Asia Time cho biết, trong lúc nhu cầu đối với ngô tại Trung Quốc tăng vọt, sự chú ý của dư luận tập trung vào giống ngô XY335 (hay còn gọi là Xianyu).
Chỉ trong vòng 5 năm, XY335 đã trở thành giống ngô được trồng phổ biến nhất tại miền bắc Trung Quốc và phổ biến thứ hai trên toàn quốc. Tuy nhiên, giờ đây dư luận bắt đầu nghi ngờ rằng “bố mẹ” của XY335 là giống ngô biến đổi gene. Theo tài liệu của Bộ Nông nghiệp Trung Quốc, cây biến đổi gene chưa được phép trồng đại trà tại Trung Quốc.
Vào năm 2010, báo International Economic Herald đăng một bài về việc người dân phát hiện nhiều hiện tượng bất thường ở những động vật ăn ngô XY335 tại nhiều khu vực, như chuột vô sinh, lợn bị sảy thai. Dư luận cho rằng XY335, do bị biến đổi gene, đã gây đột biến gene và giảm khả năng sinh sản của những con vật ăn ngô.
Cây biến đổi gene, cụ thể là ngô, đang là chủ đề tranh luận ở Trung Quốc. Với sản lượng cao, cây biến gene có thể giúp nước này khỏi tốn tiền nhập khẩu. Song mặt khác, các tác động chưa được nghiên cứu hết của cây biến gene khiến các nhà hoạt động xã hội lo ngại về an toàn thực phẩm.
Gạo và lúa mì là hai loại lương thực chủ đạo tại Trung Quốc. Nhưng do mức sống của người dân ngày càng tăng, nhu cầu tiêu thụ thịt cũng lớn dần theo thời gian. Vì thế Trung Quốc cần một lượng ngô lớn để nuôi gia cầm và gia súc.
Tình trạng thiếu lương thực của Trung Quốc trong thập niên 70 là động lực quan trọng để Bắc Kinh tiến hành các cải cách nông nghiệp và kinh tế. Nhưng ngày nay, khi kinh tế bùng nổ, Trung Quốc phải quyết định mức độ phụ thuộc vào thị trường quốc tế để đảm bảo nhu cầu lương thực.
Thúc đẩy việc trồng hạt biến đổi gene là một thương vụ lớn đối với những công ty cung cấp hạt giống, công ty sản xuất thuốc diệt cỏ, các tổ chức nghiên cứu và cơ quan chính phủ. Nhưng liệu nó mang đến lợi ích cho nông dân hay không thì vẫn là một câu hỏi chưa có lời giải đáp rõ ràng.