Phạm Văn Hiền Năm 1999, chúng tôi tham gia làm cố vấn cho một dự án phát triển bền vững miền núi tại Phú Yên của ENDA (tổ chức NGO về môi trường và phát triển các nước thế giới thứ ba) tại hai buôn thuộc xã Eabá, huyện Sông Hinh, tỉnh Phú Yên.
Qua một ngày khảo sát thực địa và thảo luận cùng tác viên dự án và nông dân buôn, tính "ỉ lại" và "công thần" của người dân hai buôn này được ghi nhận là trở lực lớn cho sự thành bại của dự án.
Sau khi tham dự lễ hội rượu cần tiếp đoàn, chúng tôi về nhà trưởng buôn ở lại đêm. Trăn trở cho giải pháp xói đói nghèo cho người dân sống trên vùng núi rừng trù phú của dãy đất miền núi Duyên hải Nam Trung bộ (Buôn Bầu và buôn Chao, xã Eabá, huyện Sông Hinh, tỉnh Phú Yên), cùng với cảm giác lân lân trong men rượu cần thật kỳ lạ và ánh lửa bập bùng của bếp khách huyền ảo về đêm giữa núi rừng trùng điệp, tôi viết câu chuyện này. Ngày mai trong hội thảo tôi sẽ đọc và đôi lời bình thay cho bài phát biểu của đoàn cố vấn.
Chuyện bản sáu hộ người Tày
Đêm 24/10/1999, buôn Bầu, xã Eabá, huyện Sông Hinh
Bài viết cho cán bộ dự án PTNN-MN Phú Yên
và đồng bào buôn Bầu, buôn Chao xã Eabá
Phạm Văn Hiền, 1999
Bản người Tày cạnh bên buôn Eapal của người Êđê, cái rẫy của bản Tày nó cũng khít nhau rẫy buôn Eapal, vậy mà sao nó giàu hơn buôn mình nhiều qúa. Già làng buôn Eapal nghĩ mãi không ra, mặc dầu cái đầu của già bao lâu nay, nó vẫn rộng như núi rừng nương rẫy của buôn già.
Tối nay ngồi bên bếp lửa cho đỡ lạnh, già nhìn ngọn lửa cháy và nhớ lại ...
Gìa nhớ mới mùa rẫy năm nào, khi con bò nhất của già mới có một em, có hai thanh niên khỏe như con bò mập, nó vào thăm và xin hỏi chuyện làm nương rẫy với già. Sau đó nó đi vào thăm rừng và xem cái rẫy của buôn Eapal, mấy hôm sau nó quay lại chào già và về Bắc.
Khi mùa đốt rẫy đến dân của buôn già đi làm rẫy thấy 2 thanh niên vào cùng 6 hộ, họ phá rừng làm rẫy ngay khít cạnh rẫy của buôn già chỉ cách nhau một con suối lớn.
Mấy mùa rẫy đầu 6 hộ còn khó khăn và khổ quá, họ phải sang buôn già để xin ít muối. Sáu hộ bản Tày chưa có bò, chưa có heo, rẫy thì nhỏ bằng cái lưng của già. Nhưng sau vài mùa rẫy, bò nhất của già giờ đã có 5 em, bản Tày đã có bò đàn, có heo mập, có rẫy lúa, rẫy đậu, rẫy bắp, có cả lúa nước và nhiều cây ăn trái nữa. Họ đã làm nhà ngói mới và trồng thêm cây tiêu, cây cà phê trong vườn. Đến nay bản của họ, già nghe nói nó đông vui như ngày hội đâm trâu cúng “Giàng” của buôn gia; nhà cửa, đường thôn bản sạch đẹp.
Vì muốn sáng cái bụng, già quyết định đi sang thăm bản Tày 6 hộ. Già đến nhà trưởng bản Tày và một vài nhà khít nhau nhà trưởng bản, già thấy nhiều nhà có treo bằng liệt sĩ quá, một nhà có cả bằng khen Bác Hồ tặng do học bắn rơi máy bay Mỹ năm xưa. Vậy là bản này ở ngoài Bắc nó đánh giặc cũng giỏi như già hồi còn trẻ, còn khỏe như con voi, nhanh như con sóc trong rừng. Qua trò chuyện già còn biết Nhà nước nó không giúp gì mấy bản Tày so với buôn của già. Già còn thấy đất rẫy của họ đi chưa mỏi cái chân, chưa đau cái lưng của già, nhưng lạ là nó trồng nhiều thứ cây quá và trồng luôn cả trên miếng đất ngay sau lưng nhà. Trong lúc buôn của già cái rẫy đi mỏi cái chân còng cái lưng vẫn chưa hết, nhưng dân của già chỉ biết trồng lúa rẫy bằng cách “chọc lỗ trỉa hạt” và trộn một ít hạt ớt, hạt dưa chung trong gùi lúa khi trỉa thôi, còn cái đất sau nhà có trồng gì bao giờ đâu, từ ngàn đời nay già biết vậy mà!
Sau khi uống xong chén rượu to do bản Tày mời, già chào trưởng bản cùng dân bản Tày và đi về.
Già lội qua cái tràn của con suối quen thuộc đầu buôn, nước reo lên vui mừng, con chim Chơ rao hót chào già đi chơi về, nhưng sao cái bụng của già nó buồn quá. Bửa cơm tối già ăn mà sao cơm nó không muốn vào cái bụng của già, châm tẩu thuốc già ngồi hút và nhả khói, khói thuốc từng cuộn, từng cuộn nối đuôi nhau lan tỏa khắp nhà sàn như muốn cảm thông và mang đi nhanh nỗi buồn lo cho cái đói, cái nghèo của dân buôn già.
Già ngồi mãi đến khi ông mặt trời đã ngủ say một giấc, già hiểu ra rồi, ngày mai gìa phải mời thằng trưởng buôn và dân làng đến để già nói là:
Cái đầu biết nghĩ cần hơn cái rẫy rộng
Ghi chú:
- Do lúc đầu chỉ có 6 hộ người Tày, nên người buôn Bầu của người Ê đê quen gọi bản Tày là "Bản sáu hộ"
- Cái tràn: loại đập nhỏ xây bằng xi măng, đá tảng băng ngang qua đường đất vào làng, mùa mưa nước chảy tràn qua không gây ra xói lở đường đi.
- Một em: con bò thứ hai của một bò mẹ.
- Giàng: Trời đất theo tín ngưỡng đa thần linh của người Ê đê sống ở Tây Nguyên và miền núi Nam Trung bộ. Số lần xem trang : 14911 Nhập ngày : 11-10-2009 Điều chỉnh lần cuối : 07-12-2009 Ý kiến của bạn về bài viết này
Chia sẻ dạy & học Gien cây trồng bản địa(08-01-2009)
|