Trang web PHAN VĂN TỰ

Trang chủ ĐHNL | Trang nhất | Sơ đồ trang | TTNC&ƯDCN Địa chính | Lịch làm việc | Sinh viên | Hình ảnh | Điểm thi | E-mail Giáo viên | E-mail Sinh viên |
Thống kê
Số lần xem
Đang xem 98
Toàn hệ thống 3399
Trong vòng 1 giờ qua
Trang liên kết


Thành viên

Email:
Password

Nội dung

  PHAN VĂN TỰ

CƠ SỞ KHOA HỌC CỦA CHÍNH SÁCH ĐẤT ĐÔ THỊ VIỆT NAM

 

 

CHUYÊN ĐỀ  1

ĐẤT ĐÔ THỊ TRONG QUÁ TRÌNH ĐÔ THỊ HOÁ Ở VIỆT NAM

TS. Phạm Sỹ Liêm

Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng VN

 

 

1.         QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH ĐẤT ĐÔ THỊ

 

Đất đô thị bao gồm mặt đất, mặt nước và khoảng không gian nhất định bên trên và bên dưới nó trong khu vực đô thị. Đất đô thị có nguồn gốc từ đất nông nghiệp và đất chưa sử dụng.

Quá trình phát triển đất đô thị nước ta gắn liền với quá trình đô thị hoá. Nhìn từ góc độ không gian địa lý thì đô thị hoá là quá trình loài người  chuyển hoạt động kinh tế và dân số từ vùng nông thôn vào vùng thành thị. Quá trình chuyển đổi này khiến cho đất đô thị từ chỗ không khác mấy với đất nông thôn dần dần tăng trưởng về diện tích và tách khỏi nhóm đất này để mang những đặc trưng riêng gắn với các hoạt động kinh tế phi nông nghiệp của những người sinh sống trên đất đó. Mức độ đô thị hoá càng tăng thì các đặc trưng này càng đậm nét.

Quá trình đô thị hoá của Việt nam, ngoài các đặc tính chung mang tính quy luật của mọi quá trình đô thị hoá, còn có những đặc điểm riêng như:

-          diễn ra dọc các con sông chẩy theo hướng chủ yếu từ Tây sang Đông và hình thành mạng lưới đô thị tại Đồng bằng Sông Hồng và Sông Cửu Long ở hai đầu Bắc và Nam;

-          chuyển dịch dần theo ven biển từ Bắc vào Nam cùng với bước tiến của dân tộc;

-          mang nặng dấu ấn của nền văn minh lúa nước bản địa, đồng thời chịu ảnh hưởng của 2 nền văn minh Trung Hoa và Ấn độ, và gần đây là văn hoá Pháp.

Nhìn từ góc độ phát triển đất đô thị, có thể chia quá trình đô thị hoá của nước ta thành nhiều giai đoạn dựa vào các thời kỳ lịch sử chủ yếu như sau:

1/  Thời kỳ phong kiến;

2/  Thời kỳ thuộc Pháp.

3/  Thời kỳ đô thị hoá đình trệ, bao gồm:

-          thời kỳ hai cuộc chiến tranh chống Pháp và chống Mỹ;

-          thời kỳ kinh tế bao cấp.

  4/ Thời kỳ Đổi mới.

Tiếp theo đây, lần lượt xem xét quá trình đô thị hoá trong các giai đoạn kể trên.

 

2.          ĐÔ THỊ HOÁ TRONG THỜI KỲ PHONG KIẾN

 

Đô thị nước ta trong thời kỳ phong kiến thường là các trung tâm hành chính cấp huyện, cấp tỉnh và kinh đô, đồng thời cũng là nơi đặt các đồn trại quân đội. Mỗi đô thị đều có một vài chợ để cung ứng cho các nhu cầu sinh hoạt của nhân viên bộ máy chính quyền và binh lính. Thời đó giao thông đường bộ kém phát triển, việc đi lại vận chuyển bằng đường thuỷ là thuận tiện hơn cả, do đó các đô thị thường ở bên bờ sông và kinh rạch. Đất đô thị chỉ  trải ra nơi cao ráo tại một bên bờ sông vì thiếu phương tiện vượt sông. Ở Đồng bằng Bắc bộ đã sớm có hệ thống đê ngăn lũ nên đất đô thị thường có con đê ngăn cách với sông.

Quá trình hình thành đô thị, chủ yếu là thị trấn, diễn ra rất chậm chạp với quy mô nhỏ bé. Chỉ kinh thành và một vài thương cảng lớn là nơi đô hội mà thôi. Nhà cửa đều là một tầng, không đòi hỏi nền đất tốt, phía trước là cửa hàng còn phía sau là nhà ở, không có hệ thống cấp thoát nước do đó dùng hố xí thùng hoặc xả chất thải thẳng xuống sông nếu  tiện. Thường chỉ có một đường phố chính tương đối thẳng và không rộng, kết nối trụ sở hành chính , đồn trại, chợ và bến sông. Những người không làm nghề buôn bán thì cư trú trong xóm làng sát cạnh. Khi xóm làng này trở thành bộ phận của đô thị thì đường làng vốn quanh co bèn trở thành đường phố, đôi khi có lát gạch. Ngày nay cung cách đô thị hoá tự phát như vậy vẫn còn có thể quan sát được tại ngoại thành các đô thị lớn.

Các thị tứ, nói đúng hơn là các xóm chợ, hình thành quanh cái chợ là nơi trao đổi hàng hoá cho một cụm làng xã, không hoạt động thường xuyên mà họp theo phiên. Chợ thường ở tại giao điểm các con đường nông thôn.

Với hệ thống thị trấn, thị tứ như vậy, đất đai đô thị được sử dụng và quản lý chẳng khác gì đất đai khu dân cư nông thôn bao nhiêu.

 

3.         ĐÔ THỊ HOÁ TRONG THỜI THUỘC PHÁP

 

Thời thuộc Pháp, chế độ thực dân chỉ đặt bộ máy cai trị do người Pháp trực tiếp nắm ở cấp toàn Đông dương, cấp Kỳ và cấp tỉnh, còn bộ máy cai trị của người địa phương chỉ đóng vai hình thức dưới dạng Triều đình Nhà Vua ở Trung Kỳ, Campuchia và Lào dưới sự giám sát của viên Khâm sứ người Pháp, và đóng vai phụ trợ ở cấp tỉnh dưới sự chỉ huy của các viên Công sứ  và vai trò chân rết thi hành ở cấp Huyện, bên cạnh viên Đồn trưởng và viên Chánh Đoan người Pháp tại một số vùng quan trọng. Còn ở cấp tổng, cấp làng thì bộ máy hành chính chỉ gồm người sinh sống tại chỗ.

Do nhu cầu mới nẩy sinh của bộ máy cai trị thực dân, người Pháp bắt đầu chú ý sửa sang nâng cấp các đô thị cấp Kỳ như Sài gòn, Huế, Hà Nội (và cả Nông Pênh, Viên Chăn), các đô thị tỉnh lỵ, đô thị cảng biển như Hải phòng, Đà Nẵng, và vài trọng trấn quân sự trên biên giới phía Bắc như Lao Cai, Cao Bằng, Lạng Sơn, Mông Cái. Tại các đô thị nói trên, người Pháp chỉ đưa một vài kết cấu hạ tầng thiết yếu như đường trải đá hoặc trải nhựa có cống rãnh, và cấp điện vào đô thị hiện có của người bản xứ, còn thì họ tập trung xây dựng các trụ sở hành chính, toà án, doanh trại và nhà ở cùng với trường học, bệnh viện, cửa hàng, ngân hàng, bưu điện, cơ sở giải trí, công viên v.v…phục vụ riêng cho người Pháp tại khu phố Tây có kết cấu hạ tầng đô thị hiện đại, đường phố vuông vắn có trồng cây bóng mát và đèn đường, tạo ra bộ mặt mới mẻ cho đô thị. Cùng với việc phát triển đường sắt và đường bộ, một số đô thị có thêm nhà ga và cầu vượt sông như cầu Long Biên, cầu Tràng tiền, cầu chữ Y …, tạo điều kiện  phát triển công nghiệp ( như Hải Phòng, Nam Định, Vinh, Sài Gòn ) và tăng trưởng nhanh hơn. Dần dần khu đô thị của người bản xứ được hoàn toàn ngói hoá và “lên tầng”, thu hút Hoa kiều và Ấn kiều vào làm ăn buôn bán.

Trong bối cảnh nói trên, các thị trấn huyện lỵ hầu như không thay đổi mấy, vẫn giữ vẻ luộm thuộm, lười nhác vốn có.

Người Pháp chỉ lập ra một ít đô thị nhỏ mới để phục vụ khai thác mỏ như Hồng Gai- Cẩm phả, Đầm Hồng, Bản Ty, Tĩnh Túc, Bồng Miêu v.v., hoặc để nghỉ mát như Tam Đảo, Sa Pa, Đồ Sơn, Sầm Sơn. Riêng Đà Lạt là một ngoại lệ: người Pháp muốn phát triển nơi đây thành đô thị hiện đại, không chỉ là nơi nghỉ mát thông thường mà còn được quy hoạch là Thủ đô mùa hè cho toàn xứ Đông Dương. Còn đô thị Vũng tàu là căn cứ hải quân nhưng cũng là nơi nghỉ mát.

Trong thời kỳ sau Thế chiến I, nước Pháp đẩy mạnh công cuộc khai thác thuộc địa, mở mang hệ thống kết cấu hạ tầng và các đô thị. Ngoài các thành phố lớn như Sài Gòn-Chợ Lớn, Hà Nội và Hải phòng đã xuất hiện đô thị có quy mô ba bốn vạn dân trở lên, có khu vực trung tâm thương mại (CBD) và khu vực ngoại thị, tức là đã trở thành đô thị tương đối hoàn chỉnh, tận dụng được hiệu ứng tụ tập và hiệu ứng quy mô, có tác động lan toả nhất định ra bên ngoài. Tại các đô thị này, đất đai đã có đầy đủ các đặc tính của đất đô thị hiện đại, được đo đạc, vẽ bản đồ, đăng ký và quản lý chặt chẽ theo hệ thống địa chính hiện đại của Pháp. Hệ thống dịa chính đó dần dần áp dụng cho mọi loại đất trên toàn bộ lãnh thổ quốc gia.

Ngành công chính làm nhiệm vụ quy hoạch đô thị, căn cứ vào đó chính quyền thực dân đã mở rộng địa giới và tăng đáng kể diện tích đất đai các đô thị.

Tóm lại trong thời kỳ thuộc Pháp, đô thị Việt Nam có sự phát triển nhảy vọt về cả số lượng và chất lượng, mang dáng dấp hiện đai. Quá trình đô thị hoá tuy vẫn chậm chạp, giữa chừng còn bị cản trở bởi  Thế chiến I và Thế chiến II, nhưng Việt Nam vẫn là nước có mức đô thị hoá cao hơn nhiều nước trong khu vực.

 

4.         GIAI ĐOẠN ĐÔ THỊ HOÁ ĐÌNH TRỆ

 

            Thời kỳ chiến tranh chống Pháp 1945-1954

Để chống lại kẻ xâm lược hùng mạnh, nhân dân Việt Nam thực hiện chính sách tiêu thổ kháng chiến, phá huỷ nhiều đô thị ở Chiến khu Việt Bắc cũng như tại vùng tự do ở  Bắc Trung bộ và Trung Trung bộ cùng với hệ thống giao thông trong các khu vực này còn nhân dân đô thị thì chuyển hẳn về sống ở nông thôn. Chỉ có các đô thị Nam bộ và một số đô thị lớn khác sớm bị chiếm đóng như Hà Nội, Hải Phòng, Hải Dương, Nam Định, Huế, Đà Nẵng…là còn tương đối nguyên vẹn nhưng cũng không phát triển gì.

    4.2   Thời kỳ chiến tranh chống Mỹ 1954-1975

Sau năm 1954, nước ta bị chia cắt thành hai miền, hệ thống đô thị mỗi miền có “số phận” khác nhau.

Từ vĩ tuyến 17 ra Bắc, Chính phủ Việt nam dân chủ cọng hoà với sự giúp đỡ của các nước xã hội chủ nghĩa đã nhanh chóng khôi phục các đô thị bị tàn phá và hệ thống hạ tầng quốc gia, đồng thời phát triển một vài đô thị công nghiệp mới như Việt Trì, Thái Nguyên. Thế nhưng thời kỳ này chỉ kéo dài được mười năm, cho đến khi Đế quốc Mỹ gây ra cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân từ năm 1965 đến năm 1973. Nhiều đô thị bị triệt hạ bằng bom đạn, trong số đó có một số bị san phẳng lần thứ hai như các đô thị Khu Bốn cùng nhiều đô thị Khu Ba và Việt Bắc. Nhân dân đô thị sơ tán tạm thời về vùng nông thôn xung quanh. Một số đất đô thị trở thành trận địa phòng không.

Ở phía Nam vĩ tuyến 17, Chính phủ do Mỹ dựng lên và viện trợ, tiến hành xây dựng lại các đô thị Khu 5, đồng thời phát triển thành phố Sài Gòn-Chợ Lớn thành thủ đô Miền Nam và khu công nghiệp Biên hoà thành trung tâm công nghiệp toàn vùng. Thế nhưng để đối phó với phong trào đấu tranh và nổi dậy của nhân dân, các đô thị nhanh chóng trở thành căn cứ quân sự của quân đội Mỹ Ngụy và tiếp nhận một bộ phận dân cư nông thôn vào tránh né chiến sự, làm cho nhiều đô thị lớn trở nên quá tải, nhất là sau cuộc tổng tấn công Tết Mậu Thân 1968. Đất đô thị được mở rộng để xây dựng doanh trại, kho tàng, sân bay, cảng quân sự.

      4.3    Thời kỳ kinh tế bao cấp 1976-1986

Ngay sau ngày toàn thắng 30 tháng 4 năm 1975 và đất nước được thống nhất, Chính phủ đã phải tập trung giải quyết việc hồi cư trở lại đô thị ở Miền Bắc và hồi cư về nông thôn ở Miền Nam, thực hiện chế độ tem phiếu và đăng ký hộ khẩu ở đô thị. Chính phủ cũng khuyến khích dân nghèo đô thị đi khai hoang tại các vùng kinh tế mới ở miền núi. Tiếp theo đó là một loạt sự kiện như phong trào trở về Tổ quốc của Hoa kiều và cuộc chiến tranh biên giới tàn phá một loạt đô thị trên biên giới phía Bắc, rồi đến cuộc vượt biên đông đảo của ‘thuyền nhân” là dân đô thị Miền Nam khiến cho các đô thị càng thêm  tiêu điều. Có 12 đô thị được 12 nước XHCN giúp lập quy hoạch đô thị nhưng không có quy hoạch nào được thực hiện.

 

5.       ĐÔ THỊ HOÁ  TRONG THỜi KỲ ĐỔI MỚI

 

Hậu quả nặng nề của chiến tranh kéo dài và các sai lầm của chính sách kinh tế kế hoạch hoá tập trung quan liêu bao cấp làm cho nền kinh tế quốc dân, vốn đã rất khó khăn vì bị quốc tế cấm vận do vấn đề Cam Pu Chia, càng nhanh chóng rơi vào khủng hoảng trầm trọng. Trước tình hình đó, Đảng Cộng sản Việt nam chủ trương Đường lối Đổi mới, chuyển sang kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và xây dựng xã hội công bằng-dân chủ-văn minh, mở cửa ra thế giới, làm bạn với mọi nước, phát triển Việt Nam thành nước công nghiệp và hiện đại. Đường lối sáng suốt đó đã đưa đô thị nước ta tiến mạnh mẽ vào giai đoạn phát triển mới hiện nay.

Kinh tế thị trường xúc tiến lưu thông hàng hoá, do đó mặt tiền tầng một các nhà dọc phố nhanh chóng trở lại thành cửa hàng được sơn vôi và trang trí đẹp đẽ, biển hiệu sáng sủa. Nhờ Thuỷ điện Sông Đà và đường dây 500 kV, ban đêm các đường phố và cửa hiệu được chiếu sáng, kéo dài thời gian hoạt động của đô thị đến đêm khuya.

Với nguồn vốn ODA, Chính phủ đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đô thị, trước hết là hệ thống cấp nước và giao thông , tạo điều kiện thuận lợi thu hút vốn đầu tư nước ngoài FDI vào phát triển công nghiệp và dịch vụ.

Chính phủ sớm xoá bỏ chính sách bao cấp nhà ở, chuyển sang chính sách tạo điều kiện, nên những người mới giàu lên trong kinh tế thị trường mua đất xây dựng hàng loạt ngôi nhà nhiều tầng khang trang để giải quyết nhu cầu chỗ ở bấy lâu bị dồn nén của gia đình mình. Thị trường bất động sản bắt đầu hình thành, phát triển các khách sạn và chung cư cao tầng, xây dựng các khu đô thị mới, đem lại cho đô thị bộ mặt kiến trúc mang dáng dấp hiện đại.

Các đô thị hiện có đều tăng trưởng nhanh về đất đai và dân số. Nhờ chủ trương tách tỉnh nên một số đô thị khôi phục vai trò tỉnh lỵ vốn có và trở nên phồn vinh. Do cải thiện quan hệ với nước láng giềng nên các đô thị biên giới được khôi phục và trở thành địa điểm giao thương nhộn nhịp. Nhiều đô thị cửa khẩu được thành lập.

Hàng trăm khu công nghiệp hình thành cạnh các đô thị hiện có hoặc mới  lập như Nhơn Trạch, Dung Quất, tập trung chủ yêú tại 3 Vùng Kinh tế trọng điểm Bắc, Trung, Nam, thu hút hàng chục tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài.

Nhiều đô thị du lịch phát triển nhanh và trở nên nổi tiếng như Hạ Long, Hội An, Nha Trang, Phan thiết, Vũng Tàu ở ven biển và Đà Lạt, Sa pa ở vùng núi. Các đảo như Phú Quốc, Côn Đảo cũng trở thành trung tâm du lịch có sức thu hút mạnh mẽ.

Tỷ lệ đô thị hoá tăng nhanh chóng từ 19,51% ( 12,88 triệu thị dân) năm 1990 lên 27,77% (23,37triệu thị dân) vào năm 2007. Số lượng đô thị tăng lên hàng năm, được phân thành 6 loại. Năm 2007 có 2 thành phố loại đặc biệt cùng với 3 thành phố khác trực thuộc Trung ương, 40 thành phố và 48 thị xã trực thuộc tỉnh, 614 thị trấn trực thuộc huyện.

Hiện nay tất cả các thành phố, thị xã và phần lớn thị trấn đã có quy hoạch đô thị, nhưng việc tổ chức thực hiện quy hoạch, đặc biệt tại các thành phố lớn, còn rất yếu kém. Đã xuất hiện các “chứng bệnh đô thị” cổ điển  như ô nhiễm môi trường, nhập cư ồ ạt từ nông thôn và tắc nghẽn giao thông tại các thành phố này.

Tóm lại, trong thời kỳ Đổi mới, hệ thống đô thị tuy còn nhiều yếu kém nhưng đã phát triển mạnh mẽ cả về số lượng và chất lượng, tạo điều kiện cho cả nước tiến lên công nghiệp hóa, hiện đại hoá. GDP tính theo đầu người của cả nước tăng lên nhanh chóng nhưng của đô thị tăng còn nhanh hơn, chẳng hạn của TP Hồ Chí Minh bằng 2,5 lần, của Hà Nội bằng 2 lần, của nhiều thành phố thị xã khác bằng 1,5 lần mức bình quân cả nước. Trong sự tăng trưởng đầy ấn tượng đó của đô thị có phần đóng góp rất quan trọng của đất đai đô thị.Trong thời kỳ này đất đô thị tăng trưởng nhanh và dần dần có đầy đủ các đặc trưng của đất đô thị hiện đại.

 

 

     6.   ĐÁNH GIÁ CHUNG HIỆN TRẠNG SỬ DỤNG ĐẤT ĐÔ THỊ

 

So với các giai đoạn trước thì sử dụng đất đô thị hiện nay có các mặt mạnh sau đây:

-          được thâm dụng hơn, mật độ cư trú cao hơn và tính theo đơn vị diện tích thì tạo ra nhiều của cải hơn;

-          được đưa vào quy hoạch để phát triển đô thị với tầm nhìn xa hơn;

-          hình thành được khuôn khổ pháp lý tương đối hoàn chỉnh với các Luật Đất đai, Luật Xây dựng, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản.Đang chuẩn bị ban hành Luật Quy hoạch.

Tuy thế lại có các mặt yếu như sau:

-          tổng diện tích khoảng 200.000 ha chưa đáp ứng tiêu chuẩn 100m2 bình quân đầu người dân, lại phân bố không  không đều, quá thiếu tại các đô thị lớn (chỉ khoảng 50m2/người) nhưng quá thừa tại đô thị nhỏ (có khi tới 500m2/người);bị ô nhiễm nhiều, nhất là tại các đô thị lớn;

mặt bằng giá cả quá cao so với khu vực, nhưng sự đóng góp nguồn lực tài chính của đất đô thị vào phát triển đô thị còn rất hạn chế;

-          công tác quản lý còn yếu kém ( như đăng bạ, hệ thống thuế đất, đền bù giải phóng mặt bằng để xây dựng, tình trạng tham nhũng).

Đất đô thị nước ta hiện nay đang đứng trước cơ hội phát triển mạnh mẽ nhờ có:

-          kinh tế thị trường tạo động lực phát triển vững chắc và ổn định;

-          nước ta tham gia WTO, hội nhập kinh tế khu vực ( khối ASEAN, Tiểu vùng Mekong, hai hành lang và một vành đai với Trung Quốc);

-          Chính phủ ban hành Định hướng  phát triển đô thị dài hạn.

Thế nhưng muốn tận dụng được các cơ hội nói trên thì phải vượt qua được các thách thức chủ yếu sau đây:

-          năng lực quản lý đất đai của bộ máy chính quyền đô thị yếu kém, cơ chế phân cấp quản lý giữa cấp tỉnh và cấp đô thị còn nhiều chỗ chưa rõ ràng, hiệu quả đầu tư phát triển hạ tầng chưa cao;

-          thị trường bất động sản, trong đó có thị trường đất đô thị, còn non yếu;

-          chưa có chính sách đất đô thị rõ ràng và nhất quán;

-          hoạt động nghiên cứu lý luận về kinh tế và pháp chế đất đô thị chưa được coi trọng.

Tóm lại, tuy trong thời kỳ Đổi mới đất đô thi đã phát triển mạnh mẽ nhưng lĩnh vực đất đô thị cần được hết sức coi trọng để theo kịp với các yêu cầu của quá trình đô thị hoá nhanh.

 

 

7.        ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN ĐÔ THỊ BỀN VỮNG

 

Nước ta đang phấn đấu để sớm trở thành quốc gia công nghiệp hoá, hiện đại hoá vào năm 2020. Tại thời điểm đó dự báo tỷ lệ đô thị hoá của nước ta trong khoảng 35-40%.

Hệ thống đô thị nước ta không chỉ tăng trưởng về dân số, đất đai và kinh tế mà còn cần được phát triển về chất lượng, có môi trường sống tốt đẹp, ít chênh lệch giàu nghèo, có năng lực cạnh tranh cao, tức là theo định hướng phát triển đô thị bền vững trên cả 3 phương diện kinh tế, xã hội và môi trường, đặt con người vào vị trí trung tâm của mỗi giai đoạn phát triển, lấy phát triển làm trọng tâm và lấy hài hoà làm phương châm: hài hoà con người và thiên nhiên, hài hoà lợi ích giữa các vùng miền, hài hoà lợi ích của thế hệ hiện tại với thế hệ tương lai.

Dựa trên kết quả của Chương trình quản lý đô thị 1986-2000, Ngân hàng Thế giới cùng phối hợp với các tổ chức của Liên hiệp quốc đề xướng Chiến lược Phát triển Đô thị ( CDS ) với 4 chiều kích ( dimensions ) là: Tính An cư ( livability ), Năng lực Cạnh tranh ( competitiveness ), Trị lý giỏi ( good governance ) và Năng lực Tài chính ( bankability ).

Việc sử dụng đất đô thị đóng vai trò quan trọng trong phát triển đô thị bền vững và thực hiện Chiến lược Phát triển Đô thị. Chính vì lẽ đó mà nước ta cần nhanh chóng xây dựng Chính sách Đất đô thị và đề tài nghiên cứu này mong đóng góp phần nào cơ sở khoa học để xây dựng chính sách đó.


(www.vncold.vn 

Số lần xem trang : 14819
Nhập ngày : 14-09-2009
Điều chỉnh lần cuối :

Ý kiến của bạn về bài viết này


In trang này

Lên đầu trang

Gởi ý kiến

 

  Thư giản > Hai mươi bí quyết giảm Stress(10-09-2010)

  Một số vấn đề kinh tế bất động sản nước ta(14-09-2009)

  Đô thị > Cần hoàn thiện thể chế thị trường đất đô thị Việt Nam(14-09-2009)

  Môi trường > Để triển khai có hiệu quả chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu(14-09-2009)

  Quản lý đất đai > Đừng lãng phí tài nguyên đất(27-04-2009)

  Công nghệ > Ứng dụng của GIS trong các ngành(25-04-2009)

  Quy hoạch > Cách tiếp cận mới về điều chỉnh Quy hoạch TP. Hồ Chí Minh(25-04-2009)

  Môi trường > Cuộc chiến biến đổi khí hậu toàn cầu(25-04-2009)

  Môi trường > Mực nước biển dâng cao do biến đổi khí hậu(25-04-2009)

  Quản lý đất đai > Duy trì tối thiểu 3,5 triệu ha đất trồng lúa để đảm bảo an ninh lương thực(25-04-2009)

Trang kế tiếp ... 1 2

PHAN VĂN TỰ Tel: 84.8.37220732-37245422 – 37245411 Fax : 37245411 Email : phanvantu @hcmuaf.edu.vn , phanvantu @gmail.com - website : http://www.cadas.hcmuaf.edu.vn/phanvantu ; http://www2.hcmuaf.edu.vn/?ur=phanvantu

Thiết kế: Quản trị mạng- ĐHNL 2007