Trang web PHAN VĂN TỰ

Trang chủ ĐHNL | Trang nhất | Sơ đồ trang | TTNC&ƯDCN Địa chính | Lịch làm việc | Sinh viên | Hình ảnh | Điểm thi | E-mail Giáo viên | E-mail Sinh viên |
Thống kê
Số lần xem
Đang xem 14
Toàn hệ thống 4992
Trong vòng 1 giờ qua
Trang liên kết


Thành viên

Email:
Password

Nội dung

  PHAN VĂN TỰ

CẦN HOÀN THIỆN THỂ CHẾ

THỊ TRƯỜNG ĐẤT ĐÔ THỊ VIỆT NAM

 

                                         TS. PHẠM SỸ LIÊM

        Phó Chủ tịch  Tổng hội Xây dựng Việt Nam

 

 

MỞ ĐẦU

Luật Đất đai năm 1993 phân chia đất đai thành 6 nhóm,trong đó có nhóm đất đô thị. Thế nhưng Luật Đất đai năm 2003 lại phân chia thành 3 nhóm là nhóm đất nông nghiệp, nhóm đất phi nông nghiệp và nhóm đất chưa sử dụng, mỗi nhóm bao gồm nhiều loại đất, riêng nhóm đất phi nông nghiệp gồm 10 loại .

(Chú: Luật Trung Quốc cũng chia 3 nhóm, nhưng nhóm 2 gọi là đất xây dựng.Cách đặt tên nhóm như Luật nước ta thể hiện quan điểm trọng nông, không còn phù hợp lắm với đường lối công nghiệp hoá và xu thế đô thị hoá).

Luật thì như vậy nhưng trong thực tế  đất đô thị vẫn là một thực thể hoàn chỉnh, có liên quan với quy hoạch đô thị, kinh tế đô thị, môi trường đô thị, giá đất đô thị, thị trường bất động sản…,vì vậy Nhà nước cần có chính sách đặc thù cho loại đất này.

Thị trường đất đai là hợp phần của thị trường bất động sản, mà thị trường bất động sản lại vận hành chủ yếu trong đô thị, do đó khi đánh giá thị trường bất động sản thì phải khảo sát thị trường đất đô thị. Tuy vậy, để làm việc này thì trước hết cần tìm hiểu qua đất đô thị là gì?

 

ĐẤT ĐÔ THỊ

Đất đô thị bao gồm mặt đất, mặt nước và khoảng không gian nhất định bên trên và bên dưới nó trong phạm vi đô thị. Tuỳ trường hợp mà đất đô thị có thể được hiểu là : 1/đất đai trong khu vực đô thị đã được xây dựng;2/ đất đai trong khu vực đô thị được quy hoạch và 3/ đất đai trong địa giới hành chính đô thị, tức là bao gồm cả ngoại thành,ngoại thị.

( Trong Luật Đất đai 1993, Điều 55 định nghĩa đất đô thị là đất nội thành, nội thị xã, thị trấn được sử dụng để xây dựng nhà ở, trụ sở các cơ quan, tổ chức, các cơ sở sản xuất, kinh doanh, cơ sở hạ tầng phục vụ lợi ích công cộng, quốc phòng, an ninh và vào các mục đích khác).

 Đất đô thị có nguồn gốc là đất nông nghiệp và đất chưa sử dụng. Tuy đất đô thị ngày càng tăng thêm trong quá trình đô thị hoá, nhưng dù sao thì sự phát triển kinh tế xã hội của mỗi đô thị cũng chỉ giới hạn trong phạm vi đất đai hữu hạn vì không thể lấy hết đất nông nghiệp được, nói cách khác là đất đô thị có tính khan hiếm tương đối, do đó cần được khai thác sử dụng với hiệu quả cao (thâm dụng).

Giá trị đất đô thị gắn với vị trí cụ thể từng khoảnh đất, phụ thuộc rất lớn vào tình trạng giao thông và kết cấu hạ tầng cùng với mức độ phát triển kinh tế xã hội của khu vực quanh đó. Đất đô thị được sử dụng vào nhiều mục đích,

đáp ứng các lợi ích kinh tế, xã hội và môi trường khác nhau, do đó cần được

sử dụng hài hoà theo quy hoạch đô thị.

 Đất đô thị cũng như toàn bộ đất đai nước ta đều thuộc sở hữu toàn dân mà Nhà nước là người đại diện. Điều này tạo nên nét đặc thù của thị trường đất đô thị nước ta.

 

THỊ TRƯỜNG ĐẤT ĐÔ THỊ

Khác với các nước mà đất đai thuộc sở hữu tư nhân, thị trường đất đô thị nước ta chỉ là thị trường quyền sử dụng đất và phân thành 2 cấp:

(1)     Thị trường đất đai cấp 1. Trong thị trường này chỉ có một bên cung là Nhà nước, vì vậy đây là thị trường độc quyền của bên cung. Nhà nước vì lợi ích quốc phòng an ninh, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng và để phát triển kinh tế mà thu hồi  quyền sử dụng đã giao cho một số đất đai  rồi đem xuất nhượng quyền sử dụng đó cho các bên có nhu cầu theo các phương thức giao đất và cho thuê đất có thời hạn. Quan hệ cạnh tranh chỉ diễn ra giữa các bên cầu.

(2)     Thị trường đất đai cấp 2. Trong thị trường này các bên đã nhận được quyền sử dụng đất đem chuyển nhượng quyền đó cho các bên có nhu cầu. Khác với thị trường cấp 1, thị trường này có tính cạnh tranh toàn diện và mở rộng hơn, tuy vậy vẫn không phải là thị trường cạnh tranh hoàn hảo.

Tuy khuôn khổ pháp lý thị trường đất đô thị đã được quy định trong các Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản và Luật Nhà ở nhưng thị trường này vẫn còn rất nhiều yếu kém, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự vận hành lành mạnh, có trật tự của toàn bộ thị trường bất động sản.Các mặt yêú kém đó là:

(1)    Trong thị trường đất đai cấp 1:

-          công tác đền bù giải phóng mặt bằng gặp nhiều vướng mắc khiến tiến độ triển khai các dự án đầu tư xây dựng bị chậm trễ và kéo dài;

-          sự tồn tại những thửa đất méo mó hay quá bé sau khi thu hồi đất gây trở ngại cho phát triển đô thị theo quy hoạch;

-          tình hình tham nhũng diễn ra nghiêm trọng.

(2)    Trong thị trường đất đai cấp 2: công tác đăng ký nhà đất còn bất cập, gây trở ngại cho việc chuyển nhượng và thế chấp quyền sử dụng đất của người dân.

(3)    Trong thị trường bất động sản:

          -    việc định giá đất đai còn rất thô sơ, thiếu tính chuyên nghiệp;

-          giá đất đai quá cao khiến giá bất động sản trở nên đắt đỏ quá mức, làm tăng giá thành phát triển quốc gia;

-          siêu lợi nhuận do kinh doanh đất đai đem lại đã khiến cho thị trường nhà ở phát triển thiếu toàn diện, thiếu nhà giá rẻ và nhà cho thuê.

Để khắc phục các yếu kém nói trên thì phải tăng cường quản lý nhà nước đối với thị trường đất đô thị bằng các công cụ pháp luật, kinh tế, hành chính và kỹ thuật:

(1)    Công cụ pháp luật

Một mặt cần nhanh chóng hoàn thiện khuôn khổ pháp luật cho việc thu hồi đất, mặt khác cần tăng cường tính minh bạch cho thị trường cấp 1, cải tiến công tác đăng ký đất đai và chế tài kịp thời các vi phạm pháp luật.

(2)    Công cụ kinh tế

-          hoàn thiện chính sách giá đất, đưa giá đất đô thị trở về mức hợp lý;

-          hoàn thiện chính sách thuế,bao gồm thuế nhà đất (còn gọi là thuế tài sản), thuế thu nhập bất động sản, đồng thời có chính sách miễn giảm thuế linh hoạt;

-          sử dụng nguồn vốn đầu tư công để phát triển đất đai và kết cấu hạ tầng nhằm thu hút vốn đầu tư vào khu vực mong muốn trong đô thị;

-          điều chỉnh linh hoạt chính sách tiền tệ để tăng hoặc giảm cường                     độ hoạt động của thị trường đất đô thị.

(3)    Công cụ hành chính

-          lập và tổ chức thực hiện quy hoạch đô thị và kế hoạch sử dụng đất;

-          tổ chức chuẩn bị đất sạch để cung ứng cho thị trường cấp 1.

(4)    Công cụ kỹ thuật

-          áp dụng công nghệ thông tin để thu thập và công bố các dữ liệu thị trường ;

-          áp dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động kinh doanh và môi giới bất động sản.

Sau khi nước ta gia nhập WTO thì thị trường đất đô thị nước ta cũng phải tiến tới đáp ứng các nguyên tắc cơ bản của WTO như tính minh bạch, thương mại tự do, cạnh tranh công bằng…

 

 QUY HOẠCH ĐÔ THỊ VÀ THỊ TRƯỜNG ĐẤT ĐÔ THỊ

Quy hoạch đô thị hiện đại được xem là một quá trình bao gồm các giai đoạn thu thập đánh giá dữ liệu, nêu định hướng và yêu cầu phát triển đô thị, lập đồ án quy hoạch đô thị, tổ chức thực hiện đồ án quy hoạch, định kỳ rà soát đánh giá kết quả thực hiện và cuối cùng là điều chỉnh bổ sung quy hoạch cho giai đoạn phát triển mới của đô thị.

Đồ án quy hoạch đô thị là căn cứ để chính quyền xuất nhượng đất cho thị trường đất đai cấp 1. Giá trị của đất lại phụ thuộc vào vị trí của từng thửa đất, vì vậy đồ án quy hoạch một mặt phải tuân thủ các quy chuẩn xây dựng đô thị, mặt khác phải tạo ra nhiều vị trí hấp dẫn các nhà kinh doanh bất động sản để có thể kích hoạt mạnh mẽ thị trường đất đô thị trong giai đoạn thực hiện quy hoạch.

Đô thị hình thành và phát triển nhờ hiệu quả tụ tập (agglomeration effect), tức là nhờ tập hợp với mật độ cao các hoạt động kinh tế xã hội nên tiết kiệm các chi phí, và hiệu quả quy mô (scale effect), tức là kết cấu hạ tầng xây dựng tập trung với quy mô lớn nên hạ được giá thành. Vì lẽ đó khi cung ứng đất đai cho thị trường cấp 1, chính quyền cần “xuất kho” khu vực đất đai liền dải, liền khoảnh để thu hút  nhiều dự án bất động sản vào phát triển khu đô thị mới rộng lớn và đa chức năng, có kết cấu hạ tầng hoàn chỉnh, có bản sắc, có điều kiện sống tốt, có tính cạnh tranh cao. Chi phí phát triển nhờ vậy mà giảm bớt dược khá nhiều, mặt khác chính quyền huy động được nguồn vốn từ đất để phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế và xã hội, ít ra là cho khu vực đó.

Cung ứng đất cho thị trường đất cấp 1 là để thực hiện quy hoạch, nếu làm không tốt thì cũng có nghĩa là quy hoạch không được thực hiện tốt. Vì vậy chính quyền đô thị cần phải chỉ đạo chặt chẽ khâu này, cần tham khảo ý kiến các nhà kinh doanh bất động sản nhưng không để họ “chỉ đạo” mình.

Vì tầm quan trọng của nó, thị trường đất cấp 1 cần được nghiên cứu toàn diện  về phương thức tạo nguồn đất để cung ứng và về cơ chế vận hành của loại thị trường đặc thù này.

 

PHƯƠNG THỨC TẠO NGUỒN CHO THỊ TRƯỜNG ĐẤT CẤP 1 

 Hiến pháp quy định “Đất đai, rừng núi, sông hồ…đều thuộc sở hữu toàn dân”( Điều 17), và “Tài sản hợp pháp của cá nhân, tổ chức không bị quốc hữu hoá. Trong trường hợp thật cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh và vì lợi ích quốc gia, Nhà nước trưng mua hoặc trưng dụng có bồi thường tài sản của cá nhân hoặc tổ chức theo thời giá thị trường.Thể thức trưng mua, trưng dụng do luật định” (Điều 23).

 Điều 5 Luật Đất đai quy định Nhà nước thực hiện quyền định đoạt đối với đất đai bằng nhiều cách, trong đó có việc “ quyết định giao đất, cho thuê đất, thu hồi đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất”. Điều 38 quy định rõ là Nhà nước thu hồi đất đã giao hay cho thuê quyền sử dụng là để “ Nhà nước sử dụng đất vào mục đích quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng, phát triển kinh tế”. Như vậy thu hồi đất là phương thức để Nhà nước tạo nguồn cung ứng cho thị trường đất cấp 1.

Lúc này xuất hiện 3 vấn đề: mục đích thu hồi đất như vậy đã thoả đáng chưa, đối xử thế nào với tài sản cá nhân, tổ chức trên đất bị thu hồi và thủ tục thu hồi đủ chặt chẽ chưa?

1/ Mục đích thu hồi đất theo Luật hiện hành bao gồm cả phát triển kinh tế là quá rộng. Trong Luật cũ năm 1993, Điều 27 chỉ quy định:” Trong trường hợp thật cần thiết, Nhà nước thu hồi đất đang sử dụng của người sử dụng đất để sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng thì người bị thu hồi đất được đền bù thiệt hại”, không đề cập đến phát triển kinh tế. Thu hồi đất là biện pháp bắt buộc phải chấp hành vì vậy cần phải thận trọng, không nên áp dụng tràn lan sang mục đích phát triển kinh tế, ngay cả khi đã hạn chế là chỉ phát triển khu công nghiệp, khu công nghệ cao, khu kinh tế và các dự án lớn của Chính phủ(Điều 40 Luật 2003). Nếu việc phát triển các khu và dự án này đã có quy hoạch được phê duyệt thì khi đó thu hồi đất là để thực hiện quy hoạch. Đây là sự khác biệt rất lớn. 

Luật của Pháp gọi thủ tục này là truất hữu (expropriation) và có hẳn một pháp điển về truất hữu ( code de l’expropriation) với điều mở đầu như sau:

Truất hữu vì lợi ích công cộng là một thủ tục hành chính và tư pháp mà thông qua nó Chính quyền sử dụng quyền lực cưỡng chế để có được quyền sở hữu một tài sản bất động sản nhằm thực hiện một mục tiêu lợi ích chung.

Luật còn quy định việc truất hữu phải bắt đầu bằng một tuyên bố lợi ích công cộng dưới dạng nghị định của Chính phủ hay quyết dịnh cấp bộ hoặc cấp tỉnh.

2/Tài sản cá nhân và tổ chức trên đất bị thu hồi

Đối với tài sản này, Luật Dân sự quy định cụ thể là “quyền sở hữu của cá nhân, pháp nhân và chủ thể khác được pháp luật công nhận và bảo vệ…không ai có thể bị hạn chế, bị tước đoạt trái pháp luật quyền sở hữu đối với tài sản của mình.Trong trường hợp thật cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh và vì lợi ích quốc gia,Nhà nước trưng mua hoặc trưng dụng có bồi thường tài sản của cá nhân, pháp nhân hoặc của chủ thể khác theo quy định của pháp luật”( Điều 169).

Đất đai thuộc sở hữu toàn dân, vì vậy Nhà nước có quyền thu hồi quyền sử dụng nó, thế nhưng trên đất đai đã giao quyền sử dụng luôn luôn có tài sản của cá nhân, tổ chức mà quyền sở hữu được Hiến pháp và Luật Dân sự bảo vệ, Nhà nước chỉ có quyền trưng mua, trưng dụng chúng trong trường hợp thật cần thiết. Như vậy về mặt pháp lý cần xác định rõ có gì khác nhau giữa quyền thu hồi và quyền trưng mua, trưng dụng ? Ngoài ra còn cần làm rõ nội hàm của cụm từ “trường hợp thật cần thiết” có trong Điều 23 của Hiến pháp và trong Điều 169 của Luật Dân sự nhưng lại không xuất hiện trong Điều 38 Luật Đất đai 2003, tuy đã từng có mặt trong Điều 27 Luật Đất đai  1993 ( kể cả khi Luật này được sửa đổi bổ sung năm 1998 và năm 2001).

3/ Thủ tục thu hồi đất

Thủ tục thu hồi đất của nước ta  có tính chất hành chính thuần tuý, và như vậy phải gắn với cơ chế quản lý theo ngành kết hợp với quản lý theo lãnh thổ và cơ chế phân cấp chính quyền. Như vậy có mấy vấn đề sau đây cần xem xét:

a.- Nhà nước là người đại diện cho quyền sở hữu toàn dân, thế nhưng trong từng trường hợp cụ thể thì bộ phận nào của Nhà nước được uỷ quyền đại diện, cấp nào giám sát? Nếu không rành mạch về quyền hạn thì trách nhiệm  không rõ ràng, khi có vướng mắc lại đổ lỗi lộn quanh!

 b.- Khi có tranh chấp khiếu nại mà hoà giải không thành thì cưỡng chế thi hành theo quyết  định của cơ quan hành chính hay của toà án?

c.- Tình trạng lạm quyền và tham nhũng trong thu hồi đất khá nặng nề. Làm thế nào để tăng tính minh bạch ?

d.- Có cần đến tính chuyên nghiệp trong thực hiện thu hồi đất?

Tôi nghĩ rằng giải pháp thích hợp cho các vấn đề nêu trên là tham khảo thủ tục truất hữu của Pháp, tức là bao gồm thủ tục hành chính để làm công việc chuẩn bị và thủ tục tư pháp để toà án ra quyết định thu hồi, còn  việc thi hành thì sử dụng các tổ chức dịch vụ chuyên nghiệp, tương tự như Công ty Phát triển Đất đai Hàn quốc, chuyên tạo quỹ đất cho phát triển đô thị và  các dự án công. Việc chi trả tiền “đền bù” nên thực hiện bằng séc để đối tượng được đền bù nhận tiền trực tiếp qua Ngân hàng, không qua trung gian nào cả. Các tranh chấp khiếu kiện đều do toà án xét xử theo đúng trình tự tố tụng.

Hiện nay khoảng 80% các vụ khiếu kiện đông người đều có liên quan tới thu hồi đất. Nếu hoàn thiện được thể chế thu hồi đất khiến công việc này thông suốt thì sẽ góp phần tăng cường ổn định xã hội và yên lòng nông dân.

 

CƠ CHẾ VẬN HÀNH CỦA THỊ TRƯỜNG ĐẤT ĐÔ THỊ

Cũng giống như các thị trường khác, thị trường đất đô thị vận hành theo cơ chế giá cả, cơ chế cung cầu và cơ chế cạnh tranh, trong số đó 2 cơ chế đầu là chủ yếu.Thế nhưng các cơ chế đó đang trong quá trình hình thành nên còn nhiều khiếm khuyết, làm “méo mó” thị trường, nhất là thị trường đất cấp 1. Trong thị trường này, giá đền bù thiệt hại khi thu hồi đất và giá xuất nhượng đất, tình trạng khan hiếm đất tại các thành phố lớn đang là những vấn đề gay gắt. Còn trong thị trường đất cấp 2 đang chuyển nhượng những mảnh đất quá nhỏ bé và méo mó, còn giá đất thì được xếp vào loại cao trên thế giới!

Do thời gian có hạn, tham luận này tập trung thảo luận hai vấn đề cấp bách nhất trong cơ chế giá đất:

1/ Giá đền bù công bằng  khi thu hồi đất 

Giá đền bù đất đai thực ra là giá trưng mua ( compulsory purchase ) quyền sử dụng đất. Đây chỉ là một trong số trên mười loại giá đất như giá mua bán (còn gọi là giá thị trường ), giá cho thuê, giá góp vốn bằng đất đai, giá thành của đất trong dự án đầu tư, giá thế chấp, giá để tính thuế, giá phát mãi, giá đất thừa kế v.v…Giá đền bù không chỉ đối với đất mà còn đối với tài sản cá nhân, tổ chức gắn liền với đất như nhà cửa, công trình, cây cối, mồ mả.

Giá đền bù được tính theo khung giá đất do chính quyền công bố dựa trên thời giá thị trường. Thế nhưng giá thị trường của quyền sử dụng đất ( gọi tắt là giá đất thị trường ) là giá thuận mua vừa bán tại thời điểm giao dịch về các lợi ích mà bản thân khoảnh đất đó và vị trí của nó đem lại. Gíá đất thị trường phụ thuộc vào quan hệ cung cầu và chỉ phần nào phụ thuộc vào quan hệ cạnh tranh do thông tin thị trường bị hạn chế. Còn giá đền bù thì được tính bằng cách áp giá có châm chước ít nhiều theo từng loại đất trong khung giá , nhưng vì số khoảnh đất khá lớn nên việc tính giá đền bù diễn ra trong thời gian dài, giá thị trường có nhiều biến động dẫn đến giá đền bù ở lúc đầu và lúc cuối quá trình đền bù có thể rất chênh lệch nhau dễ nẩy sinh khiếu kiện. Mặt khác, giá đền bù lại không phụ thuộc vào quan hệ cung cầu. Vì vậy phải nghiên cứu phương pháp định giá đền bù dựa trên thời giá thị trường có cơ sở khoa học thì việc đền bù mới thông suốt được.

Theo chúng tôi, khi định giá đền bù đất đai còn phải dựa vào quan điểm phát triển nữa, vì đất đai cùng với tiền vốn, lao động và công nghệ đều là yếu tố cơ bản để phát triển. Người đóng góp đất  là người  tham gia phát triển, vì vậy có quyền được hưởng lợi ích mà phát triển đem lại nữa chứ không đơn thuần chỉ thu hồi vốn đã đầu tư vào đất, tức là tiền đền bù thiệt hại. Như vậy mới có sự công bằng giữa người góp đất và người góp vốn, vì người này ngoài thu hồi vốn thì còn được hưởng lãi! Nếu thừa nhận nguyên lý này thì tuy phức tạp, chẳng hạn làm thế nào để tiền tệ hoá được lợi ích của phát triển trong tương lai, nhưng vẫn có thể tính toán được giá đền bù công bằng.

Có thể quan ngại rằng như thế sẽ đẩy giá đền bù lên cao khiến Nhà nước phải chi nhiều tiền hơn cho các dự án đầu tư công! Chúng tôi cho rằng vấn đề không phải do giá đền bù cao mà ở chỗ mặt bằng giá đất thị trường tại các đô thị nước ta hiện nay quá cao nếu so với khu vực và thế giới! Vậy cần tìm hiểu nguyên nhân nào đã dẫn đến tình trạng này.

2/ Giá đất thị trường phải trở về mặt bằng hợp lý

Giá đất thị trường  nếu quá rẻ thì sẽ dẫn đến sử dụng lãng phí tài nguyên đất, nếu quá đắt thì làm cho chi phí phát triển quốc gia trở nên tốn kém, chỉ số ICOR quá cao. Nếu cơ chế thị trường thông suốt thì giá đất sẽ trở nên “hợp lý”, phản ánh trạng thái cung cầu cân bằng, tài nguyên đất đai được khai thác tiết kiệm. Vậy cơ chế thị trường đất đô thị nước ta hiện đang có vướng mắc gì khiến cho mặt bằng giá đất cao hơn nhiều nước khác đến thế?

Theo tôi có các nguyên nhân sau đây:

-          sự điều hành yếu kém của Nhà nước đối với thị trường đất cấp 1;

-          hệ thống thuế bất động sản có nhiều thiếu sót;

-          thị trường bất động sản chậm trưởng thành.

 Nhà nước là bên cung độc quyền trong thị trường đất cấp 1 nhưng thể chế thiếu hoàn thiện khiến nẩy sinh sự lạm quyền và tình trạng mất cân đối giả tạo. Nhà nước cũng là bên có nhu cầu lớn về đất đai cho các dự án đầu tư công. Hệ thống thuế là do Nhà nước xây dựng. Quá trình đô thị hoá nước ta diễn ra nhanh và nặng tính tự phát nhưng Nhà nước lại chậm quy phạm hoá thị trường bất động sản. Nhà nước cũng tham gia tích cực vào việc hình thành giá đất cao như hiện nay, chẳng hạn đấu giá diện tích đất nhỏ được món tiền lớn để rồi sau đó phải đền bù với giá tương tự để lấy diện tích đất lớn hơn nhiều cho dự án đầu tư công ở gần đó! Một số công chức có thể cho rằng giá đất cao thì có lợi cho thu ngân sách Nhà nước nhưng quên rằng nó  làm tăng chi ngân sách còn nhiều hơn, ngoài ra còn làm biến dạng thị trường và gây ra nhiều tệ hại khác như làm tăng khoảng cách giàu nghèo…

Tóm lại trong vấn đề giá đất cần nhanh chóng khắc phục nghịch lý là giá đền bù thì quá thấp mà giá đất thị trường lại quá cao!

 

Kết luận

Thị trường đất đô thị là nền tảng của thị trường bất động sản vì vậy cần quan tâm nghiên cứu hoàn thiện nó. Bài viết này không phải là kết quả của đề tài nghiên cứu mà chỉ là trình bầy ngắn gọn một số suy nghĩ trăn trở lâu nay của tôi trước thực trạng ngổn ngang của thị trường bất động sản hiện thời, để  trao đổi ý kiến với các chuyên gia khác và mong  được sự quan tâm của các nhà làm chính sách./.
(www.vncold.vn)

Số lần xem trang : 14848
Nhập ngày : 14-09-2009
Điều chỉnh lần cuối :

Ý kiến của bạn về bài viết này


In trang này

Lên đầu trang

Gởi ý kiến

 

  Thư giản > Hai mươi bí quyết giảm Stress(10-09-2010)

  Một số vấn đề kinh tế bất động sản nước ta(14-09-2009)

  Đô thị > Cơ sở khoa học của chính sách đất đô thị Việt Nam(14-09-2009)

  Môi trường > Để triển khai có hiệu quả chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu(14-09-2009)

  Quản lý đất đai > Đừng lãng phí tài nguyên đất(27-04-2009)

  Công nghệ > Ứng dụng của GIS trong các ngành(25-04-2009)

  Quy hoạch > Cách tiếp cận mới về điều chỉnh Quy hoạch TP. Hồ Chí Minh(25-04-2009)

  Môi trường > Cuộc chiến biến đổi khí hậu toàn cầu(25-04-2009)

  Môi trường > Mực nước biển dâng cao do biến đổi khí hậu(25-04-2009)

  Quản lý đất đai > Duy trì tối thiểu 3,5 triệu ha đất trồng lúa để đảm bảo an ninh lương thực(25-04-2009)

Trang kế tiếp ... 1 2

PHAN VĂN TỰ Tel: 84.8.37220732-37245422 – 37245411 Fax : 37245411 Email : phanvantu @hcmuaf.edu.vn , phanvantu @gmail.com - website : http://www.cadas.hcmuaf.edu.vn/phanvantu ; http://www2.hcmuaf.edu.vn/?ur=phanvantu

Thiết kế: Quản trị mạng- ĐHNL 2007