Phạm Văn Hiền
Theo Nguyễn Lân Dũng, một trong những người tiên phong trong lĩnh vực nghiên cứu tế bào gốc ở Việt Nam vừa qua đời.
Thật đau xót khi nghe tin GS.TS. Nguyễn Mộng Hùng, một trong những người tiên phong trong lĩnh vực nghiên cứu tế bào gốc ở Việt Nam vừa qua đời đột ngột.
Ít ai biết rằng chính tờ Nature - tờ báo danh tiếng đã công bố (năm 1997-1998) công trình nhân bản vô tính tạo ra cừu Dolly của Ian Wilmut - đã đăng công trình nhân bản vô tính cá Chạch của ông (cộng tác với nhà khoa học Nga Nikitina) trong số báo ra ngày 16-8-1979. Công trình được công bố trước Wilmut 17 - 18 năm này có ý nghĩa đột phá trong lĩnh vực nhân bản vô tính (cloning) nên trước đó đã được báo Công nghiệp Xã hội Chủ nghĩa (Nga) số ra ngày 21-12-1978 đã dành hẳn 1 trang để giới thiệu về nhà khoa học Việt Nam trẻ tuổi này. Ít ai biết rằng để có được khám phá quan trọng đó ông đã trải qua 1.500 lần thí nghiệm lặp đi lặp lại với những kim vi thao tác tự chế tạo.
Về nước tham gia giảng dạy tại Khoa Sinh trường Đại học Tổng hợp (nay là ĐHKHTN thuộc ĐHQG Hà Nội) ông đã không ngừng xây dựng đội ngũ nghiên cứu, trang bị lại phòng thí nghiệm và đặc biệt quan tâm đến việc trợ giúp các nhóm học sinh đi thi quốc tế về Sinh học. Những tấm huân chương của các cháu học sinh có mồ hôi, công sức quý giá của thầy Hùng. Tôi cộng tác với ông trong việc thẩm định sách giáo khoa Sinh học bậc phổ thông nhưng cũng rất băn khoăn như ông vì không có quyền đóng góp về chương trình Sinh học (một chương trình rất không hợp lý và chả giống nước nào). Trong bất kỳ công việc nào ông cũng nhiệt tình, sôi nổi nhưng với thái độ rất nhã nhặn, hiền từ. Gần đây ông dấn thân vào sự nghiệp nghiên cứu tế bào gốc phục vụ y tế và lôi cuốn các nhà khoa học nhiều trường, nhiều viện cùng tham gia. Nhà nước đã bắt đầu quan tâm và đầu tư khá thỏa đáng cho nhóm nghiên cứu của ông. Những thành công bước đầu của ông đã được báo Khoa học & Đời sống lựa chọn là một trong số 10 sự kiện khoa học nổi bật trong nước năm 2005. Ông đã công bố 26 bài báo khoa học và tham gia biên soạn 10 cuốn giáo trình và sách khoa học. Ngoài lĩnh vực nghiên cứu tế bào gốc ông còn tham gia vào nhiều đề tài có giá trị phục vụ ngay cho sản xuất. Chẳng hạn ông đã nghiên cứu cắt bỏ tuyến androgen ở tôm càng non nước ngọt để đảo giới tính tôm đực thành loại tôm cái giả. Hy vọng từ kết quả nghiên cứu này sẽ có thể tạo ra quần thể toàn là tôm càng đực (trọng lượng khi trưởng thành cao hơn tôm càng cái tới 30%)…
Các chương trình nghiên cứu về tế bào gốc đang ở giai đoạn tăng tốc thì ông lại vội vã đi xa. Vẫn biết Tử - Sinh lá quy luật của muôn đời nhưng ông ra đi quá đột ngột để lại cho tất cả chúng tôi biết bao xót thương và tiếc nuối.
Cầu mong hương hồn ông thanh thản nơi vĩnh hằng.
Nguồn: Tia sáng
Nguyễn Lân Dũng Số lần xem trang : 15511 Nhập ngày : 24-06-2009 Điều chỉnh lần cuối : 24-06-2009 Ý kiến của bạn về bài viết này
Khoa học-Đời sống 2009 bội thu những khám phá thực vật(31-12-2009) Nuôi cấy giống ngô có tính chống chịu mặn cao(21-12-2009) Thiếu nữ 19 thành giáo sư trẻ nhất thế giới(07-12-2009) Nhận biết thuốc trừ sâu bằng que thử (07-12-2009) Táo tươi giòn trong nhiều tháng(22-11-2009) Phương pháp mới hấp thụ khí thải công nghiệp(13-11-2009) Khám phá xác ướp động vật ở Ai Cập(29-10-2009) Thực vật cũng nhận biết 'giọt máu đào(26-10-2009) Vẻ đẹp “cây ăn thịt”(24-10-2009) Biến phân thành tiền(19-10-2009) Trang kế tiếp ... 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13
|