ThS. ĐỖ THỊ LỢI Theo nhiều chuyên gia, mô hình “3 giảm, 3 tăng” là một gói kỹ thuật mở, tùy tình hình thực tế ở mỗi địa phương mà có cách áp dụng khác nhau. Điều đó khẳng định tính sáng tạo của mỗi nông dân trên đồng ruộng sẽ mang lại lợi ích thiết thực, giúp họ chủ động ứng phó được với những diễn biến bất lợi của dịch hại, thời tiết để tiến tới sản xuất an toàn. Từ sáng tạo của một nông dân
Nhiều năm nay, bà con nông dân ở Câu lạc bộ khuyến nông khóm 2, phường 10 (TP. Sóc Trăng – tỉnh Sóc Trăng) đã quen với biện pháp canh tác lúa theo chương trình “3 giảm, 3 tăng”. Hiệu quả, lợi ích mang lại đã thấy rõ nhưng bà con vẫn ngạc nhiên khi Chủ nhiệm Câu lạc bộ Lý Châu Sáu vẫn “quyết định” cải tiến mô hình theo cách làm của riêng mình.
Động lực để anh Sáu làm việc này là do vụ lúa hè thu trên địa bàn gặp nhiều khó khăn do giá phân bón, vật tư nông nghiệp tăng cao, sâu bệnh hoành hành. Nếu không biết cách tiết giảm chi phí thì sẽ không thu được lợi nhuận. Chính vì vậy, anh bắt đầu nghiên cứu và thử nghiệm trên 1ha lúa giống OM 2717.
Anh Sáu cho biết: “Ở giai đoạn đầu, cách làm cải tiến rất giống với mô hình “3 giảm, 3 tăng” trước đây, nghĩa là cũng sử dụng máy sạ hàng, lượng giống 10-12kg/công (1.000m2), tuyệt đối tuân thủ quản lý dịch hại tổng hợp trên ruộng lúa, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trước 40 ngày tuổi, bón phân đơn cân đối theo nhu cầu và sinh trưởng của cây lúa bằng phương pháp dùng bảng so màu lá. Điểm khác biệt của mô hình là bón phân đợt I khi lúa được 5 ngày tuổi; lúa được 20 ngày tuổi tiến hành bón đợt hai với lượng tăng thêm 10kg DAP/ha; từ 25 đến 28 ngày tuổi là lúc lúa tập trung đẻ nhánh thì tiến hành cắt ngọn lúa đồng loạt 15 – 18cm, tính từ ngọn lá lúa xuống. Cắt xong phun Karatel ngay để diệt nấm mốc bám theo thân lúa, đồng thời kích thích cho nhánh lúa quang hợp tốt hơn và phát triển theo chiều cao thân mẹ. Khi được 40 ngày tuổi, tất cả cây lúa đều bằng nhau nên chúng không tranh giành ánh sáng, từ đó phát triển đồng đều, hạn chế được sâu bệnh tấn công”.
Với cách làm này, năng suất lúa của gia đình anh Sáu đạt 5,7 tấn/ha (tăng 200 – 300kg/ha so với mô hình “3 giảm, 3 tăng” trước đây); chi phí đầu tư cho phân bón và thuốc bảo vệ thực vật giảm hơn 3 triệu đồng/ha. Theo đánh giá của bà con ở Câu lạc bộ khuyến nông khóm 2, cái được lớn nhất của mô hình cải tiến là hạn chế được dịch hại tấn công, giảm số lần phun thuốc bảo vệ thực vật, giúp lúa chín đồng loạt, hạt sáng đẹp. Từ bước đi tiên phong của anh Sáu, đã có nhiều gia đình áp dụng và mang lại hiệu quả tương đối cao.
“1 phải, 5 giảm", cách làm mới
Tiếp sau thành công của việc triển khai ứng dụng “3 giảm, 3 tăng” trong sản xuất lúa, một số tỉnh ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đã triển khai thí điểm chương trình sản xuất mới: “1 phải, 5 giảm”. Trên thực tế, chương trình này không phải là quá mới mẻ, mà chủ yếu là kế thừa và nâng cao mô hình “3 giảm, 3 tăng” trước đây. Theo đó, “1 phải” là phải dùng giống xác nhận, còn “5 giảm” gồm: giảm lượng giống gieo sạ, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, nước và giảm thất thoát sau thu hoạch. Theo đánh giá của thạc sĩ Nguyễn Hữu Huân, Phó cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và PTNT), trong điều kiện thời tiết, khí hậu có nhiều thay đổi như hiện nay, việc áp dụng tưới nước vừa đủ và đảm bảo hệ thống kênh mương tưới tiêu không bị thất thoát, lãng phí nước là điều rất quan trọng để cây lúa phát triển bình thường. Theo kinh nghiệm của nông dân, 1ha lúa tiết giảm nước một cách vừa đủ, nông dân có thể được lợi trên 500.000 đồng. Bên cạnh đó, việc áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất sẽ góp phần giảm lượng lúa thất thoát 3 – 5%.
Ngay sau mô hình thí điểm tại An Giang và Cần Thơ, mô hình “1 phải, 5 giảm” tiếp tục được nhân rộng ra nhiều tỉnh. Tại Đồng Tháp, bà con đã thực hiện thí điểm trong sản xuất lúa vụ đông xuân và hè thu ở 8 cánh đồng thuộc các huyện Tân Hồng, Hồng Ngự, Tam Nông, Thanh Bình, Tháp Mười, Cao Lãnh, Lấp Vò và Châu Thành với tổng diện tích gần 80ha. Trên vụ lúa đông xuân, mô hình cho năng suất 7,4 tấn/ha, cao hơn sản xuất đại trà 0,2 tấn/ha, tiết kiệm được chi phí 950.000 đồng/ha, lợi nhuận 13 triệu đồng/ha. Riêng vụ hè thu, năng suất đạt 5 - 6 tấn/ha, giúp tăng lợi nhuận hơn 2 triệu đồng/ha.
Chuyển đổi từ phương thức sản xuất cũ sang phương thức sản xuất mới là quá trình đổi mới cách nghĩ, cách làm, nhiều khi phải trải qua gian nan, thử thách. Vì vậy, chương trình “3 giảm, 3 tăng” không đơn giản là một gói kỹ thuật áp dụng cho canh tác lúa mà nó còn mở ra cơ hội cho nông dân tiến dần đến việc sản xuất an toàn, hiệu quả, chất lượng cao.
Phương Nguyên Số lần xem trang : 15331 Nhập ngày : 18-12-2008 Điều chỉnh lần cuối : 18-12-2008 Ý kiến của bạn về bài viết này
Báo Kinh tế nông thôn CAY MẮT VÌ TIÊU (Báo KTNT - Số ra ngày 22/12/2008)(22-12-2008) KỲ ĐÀ, CON NUÔI MỚI (Báo KTNT - Số ra ngày 22/12/2008) (22-12-2008) KỸ THUẬT TRỒNG NẤM LINH CHI (Báo KTNT - Số ra ngày 22/12/2008) (22-12-2008) BẾN TRE: CÂY KIM PHÁT TÀI "XUẤT NGOẠI" (Báo KTNT - Số ra ngày 19/12/2008) (19-12-2008) KIM NGẠCH XUẤT KHẨU CÀ PHÊ ĐẠT 2,2 TỶ USD (Báo KTNT - Số ra ngày 19/12/2008) (19-12-2008) CHƯƠNG TRÌNH "3 GIẢM, 3 TĂNG" (Báo KTNT - Số ra ngày 10/12/2008) (18-12-2008) DOANH NGHIỆP NƯỚC NGOÀI RÚT VỐN ĐẦU TƯ VÀO NÔNG NGHIỆP VIỆT NAM (Báo KTNT - Số ra ngày 17/12/2008) (17-12-2008) KHUYẾN KHÍCH NÔNG DÂN ỨNG DỤNG KHOA HỌC CÔNG NGHỆ (Báo KTNT - Số ra ngày 17/12/2008) (17-12-2008) TRỒNG KIỂNG THỦY CANH KHÔNG CẦN TƯỚI NƯỚC (Báo KTNT - Số ra ngày 15/12/2008) (15-12-2008) NGÀNH CHĂN NUÔI GIA CẦM: LỖ NẶNG VÀ BẤP BÊNH (Báo KTNT - Số ra ngày 12/12/2008) (12-12-2008) Trang kế tiếp ... 1 2 3 4 5 6 7 8 9
|