Trang website PHẠM VĂN HIỀN

Trang chủ NLU | TTTH | Trang nhất | Sơ đồ trang | TRANG WEBSITE PHẠM VĂN HIỀN - BỘ MÔN SINH LÝ SINH HÓA, KHOA NÔNG HỌC - NGUYÊN PHÓ HIỆU TRƯỞNG TRƯỜNG ĐẠI HỌC NÔNG LÂM TP.HCM - NGUYÊN GIÁM ĐỐC PHÂN HIỆU NINH THUẬN.
Thống kê
Số lần xem
Đang xem 214
Toàn hệ thống 662
Trong vòng 1 giờ qua
Trang liên kết

TẠP CHÍ NÔNG LÂM

Email

PHÒNG SAU ĐẠI HỌC

Em trai Phạm Văn Hậu

Genetic Resources Policy

Initiative

IFSAFarming Systems

Association

Hai người bạn "đời" thuỷ chung

Thành viên

Email:
Password

Nội dung

  Phạm Văn Hiền

Bài viết tuy có một số thông tin chưa chính xác, nhưng ý tưởng học nền giáo dục Mỹ là điều chúng ta cùng suy ngẫm. Theo tác giả "Những nước không hội nhập được với thế giới thường rất nghèo. Do đó muốn thành một nước phát triển mới của Á châu, Việt Nam cần đào tạo con người với hai nhóm khả năng quan trọng: (1).Khả năng tạo tổ chức, và (2).Khả năng hội nhập thế giới", mời bạn quan tâm giáo dục nước nhà tham khảo.

 

Những quốc gia giàu là những quốc gia có con người có khả năng tạo được nhiều tổ chức kinh tế lớn với năng suất cao.

Những tổ chức này thấu hiểu khách hàng cần gì, biết thuyết phục, phục vụ tận tâm, và được khách hàng tin cậy. Họ biết chuyên môn hoá công việc, dùng những phương pháp khoa học hiện đại, bảo vệ môi trường, tận dụng tài năng và sáng tạo của nhân viên, và gắn liền lợi ích của nhân viên với lợi ích của công ty. Thêm vào đó họ có nhiều vốn và có thể làm những chuyện lớn và lâu dài được.

Tổng sản lượng Quốc Gia GDP ( Gross domestic product ) của cả nước Việt Nam vào năm 2008 là 81 tỷ đô la và rất nhỏ khi so với tổng sản lượng của những tổ chức kinh tế lớn với năng suất cao của những cường quốc như công ty Exxon - Mobil của Mỹ sản xuất được 372 tỷ đô la ( gấp 4,6 lần cả nước Việt Nam ), Toyota của Nhật được 230 tỷ đô la ( gấp 2,8 lần Việt Nam ), Samsung của Hàn Quốc được 106 tỷ đô la ( gấp 1,3 lần Việt Nam ). Nếu Việt Nam tạo được vài công ty lớn như trên, nước Việt Nam sẽ giàu hẳn lên.
 
Chính quyền hữu hiệu cũng là một tổ chức lớn có những khả năng tương tự như những tổ chức kinh tế ở trên. Do đó con người với khả năng cao đều có thể phục vụ tốt vừa tổ chức kinh tế và vừa cho chính quyền.
Những nước giàu của Á châu như Nhật, Nam Hàn, Hồng Kông, Đài Loan và Singapore đều là những nước hiểu được thế giới bên ngoài, học thật nhanh những điều hữu ích từ mọi nơi, và là bạn hàng với nhiều nước.
 
 
 
Đào tạo khả năng
Những nước không hội nhập được với thế giới thường rất nghèo . Do đó muốn thành một nước phát triển mới của Á châu, Việt Nam cần đào tạo con người với hai nhóm khả năng quan trọng :
1.Khả năng tạo tổ chức, và
2.Khả năng hội nhập thế giới.
 
 
Bài phân tích này đưa ra một cái nhìn từ mô hình đào tạo con người của Hoa Kỳ để tham khảo, một mô hình nặng về phát triển kinh tế và phục vụ sở thích cá nhân, và từ đó giúp Việt Nam chọn được một hướng đi mới cho sự đào tạo con người của mình. Những điểm chính của bài là :
- Khả năng tạo tổ chức là gì ?
- Đào tạo khả năng tạo tổ chức .
- Đào tạo khả năng hòa nhập thế giới .
 
Khả Năng Tạo Tổ Chức Là Gì ?
Khả năng tạo nên những tổ chức kinh tế lớn mạnh gồm có khả năng cơ bản, khả năng chuyên môn công việc (gọi tắt là khả năng chuyên môn), khả năng giao tiếp, khả năng sáng tạo và khả năng lãnh đạo.
Khả năng cơ bản, theo thứ tự từ dễ đến khó khi đào tạo, gồm có sức khỏe, kiến thức tổng quát và phong cách con người. Kiến thức tổng quát gồm biết đọc biết viết; và hiểu biết về khoa học, về mối tương quan giữa con người với khoa học, với môi trường, với xã hội và với thế giới.
 
Phong cách con người bao gồm tinh thần trách nhiệm, lòng tự tin, năng động, suy nghĩ và hành động độc lập, thành thật và đạo đức, sự tự lập, lòng rộng lượng vị tha, can đảm nói lên sự thật nhất là nói lên những sai lầm để sửa chữa, can đảm thực hiện những thử thách mới, tinh thần lạc quan, và chí ganh đua cao.
 
Khả năng chuyên môn gồm có những chuyên môn cần khi làm việc kiếm sống. Những chuyên môn đòi hỏi nhiều về trí tuệ và nền kinh tế đang cần, thường được lương cao.
 
Khả năng giao tiếp gồm khả năng làm việc chung một cách hòa giải với mọi người, được nhiều người tin, ít kẻ chống đối, có nhiều bạn, có khả năng giải quyết những tranh chấp một cách ôn hòa, biết cách thuyết phục người khác, v.v… Khả năng này rất quan trọng vì nó là động cơ chính trong sự liên kết những người lạ với nhau để gầy dựng tổ chức mới, hoặc giúp sự mậu dịch giữa những tổ chức kinh tế.
 
Khả năng sáng tạo bao gồm những khả năng tạo nên được những gì mới lạ mà xã hội cần như sản phẩm, kỹ thuật, nghệ thuật, dịch vụ, tư tưởng hay ý kiến, tổ chức, thị trường, phương cách làm việc hay quản lý hữu hiệu, v.v…
 
Khả năng lãnh đạo gồm có sự hiểu biết nhu cầu của xã hội để định hướng chiến lược cho tổ chức; biết liên kết những cá nhân riêng rẽ thành một tổ chức vững chắc, hữu hiệu; có tầm nhìn cao, xa, rõ rệt; xác định rõ các mục tiêu có thể đạt được và truyền đạt cho nhân viên; tạo sự gắn bó, trung thành và nhiệt tâm lâu dài của nhân viên với tổ chức; biết cách tăng cường năng suất chung của tổ chức.
 
Theo thứ tự quan trọng, khả năng cơ bản là quan trong nhất vì nó là nền tảng của mọi khả năng còn lại. Kế đó là giao tiếp và lãnh đạo vì hai khả năng này giúp tạo nên tổ chức. Tiếp theo là sáng tạo vì nó giúp tổ chức tạo được cơ hội mới với lợi nhuận cao. Sau cùng là chuyên môn vì người dân chỉ có việc làm thu nhập cao khi đất nước có nhiều tổ chức lớn hữu hiệu. Hai ví dụ sau đây cho thấy thứ tự của sự quan trọng của những khả năng trên :
 
- Nike là công ty giầy hàng đầu của thế giới nhưng công ty mẹ ở Mỹ không sản xuất một đôi giầy nào. Nike chuyên về lãnh đạo, giao tiếp và sáng tạo, và đẩy những công việc sản xuất đến những nước có nhân công rẻ và khả năng chuyên môn cao như Việt Nam. Trong trường hợp này, khả năng ít quan trọng nhất là chuyên môn.
- Sinh viên Đại Học Bách Khoa rất sáng tạo và đạt giải nhất từ Robocon châu Á - Thái Bình Dương nhiều năm gần đây. Trong khi đó các công ty sản xuất robots là ở Nhật và Nam Hàn.
 
Hai điều này cho thấy Việt Nam có con người có khả năng sáng tạo và chuyên môn nhưng thiếu rất nhiều con người với khả năng lãnh đạo và giao tiếp để tạo nên những công ty lớn để giúp dân giàu nước mạnh.
 
Hiện tại Việt Nam là một nước với thu nhập đầu người rất thấp, chưa có những công ty độc lập giàu mạnh ở tầm cỡ thế giới. Điều này cho thấy phương pháp đào tạo con người hiện thời không phát huy những ưu điểm sẵn có của người Việt như cần cù, thông minh, ham học hỏi, ưa tìm tòi sáng tạo để chuyển thành khả năng lãnh đạo, giao tiếp, khả năng chuyên môn cao và khả năng cơ bản - nhất là phong cách con người.
 
Đào Tạo Khả Năng Tạo Tổ Chức ở Cấp Phổ Thông
Chương trình phổ thông ( cấp 1: elementary, cấp 2: middle/junior high, cấp 3: high school ) của Việt Nam đặt nặng việc hấp thụ thật nhiều kiến thức tổng quát, ít chú trọng đến nâng cao phong cách con người, khả năng giao tiếp và sáng tạo. Học sinh Việt Nam, ngay từ cấp 1, chỉ biết học và học, không có thì giờ vui chơi, tập luyện thể thao, và phát triển những khả năng quan trọng khác như sự chủ động, tự tin, khả năng suy nghĩ độc lập, tìm tòi, khám phá, v.v..
 
Phương pháp giảng dạy có nhiều tính cách độc đoán. Học sinh thường chấp nhận tuyệt đối những kiến thức từ thầy cô và từ sách giáo khoa dù đúng hay sai. Học sinh rất ít được tự tìm tòi, suy nghĩ độc lập, chất vấn, thảo luận, phát biểu ý kiến, và khám phá những gì hợp với sở thích của mình. Phương pháp giảng dạy này không giúp học sinh phát triển phong cách con người, khả năng sáng tạo và khả năng giao tiếp.
 
Chương trình học rất ít linh động vì tất cả mọi học sinh học cùng một chương trình trong cùng một thời gian, không cần biết đến sự khác biệt về sự phát triển về tâm sinh lý của mỗi cá nhân và ở từng lứa tuổi, về hoàn cảnh gia đình, khác biệt về địa phương, v.v… Kiến thức tổng quát thường học nhiều về nội địa và dân tộc (ít về thế giới), nhiều về quá khứ nhất là thành tích chiến tranh ( rất ít về tương lai và lòng yêu chuộng hòa bình của người dân ), nặng về lý thuyết khoa học (nhẹ về ứng dụng). Vì thường học nhồi nhét, học sinh chóng quên những kiến thức không hợp thời cơ, không hợp sở thích và hoàn cảnh cá nhân hay mức độ phát triển về tâm sinh lý của cá nhân.
 
Môi trường học thiếu những hoạt động nhóm mà học sinh làm chủ và từ đó không phát huy được khả năng giao tiếp và lãnh đạo.
Mỗi năm Việt Nam có trên một triệu học sinh cấp 3 thi vào Đại Học và chừng 15% đỗ. Những em không vào được đại học bước chân vào đời rất kém về nghề chuyên môn, phong cách con người và khả năng giao tiếp, và gây nên nhiều khó khăn cho nền kinh tế. Nếu Việt Nam muốn có một nền giáo dục cấp 1 , cấp 2 và cấp 3 đa dạng, đây là một số phương cách từ Hoa Kỳ :
- Chương trình cấp 1 và cấp 2 của Hoa Kỳ cũng bao gồm kiến thức tổng quát ở trình độ thiếu nhi. Lớp học có chừng 20 - 30 học sinh do đó thầy cô biết rõ từng em một và khuyến khích tự suy nghĩ, chất vấn, phát biểu ý kiến dù đúng hay sai, thuyết trình, và tham gia vào nhiều hoạt động nhóm để phát huy phong cách con người và khả năng giao tiếp từ lúc bé.
- Chương trình cấp 3 của Hoa Kỳ theo hệ thống tín chỉ, có nhiều môn tự chọn ( 30% của chương trình ), và cho học sinh rất nhiều lựa chọn như khi nào sẽ học một môn, môn nào hợp sở thích và khả năng, trình độ nào ( học ra làm công nhân, học để vào trường đại học tiểu bang, hay học để có thể được nhận vào Harvard), những môn nào hợp một chuyên ngành ở Đại Học, thậm chí có thể kéo dài hay rút ngắn thời gian ra trường. Chương trình học đầy linh động này thích ứng được với sự khác biệt về thông minh, tài chánh, sự trưởng thành về tâm sinh lý, hoàn cảnh gia đình của mỗi học sinh, và từ đó phát huy được sự đam mê học và khả năng sáng tạo.
- Học sinh Mỹ được khuyến khích tham khảo, chất vấn, thảo luận và phát biểu những gì mình thích hay bức xúc mà không bị chính quyền, nhà trường hay thầy cô cấm đoán. Trường thường có nhiều hoạt động nhóm do học sinh làm chủ như hiệp hội trong và liên trường. Học sinh tự chọn lãnh đạo của hiệp hội qua tranh cử, và thực tập khả năng giao tiếp và lãnh đạo ở tuổi thiếu niên.
 
Đào Tạo Khả Năng Tạo Tổ Chức Ở Cấp Đại Học
 
World Economic Forum 2006 xếp hạng giáo dục Đại Học rất thấp, 90/125. Khi so với những nước có những điểm tương đồng như đông dân và nền văn hóa lâu đời, thứ hạng Đại Học của Việt Nam rơi vào 10% chót của thế giới.
 
Thất bại nặng nhất của Đại Học Việt Nam là đào tạo rất ít sinh viên với khả năng chuyên môn cao thích hợp với đòi hỏi của nền kinh tế toàn cầu.
Giống như phổ thông, Đại Học không giúp sinh viên phát triển được những khả năng quan trọng như giao tiếp, sáng tạo, lãnh đạo và phong cách con người vì chương trình, phương pháp giảng dạy, hệ thống tổ chức và quản lý thiếu tính cách linh hoạt, và không bắt kịp thời cuộc.
 
Mỗi năm Việt Nam có chừng 150 ngàn sinh viên ra trường, và chỉ có 5 - 10% sinh viên giỏi nhất với trình độ tiếng Anh và khả năng giao tiếp cao tìm được việc làm với thu nhập tạm đủ ( chừng 300 - 500 đô la một tháng ) từ công ty nước ngoài. 90 - 95% còn lại không có việc làm, hay có việc với thu nhập rất thấp ( chừng 100 đô la một tháng ). Đây là một thất bại lớn của giáo dục Đại Học Việt Nam . Nếu Việt Nam muốn cải cách đào tạo con người ở cấp Đại Học , đây là một số phương cách từ Hoa Kỳ.
 
- Ở Hoa Kỳ, cơ quan kiểm định chất lượng độc lập bảo đảm sự cập nhập hóa của chương trình học và trường có đủ khả năng giúp sinh viên đặt được khả năng chuyên môn ở trình độ cao.
- Hội đồng quản trị là cơ quan lãnh đạo cao nhất của Đại Học Mỹ, chọn lãnh đạo trường, và thành viên thường là những người thành đạt ở địa phương. Mỗi chuyên ngành thường được hướng dẫn bởi một hội đồng cố vấn và thành viên là những người thành đạt trong ngành. Những hội đồng này hướng dẫn Đại Học đào tạo khả năng chuyên môn mà xã hội cần như Đại Học nên dạy môn và nghành nào, và dạy ra sao để sinh viên có thể hội nhập nhanh khi ra trường.
- Hệ thống cộng đồng ( Cao Đẳng, community college ) của Hoa Kỳ đầy rẫy ở mọi địa phương, và có 3 chương trình đào tạo: nghề ngắn hạn (từ 3 đến 6 tháng), nghề dài hạn (hai năm), và văn hóa để chuyển tiếp Đại Học (hai năm). Sinh viên tốt nghiệp Cao Đẳng văn hóa chuyển thẳng vào năm thứ 3 của Đại Học để học chuyên môn ở trình độ cao. Dạy nghề ở nhiều cấp bậc và liên thông giữa Cao Đẳng và Đại Học, tạo cơ hội cho nhiều người đạt được khả năng chuyên môn ở nhiều trình độ khác nhau.
- Sinh viên có thể chuyển ngành và trường một cách dễ dàng để học những khả năng chuyên môn phù hợp với sở thích cá nhân và với đòi hỏi mới của xã hội. Sự phù hợp đưa đến đam mê về học, khả năng chuyên môn và sáng tạo cao, và sinh viên chuyển nghành để bắt kịp thay đổi mới của nền kinh tế.
- Lối giảng dạy ở cấp bậc Đại Học ở Hoa Kỳ thường hướng dẫn sinh viên tự học, tự nghiên cứu, làm đồ án, học nhóm, viết luận án ngắn và thuyết trình. Sinh viên được tự do suy nghĩ, chất vấn, thảo luận và phát biểu tất cả những gì mình muốn. Lối giảng dạy này nâng cao sự năng động, tình thần trách nhiệm, khả năng sáng tạo, giao tiếp và lãnh đạo.
- Ngoài những môn học trong lớp, Đại Học Hoa Kỳ thường có nhiều hoạt động nhóm do sinh viên làm chủ như nhiều hiệp hội trong trường và liên trường. Học sinh tự chọn lãnh đạo của những hiệp hội qua tranh cử. Mô hình tổ chức này giúp sinh viên thực tập và phát huy khả năng giao tiếp và lãnh đạo của mình.
 
Đào Tạo Khả Năng Tạo Tổ Chức Trong Xã Hội
 
Xã hội Hoa Kỳ tạo được một môi trường thích hợp cho sự phát huy những khả năng trừu tượng như phong cách con người, giao tiếp, sáng tạo và lãnh đạo. Sau đây là một số ví dụ về vai trò của xã hội trong sự đào tạo con người ở Hoa Kỳ.
 
- Người dân học được sự công bằng, đạo đức và thành thật khi tiếp xúc với chính quyền hữu hiệu, minh bạch cao, phục vụ người dân tốt, công bằng với mọi người dân, v.v...
- Tự do ngôn luận giúp phát huy sự tự tin và khả năng giao tiếp. Tự do lập hiệp hội đưa đến sự thành lập công ty, hiệp hội ( chuyên môn, từ thiện, phi chính phủ ), và từ đó phát huy được khả năng lãnh đạo, giao tiếp và sáng tạo.
- Người dân quen với sự thành thật và đạo đức của doanh nghiệp trong đời sống hàng ngày như doanh nghiệp không bán gian khách hàng vì người mua được phép trả lại hàng trong vài tuần đầu nếu không thích.
- Kinh tế thị trường và sự tôn trọng tuyệt đối quyền sở hữu cá nhân khuyến khích con người làm giàu qua sự can đảm đầu tư để mở công ty lớn mạnh như Microsoft, HP, Dell, v.v...
- Từ Anh ngữ như “you” và “I” giúp người trẻ (hay thấp vị) có nhiều tự tin trong giao tiếp với người lớn tuổi, khác phái, mới quen hay cao vị.
- Nhiều hoạt động tôn giáo giúp tín đồ phát huy phong cách con người và khả năng giao tiếp như hoạt động nhóm, thuyết trình và giảng đạo, và thuyết phục người mới vào đạo.
 
Những điều trên cho thấy xây dựng được một đất nước tự do dân chủ, chính quyền minh bạch cao, có nền kinh tế thị trường, người dân có niềm tin cao vào khả năng của chính quyền trong sự tôn trọng tuyệt đối quyền sở hữu cá nhân, và doanh nghiệp hoạt động với tiêu chí thành thật, đạo đức, là một mục đích lâu dài nếu Việt Nam muốn tạo được một môi trường tốt cho mọi người dân tự phát huy những khả năng trừu tượng và từ đó tạo được nhiều tổ chức kinh tế lớn giàu mạnh.
 
Khả Năng Hội Nhập Thế Giới
 
Nhóm khả năng hội nhập thế giới gồm có kiến thức trung thực về thế giới và khả năng Anh ngữ cao. Kiến thức trung thực là kiến thức khách quan từ những học giả nổi danh của thế giới và không có vụ lợi hay tham vọng về chính trị hay kinh tế ở Việt Nam, gồm kiến thức về những cơ quan lãnh đạo của thế giới ( Liên Hiệp Quốc - United Nations, Ngân Hàng Thế Giới - World Bank, Tổ chức thương mại thế giới - WTO, WHO, Vatican, Mecca, thị trường chứng khoán lớn, v.v… ), kinh tế thế giới, chính quyền của những cường quốc, những nước có tài nguyên Việt Nam cần hay là bạn hàng quan trọng của Việt Nam, những tư tưởng kinh tế chính trị lớn, những nền văn hóa thành công, những sắc tộc đông dân số, những tôn giáo đông tín đồ, những ngôn ngữ nhiều người nói, v.v...
Chương trình phổ thông và Đại Học của Việt Nam cần có nhiều môn trung thực về thế giới để giúp người Việt có cái nhìn cao rộng, có thể quyết định chính sát là mình nên đi về đâu, và làm sao cạnh tranh được với thế giới.
 
Để giao tiếp với thế giới, người Việt cần giỏi tiếng Anh, một ngôn ngữ chung của thế giới.
 
Tiếng Anh phải ở trình độ cao đủ để xã hội có thể dùng được. Nếu không, người học từ từ sẽ quên đi những gì đã học. Ở cấp 3, học sinh giỏi phải giao tiếp được với người nước ngoài, nghe và hiểu được Anh ngữ từ radio và tivi nước ngoài; ở cấp Đại Học, phải nói và viết được tiếng Anh chuyên ngành; và ở cấp cao học, phải thuyết trình được và tranh luận những đề tài chính trong ngành.
Hiện tại Việt Nam là một nước với thu nhập đầu người rất thấp, chưa có những công ty độc lập giàu mạnh ở tầm cỡ quốc tế, và chưa có địa vị cao trên thế giới. Điều này cho thấy khả năng hội nhập thế giới của Việt Nam cần phải được nâng cấp thật nhiều. Song song với việc đào tạo khả năng tạo tổ chức, người Việt cần nâng cấp khả năng tiếng Anh và có sự hiểu biết trung thực về thế giới để chóng tiến lên như Singapore và Hồng Kông.
 
Lời Kết
 
Trong ba thập niên qua Việt Nam vẫn còn là một nước nghèo vì có một nền Giáo Dục thấp kém. Kết quả là người Việt không tạo được những tổ chức kinh tế độc lập lớn mạnh và chỉ đi làm gia công cho người nước ngoài hay làm ruộng cổ điển với thu nhập thật thấp. Việt Nam cần có một cuộc cách mạng về giáo dục sớm để tạo được những tổ chức kinh tế lớn có thể cạnh tranh được với thế giới. Nếu không, người Việt sẽ không tự chủ được chính mình về kinh tế, tiếp tục làm gia công cho công ty nước ngoài với đồng lương rẻ mạt, và có một tương lai mù mịt , mặc dù đã được vào Tổ chức thương mại thế giới - WTO.
 
GS TS Trần Văn Hiển
Đại Học Houston - Clear Lake, Texas, Hoa Kỳ

Số lần xem trang : 15002
Nhập ngày : 15-02-2010
Điều chỉnh lần cuối : 09-03-2010

Ý kiến của bạn về bài viết này


In trang này

Lên đầu trang

Gởi ý kiến

  Giáo dục-Phát triển

  Mười đặc điểm của trường Đại học nghiên cứu hiện đại(18-12-2013)

  Ngô Bảo Châu đối thoại và suy ngẫm(16-09-2011)

  Những nhân tố tạo nên đức tính của người Nhật(01-04-2011)

  Vì một nền giáo dục trung thực, lành mạnh và hiện đại(01-04-2011)

  Chúc mừng ngày Nhà giáo 20/11/2010(18-11-2010)

  Hễ người giỏi là chúng tôi mời gọi(10-09-2010)

  Kiểm lại một số ý kiến góp về việc học(15-04-2010)

  NGND. GS.TS. Mai Trần Ngọc Tiếng đã về cõi vĩnh hằng(21-01-2010)

  Nên ưu tiên gì cho Chiến lược phát triển giáo dục? (18-01-2010)

  Quá trình phát triển giáo dục đại học ở Nhật và những bài học(14-01-2010)

Trang kế tiếp ... 1 2 3

Họ tên: PGS.TS. Phạm Văn Hiền. Bộ môn Sinh lý-Sinh hóa, khoa Nông học. Nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Nông Lâm Tp HCM. Nguyên Giám đốc Phân hiệu Ninh Thuận. Đc: 16/17 đường 49, Quận 2, TP. Hồ Chí Minh Email: pvhien@hcmuaf.edu.vn Mobi: 0913464989

Thiết kế: Quản trị mạng- ĐHNL 2007