Phạm Văn Hiền
Tại bãi chôn lấp Gò Cát (TPHCM), mặc dù đã có 2 trạm xử lý nước rỉ rác đang hoạt động là trạm xử lý theo công nghệ Hà Lan và trạm xử lý của Công ty Seen VN nhưng công suất hoạt động không ổn định. Hằng năm, cứ vào mùa mưa, lượng nước rỉ rác bị thừa do không xử lý kịp lên tới hàng trăm mét khối/ngày.
Lượng nước rỉ rác thừa này đã phải dùng tới hàng chục xe bồn chuyên chở đi nơi khác. Không chỉ ở Gò Cát, các bãi chôn lấp khác như Đông Thạnh, Phước Hiệp... cũng đã được triển khai nhiều công trình xử lý nước rỉ rác. Tuy nhiên, các công trình này cho kết quả không ổn định do chất lượng nước rỉ rác biến động theo mùa, giá xử lý nước rỉ rác thường rất cao khiến chi phí cho vấn đề này đang là gánh nặng cho TP. Mặt khác, việc chuyên chở nước rỉ rác còn gây ô nhiễm cho các nơi xe đi qua, chi phí chuyên chở cũng gây tốn kém lớn, chưa kể có khi các xe này còn xả “trộm” gây ô nhiễm môi trường sống của người dân.
Trước thực tế trên, TS Ngô Hoàng Văn (Hội Nước và môi trường nước thuộc Liên hiệp các Hội khoa học kỹ thuật TPHCM) đã thực hiện đề tài “Nghiên cứu xử lý nước rỉ rác bằng công nghệ cánh đồng tưới và cánh đồng lọc”, vừa được nghiệm thu tại Sở Khoa học - Công nghệ TPHCM ngày 23-6. Đề tài áp dụng công nghệ cánh đồng lọc và cánh đồng tưới, trồng các loại cây dầu mè, cỏ vetiver, cỏ voi và cỏ signal ngay tại bãi chôn lấp để xử lý nước rỉ rác. Công nghệ cánh đồng tưới (trồng cây có thu hoạch sản phẩm) và cánh đồng lọc (trồng cây không thu hoạch sản phẩm) sử dụng thực vật để xử lý nước thải dựa trên nguyên lý mỗi loại thực vật có hệ vi sinh vật riêng, có thể xử lý các chất hữu cơ trong tự nhiên để hình thành chất khoáng đạt yêu cầu hấp phụ của cây trồng. Theo TS Ngô Hoàng Văn, qua bộ rễ, phản ứng đồng hóa của thực vật có thể xử lý các chất ô nhiễm có trong nước. Ngoài ra, qua bộ lá, thực vật còn có thể xử lý được khí thải, mùi hôi và khí CO2 có trong nước thải.
Ở mô hình pilot, đề tài đã dùng nước rỉ rác pha loãng ở nồng độ khoảng 10% để tưới cho khu trồng cỏ vetiver rộng gần 100 m2, khu trồng dầu mè rộng khoảng 150 m2, kết quả cho thấy NH3, phốtpho và mùi hôi đều được xử lý rất tốt và đơn giản. Hơn thế nữa, phương pháp này còn đem lại lợi ích kinh tế cao. Theo tính toán sơ bộ của TS Ngô Hoàng Văn, chi phí xử lý bằng công nghệ này chỉ khoảng 8.000 đồng/m3 nước rỉ rác - rất rẻ so với giá 30.000 đồng/m3 hiện nay theo tính toán của các nhà khoa học. Ngoài những lợi ích nói trên, cỏ signal có thể thu hoạch làm thức ăn cho cá và gia súc, cây dầu mè có thể cho trái dùng sản xuất dầu diesel sinh học, cỏ vetiver dùng để đan lát, làm giấy...
Nguồn: Nh.Anh
Người lao động Số lần xem trang : 15552 Nhập ngày : 25-06-2009 Điều chỉnh lần cuối : Ý kiến của bạn về bài viết này
Khoa học-Đời sống Vai trò của công nghệ sinh học trong tính bền vững(18-02-2009) Vịt chạy đồng và lúa vụ 3 nên hay không?(14-01-2009) GS.TS. Võ-Tòng Xuân(09-01-2009)
|