Phạm Văn Hiền
Vietsciences - Nguyễn Lân Dũng - Phạm Thế Hải
Nhìn tấm hình này bạn sẽ nghĩ nó được lấy từ một bộ phim hoạt hình hoặc được tạo thành nhờ kỹ xảo vi tính. Hoàn toàn không, đây không phải là một sản phẩm của công nghệ đồ họa, không phải là một hình ảnh trong mơ cũng không phải một bí ẩn siêu nhiên. Đây là những hình ảnh có thật khi bạn nhìn từ trên cao xuống nhiều cánh đồng Nhật Bản ngày nay. Đi về phía bắc Tôkyô chừng 600 km, bạn sẽ tới một ngôi làng ở vùng Aomori xanh tốt, nơi mà những tác phẩm hội họa truyền thống Nhật Bản được tái hiện sinh động trên bề mặt những cánh đồng lúa xanh bát ngát. Bạn sẽ đặt câu hỏi liệu có phải những chấm màu tạo nên các bức tranh này là do các cây lúa được sơn vẽ hay cái gì đó tương tự. Dĩ nhiên là không. Sự thật là chính màu sắc lá tự nhiên của những cây lúa dưới bàn tay gieo trồng của người nông dân Nhật Bản đã làm nên những bức tranh đáng kinh ngạc như vậy. Thật vậy, bằng cách trồng 4 loại lúa có màu sắc lá khác nhau trên chính những cánh đồng mà tổ tiên họ đã cày cấy qua hàng thế kỷ, người dân làng Inakadate đã tái hiện thành công những bức tranh cổ vẽ trên gỗ của họa sỹ Katsushika Hokusai (1760 – 1849). Và đây không đơn giản là một chiêu tiếp thị tầm thường - những hình ảnh trong bức tranh “Fugaku Sanjurokkei” (Núi Phú Sỹ từ ba mươi sáu góc nhìn khác nhau) được thể hiện trên một diện tích rộng 15 000 mét vuông, trông thật ngoạn mục cả từ quy mô cho đến những chi tiết nhỏ nhất.
Từ dưới mặt đất, dường như thật khó để quan sát và cảm nhận những cánh đồng “nghệ thuật” này. Tuy vậy, bằng cách leo lên một tháp quan sát cao chừng 22 mét và nhìn xuống, khách tham quan sẽ được thưởng ngoạn một quang cảnh phi thường, ngoài sức tưởng tượng. Nếu xét về khía cạnh lợi ích cho nền kinh tế địa phương, có thể gọi đó là những cánh đồng của những giấc mơ, bởi vì chúng mang lại 150 000 khách tham quan tới ngôi làng chỉ có 8 700 người này trong vòng chỉ vài tháng gần đây.
“Việc thể hiện bức họa của Hokusai là rất khó khăn”, ông Akio Nakayama, người lãnh đạo dự án vẽ tranh trên ruộng lúa cho biết, “Chúng tôi đã không chắc chắn có thể thực hiện được nhưng cuối cùng chúng tôi đã thành công”. Akio Nakayama đã làm việc cho dự án này hơn 10 năm qua. Ông đã tham gia cùng dân làng Inakadate bắt đầu sáng tác những tác phẩm nghệ thuật trên ruộng lúa từ năm 1993. Lúc đầu mục đích của công việc chỉ là nhằm làm hồi sinh truyền thống nông nghiệp địa phương trong thời kỳ công nghiệp đang phát triển mạnh mẽ. Dường như ý tưởng “tranh trên ruộng lúa” không thuộc về riêng ai và có vẻ nó đã nảy sinh từ những cuộc họp của làng.
Trong chín năm đầu, những cán bộ quản lý và nông dân trong làng đã thử tạo dựng trên ruộng lúa của họ hình ảnh núi Iwaki (thuộc vùng Aomori), kèm theo dòng chữ “Inakadate, ngôi làng của những người trồng lúa”. Dần dần, bằng cách trồng những giống lúa có màu khác nhau trên một diện tích rộng 2500 mét vuông, cuối cùng họ đã thực sự làm tái hiện những tác phẩm nghệ thuật trên ruộng lúa. Rồi theo thời gian, diện tích những “bức tranh” cứ mở rộng dần và chúng ngày càng trở nên phức tạp, tinh xảo hơn. Và đến năm 2005, sau một thỏa thuận giữa những người chủ đất cho phép sử dụng tới 15000 mét vuông ruộng để “tạo tranh”, những người dân làng đã miệt mài “vẽ” nên những bức họa khổng lồ, tái hiện lại những tác phẩm của Sharaku và Utamaro (thuộc thời kỳ Edo). Vào năm đó, 130 000 người đã đổ đến chiêm ngưỡng những siêu phẩm này.
Năm 2006, một cuộc cách mạng cho nghệ thuật vẽ tranh trên ruộng lúa đã diễn ra, khi mà những người nông dân đã lần đầu tiên sử dụng máy vi tính để trồng, và đồng thời “vẽ”, một cách chính xác 4 loại lúa màu khác nhau để tạo nên những bức tranh thực sự sống động, gần với nguyên tác. Kết quả là sự tái hiện thành công những tác phẩm từ bộ tranh cổ nổi tiếng “Fujin Raijin Zu Byobu” (Vẽ về Thần Gió và Thần Nước) của họa sỹ Tawaraya Sotatsu (thời kỳ Edo). Khoảng 200 000 khách tham quan đã tới để xem tuyệt tác này. Năm nay, 2009, người xem đã được chiêm ngưỡng hai tuyệt phẩm khác trên ruộng lúa: hình ảnh chiến binh Sengoku và Napoleon trên lưng ngựa.
“Tôi thật vui khi thấy nhiều người đến tham quan những cánh đồng của chúng tôi bởi vì, ở đây, tại làng Inakadate, lúa và cuộc sống con người gắn liền với nhau” – Nakayama nói.
Cứ tháng Tư hàng năm, các công trình “vẽ tranh trên ruộng lúa” lại được bắt đầu, sau khi hội đồng của làng quyết định những tác phẩm sẽ được thể hiện. Trước hết, sáu cán bộ sẽ được cử ra để hợp tác tính toán và thiết kế công trình. Họ làm việc suốt hàng chục ngày, từ sáng sớm đến đêm khuya, để hoàn thành việc thiết kế. Công việc tính toán của họ không chỉ đơn giản dựa trên những con số tọa độ, mà còn cần đến những tư duy không gian phức tạp để đảm bảo rằng những bức tranh sẽ hiện ra hoàn hảo khi nhìn từ trên đài quan sát. “Việc sử dụng máy tính đã làm rút ngắn rất nhiều thời gian cần thiết để tính toán vị trí của các điểm trồng lúa trên ruộng lúa.” – Nakayama cho hay – “Đồng thời, nó cho phép tính toán được nhiều điểm hơn, để tạo bức tranh một cách chính xác hơn”.
Các bản thiết kế thường hoàn hảo, nhưng công việc vất vả và đòi hỏi sự tinh tế nhất lại chính là việc định vị một cách chính xác trên đất ruộng để người trồng biết được nơi nào thì trồng loại lúa màu nào. Công việc này nhiều khi đòi hỏi tới hàng chục người thạo việc. Sau đó, đến tháng Năm, hàng trăm người tham gia trồng lúa, bao gồm cả khách tham quan được mời từ các vùng lân cận. Chia làm nhiều nhóm, họ sử dụng 4 loại lúa: hai giống lúa truyền thống: ki ine (cho lá lúa màu vàng) và musaraki ine (cho lá lúa màu nâu); và hai giống lúa mới: Beni Miyako (cho lá màu đỏ nhạt) và Tsugaru Roman (một giống của vùng Aomori cho lá màu xanh tươi). Sau khi gieo trồng, sự thành công của tác phẩm cuối cùng vẫn phụ thuộc vào thiên nhiên, khi mà những mầm cây lúa tự chúng phải phát triển. “Cuối tháng 7 là thời điểm đẹp nhất để thưởng thức những bức tranh lúa” – Nakayama nói tiếp – “Bởi vì vào các thời điểm khác, các loại lúa khác nhau sẽ có chiều dài khác nhau, do sự chênh lệch về tốc độ tăng trưởng giữa chúng. Vì vậy, bức tranh có thể sẽ không được hoàn hảo.” Nhưng cho dù như vậy, lượng khách tham quan tới xếp hàng để được xem “tranh lúa” vẫn liên tục tăng lên. Vào những ngày cuối tuần thậm chí lượng khách có thể tăng vọt tới 6 000-7 000 người.
Không chỉ ở Inakadate, ngày càng nhiều vùng trồng lúa khác ở Nhật Bản đang tham gia vào những dự án kết hợp nông nghiệp - nghệ thuật này. Trong số đó, nổi bật nhất phải kể đến là thị trấn Yonezawa thuộc vùng Yamagata. Hình ảnh chiến binh Samurai Naoe Kanetsugu cùng vợ là Osen được thể hiện vô cùng ấn tượng trên những cánh đồng Yonezawa. Rất nhiều các tác phẩm nghệ thuật khác được thể hiện trên những cánh đồng Nhật Bản trong năm nay. Thậm chí người ta có thể nhìn thấy cả những bức tranh “nhỏ” với hình Dorêmon và những chú hươu nhảy múa.
Sau mùa gặt, khi những “bức tranh đắt hàng” ấy được hạ xuống, những người nông dân làng Inakadate lại ngay lập tức tập trung tâm trí của họ tìm ý tưởng về những tác phẩm sẽ được thể hiện vào năm sau. Họ sẽ lại tổ chức thật nhiều các buổi thảo luận trong làng cũng như với các làng xung quanh để trao đổi kinh nghiệm và ý tưởng. Những nông dân Nhật Bản đang ngày càng trở thành những nghệ nhân thực sự trên ruộng lúa của họ!
“Tôi chưa biết năm sau làng Inakadate sẽ thể hiện những tác phẩm gì,” – Nakayama kết thúc câu chuyện của ông – “nhưng chắc chắn đó sẽ là những kế hoạch mới đầy tham vọng, hoành tráng và bất ngờ hơn những năm trước nhiều. Bạn hãy chờ xem …” (theo Yoko Hani)
Mặc dù những “bức tranh” được thể hiện thực sự là những tác phẩm nghệ thuật, chúng về bản chất vẫn là những ruộng lúa, để góp phần sản xuất ra gạo, thực phẩm cơ bản của người Nhật. Năm ngoái, khoảng 2 tấn gạo Tsugaru Roman đã được thu hoạch trên những cánh đồng Inakadate, với sự góp công của hơn 900 người đến từ khắp nước Nhật. Gạo thu hoạch được chia cho những người tham gia gặt và những người có công gieo trồng và thiết kế các “bức tranh lúa”. Vì thế mùa gặt ở đây thậm chí còn là thời gian sôi động và thú vị nhất đối với khách tham quan. Số lần xem trang : 15551 Nhập ngày : 24-08-2009 Điều chỉnh lần cuối : 24-08-2009 Ý kiến của bạn về bài viết này
Khoa học-Đời sống 2009 bội thu những khám phá thực vật(31-12-2009) Nuôi cấy giống ngô có tính chống chịu mặn cao(21-12-2009) Thiếu nữ 19 thành giáo sư trẻ nhất thế giới(07-12-2009) Nhận biết thuốc trừ sâu bằng que thử (07-12-2009) Táo tươi giòn trong nhiều tháng(22-11-2009) Phương pháp mới hấp thụ khí thải công nghiệp(13-11-2009) Khám phá xác ướp động vật ở Ai Cập(29-10-2009) Thực vật cũng nhận biết 'giọt máu đào(26-10-2009) Vẻ đẹp “cây ăn thịt”(24-10-2009) Biến phân thành tiền(19-10-2009) Trang kế tiếp ... 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13
|