Trang website PHẠM VĂN HIỀN

Trang chủ NLU | TTTH | Trang nhất | Sơ đồ trang | TRANG WEBSITE PHẠM VĂN HIỀN - BỘ MÔN SINH LÝ SINH HÓA, KHOA NÔNG HỌC - NGUYÊN PHÓ HIỆU TRƯỞNG TRƯỜNG ĐẠI HỌC NÔNG LÂM TP.HCM - NGUYÊN GIÁM ĐỐC PHÂN HIỆU NINH THUẬN.
Thống kê
Số lần xem
Đang xem 569
Toàn hệ thống 1031
Trong vòng 1 giờ qua
Trang liên kết

TẠP CHÍ NÔNG LÂM

Email

PHÒNG SAU ĐẠI HỌC

Em trai Phạm Văn Hậu

Genetic Resources Policy

Initiative

IFSAFarming Systems

Association

Hai người bạn "đời" thuỷ chung

Thành viên

Email:
Password

Nội dung

  Phạm Văn Hiền

 

 

 

Vậy là Cô đã về cõi Phật, thọ 93 tuổi, học trò vô cùng thương tiếc kính cẩn nghiêng mình trước hương hồn Cô.

 

 

 

 

Nhớ lại
 
 
Năm 1987, tôi đã có một may mắn trong cuộc đời là được thọ giáo Cô một năm tại Bộ môn Sinh lý thực vật, trường Đại học Tổng hợp TP. HCM (nay là Đại học Khoa học Tự nhiên), trong lòng tôi cũng như bao thế hệ học trò, Cô là một người thầy mẫu mực, một nhà khoa học đầu ngành, một con người nghiêm túc, chuẩn mực và khắt khe trong giáo dục đối với học trò.
 
 

            

 

Cô Tiếng tại chùa Bát Nhã (Hình chụp mobi sáng 21/01/2010)
 
 

Một vài hồi ức nhớ về Cô

 

 
Ngày đó tôi là cán bộ trẻ của trường Đại học Tây Nguyên, được trường cử xuống Sài gòn thọ giáo Cô môn Sinh lý thực vật, thường thì cán bộ ở lại trường chỉ được cử đi bồi dưỡng không quá 3 tháng (có lẻ do cơ chế tài chính), nhưng khi làm việc với Cô, Cô đã không đồng ý và nói: “Nếu trường em chỉ cho em đi bồi dưỡng 3 tháng thôi, tôi xin lỗi trường, không nhận em, môn học này phải học ít nhất 1 năm và em phải làm một nghiên cứu chuyên về sinh lý thực vật”. Thế là tôi lủi thủi quay về Tây Nguyên mà lòng trĩu nặng, phần vì ngán ngẫm việc đi lại thời bao cấp là cả một cực hình với những “chuyến xe bão táp”. Tôi nhủ lòng chắc không thể về Sài gòn học được rồi, nhưng thật may, sau khi trình bày và thuyết phục, trường ĐH Tây Nguyên đã đồng ý cho tôi đi một năm. Đây là trường hợp hiếm và có lẻ tôi thật có cơ duyên với Cô.
 
Trong một năm tôi phải làm ba việc song song: trợ giảng và dự lớp (thực ra là “xách cặp”, chuẩn bị poster, hình ảnh bài giảng và tìm giảng đường theo lịch của Cô giảng); học “một thầy, một trò” với Cô; và thực hiện một nghiên cứu về “Sinh lý nảy mầm của hạt cà phê”. 
 
Trợ giảng thì theo lịch của khoa Sinh học xếp, dự giờ giảng “một mình” là một dấu ấn suốt cuộc đời tôi không bao giờ quên. Tại bộ môn Sinh lý thực vật, trên bảng đen Cô ghi dòng chữ: Từ 9-11 h thứ năm/tuần tôi học với em Hiền tại phòng thực tập. Vậy là một thầy, một trò đều đặn thứ 5 hàng tuần Cô tận tụy giảng cho tôi  hiểu tường tận môn học sinh lý học thực vật, Cô giảng cho tôi nghiêm túc, giờ giấc như một lớp học bình thường với hàng trăm sinh viên ở giảng đường lớn mà hàng tuần tôi được vinh hạnh “xách cặp”. Bộ môn nói Cô học Tây nên giảng dạy như Tây, tôi không nghĩ vậy, mà kính Cô về sự nghiêm túc và đầy trách nhiệm của một nhà giáo, Cô không những dạy cho tôi chuyên môn mà qua đó dạy tôi sự nghiêm túc, trách nhiệm và cả tâm huyết của một người thầy. Tôi tự nhủ lòng phải học tập Cô suốt đời về những điều này.
 
Còn nữa, trong bộ môn, năm đó có Cô Lang (Phó bộ môn cho Cô), thầy Việt (PGS.TS. Bùi Trang Việt-Trưởng Bộ môn hiện nay), thầy Sanh (TS. Nguyễn Du Sanh-Phó trưởng Khoa Sinh học hiện nay), Cô Chi, một số học trò khác và tôi; cứ hàng tuần phải thay nhau báo cáo kết quả nghiên cứu, học tập trước bộ môn. Như vậy, một tháng là đến lược mình lên “máy chém” (chúng tôi thường nói đùa như vậy), và rõ ràng là mọi người phải cật lực đọc sách và hàng ngày phải vùi đầu vào phòng thí nghiệm may ra mới có cái mới để mà báo cáo!. Buổi seminar bộ môn, Cô và cả bộ môn ngồi nghe, Cô ân cần góp ý kiến, gợi ý các giải pháp tháo gỡ những bế tắt của các thí nghiệm và những kiến thức chuyên môn mà mỗi người chưa thấu hiểu; và còn nhiều nữa sự nghiêm túc trong phong cách làm việc và điều hành bộ môn của Cô.
 
Một lần tôi đến muộn giờ trợ giảng cho Cô, tôi nhớ là do chiếc xe đạp cà tàn của tôi có vấn đề, lâu quá tôi không còn nhớ chính xác lý do; tôi bị Cô la: Em là giảng viên rồi, giờ giấc phải đúng chứ! thật xấu hổ, tôi vội vàng cuối đầu chạy đi chuẩn bị giờ giảng cho Cô. Sau giờ giảng, Cô nhìn tôi thật bao dung và rộng mở lòng của một người mẹ, một người Cô và một người bạn lớn đáng kính. Mặc dù Cô rất ít cười, nên nhìn Cô lúc nào cũng nghiêm nghị. Nhưng trong ánh mắt của Cô ngày ấy như mỉm cười với tôi, làm tôi thấy nhẹ lòng.
           
Qua những dòng tự bạch nhớ về người thầy, tôi rút ra bài học cho mình và chia sẻ suy nghĩ cùng bạn.
 
 

1. Tâm huyết

 

Trước tiên, người thầy cần có đam mê công việc giảng dạy và tâm huyết với nghề; giảng dạy, hướng dẫn học trò tận tình đến nơi đến chốn tùy học trò và phương pháp sư phạm thầy đang có. Thầy để bài giảng “cũ mềm” không quan tâm bài giảng, không cập nhật thông tin chuyên môn, không chia sẻ tài liệu sách vở, không nhắc nhở “thói hư, tật xấu” của học trò, không để ý sự tiến bộ hay tuột dốc trong học tập của học trò, … là thầy không có tâm huyết của nhà giáo.
 
 

2. Sự nghiêm túc

 

Trong giảng dạy và nghiên cứu khoa học, nếu người thầy không nghiêm túc trong công việc của mình thì không thể dạy được học trò nghiêm túc trong học tập và làm nghiên cứu. Sự nghiêm túc thể hiện ở cả việc nhỏ như giờ giấc làm việc, ghi chép ý kiến và thực hiện kế hoạch đã có.
 
 

3. Sự khắt khe

 

Khắc khe không nghĩa là khó tính, mà là nghiêm minh với học trò, điều này vừa thể hiện sự nghiêm minh trong đào tạo học trò vừa xuất phát từ tình thương đối với họ, cha ông ta có câu “thương cho roi cho vọt” là vậy. Không khắc khe uốn nắn học trò, họ không thể học tập nghiên cứu tốt được.
 
 

4. Rộng lượng và bao dung

 

Người thầy nghiêm túc phải “xử phạt” và “la” đúng học trò, nhưng phải biết rộng lượng, bao dung khi nhận thấy học trò cố gắng sửa sai và từng bước tiến bộ trong học tập. Biết động viên, khen ngợi trước mỗi bước tiến bộ của học trò.
 
Thực ra những bài học này ai cũng biết, nhưng thực hiện nó để rồi khi ra đi, để lại trong lòng mỗi học trò bao thế hệ như tôi, những cảm nhận về những chuẩn mực này, không phải ai cũng làm được như Cô.
 
Vào lúc 06h sáng 23/01/2010 (9/12 Đinh Sửu) Cô sẽ rời chùa Bát Nhã để hóa thân thành tro bụi trở về với đất mẹ, học trò sẽ đến tiễn Cô một đoạn đường, rồi xin Cô được phép về trường tiếp tục sự nghiệp của Cô cho những thế hệ tiếp theo.
 
Học trò ngậm ngùi, nuối tiếc, kính tiễn hương hồn Cô, thiên thu vào cõi vĩnh hằng.
 
PVH
 

 

Sáng 23/01/2010

 

 
Sáng nay, chùa Bát Nhã cùng nhiều thế hệ học trò tổ chức lễ truy điệu Cô, đôi dòng thành kính, ngưỡng mô và tri ân Cô, tôi ghi lại.
 
Sau ba ngày quàng tại chùa Bát Nhã (Ngày 20-23/1/2010) để còn dịp cho lớp lớp các thế hệ học trò đang ở Việt Nam đến thăm Cô và các học trò ở các nước kịp gửi hoa về viếng, như bày tỏ lòng thương tiếc, thành kính, phân ưu và tri ân công ơn dạy dỗ và hơn hết, đó là tình thương yêu Cô để lại trong lòng bao thế hệ học trò.
 
05h lễ truy điệu bắt đầu, không có nhiều người òa khóc nức nở như bao đám tang khác, làm trĩu nặng lòng người ra đi; nhưng từ sâu thẩm đáy lòng, ai cũng im lặng, ngậm ngùi thương tiếc người thầy, người mẹ, người chị của đại gia đình khoa học đường.
 
Điếu văn ngắn gọn không ghi nhiều công trạng, liệt kê thành tích; đơn giản, đời thường như hàng ngày Cô vẫn muốn học trò chỉ giới thiệu với ai và gọi Cô là Cô thôi!. Một cuộc đời dấn thân, làm việc, cống hiến, hướng đạo; một con người chân, thiện, mỹ đã quyện vào nhau làm cho tôi cảm nhận sự ra đi của Cô thật nhẹ nhàng, thanh tao, thanh thản không vương vấn bụi trần, bồng bềnh cởi mây về cõi Phật.
 
Điếu văn ghi năm 1953, Cô tốt nghiệp thạc sĩ tại Pháp, sau đó học lấy bằng tiến sĩ Sinh học tại Mỹ năm 1962 và về Sài gòn dạy học tại Khoa học Đại học đường; với vốn tiếng Anh, tiếng Pháp thông thạo, am tường nhưng dạy dỗ học trò Cô chỉ dùng tiếng Việt thôi, trừ những thuật ngữ chưa có nghĩa Việt. Cô không phô trương, không bề trên, luôn khiêm tốn, dạy dỗ học trò bằng tình thương, sự tận tụy, nghiêm túc, khắc khe chỉ mong cho học trò lĩnh hội, gặt hái được kiến thức để phụng sự cho đời.
 
Nhớ lời giảng nhẹ nhàng, thân thiện và uyên thâm của Cô năm nào vào mỗi thứ năm hàng tuần, lời đầu tiên lúc nào cũng thật khiêm tốn, cảm động: “Sáng nay tôi học với em về sự sống của tế bào thực vật; sáng nay tôi học với em về sự sinh trưởng của thực vật; sáng nay tôi học với em về sự trổ hoa; .v.v…, vẫn khắc sâu trong tâm trí tôi. Cô đã dạy về sự phát triển của thực vật, khi hạt nẩy mầm dấn thân vào vòng đời mới thì chỉ có tiến chứ không lùi. Vâng thưa Cô, chúng con hiểu, chúng con sẽ cố gắng tiến bộ khi đã dấn thân vào vòng đời của sự phát triển như Cô đã dạy.
 
Chúng tôi xếp thành hai hàng, lặng lẻ nơi thanh tịnh của chùa Bát Nhã để đội lễ đưa Cô ra xe, tôi cũng lặng lẻ theo sau xe Cô, xe đưa Cô về thăm nhà ở đường Hồ Tùng Mậu, sau đó Cô ghé lại thăm trường và bộ môn Sinh lý thực vật, nơi Cô đã sáng lập ra và cống hiến cả cuộc đời cho sự nghiệp khoa học và đào tạo nên bao thế hệ học trò hôm qua và hôm nay.
 
Cô lại ra xe để đi về nơi Cô hóa thành tro bụi, để trở về với hư vô cực lạc.
Tôi cuối đầu lạy và tiễn biệt Cô, vì phải về lo Hội đồng cho một học trò sáng nay.
 
Kính Cô Diệu Minh (danh pháp Cô tại chùa Bát Nhã), con kính mong hương hồn Cô sớm siêu thoát về miền cực lạc.
 
 

Ngẫm lòng, một nhà giáo khi ra đi mà lưu lại trong lòng nhiều thế hệ học trò một sự thương tiếc, thành kính và tri ân như Cô, quả là niềm hạnh phúc, điều khắc khoải của không ít thầy giáo phát tâm, phấn đấu khi dấn thân vào nghiệp giáo.

 

 
Cô ơi! Cô đã đi rồi, Cô để lại cho đời, cho chúng con một tình thương, một tấm lòng của người thầy đáng kính!
 
PVH

 

 

Một số bài nhớ về Cô của đệ tử khác

 

Cố GS. Mai Trần Ngọc Tiếng - Sự hy sinh của chiếc lá
image

Bạn nghĩ gì về chiếc lá, một chiếc lá màu xanh dễ thương vừa mới đâm chồi hay một chiếc lá vàng úa sắp lìa cành?

Tôi muốn chia sẻ với bạn cái suy nghĩ của mình về sự sinh sôi hay sự tàn hoại. Một chiếc lá xanh dĩ nhiên là sự đóng góp màu xanh cho cuộc đời, còn một chiếc lá vàng úa? Có phải chăng là sự tạm biệt, không muốn góp mặt mình vào cộng đồng? Sự thật lại khác quá, chiếc lá vàng khô là sự hy sinh tuyệt vời đấy bạn ạ! Có lạ hay chăng?

Bạn có biết: Cây xanh đã tự tổng hợp chất để tự nuôi thân mình và cung cấp thức ăn cho mọi loài khác. Trong khi đó, con người có thể tổng hợp được chất này, chất nọ nhưng lại không tự tổng hợp chất nào để nuôi mình. Sở dĩ cây xanh có thể thực hiện điều kỳ diệu trên là vì lá cây có màu xanh khi môi trường khô hạn. Nhằm ngăn chặn sự thoát hơi nước và sự héo tàn vĩnh viễn của cây, lá vàng và tự rụng, lá trả lại cho thân cây tất cả những gì đã có. Và những chiếc lá khô ấy chỉ còn giữ lại cho mình chất khoáng mà thôi.

Tôi mới biết điều này qua tiết học Sinh Môi của Giáo sư Mai Trần Ngọc Tiếng và tôi muốn nói điều này với tất cả mọi người. Giáo sư  nói đó là sự hy sinh tuyệt vời, suốt đời cô không thể sánh nổi chiếc lá bé bỏng kia. Tôi lại thầm nghĩ: Cô đã gần 90 tuổi, có thể nói, trọn đời cô đã hy sinh cho biết bao thế hệ học trò, vẫn thấy chưa đủ. Từ một chiếc lá xanh tràn trề nhựa sống, chiếc lá ấy dần dần thay màu để thực hiện sự hy sinh. Cũng như cô đã trao truyền cho học trò bao kiến thức, dáng người cô ngày càng gầy đi, học trò chúng tôi càng ngày càng được phát triển về thể chất cũng như kiến thức khoa học và đời sống.

Giờ đây, chiếc lá màu xanh hay chiếc lá màu vàng, tất cả đều là sự cống hiến, hy sinh vô bờ đối với thân cây. Lá phải úa tàn lìa cành vào mùa thu để đến mùa xuân cây mới kết nụ ra hoa. Người thầy dù còn xuân xanh hay mái đầu điểm bạc, thầy vẫn là hiện thân của tình thương và trí huệ, và hơn thế nữa là sự hy sinh.

 

 Giáo sư thời sinh tiền là giảng viên HVPG Việt Nam tại TP.HCM

 

(Trích từ Tập kỷ yếu Lưu Dấu Một Thời Tăng Ni sinh Học Viện khóa V)

 

Số lần xem trang : 15067
Nhập ngày : 21-01-2010
Điều chỉnh lần cuối : 03-02-2017

Ý kiến của bạn về bài viết này


In trang này

Lên đầu trang

Gởi ý kiến

  Giáo dục-Phát triển

  Mười đặc điểm của trường Đại học nghiên cứu hiện đại(18-12-2013)

  Ngô Bảo Châu đối thoại và suy ngẫm(16-09-2011)

  Những nhân tố tạo nên đức tính của người Nhật(01-04-2011)

  Vì một nền giáo dục trung thực, lành mạnh và hiện đại(01-04-2011)

  Chúc mừng ngày Nhà giáo 20/11/2010(18-11-2010)

  Hễ người giỏi là chúng tôi mời gọi(10-09-2010)

  Kiểm lại một số ý kiến góp về việc học(15-04-2010)

  Nên học nền giáo dục Mỹ những điểm nào - GS TS Trần Văn Hiển(15-02-2010)

  Nên ưu tiên gì cho Chiến lược phát triển giáo dục? (18-01-2010)

  Quá trình phát triển giáo dục đại học ở Nhật và những bài học(14-01-2010)

Trang kế tiếp ... 1 2 3

Họ tên: PGS.TS. Phạm Văn Hiền. Bộ môn Sinh lý-Sinh hóa, khoa Nông học. Nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Nông Lâm Tp HCM. Nguyên Giám đốc Phân hiệu Ninh Thuận. Đc: 16/17 đường 49, Quận 2, TP. Hồ Chí Minh Email: pvhien@hcmuaf.edu.vn Mobi: 0913464989

Thiết kế: Quản trị mạng- ĐHNL 2007