ThS. ĐỖ THỊ LỢI Vẫn là những giọt nước mắt, nhưng không phải vì sung sướng khi tiêu được mùa được giá như những năm trước, mà bởi quá đau lòng trước cảnh vườn tiêu héo úa, trơ trụi... Chuyện đang xảy ra ở xã Cam Thành, H.Cam Lộ, Quảng Trị, nơi vốn nổi tiếng là một "vương quốc tiêu". Dọc con đường vào xã vẫn san sát những vườn tiêu, nhưng khác là màu xanh rì của những khóm tiêu đã thay bằng màu vàng úa. Gặp, hỏi han người nào cũng thấy rơm rớm nước mắt kể về những mất mát, những nỗi cơ cực sau một mùa tiêu thất bát, sau một thời gian chống chọi cố vớt vát nhưng những gốc tiêu vẫn tàn lụi, kéo theo bao nhiêu niềm hy vọng của họ...
Nhà bà Nguyễn Thị Mai ở thôn Tân Xuân 1, từ trước ngõ đã san sát những gốc tiêu đứng trơ mình. Nghe có người đến hỏi chuyện, bà như có chỗ để giãi bày, nói liền một mạch về nỗi buồn của vụ tiêu năm nay. Nhà bà có 400 gốc tiêu thì đã rụi mất 300, cả gia đình 5 người chỉ trông chờ vào đó nhưng nay coi như "tiêu" hết cả. Hồi đầu tháng, anh con cả đòi chặt hết nhưng bà ngăn, không chỉ vì tiếc của mà còn vì "cả mấy chục năm nay chỉ biết trồng tiêu, chặt đi lấy gì mà sống...". Nói vậy, nhưng bà cũng cặm cụi trồng xen mấy hàng môn, gọi là khỏi phí đất mà cũng có thức ăn cho lợn... "Làm nông, răng cũng có rủi ro nhưng tui không ngờ năm ni tiêu lại chết dữ ri... Chừ đến tiêu để làm muối tiêu ăn trong nhà cũng không có...", bà Mai không giấu được lo lắng.
Đi sâu vào trong vườn tiêu chung của xã, tình hình càng bi đát hơn. Vườn không một bóng người chăm sóc, cửa chỉ khép sơ sài vì tiêu kho hết rồi, còn gì nữa mà bảo vệ... Tìm mãi mới gặp một người phụ nữ đang thở dài rũ rượi trong lán, mắt ướt nhòa nhìn vườn tiêu. Đó là chị Lê Thị Lan, cũng ở thôn Tân Xuân 1, có thâm niên 7 năm trồng tiêu. Mùa tiêu năm nay, nhà chị mất 400 gốc... Bao nhiêu tính toán về kinh tế sau một vụ mùa, cả cái Tết với bao dự định cũng tiêu theo tiêu. "Giờ cả vườn chỉ còn lại hơn 200 gốc tiêu, thu chẳng được là bao mà tiêu cũng không đạt chất lượng, giá tiêu bữa nay lại chỉ dưới 40.000 đồng/cân...", chị Lan trần tình.
Chua xót nhất là vườn tiêu của chị Lê Thị Hương với 800 gốc. Cũng vườn tiêu này, mới năm ngoái thu hoạch được 8 tạ hạt, năm nay một hạt cũng không có... Còn bà Lê Thị Phường (52 tuổi) vừa mua lại vườn tiêu trị giá 70 triệu đồng với 500 gốc cách đây 3 năm, ngoài nỗi lo cơm áo luôn canh cánh nỗi lo... bị siết nợ. Sau hai vụ tiêu đầu, gia đình bà lãi ròng 30 triệu, nay tiêu chết gần hết cũng đồng nghĩa khoản nợ 40 triệu đồng đi vay treo lơ lửng. "Chừ cứ đến tháng là tui phát khiếp vì phải trả lãi, lại còn nuôi con ăn học... Bao nhiêu vốn liếng đổ vào đây, chừ gia đình tui biết sống răng với mấy gốc tiêu khô, với một đống nợ...", bà Phường bùi ngùi.
Ông Trần Nam Hải, cán bộ phụ trách nông nghiệp xã Cam Thành, cho biết tình cảnh như nhà bà Phường không phải hiếm. Hầu hết các hộ trồng tiêu còn khó khăn, thường phải vay vốn ngân hàng để mua giống, mua thuốc trừ sâu bệnh và bao nhiêu khoản khác. Nay tiêu chết, đến tiền lãi hàng tháng cũng không lo nổi, huống gì đầu tư để tiếp tục trồng tiêu. "Cả xã có 100 ha tiêu, nay 45 ha nhiễm bệnh, 15 ha chết... Chúng tôi xuống thực tế, cũng chỉ biết ứa nước mắt với bà con", ông Hải thở dài.
Đau đớn trước một mùa vụ trắng tay, việc tiếp tục trồng tiêu hay tìm một loại cây khác để đầu tư trở thành một vấn đề nóng và được bàn luận xôn xao khắp xã. Tiêu vốn là một loại cây chủ lực của xã, giờ xóa sổ hết thì thiệt hại không sao đong đếm được. Mà việc chuyển đổi cây trồng thì chưa có tiền lệ, cả chính quyền xã và bà con rất lúng túng... Vì thế, việc chặt tiêu để trồng loại cây khác trở thành việc làm tự phát của mỗi gia đình. Sát bên nhà chị Mai có hộ chuyển sang trồng cây thanh long, nhưng thổ nhưỡng và khí hậu ở đây dường như không phù hợp cho thanh long phát triển...
Cái đói, cái nghèo đang đe dọa "vương quốc tiêu" dù Tết đang đến gần.
Ông Phạm Đa, Trạm trưởng Trạm bảo vệ thực vật H.Cam Lộ, cho biết diện tích trồng tiêu tại xã Cam Thành bị thiệt hại nặng do sự tàn phá của nấm Phythotora, cộng thêm mưa nhiều nước ngầm dâng cao làm gốc tiêu bị thối. Công tác tiêu úng của bà con lại không được tốt, không đào rãnh thoát nước kịp thời. Sau khi phát hiện, trạm, phòng nông nghiệp huyện đã mở 2 lớp tập huấn cho hơn 100 hộ trồng tiêu để tìm cách khắc phục, giữ những vườn tiêu chưa bị chết; đồng thời hỗ trợ 20% giá thuốc Agrifos-400 (loại đặc trị nấm) cho bà con với tổng số tiền 52 triệu đồng.
|
Số lần xem trang : 15214 Nhập ngày : 22-12-2008 Điều chỉnh lần cuối : 22-12-2008 Ý kiến của bạn về bài viết này
Báo Kinh tế nông thôn KỸ THUẬT THÂM CANH LÚA LAI TH3-3 (Báo KTNT - Số ra ngày 2/3/2009) (03-03-2009) SINH SẢN NHÂN TẠO THÀNH CÔNG CHO CÁ NGỰA GAI (Báo KTNT - Số ra ngày 26/2/2009) (26-02-2009) MIỀN TRUNG GIEO MẠ CHO MIỀN BẮC CẤY: Ý TƯỞNG MỚI (Báo KTNT - Số ra ngày 25/2/2009) (25-02-2009) TRỊ BỆNH TUYẾN TRÙNG TRÊN CÂY THANH LONG (Báo KTNT - Số ra ngày 25/2/2009) (25-02-2009) GIÁ XUẤT KHẨU NÔNG SẢN PHỤC HỒI (Báo KTNT - Số ra ngày 24/2/2009) (25-02-2009) KINH NGHIỆM NUÔI TÔM THẺ CHÂN TRẮNG (Báo KTNT - Số ra ngày 23/2/2009) (25-02-2009) BỆNH BẠI LIỆT Ở HEO NÁI (Báo KTNT - Số ra ngày 18/2/2009) (19-02-2009) CÁCH PHÒNG TRỊ BỆNH LOÉT HẠI CÂY CHANH (Báo KTNT - Số ra ngày 19/2/2009) (19-02-2009) BÍ QUYẾT THÀNH CÔNG CỦA NHỮNG NÔNG DÂN SẢN XUẤT GIỎI (Báo KTNT - Số ra ngày 18/2/2009) (19-02-2009) NÔNG NGHIỆP HỮU CƠ MANG LẠI NÔNG SẢN SẠCH (Báo KTNT - Số ra ngày 19/2/2009) (19-02-2009) Trang kế tiếp ... 1 2 3 4 5 6 7 8 9
|