mà còn thường xuyên tổ chức, hướng dẫn, tập huấn cho bà con xây dựng mô hình kinh tế VAC phù hợp để từ đó làm giàu. Nhiều nông dân xã tôi muốn tham gia sinh hoạt Hội. Hy vọng, sau khi sáp nhập với HLV Hà Nội, trở thành thành Hội lớn mạnh, chúng tôi sẽ có tổ chức Hội để hoạt động.
Ông Dương Minh Hoàng, Chủ tịch HLV tỉnh Sóc Trăng:
Giúp hội viên sản xuất theo tiêu chuẩn GAP
Sóc Trăng là một trong số các tỉnh có diện tích cây ăn quả lớn ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long với khoảng 20.000ha. Các loại trái cây ở đây thuộc hàng đặc sản, vì vậy trong nhiều năm qua, hội viên HLV các cấp không ngừng đầu tư thâm canh, áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất. Một số sản phẩm bước đầu tiếp cận thị trường quốc tế, tuy nhiên số lượng không nhiều do vẫn chưa đáp ứng được đúng, đủ các tiêu chuẩn của thế giới. Bên cạnh đó, trong nhiều năm qua, nhà vườn còn luôn gặp phải điệp khúc được mùa, mất giá. Tâm lý chán và sợ trồng cây ăn quả đã xuất hiện ở không ít nhà vườn. Do đó, diện tích cây ăn quả của tỉnh đang có xu hướng giảm sút mà nguyên nhân chính là do bà con còn thiếu và yếu về kỹ thuật canh tác, đặc biệt là phương thức sản xuất theo tiêu chuẩn GAP - giấy thông hành để đưa đặc sản vườn vươn ra thị trường thế giới.
Do đó, chúng tôi rất mong Đại hội đại biểu toàn quốc HLV Việt Nam lần thứ V này đề ra các biện pháp, mục tiêu cũng như phương hướng hành động cụ thể thông qua các chương trình như giúp hội viên chuyển giao tiến bộ kỹ thuật sản xuất theo tiêu chuẩn GAP. Đồng thời, đề nghị Nhà nước có các chính sách hỗ trợ hơn nữa cho nông dân trong vấn đề xuất khẩu nông sản. Có như vậy, các nhà vườn mới yên tâm sản xuất.
Nhóm PVTS (thực hiện)
|
Số lần xem trang : 15209 Nhập ngày : 19-03-2009 Điều chỉnh lần cuối : Ý kiến của bạn về bài viết này
Báo Kinh tế nông thôn Medicated Feed For Farm (MFF): Dòng sản phẩm tối ưu tăng cường miễn dịch cho heo (KTNT - Ngày 28/3/2011) (06-04-2011) BIẾN RƠM THÀNH ... NHIÊN LIỆU (Báo KTNT - Ngày 21/3/2011) (06-04-2011) WEVIRO: Chế phẩm sinh học thân thiện với môi trường - KTNT ngày 27/10/2010 (10-03-2011) KHI NÀO DÂN TA KHÔNG "SẢN XUẤT THEO PHONG TRÀO" ? (Báo KTNT - Số ra ngày 11/5/2009) (11-05-2009) NỮ THẠC SĨ "ĐỠ ĐẺ" CHO CÁ (Báo KTNT - Số ra ngày 7/5/2009) (11-05-2009) TRIỆU CHỨNG VÀ CÁCH PHÒNG BỆNH H1N1 TRÊN ĐÀN LỢN (Báo KTNT - Số ra ngày 29/4/2009) (29-04-2009) NÔNG DÂN TRỒNG HOA HÀ LAN LAO ĐAO VI CẠNH TRANH (Báo NNVN - Số ra ngày 20/4/2009) (23-04-2009) KINH NGHIỆM CHO CÁ BỐNG TƯỢNG SINH SẢN NHÂN TẠO (Báo KTNT - Số ra ngày 13/4/2009) (23-04-2009) NGƯỜI KHÔI PHỤC GIỐNG CHUỐI LABA (Báo KTNT - Số ra ngày 13/4/2009) (23-04-2009) THANH LONG MẮC "BỆNH LẠ" DO THAM BÓN THÚC (Báo KTNT - Số ra ngày 11/4/2009) (23-04-2009) Trang kế tiếp ... 1 2 3 4 5 6 7 8 9
|