Trang web PHAN VĂN TỰ

Trang chủ ĐHNL | Trang nhất | Sơ đồ trang | TTNC&ƯDCN Địa chính | Lịch làm việc | Sinh viên | Hình ảnh | Điểm thi | E-mail Giáo viên | E-mail Sinh viên |
Thống kê
Số lần xem
Đang xem 62
Toàn hệ thống 3871
Trong vòng 1 giờ qua
Trang liên kết


Thành viên

Email:
Password

Nội dung

  PHAN VĂN TỰ

Đừng lãng phí tài nguyên đất


Cuộc khủng hoảng lương thực trong năm 2008 cho thấy, thế giới đang bước vào một chu kỳ phát triển mới, trong đó nông nghiệp được chú trọng hơn sau nhiều thế kỷ bị đứng sau sự ưu tiên cho phát triển công nghiệp và dịch vụ.

Chúng ta đều biết rằng, trong lịch sử phát triển của nhân loại, nông nghiệp là nền tảng của mọi xã hội loài người, từ buổi bình minh của lịch sử cho đến thế kỷ thứ XV, khi xuất hiện cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ nhất. Sau đó, công nghiệp trở thành xương sống của các nền kinh tế trong giai đoạn phát triển tư bản chủ nghĩa. Cùng với công nghiệp hóa, sự phát triển mạnh mẽ của các đô thị và sự mở rộng giao lưu quốc tế, các ngành dịch vụ cũng nhanh chóng nhận được sự ưu ái trong công cuộc phát triển của các quốc gia và ngày càng chiếm tỷ trọng cao trong các nền kinh tế.

Từ sự phát triển như vũ bão của công nghiệp, sự gia tăng của dân số và việc nâng cao mức sống của người dân các nước, các nguồn tài nguyên bị khai thác ở quy mô vô cùng lớn, đưa đến một số không nhỏ các nguồn tài nguyên bị cạn kiệt. Nguồn nước ngọt dùng cho đời sống con người đang trở nên thiếu trầm trọng, Nguồn nhiên liệu hóa thạch: than đá, dầu mỏ, khí đốt cũng đang cạn kiệt buộc con người phải tìm đến các nguồn năng lượng tái sinh. Nhiều khoáng sản phục vụ cho sự nghiệp công nghiệp hóa cũng đang bị khai thác đến mức báo động.

Kể từ thời kỳ công nghiệp hóa lần thứ nhất đến nay, nông nghiệp luôn bị xếp sau công nghiệp trong thứ tự ưu tiên phát triển. Và đương nhiên quỹ đất của nông nghiệp bị cắt ra dành cho phát triển công nghiệp, quá trình đô thị hóa và cho cả những nhu cầu ngày càng cao của con người: Đường giao thông, các siêu thị, khu vui chơi giải trí, các sân golf, bãi đỗ xe…Diện tích đất nông nghiệp ngày càng bị thu hẹp đến mức báo động. Thêm vào đó đầu tư cho nghiên cứu và phát triển nông nghiệp ít sinh lời hơn cho công nghiệp và dịch vụ, nên cũng ít được chú trọng. Do đó năng suất trong sản xuất nông nghiệp chậm được cải thiện. Trong khi đó dân số gia tăng nhanh làm cho nhu cầu đối với các sản phẩm nông nghiệp gia tăng mạnh. Kết quả là quan hệ cung cầu về các sản phẩm nông nghiệp trở nên mất cân bằng và ngày càng nghiêm trọng.

Theo các báo cáo đưa ra tại các kỳ họp Quốc hội trong năm 2008, mỗi năm cả nước mất đi 72.000 ha đất nông nghiệp, phần lớn đều là các khu ruộng bờ xôi, ruộng mật. Tuy Việt Nam là nước xuất khẩu gạo, nhưng thường xuyên chịu ảnh hưởng của thiên tai, dân số tiếp tục tăng nhanh, quá trình công nghiệp hóa và đô thị hóa diễn ra mạnh mẽ. Đủ thấy vấn đề an ninh lương thực không chỉ là chuyện của “Tây” mà cũng là chuyện của “Ta” rồi. Trên diễn đàn Quốc hội, các đại biểu bức xúc chuyện ở những vùng đất nông nghiệp thuần hóa hàng nghìn năm, nhưng thời gian gần đây chuyển đổi mục đích sử dụng đất chưa đúng, chưa mang lại hiệu quả kinh tế cao. Với tư cách một nhà khoa học, đại biểu Quốc hội Nguyễn Lân Dũng nói rằng, một khái niệm mà mọi người cần phải hiểu, đó là có loại đất có cấu tượng. Đây là loại đất mà chất mùn do vi sinh vật tạo ra đã liên kết đất lại thành các viên có kích thước vừa phải, không nhỏ như đất sét, không lớn như cát, nhờ đó mang lại độ phì nhiêu. Muốn đất có cấu tượng phải qua hàng trăm năm, hàng nghìn năm. "Việc bê tông hóa hoặc lấy cát lấp lên hoặc lấy cỏ trồng lên là một hành động thiếu trách nhiệm đối với muôn đời con cháu!”.
Đương nhiên đất nước phát triển thì chuyển mục đích sử dụng đất là nhu cầu rất lớn. Nhưng sự chuyển đổi ấy lâu nay ở đâu đó vẫn chưa đúng, chưa mang lại hiệu quả. Vẫn còn nhiều nơi thu hồi xong bỏ hoang 5 - 7 năm chưa khai thác, chưa sử dụng để đất bỏ hoang. Tình trạng này xảy ra ở cả đồng bằng sông Hồng và đồng bằng sông Cửu Long là những vựa lúa của cả nước. Ở đồng bằng sông Cửu Long, số diện tích đất cho thuê tại các khu công nghiệp mới chỉ đạt 810 ha, tỷ lệ lấp đầy 33,51%, thậm chí có khu công nghiệp chỉ mới sử dụng 5% diện tích đất. Ngoài các khu công nghiệp do Trung ương quy hoạch, tại 13 tỉnh đồng bằng sông Cửu Long còn có 177 cụm, điểm công nghiệp do ủy ban nhân dân các tỉnh quyết định đầu tư xây dựng với tổng diện tích 15.457 ha. Trong đó mới có 47 cụm điểm công nghiệp được triển khai xây dựng với diện tích 8.291 ha, 15 cụm công nghiệp với diện tích 702 ha đang hoạt động. Toàn vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ có 27 khu công nghiệp đã có quyết định thành lập của Thủ tướng Chính phủ (16 KCN đang hoạt động và 11 khu công nghiệp đang trong thời gian xây dựng cơ bản) với diện tích 5391 ha, tỷ lệ lấp đầy mới đạt 33%.

Trong lúc người nông dân không có đất sản xuất, đời sống gặp khó khăn, thì đây là sự lãng phí lớn, không kém gì việc tham nhũng. Có đại biểu Quốc hội yêu cầu cần dừng ngay việc lấy đất ruộng lúa để làm khu công nghiệp, khu chế xuất, làm sân golf, làm khu du lịch.

Năm 2000, diện tích đất nông nghiệp Việt Nam vào khoảng 4,47 triệu ha, đến năm 2006 giảm xuống còn 4,13 triệu ha. Trong khi đó, dân số Việt Nam năm 2007 lên tới khoảng 85 triệu người và dự kiến sẽ đạt khoảng 100 triệu người vào năm 2020. Nếu tính ở mức trung bình của thế giới là 500 kg lương thực/người/năm (cho cả nhu cầu về lương thực và phát triển chăn nuôi, có nước đạt 1tấn/người/năm) thì khi đó cần ít nhất 50 triệu tấn lương thực/năm. Liệu với trên dưới 4 triệu ha dành cho nông nghiệp đã đảm bảo an ninh lương thực chưa. Do đó, đòi hỏi phải có chính sách hữu hiệu nhằm bảo đảm phát triển hài hòa với an ninh lương thực.

Đến bao giờ chúng ta mới chấm dứt được việc để các nhà đầu tư, tự đi tìm địa điểm và chiếm dần hết các loại đất "nhất đẳng điền" ven các quốc lộ, tỉnh lộ ở hai châu thổ sông Hồng và sông Cửu Long? Việc này dẫn đến bần cùng hóa một số lớn nông dân mặt đất mà không có khả năng chuyển đổi nghề nghiệp.

Có một thực tế là một ha đất nông nghiệp thì chỉ cần khoảng 3-5 lao động, nhưng mà 1 ha đất sử dụng cho mục đích công nghiệp thì có thể huy động được tới hàng trăm lao động. Đây là một lý do để các địa phương muốn chuyển đất nông nghiệp thành đất công nghiệp để “lo” công ăn việc làm cho người lao động địa phương. Vấn đề là cần phải giải quyết mâu thuẫn trên như thế nào?

Việc giải quyết vấn đề này cần và chỉ có ở tầm vĩ mô. Chỉ ở cấp trung ương mới giải quyết được, bằng việc định ra các chính sách hỗ trợ cho các địa phương thuần nông để giữ đất trồng cây lương thực và tạo việc làm cho người lao động. Quỹ hỗ trợ nông nghiệp, tạm gọi như thế, được đóng góp (bắt buộc) từ các địa phương được ưu tiên phát triển công nghiệp và dịch vụ (do đất cho năng suất nông nghiệp thấp). Từ nay, nên xem xét lại việc hưởng lợi từ sự nghiệp công nghiệp hóa ở các địa phương, thậm chí Chính phủ phải có một nghị quyết về quản lý sử dụng đất nông nghiệp, về quy hoạch đất nông nghiệp. Kiên quyết không chuyển sử dụng đất nông nghiệp những vùng đất thuần hóa, trừ khi những vùng đất này không cho hiệu quả cao trong phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp thì mới chuyển đổi mục đích. Phải kiên quyết giữ cho được đất trồng lúa chủ yếu ở đồng bằng sông Cửu Long, đồng bằng Bắc Bộ, duyên hải miền Trung để đảm bảo an ninh lương thực. Đây là vùng đất bất khả xâm phạm, không chuyển sang đất phi nông nghiệp. Đối với miền núi, khuyến khích chuyển đất nông nghiệp sang sản xuất công nghiệp, dịch vụ, nơi mà điều kiện sản xuất nông nghiệp bấp bênh, gắn với việc đầu tư hạ tầng cho vùng này, đào tạo nguồn nhân lực, bố trí lại dân cư để đẩy nhanh xóa đói giảm nghèo và phát triển kinh tế của vùng đặc biệt khó khăn và vùng miền núi. Mặt khác, Chính phủ cần đầu tư nghiên cứu, phát triển đường sá, điện, cơ sở hạ tầng tại những khu vực đất cằn, đồi núi, hiện ở chưa có đường giao thông, để kéo các nhà đầu tư đến, tránh việc để các nhà đầu tư chỉ chọn những nơi ven quốc lộ, thuận tiện cho giao thông.

Trước mắt, cần một quy hoạch rất cụ thể trên phạm vi cả nước là vùng nào phải để lại để trồng lúa, trồng cây lương thực và vùng nào chúng ta có thể phát triển công nghiệp dịch vụ. Không phải không có lý do mà bên Trung Quốc người ta quy định muốn chuyển đổi mục đích sử dụng của 5 mẫu Trung Quốc, tương đương với 1/3 ha, bắt buộc phải được sự chấp thuận của chính phủ trung ương.

Bên cạnh việc phát triển công nghiệp quá trình đô thị hóa cũng làm mất rất nhiều đất nông nghiệp. Mỗi năm hàng chục nghìn ha đất nông nghiệp được chuyển sang phát triển đô thị. Đây là một nhu cầu tự nhiên của quá trình phát triển. Nhưng nếu có tầm nhìn xa trông rộng thì có thể vẫn giữ được đất nông nghiệp mà không ảnh hưởng đến việc phát triển đô thị. Đó là việc đưa các đô thị lên các vùng đồi gò và phát triển đô thị theo chiều cao chứ không theo chiều rộng. Chẳng hạn như Thủ đô Hà Nội, với 6 triệu dân và trong tương lai vài ba chục năm nữa là 10 triệu dân, nếu phát triển theo chiều cao, chỉ cần trên dưới 1.000 ha. Đã có kinh nghiệm của Hồng Kông, New York, Tokyo, Thượng Hải…Đảo Hồng Kông chỉ có diện tích hơn 700 ha nhưng có đến hơn 3 triệu người sinh sống, làm việc. Đảo Manhattan của New York cũng vậy - hơn 2 triệu người trên diện tích khoảng 500 ha. Kinh nghiệm của những nơi này là xây dựng các tòa nhà lớn và cao – trên dưới 30 tầng, không cho phép xây nhà dưới 20 tầng. Hà Nội hiện vẫn lãng phí tài nguyên đất khi chỉ xây nhà quá thấp. Tại sao việc mở các khu đô thị mới lại chỉ xây trên dưới 20 tầng và lại dành một phần cho việc xây dựng các cái gọi là "biệt thự” thấp tầng. Tại sao việc cải tạo các khu tập thể cũ thành các khu đô thị mới cũng không vượt quá 20 tầng? Một bài tính rất đơn giản là trước đây các căn hộ ở khu tập thể Kim Liên thường là chỉ 30 - 40 m2 cho một gia đình 4 người. Nay nhu cầu của một gia tính như thế tối thiểu phải là 100 m2. Vậy việc nâng chiều cao từ nhà lắp ghép 5 tầng lên 11 tầng hay cho dù là 21 tầng thì liệu cả khu tập thể rộng hàng chục ha này có thêm bao nhiêu người từ nơi khác đến. Con số là không nhiều. Vây tại sao ta không nâng thêm chiều cao của các ngôi nhà lên từ 30 đến 40 tầng để có thêm chỗ cho hàng nghìn người khác, mà không phải lập ruộng để xây nhà.

Nên nhớ rằng, nước ta đất chật - người đông, cần phải biết sử dụng tiết kiệm tài nguyên đất. Nếu tính trung bình thì mật độ trung bình của thế giới là dưới 100 người/ 1 km2. Ngay Trung Quốc, nước đông dân nhất thế giới, thì mật độ cũng chỉ là 140 người/1 km2 (l,3 tỷ dân trên hơn 9 triệu km2). Còn Việt Nam ta, hiện nay là 87 triệu dân, tương lai là hơn 100 triệu trên diện tích 330.000 km2, nghĩa là hơn 3000 người/1 km2

Thủ đô Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh sau 50 năm nữa sẽ có không dưới 10 triệu dân. Vậy phát triển đô thị phải theo chiều cao. Và việc hạn chế chiều cao hôm nay cũng đồng nghĩa với việc Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và các đô thị khác sẽ phải mở rộng thêm nữa. Vậy ngay từ bây giờ, các cấp có thẩm quyền cần phải có quyết định sáng suốt hơn nữa, vì 50 năm, 100 năm sau.

Nguồn:  Nguyễn Chiến

Kinh tế & đô thị

 

 

Số lần xem trang : 14816
Nhập ngày : 27-04-2009
Điều chỉnh lần cuối : 27-04-2009

Ý kiến của bạn về bài viết này


In trang này

Lên đầu trang

Gởi ý kiến

 

  Thư giản > Hai mươi bí quyết giảm Stress(10-09-2010)

  Một số vấn đề kinh tế bất động sản nước ta(14-09-2009)

  Đô thị > Cơ sở khoa học của chính sách đất đô thị Việt Nam(14-09-2009)

  Đô thị > Cần hoàn thiện thể chế thị trường đất đô thị Việt Nam(14-09-2009)

  Môi trường > Để triển khai có hiệu quả chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu(14-09-2009)

  Công nghệ > Ứng dụng của GIS trong các ngành(25-04-2009)

  Quy hoạch > Cách tiếp cận mới về điều chỉnh Quy hoạch TP. Hồ Chí Minh(25-04-2009)

  Môi trường > Cuộc chiến biến đổi khí hậu toàn cầu(25-04-2009)

  Môi trường > Mực nước biển dâng cao do biến đổi khí hậu(25-04-2009)

  Quản lý đất đai > Duy trì tối thiểu 3,5 triệu ha đất trồng lúa để đảm bảo an ninh lương thực(25-04-2009)

Trang kế tiếp ... 1 2

PHAN VĂN TỰ Tel: 84.8.37220732-37245422 – 37245411 Fax : 37245411 Email : phanvantu @hcmuaf.edu.vn , phanvantu @gmail.com - website : http://www.cadas.hcmuaf.edu.vn/phanvantu ; http://www2.hcmuaf.edu.vn/?ur=phanvantu

Thiết kế: Quản trị mạng- ĐHNL 2007