ThS. ĐỖ THỊ LỢI Năm 2008 tuy dịch CGC lắng xuống và chăn nuôi gia cầm có nhiều chuyển biến tích cực về cơ cấu nhưng người chăn nuôi vẫn... mếu. Mọi cố gắng của hàng triệu người nuôi gia cầm đều trôi tuột vì giá thấp.
Trang trại lên ngôi
Thống kê đến cuối năm 2008 cho thấy, số hộ chăn nuôi nhỏ lẻ đã giảm 20-25% so với năm 2007 (chỉ còn 50-55% so với 70-75%). Chăn nuôi theo phương thức trang trại, gia trại tăng mạnh về cả số lượng và quy mô. Vì thế, tiến bộ về giống vật nuôi, TĂ, quy mô chăn nuôi cũng như kỹ thuật chăm sóc nuôi dưỡng ngày càng được áp dụng rộng rãi, năng suất, chất lượng được cải thiện đáng kể. Hầu hết các giống gia cầm năng suất chất lượng cao trên thế giới đã được nhập vào Việt Nam nuôi với các chỉ tiêu kỹ thuật đạt 85-90% so với các nước tiên tiến. Đây chính là yếu tố tiên quyết đảm bảo cho tình hình dịch bệnh không nghiêm trọng, trong khi năm 2007 dịch cúm gia cầm xảy ra khắp nơi.
Năm 2008 còn ghi nhận nhiều mô hình chăn nuôi mới, hiệu quả như liên doanh, liên kết, HTX, hiệp hội, CLB, tổ…chăn nuôi đã tổ chức tốt đầu vào và đầu ra cho nông dân. Điển hình như HTX chăn nuôi Tân Tiến (Bắc Ninh), HTX chăn nuôi Cổ Đông (Hà Nội), Cty CP Giống gia cầm Minh Dư (Bình Định)…góp phần tăng nhanh hiệu quả chăn nuôi. Các mô hình chăn nuôi gia cầm sạch, nuôi gà sinh học cũng phát triển mạnh, đặc biệt là tại Bắc Giang, Hà Nội, Hải Dương. Điều này đã giúp nông dân tiêu thụ sản phẩm dễ dàng hơn.
Cho đến nay đã có 29 tỉnh, TP trong cả nước có quy hoạch chăn nuôi và 25 tỉnh, TP có chính sách khuyến khích chăn nuôi, hỗ trợ kèm theo quy hoạch. Điển hình như Hà Nội, Thanh Hóa, Bình Dương, Đồng Nai, Vĩnh Phúc…Trên cơ sở quy hoạch và hỗ trợ cơ sở hạ tầng, nhiều hộ chăn nuôi đã chủ động huy động nguồn vốn thuê, nhận đất xây dựng các trang trại chăn nuôi mang lại hiệu quả cao. Với những chuyển biến tích cực đó, cả năm 2008 tổng đàn gia cầm ước tăng 10% so với năm 2007. Bình quân đàn gia cầm trong chuồng thường xuyên là 247 triệu con. Tổng sản lượng thịt đạt 417 ngàn tấn, tăng 16%.
Càng nuôi càng... chết
"Năm 2008, giá TĂCN tăng cao và sự cạnh tranh gay gắt với thịt nhập ngoại đã khiến cho ngành chăn nuôi nước ta vốn đã khó lại càng khó hơn, nhất là trong việc tiêu thụ sản phẩm. Người chăn nuôi phải bán sản phẩm dưới giá thành.
Điều đó đòi hỏi ngành chăn nuôi cần phải có biện pháp mạnh để giảm sức ép giá thành đầu vào, tăng chất lượng sản phẩm gia cầm và đảm bảo ATVSTP để nâng cao sức cạnh tranh cho sản phẩm gia cầm trong nước.
Trước hết phải đột phá về phương thức sản xuất chăn nuôi gia cầm bằng cách đẩy mạnh chăn nuôi trang trại tập trung; nâng cao năng suất, hiệu quả và tính cạnh tranh của sản phẩm; gắn sản xuất với giết mổ, chế biến và thị trường tiêu thụ trên cơ sở xây dựng các cơ sở chế biến gia cầm tập trung, công nghiệp và đảm bảo ATVSTP; đồng thời tăng cường kiểm soát, khống chế thị trường." (Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Vũ Văn Tám)
|
Nói vậy nhưng bức tranh ngành chăn nuôi gia cầm năm 2008 không ai dám nói là tươi sáng. Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi Nguyễn Thanh Sơn cho rằng: Chăn nuôi vẫn nằm trong tình trạng sản xuất nhỏ, đặc biệt là sự phân tán, lạc hậu, sản phẩm hàng hoá còn ít, dịch bệnh vẫn xảy ra tuy không lớn. Bình quân lượng thịt, trứng tiêu thụ còn thấp, chỉ đạt khoảng 5kg thịt và 55 quả trứng/người/năm, thấp hơn so với các nước trong khu vực chứ chưa nói bình diện thế giới. Điều đó cho thấy, chăn nuôi gia cầm vẫn chưa tương xứng với tiềm năng và chưa đáp ứng được nhu cầu của xã hội về cả lượng và chất.
Chính vì nội tại còn nhiều vấn đề như vậy nên khi mở cửa cho NK gia cầm, ngay lập tức ngành chăn nuôi gia cầm của chúng ta bị ảnh hưởng nghiêm trọng do không cạnh tranh được. Theo thống kê của Cục Chăn nuôi, đến 31/11/2008 đã có 1,2 triệu con gia cầm bố mẹ được nhập vào Việt Nam, lớn gấp 2 lần so với năm 2007, và đạt kỉ lục từ trước tới nay. Với lượng giống bố mẹ như trên, đã có 120 triệu con gà thương phẩm tung ra, làm cho tổng lượng con giống tăng 1,5 lần so với năm ngoái.
Năm 2008, ngành chăn nuôi gia cầm còn ghi nhận một kỉ lục nữa, đó là năm NK thịt gia cầm nhiều nhất từ trước tới nay. 11 tháng của năm 2008 đã nhập khoảng 105 ngàn tấn thịt gà, chủ yếu là cánh và đùi gà đông lạnh từ các nước Braxin, Hoa Kỳ, Argentina…Giá đùi và cánh gà đông lạnh chỉ đạt 1,1-1,85 USD/kg ở thời điểm trước tháng 9 và từ 1,2-2,1 USD/kg thời điểm sau tháng 9/2008. Với giá này, gia cầm trong nước đã phải cạnh tranh hết sức khốc liệt. Và hiện nay, giá gia cầm trong nước đã giảm mạnh, đạt thấp nhất trong vòng 2 năm qua.
Nhiều chuyên gia về chính sách ngành hàng cho rằng, ngành gia cầm Việt Nam năm 2008 đã phải đối mặt với 4 bất lợi nghiêm trọng. Thứ nhất là giá đầu ra thì bị thịt NK ghìm lại, không tăng được. Thứ hai là giá đầu vào do các nhà sản xuất TĂCN nắm giữ, quyết định khiến giá thành chăn nuôi tăng cao. Thứ ba do tình hình lạm phát, suy thoái kinh tế, tiền mặt trong dân khan hiếm nên suất đầu tư cao, nhiều rủi ro chăn nuôi gia cầm không đủ trả lãi ngân hàng. Thứ tư nhu cầu tiêu dùng của người dân giảm mạnh. Đó là 4 bất lợi khiến 2008 trở thành năm "ác mộng" với người chăn nuôi gia cầm. Và điều này, cũng đặt tương lai của họ trong năm 2009 và những năm tiếp không mấy sáng sủa.
Số lần xem trang : 15228 Nhập ngày : 12-12-2008 Điều chỉnh lần cuối : Ý kiến của bạn về bài viết này
Báo Kinh tế nông thôn CAY MẮT VÌ TIÊU (Báo KTNT - Số ra ngày 22/12/2008)(22-12-2008) KỲ ĐÀ, CON NUÔI MỚI (Báo KTNT - Số ra ngày 22/12/2008) (22-12-2008) KỸ THUẬT TRỒNG NẤM LINH CHI (Báo KTNT - Số ra ngày 22/12/2008) (22-12-2008) BẾN TRE: CÂY KIM PHÁT TÀI "XUẤT NGOẠI" (Báo KTNT - Số ra ngày 19/12/2008) (19-12-2008) KIM NGẠCH XUẤT KHẨU CÀ PHÊ ĐẠT 2,2 TỶ USD (Báo KTNT - Số ra ngày 19/12/2008) (19-12-2008) BÀI II: NHỮNG MÔ HÌNH CẢI TIẾN (Báo KTNT - Số ra ngày 18/12/2008) (18-12-2008) CHƯƠNG TRÌNH "3 GIẢM, 3 TĂNG" (Báo KTNT - Số ra ngày 10/12/2008) (18-12-2008) DOANH NGHIỆP NƯỚC NGOÀI RÚT VỐN ĐẦU TƯ VÀO NÔNG NGHIỆP VIỆT NAM (Báo KTNT - Số ra ngày 17/12/2008) (17-12-2008) KHUYẾN KHÍCH NÔNG DÂN ỨNG DỤNG KHOA HỌC CÔNG NGHỆ (Báo KTNT - Số ra ngày 17/12/2008) (17-12-2008) TRỒNG KIỂNG THỦY CANH KHÔNG CẦN TƯỚI NƯỚC (Báo KTNT - Số ra ngày 15/12/2008) (15-12-2008) Trang kế tiếp ... 1 2 3 4 5 6 7 8 9
|