Trang chủ NLU | TTTH |
Trang nhất |
Sơ đồ trang |
TRANG WEBSITE PHẠM VĂN HIỀN - BỘ MÔN SINH LÝ SINH HÓA, KHOA NÔNG HỌC -
NGUYÊN PHÓ HIỆU TRƯỞNG TRƯỜNG ĐẠI HỌC NÔNG LÂM TP.HCM - NGUYÊN GIÁM ĐỐC PHÂN HIỆU NINH THUẬN.
Từ lâu người ta đã biết bộ rễ cây cỏ có khả năng làm sạch nước, nhưng việc sản xuất các bè cỏ thả nổi trên dòng nước để cứu ao hồ hay con kinh, con rạch và các đoạn sông ô nhiễm là kỹ thuật mới, được các công ty môi trường áp dụng gần đây
Khi các thứ rác hay chất thải hữu cơ hút hết ô-xi thì dòng nước trở thành dòng bùn lơ lửng, lờ đờ, bốc mùi hôi thối, tạo nên các đoạn sông hay con kinh, con rạch nước đen đến độ tôm cá cũng không sống nổi. Hình ảnh này nay quá phổ biến nơi hầu hết các vùng ven đô nước thải sinh hoạt đổ ra, và cả nơi những ngã ba đổ nước từ ruộng thâm canh hay từ nhà máy công nghiệp vào dòng sông cái.
Một khi bộ rễ trên thảm phát triển thả dài xuống nước thì sinh ra chung quanh mỗi mao quản một màng không khí, tạo ra môi trường phản ứng ô-xi hóa/khử hữu hiện ngay giữa dòng nước lờ đờ dơ bẩn. Kết quả là các bùn hữu cơ lơ lửng được ô-xi hóa để chìm xuống đáy kéo theo bùn cát vô cơ. Dòng nước lưu chảy nhanh hơn kéo theo các vật trôi nổi và túi ny-lông về phía hạ nguồn, và việc hút vét bùn đáy cũng nên dễ dàng.
Trong khi đó cây cỏ trên bè hút các chất bổ mà đặc biệt là các dạng đạm làm cho dòng sông mất mùi hôi thối. Các loài bèo, tảo cũng ít phát triển vì mất phần dưỡng chất. Trên thực tế sản lượng hoa trái trồng trên các bè đạt ở mức cao cho dù bị cấm sử dụng phân bón hay thuốc trừ sâu. Một số loài cỏ còn có tính năng thu hút chọn lọc hay giải trừ độc chất hóa học và kim loại nặng. Loại cỏ này được định kỳ cắt bỏ đem đốt để cô lập chất độc.
Các loài được chọn để trồng thảm nổi là thứ dễ trồng, sống bán thủy sinh, rễ phát triển mạnh, thông thường là cỏ sậy Phragmites australis, cỏ nến Typha orientalis, và gần đây người ta đem trồng thử nghiệm cỏ vetiver, cỏ năng, cỏ bàng cùng các loài rau muống. Ở miền Nam đám trôi lục bình Eichlornia crassipe và cây điên điển Sesbania sesban cũng có khả năng lọc nước rất mạnh. Nhưng lục bình cũng như rau muống miền Bắc thường giữ lại nhiều bùn đất nơi các bộ rễ nên hiệu quả lọc nước không cao.
Trong khi đó loài cây điên điển dễ trồng trên bè bằng việc thả thân nằm ngang mọc thành nhiều bụi, rễ phát triển mạnh và thòng xuống sâu. Loài cây này thu hút rất mạnh dư lượng phân bón N ,P, K trong nước và ít nhiều giải trừ tác hại của thuốc bảo vệ thực vật, đồng thời thu hút rất nhiều tôm cá đến sinh sống và sinh sản. Điều dễ thấy là các đám điên điển ở đầu nước thải đồng ruộng đơm hoa rất nhiều phân bố quanh năm, lại là hoa ngon và ngọt giàu chất bổ dưỡng cho các bữa ăn.
Trừ khi dùng cỏ chuyên dụng để hút các độc chất nhất định cho vùng nước thải nơi các nhà máy, các thảm nổi nên được trồng bằng nhiều loài cỏ xen kẽ để hỗ trợ khả năng lọc nước cho nhau. Trên thực tế các thảm cỏ nổi còn được dùng nhiều để tạo ngư trường làm tăng sản lượng tôm cá nước ngọt, hay lắp ráp tạo thành kết cấu chống sóng, chống sạt cho các công trình bảo vệ bờ sông.
Kỹ thuật môi trường mới này được gọi là bè cỏ hay thảm nổi thực vật (floating reed bed). Theo đó một số loài cỏ chọn lọc được đem trồng trong những khung nổi kích thước đều đặn, rồi kéo tới lắp ráp vào những vị trí cố định ở giữa dòng chảy cho tới khi dòng nước trở lại trong xanh. Khung nổi thường được làm bằng ống nhựa PVC bịt kín hai đầu, kích thước 2m x 2m. Cây cỏ trồng trên bè cũng được chăm sóc, thu hoạch như các nguồn nông sản hoa trái hay nguyên liệu công nghiệp.
Số lần xem trang : 15641 Nhập ngày : 04-08-2009 Điều chỉnh lần cuối : 05-08-2009
Họ tên: PGS.TS. Phạm Văn Hiền.
Bộ môn Sinh lý-Sinh hóa, khoa Nông học.
Nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Nông Lâm Tp HCM.
Nguyên Giám đốc Phân hiệu Ninh Thuận.
Đc: 16/17 đường 49, Quận 2, TP. Hồ Chí Minh Email: pvhien@hcmuaf.edu.vn
Mobi: 0913464989