Trong thời gian tới, cây điều sẽ được phát triển trên những địa bàn có điều kiện, nhất là những vùng đất xám ở Tây nguyên, Đông Nam bộ, Duyên hải Nam Trung bộ. Các địa phương trồng điều rà soát quy hoạch, bảo đảm đất trồng điều phải phù hợp và có khả năng thâm canh cho năng suất cao, theo hướng hình thành những vùng nguyên liệu tập trung; đồng thời chuyển một số diện tích điều không có khả năng thâm canh sang trồng cây khác để nâng cao hiệu quả sử dụng đất. Thay thế dần giống điều cũ bằng giống mới có năng suất, chất lượng cao; đổi mới thiết bị và công nghệ chế biến theo hướng hiện đại hóa, chế biến sâu. Chuyển đổi mạnh từ trồng trọt và chế biến phân tán, quy mô nhỏ sang sản xuất hàng hóa theo hướng công nghiệp và bán công nghiệp trên cơ sở quy hoạch vùng sản xuất tập trung. Phát triển ngành điều gắn kết chặt chẽ, đồng bộ từ khâu sản xuất- thu mua- chế biến- bảo quản- tiêu thụ, đồng thời ứng dụng nhanh các tiến bộ khoa học kỹ thuật về giống, kỹ thuật canh tác, quy trình công nghệ để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Xây dựng vùng nguyên liệu kết hợp với vùng chế biến (kể cả các sản phẩm phụ) để tạo ra ngày một nhiều sản phẩm có chất lượng cao, khối lượng hàng hóa lớn, chất lượng đồng đều, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm phục vụ tiêu thụ nội địa và xuất khẩu.
Đối với diện tích điều trên đất rừng sản xuất thì thực hiện theo chế độ khoán, cho thuê đất nông nghiệp và rừng theo chủ trương của Chính phủ để người nhận khoán có điều kiện đầu tư thâm canh. Đối với diện tích điều trồng trên đất rừng phòng hộ thì tiếp tục khoán cho các hộ bảo vệ và hỗ trợ đầu tư thâm canh tăng năng suất, cũng như tăng khả năng phòng hộ của rừng trồng.
Định hướng đến năm 2010, diện tích trồng điều trong cả nước đạt 450.000 ha; năng suất bình quân 14 tạ/ha; sản lượng hạt điều thô đạt 500.000 tấn, nhân điều đạt 140.000 tấn, kim ngạch xuất khẩu đạt 670 triệu USD. Đến năm 2020, diện tích trồng điều ổn định khoảng 400.000 ha, kim ngạch xuất khẩu đạt 820 triệu USD.
Trong thời gian tới, Nhà nước sẽ có những cơ chế chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho người trồng điều đẩy mạnh các hoạt động sản xuất, kinh doanh, như cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâu dài cho người dân vùng quy hoạch trồng điều để tạo điều kiện cho họ vay vốn ngân hàng đầu tư sản xuất. Xem xét giảm thuế cho các doanh nghiệp chế biến sử dụng công nghệ tiên tiến, mang tính tiên phong trong quá trình phát triển hoặc di chuyển cơ sở chế biến từ khu đô thị về vùng nông thôn trồng điều tập trung. Hỗ trợ lãi suất vay vốn cho các doanh nghiệp chế biến, đầu tư cho vùng nguyên liệu điều phát triển bền vững và đầu tư trang thiết bị, máy móc, nhà xưởng hiện đại để nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng sức cạnh tranh trên thị trường. Nhà nước hỗ trợ kinh phí cho ngành điều đẩy mạnh các chương trình xúc tiến thương mại, quảng bá nâng cao vị thế và sức cạnh tranh của sản phẩm điều Việt Nam trên thị trường quốc tế, đồng thời mở rộng thị trường tiêu thụ trong nước. Đầu tư từ nguồn vốn ngân sách cho các chương trình nghiên cứu khoa học về cây điều, các chương trình khuyến nông, khuyến công phát triển ngành điều…
Theo Cục Trồng trọt (Bộ NN &à PTNT), tổng diện tích điều sản xuất trong niên vụ 2007- 2008 là 421.000 ha, trong đó diện tích thu hoạch khoảng 320.000 ha, năng suất bình quân 10,9 tạ/ha. So với niên vụ 2006- 2007, diện tích trồng điều giảm 15.000 ha nhưng sản lượng đã tăng khoảng 47.000 tấn, do năng suất tăng gần 0,6 tạ/ha và diện tích thu hoạch tăng 27.000 ha trong năm qua. Thị trường xuất khẩu điều chính của Việt Nam là : Hoa Kỳ, Trung Quốc, Ôxtrâylia, Hà Lan, Anh, Nga, Thái Lan… Những năm qua, ngành điều đã đạt được nhiều kết quả và hoàn thành vượt mức chỉ tiêu đề ra cho đến năm 2010. Sản lượng chế biến và xuất khẩu nhân điều đã không ngừng tăng trưởng qua từng năm (năm 2008 tăng 9 – 10% so năm 2007). Nhân điều Việt Nam đang đứng đầu thế giới về sản lượng xuất khẩu và có vai trò quan trọng trên thị trường hạt điều quốc tế.
Tuy nhiên, sản xuất ngành điều cũng đang gặp những khó khăn, diện tích trồng điều đang bị thu hẹp, sản lượng bấp bênh; thị trường giá cả thu mua không ổn định; chưa có sự gắn kết chặt chẽ giữa vùng nguyên liệu và cơ sở chế biến; chưa có sự liên kết, thống nhất giữa các doanh nghiệp nên đã tạo sự cạnh tranh không lành mạnh….Sản phẩm hạt điều chế biến mới ở dạng bán thành phẩm, thiếu đa dạng hóa sản phẩm nên giá trị hàng hóa chưa được nâng cao…./.
(TTXVN)
|