Phạm Văn Hiền Singapore không có tài nguyên, nên chính sách nhân lực là quan trọng nhất, là nguồn tài nguyên quý nhất... Singapore là đất nước của những người nhập cư nhờ chính sách này, và đến nay chính phủ vẫn tiếp tục mở rộng cửa cho những người nhập cư tài năng đến làm việc và sinh sống.
GS.TS Bernard Tan - trưởng khoa công nghệ thông tin Đại học Quốc gia Singapore (NUS) vừa vào tuổi 40, nhưng đã là một tên tuổi ấn tượng trong lĩnh vực công nghệ thông tin, hiện là chủ tịch hội Quản trị hệ thống thông tin quốc tế, giảng dạy tại các đại học danh tiếng thế giới, và là biên tập viên tạp chí AIS (hiệp hội Khoa học thông tin và công nghệ Mỹ), tạp chí MIS (Khoa học quản lý)... Con đường tiến thân của ông là hình ảnh sinh động về chính sách trọng dụng nhân tài của Singapore.
GS.TS Bernard Tan là trợ lý cao cấp Đại học Quốc gia Singapore (NUS).
Nhân chuyến công tác tại Việt Nam, ông đã hào hứng chia sẻ với PV những kinh nghiệm trong hoạch định chiến lược quốc gia và mối liên thông với giáo dục đại học trong việc ứng xử với người tài. Ông nói:
- Singapore không có tài nguyên, nên chính sách nhân lực là quan trọng nhất, là nguồn tài nguyên quý nhất. Ngay từ khi đất nước mới độc lập (1965), ưu tiên số một của chính phủ là làm cho mỗi người dân trở thành những công dân có khả năng cao hơn, giỏi hơn. Trong những thập kỷ vừa qua, chính phủ đã tập trung tối đa cho phát triển giáo dục, nghiên cứu, lập ra những trường đại học chất lượng cao để thu hút sinh viên giỏi, đồng thời đưa người giỏi ra nước ngoài học. Với một nước nhỏ, dân số ít, phải kiên trì với chính sách này trong nhiều năm, Singapore mới có đủ nhân tài để phát triển như hôm nay. Singapore là đất nước của những người nhập cư nhờ chính sách này, và đến nay chính phủ vẫn tiếp tục mở rộng cửa cho những người nhập cư tài năng đến làm việc và sinh sống. Trong quá khứ, nhiều tổ chức của Nhà nước đã đứng ra tuyển dụng nhân tài. Để có nhân tài, các trường đại học của Nhà nước chủ động mời những người giỏi đến học với nhiều ưu đãi đặc biệt về học bổng, chế độ ăn ở, và tạo nhiều cơ hội làm việc, đóng góp cho Singapore. Mới đây, nhân Quốc khánh Singapore, chính phủ đã ban hành quyết định Phủ thủ tướng sẽ là cơ quan điều phối hai vấn đề: quản trị dân số và quản trị tài năng.
Trong thời điểm cạnh tranh gay gắt trên toàn thế giới, chính phủ luôn cải cách các trường đại học để trở nên hấp dẫn hơn, tạo ra nhiều ngành công nghệ, kỹ thuật cao, đủ sức thu hút nhân tài đến học và giảng dạy.
Từng là giáo sư thỉnh giảng tại đại học Thượng Hải, đại học nhân dân Bắc Kinh, ông có thể cho biết một số kinh nghiệm về quản trị tài năng của Trung Quốc?
Ở Trung Quốc, việc quản trị nhân tài mới có chính sách sau khi mở cửa (1980). Lúc đó đại học Trung Quốc chưa phát triển, nên nhà nước cho phép sinh viên đi du học rất nhiều. Sau 30 năm, nhiều người nghĩ Trung Quốc đã mất hết chất xám, vì người tài đi hết rồi, và họ sẽ thua trong công cuộc phát triển kinh tế. Nhưng khi Trung Quốc phát triển vượt bậc, người ta mới thấy không phải như vậy. Một làn sóng mới đang thu hút tài năng trở về giúp cho đất nước này phát triển nhanh và mạnh hơn nữa.
Theo ông, làm thế nào để tạo nên làn sóng trở về này?
Điều kiện đầu tiên là sự phát triển của kinh tế, đời sống đủ sức hấp dẫn những người tài. Những thành phố lớn như Quảng Châu, Thượng Hải, điều kiện hoạt động nghiên cứu không khác gì Âu Mỹ. Sự phát triển của các doanh nghiệp, tập đoàn Trung Quốc cũng đang hấp dẫn nhiều tài năng phương Tây đến làm việc. Chính phủ Trung Quốc có thể trả lương cao cho các giáo sư đại học gốc Hoa. Vai trò của Nhà nước phải đi trước một bước, phải tuyển dụng nhân tài vào các cơ quan công quyền. Nhiều cơ quan nhà nước cũng đi ra bên ngoài lập văn phòng. Không chỉ Trung Quốc, cả Singapore, việc bổ nhiệm, thăng tiến cho các quan chức nhà nước không dựa trên sự quen biết, mà được xây dựng bằng một hệ thống cho điểm những thành tích hoạt động của các cá nhân. Cách đây 20 năm, Trung Quốc bổ nhiệm những vị lãnh đạo Đảng các cấp dựa trên những đánh giá công khai, cho điểm bình quân. Giờ thì khác rồi, các lãnh đạo, chính khách được chọn từ những sinh viên giỏi của các trường đại học, sau đó mới đưa đi học trường Đảng sau. Ở Singapore, tất cả bộ trưởng đều được đào tạo ở những trường đại học danh tiếng trong và ngoài nước, và phải thường xuyên kiểm định chất lượng.
Ở Singapore, tất cả bộ trưởng đều được đào tạo ở những trường đại học danh tiếng trong và ngoài nước, và phải thường xuyên kiểm định chất lượng.
|
Trực tiếp tham gia tuyển dụng và đào tạo nhân tài tại NUS, ông có thể cho biết những chính sách cụ thể của đại học này trong việc ứng xử với người tài?
NUS là một phần của Singapore, chính sách thu hút đào tạo nhân tài của NUS không phân biệt chủng tộc, tôn giáo, nam hay nữ, hễ người giỏi là chúng tôi tiếp nhận, mời gọi. Hiện đội ngũ giáo sư của NUS đến từ 100 quốc gia. Lương giáo sư bậc đại học của NUS là hơn 100 ngàn USD/năm, tương đương các đại học quốc tế. Có giáo sư giỏi mới có sinh viên giỏi, có nhiều sinh viên giỏi kinh tế mới phát triển. Ngoài chế độ lương, còn có nhà ở, phương tiện nghiên cứu đầy đủ. Sinh viên giỏi đều được ở ký túc xá, được học bổng, trợ cấp khó khăn, cho vay để đi học, và không phân biệt gì giữa sinh viên trong và ngoài nước.
Theo Kim Yến
SGTT Số lần xem trang : 15006 Nhập ngày : 10-09-2010 Điều chỉnh lần cuối : Ý kiến của bạn về bài viết này
Giáo dục-Phát triển Phúc âm từ Chị Út Oanh/Bác Út!(18-09-2022) Hè 2022 - Bàu cát trắng - Bàu sen(14-08-2022) Bình minh trên Mũi Né, Bình Thuận - Hè 2022(14-08-2022) Thắp hương đầu Xuân tại Sa Đéc!(15-02-2022) Câu chuyện “độp” xe đầu Xuân!(15-02-2022) (15-02-2022) Câu chuyện chiếc “xe độp” và “xe độp” là một hệ thống(15-02-2022) 40 năm - Thương hiệu Cỏ May(13-11-2021) Người thầy không bục giảng nhân ngày 20-11-2020(20-11-2020) Bill Gates học để làm(05-06-2017) Trang kế tiếp ... 1 2 3
|