Trang website PHẠM VĂN HIỀN

Trang chủ NLU | TTTH | Trang nhất | Sơ đồ trang | TRANG WEBSITE PHẠM VĂN HIỀN - BỘ MÔN SINH LÝ SINH HÓA, KHOA NÔNG HỌC - NGUYÊN PHÓ HIỆU TRƯỞNG TRƯỜNG ĐẠI HỌC NÔNG LÂM TP.HCM - NGUYÊN GIÁM ĐỐC PHÂN HIỆU NINH THUẬN.
Thống kê
Số lần xem
Đang xem 8
Toàn hệ thống 1337
Trong vòng 1 giờ qua
Trang liên kết

TẠP CHÍ NÔNG LÂM

Email

PHÒNG SAU ĐẠI HỌC

Em trai Phạm Văn Hậu

Genetic Resources Policy

Initiative

IFSAFarming Systems

Association

Hai người bạn "đời" thuỷ chung

Thành viên

Email:
Password

Nội dung

  Phạm Văn Hiền

Về việc học, nền học vấn và hệ thống giáo dục nước ta còn nhiều bất cập là nỗi trăn trở của nhiều nhà giáo dục và bức xúc của toàn xã hội. Bài viết "Kiểm lại một số ý kiến góp ý về việc học" của tác giả Bùi Trọng Liễu đăng trên Vietsciences là một khảo luận để chúng ta cùng suy ngẫm.

 

Vietsciences-Bùi Trọng Liễu              14/04/2010

 

Tháng 4/1987, giáo sư Phan Đình Diệu và tôi có viết chung một bài báo, với đầu đề là «Góp ý kiến về việc học», đăng trên báo Tổ Quốc số tháng 11/1987, rồi báo Nhân Dân đăng ngày 27/12/1987 và báo Tuổi Trẻ đăng ngày 29/11/1987. Những ý đăng trong bài đó cũng là những ý mà mỗi người chúng tôi «điều trần nội bộ» với những vị có thẩm quyền. Đã hơn 6 năm qua. Tôi muốn trích lại những điều chính phát biểu trong bài đó, và - để kiểm điểm so sánh với hiện nay - tôi xin ghi kèm theo «lời bình» những gì đã được thực hiện, những gì chưa đạt được, những gì còn giá trị, những gì đã lỗi thời. Những lời bình này là của riêng tôi, nhưng tôi tin rằng giáo sư Diệu cũng chia sẻ với tôi. (Dưới đây, các phần trích dẫn sẽ in bằng chữ nghiêng).

 

(Trích bài đăng năm 1987 kể trên:)

 

Vấn đề «đất nước phát triển, xã hội tiến bộ, cuộc sống văn minh và hạnh phúc» gắn liền với vấn đề «trí tuệ », nghĩa là gắn liền với vấn đề « học » [...]. I. Mục tiêu của việc học.

(Trích bài 1987:)

 

Trước hết, cần nhắc lại mấy mục tiêu của việc học:

1.- Mục tiêu thứ nhất là tạo lập một cơ sở tri thức, văn hoá cho con người và xã hội.

 

a/ « Học » là một đòi hỏi của xã hội, bởi vì một xã hội tiến bộ chỉ có thể là tập hợp của những con người có trình độ hiểu biết cao.

 

b/ « Học » là một nhu cầu tri thức của mỗi cá nhân: nhu cầu đó cần được đáp ứng vì nó dựa trên quyền được hiểu biết của mỗi người.

2.- Mục tiêu thứ nhì là việc đào tạo chuyên môn nghề nghiệp:

   a/ Đào tạo chuyên môn nghề nghiệp để đáp ứng cho các khu vực sản xuất, kinh tế, hành chính và cho các hoạt động xã hội khác của đất nước.

   b/ Cho mỗi cá nhân một (hay những) chuyên môn nghề nghiệp, để mưu cuộc sống (và để thực hiện vai trò của mình trong chỗ đứng của mình trong xã hội).

Hai mục tiêu đó tạm gọi tắt là mục tiêu « kiến thức » và mục tiêu « nghề nghiệp » quan hệ với nhau, nhưng phải được phân biệt, và không nên xem  là đồng nhất.

Lời bình (1993): Hai mục tiêu đó, ngày nay đã được chấp nhận, và trở thành bình thường. Nhưng nếu áp dụng vào nền đại học, tôi thiết tưởng cần nêu lại « sứ mạng » của nền đại học thời nay: truyền bá sự hiểu biết, thông tin khoa học và kỹ thuật, mở rộng văn hoá, nâng cao trí tuệ và tính độc lập suy nghĩ, hợp tác quốc tế và hoà nhập vào sự tiến triển chung của thế giới, (hoà với việc) đào tạo nghề nghiệp .II. Vài điểm về việc học trong thời đại ngày nay.

(Trích bài 1987:)

1.- Trong sự phát triển của một nước, trình độ văn hoá, khả năng học hỏi và sự hiểu biết chung của quần chúng, cũng như của lãnh đạo, đóng một vai trò quan trọng, chứ vấn đề không chỉ phụ thuộc vào có bao nhiêu kỹ sư, bác sĩ, giáo sư, vv. Với sự phát triển nhanh chóng của khoa học, kỹ thuật, yêu cầu hiểu biết chung để trở thành một người « có văn hoá », một xã hội « có văn hoá » càng ngày càng cao [...]

2.- Không thể tách rời trình độ đào tạo nghề nghiệp trong một nước ra khỏi trình độ chung của thế giới: thời đại hiện nay là thời đại của trao đổi, phân công, cạnh tranh. Cần phân biệt tư tưởng « không ỷ lại » với tư tưởng sai lầm « tự cấp, tự túc » đưa đến việc đóng cửa và dàn đều ở một trình độ thấp, chất lượng kém. Trong đào tạo nghề nghiệp ngày nay, cũng như trong vấn đề sản xuất, cần có lựa chọn trọng điểm, trọng tâm và bảo đảm chất lượng cao.

3.- Phải phân biệt giữa ba vấn đề : học, học vị và vị trí nghề nghiệp trong xã hội. Mặc dù ba vấn đề đó liên quan mật thiết với nhau, không thể lẫn lộn hoặc để nhập nhằng rằng cứ học là sẽ có học vị, cứ có học vị là sẽ có vị trí nghề nghiệp. Nếu không thì học vị sẽ không đánh giá đúng trình độ hiểu biết, và vị trí nghề nghiệp sẽ không tương xứng với thực lực. Và từ đó sẽ xảy ra sự hỗn loạn trong phát triển và sử dụng trí tuệ. Sự hỗn loạn đó sẽ có những hậu quả rất lâu dài, kéo theo những hỗn loạn khác trong kinh tế, luân lý, xã hội, văn hoá, vv.

Lời bình (1993): Những điểm nêu lên thời đó, ngày nay đã được coi như sự tất nhiên. Và ngôn ngữ « rào trước đón sau » cần thiết cho thời đó, ngày nay có thể làm cho người đọc mỉm cười. Nhưng cần nói thêm rằng bài chúng tôi viết từ tháng 4/1987, mãi sáu tháng sau mới được đăng, có lẽ do sự quá thận trọng của một số cán bộ. Không khí hiện nay so với thời đó, đã khác nhiều. Phải chăng, đấy là bằng chứng của một sự tiến bộ?III. Nhìn lại việc học của ta trong thời gian qua.

(Trích bài 1987:)

1.- Có ý cho rằng người Việt Nam ta vốn có truyền thống « hiếu học ». Từ xưa đến nay, hầu hết mọi gia đình, dù phải thắt lưng buộc bụng, thường cố gắng cho con cháu mình được học hành càng cao càng tốt, nếu không được học thì không thoả mãn. Mặt khác, quá khứ  và hiện tại cho thấy là khả năng tiếp thụ trong việc học của người Việt Nam không phải là nhỏ. Nhưng cần xem lại cách tổ chức học và cách phát huy sự hiểu biết, trong từng giai đoạn, có phù hợp với nhu cầu phát triển xã hội không.

2.- Xưa kia, từ ngày có học hành thi cử cho đến cuối thế kỉ 19, tổ tiên ta luôn luôn quan niệm vấn đề thi cử như là một biện pháp tuyển lựa một số người (quan lại) cho guồng máy hành chính nhà nước (khác với quan niệm thi cử để đánh giá một trình độ kiến thức). Như vậy có nghĩa là người Việt Nam thuở xưa đã quan niệm bằng cấp dính liền với một nghề nghiệp vào « biên chế » (quan lại). Tuy nhiên, thời xưa, tuy số người đỗ ít, nhưng số người « học để đi thi » đông, cho nên phần nào tỷ số người có một trình độ văn hoá so với dân số cũng không đến nỗi thấp quá. Nhưng vì mục tiêu « kiến thức » của vấn đề « học » bị coi nhẹ, cho nên người đương thời không đủ sức để tự tạo nên sự tiến bộ cho xã hội mình, mà cũng không đủ sức để tiếp thụ nổi cái mới tự bên ngoài. Những đau khổ mà dân tộc ta phải chịu đựng từ thế kỉ 19 đến một quá khứ gần đây, phải chăng cũng có phần là hậu quả của việc thiếu những kiến thức của thời đại khi cần thiết?

Lời bình (1993): Nối tiếp truyền thống của kẻ sĩ thuở xưa, chúng tôi đem gương đời trước để minh hoạ cho những ý phát biểu cho ngày nay. Tôi xin được nêu thêm hai điểm của một vấn đề: Một số người Việt Nam thường đổ lỗi cho nhà cầm quyền thế kỉ 19 (nghĩa là triều đình Huế) về tội để mất nước, với lý do rằng nhà cầm quyền thời đó không biết những kỹ thuật mới của phương Tây. Tôi nghĩ hơi khác. Ngay từ đời trước đó, nhà cầm quyền đã biết, chứ không phải không biết, những thành tựu mới của phương Tây. Vài thí dụ nhỏ: việc Lê Chiêu Thống (thế kỉ 18) lúc cầm cự với Tây Sơn, dùng ống viễn kính khi ra trận (Hoàng Lê Nhất thống chí, hồi thứ 11), việc Gia Long đóng tàu chiến, đúc súng, xây thành kiểu phương Tây vv. Nhưng những sự hiểu biết đó chỉ gói trong phạm vi của mấy nhà cầm quyền, còn dân chúng thì hoàn toàn chìm đắm trong sự không biết. Đó là điểm thứ nhất. Mặt khác, nhà cầm quyền thời đó tự cho rằng mình có đủ văn minh rồi (thể chế, cách trị nước, nền nếp xã hội, văn học, học vấn, vv.), chỉ thiếu một chút kỹ thuật mà thôi, cho nên các vị đó mới không nhìn nhận sự cần thiết tìm hiểu những mô hình xã hội, cách sống, cách làm, cách học vv... ở nơi khác. Đó là điểm thứ hai. Cho nên tôi nghĩ rằng sự thất bại của ta ở thế kỉ 19 là sự thất bại về trí tuệ, chứ không phải chỉ là sự thất bại vì kỹ thuật thôi. Nếu rút kinh nghiệm cho ngày nay, có thể nói rằng sự học hành được tự do, dân trí cao, sự thông tin được phổ biến trong dân chúng, sự trao đổi ý kiến được bảo đảm rộng rãi, chính là những « vũ khí » cần thiết để bảo vệ cho độc lập dân tộc, cho dân sinh hạnh phúc.

3.- (Trích bài 1987:) Những ngày đầu sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, phong trào chống nạn mù chữ đã đáp ứng được nhu cầu của thời đó, góp phần nâng trình độ giác ngộ của quần chúng. Những cố gắng trong việc tổ chức việc học thời đó hẳn đã góp một phần không nhỏ vào sự thắng lợi của cuộc kháng chiến lần thứ nhất. Sau 1954, trong thời kỳ kiến thiết, để từ chỗ « không có » đến đào tạo để « có » (cán bộ cho mọi ngành cần thiết), rồi sau đó trong thời kỳ chiến tranh chống Mỹ, hệ thống đại học được sắp xếp ngả theo mục tiêu nghề nghiệp và theo con số (trên nguyên tắc) phù hợp với kế hoạch nhà nước, được phân công và sử dụng theo nhu cầu. Cách tổ chức này đã đáp ứng được nhu cầu của một thời đã qua. Đó là những thành tựu của các giai đoạn đã kể trên.

4.- Ngày nay, tình hình và nhu cầu của đất nước đã thay đổi. Trong ý chí muốn phát triển, để bảo đảm và nâng cao mức sống, để đáp ứng được những đòi hỏi của xã hội và nguyện vọng của quần chúng, để theo kịp trào lưu tiến triển của thế giới, cách tổ chức việc học của ta cần được thay đổi. Trong cách tổ chức việc học của ta hiện nay, có một số điểm cần được xem xét lại như sau:

[...] b/ Nguyên tắc kế hoạch hoá chi li toàn bộ việc học, nguyên tắc Nhà nước bao cấp toàn bộ việc học và phân công, quan niệm học vị nặng nề, không những không đáp ứng được những nhiệm vụ thực sự của đất nước, mà còn có những hiệu quả tiêu cực như:

-b.1/ Hạn chế việc học [...], và tạo những bất công trong tuyển sinh.

-b.2/ Không bảo đảm được chất lượng và không nâng cao được trình độ chuyên môn vì học lực của một số học sinh, vì Nhà nước không đủ khả năng vật chất đầu tư trang bị và bồi dưỡng cán bộ,  vv...

-b.3/ Không hợp lý trong vấn đề phân phối, sử dụng cán bộ, không đáp ứng được nhu cầu cán bộ cho địa phương.

 Lời bình (1993): Về điểm b.1/ , chúng tôi muốn đặc biệt nói tới « vấn đề lý lịch » trong việc học, mà nay đã được xoá bỏ. Còn các điểm b.2/ và b.3/ vẫn còn tồn tại.

 

IV. Một số đề nghị.

 

(Trích bài 1987:)

 Để khắc phục những thiếu sót nói trên, [...] cần có sự đổi mới cách tổ chức hệ thống học của ta. Dưới đây, chúng tôi xin nêu một số đề nghị, chủ yếu đề cập việc học ở mức đại học.

1- Nên lập hai hệ thống học (ở mức đại học và cao đẳng chuyên môn) cùng do Nhà nước quản lý:

 

Một hệ thống (tạm gọi là hệ thống A) tuyển sinh chặt chẽ khi vào học, với một số hạn chế sinh viên, hoàn toàn do Nhà nước trang bị và bao, và bảo đảm phân phối việc làm sau khi tốt nghiệp. Một hệ thống (tạm gọi là hệ thống B) mở rộng cho mọi người khác, miễn là có trình độ học, phải trả học phí, cấp học vị khi thi đỗ, Nhà nước chỉ kiểm tra chương trình học và độc quyền trong việc phát học vị, mà không bảo đảm phân phối công việc làm.

 

Hệ thống A chủ yếu bảo đảm được phần tối thiểu cần thiết về nhu cầu cán bộ trong biên chế của guồng máy kinh tế, sản xuất, hành chính của Nhà nước.

 

Hệ thống B góp phần:

a/ Giải quyết mục tiêu nâng cao trình độ văn hoá chung cho cả nước, thoả mãn nguyện vọng « học » của mọi người, đồng thời mang lại sự công bằng trong việc học.

b/ Cung cấp cán bộ cho mọi thành phần kinh tế, xã hội...: địa phương hay trung ương, cá thể hay quốc doanh, đồng thời là một nguồn dự trữ người có kiến thức để kịp thời hiệu chỉnh các kế hoạch nhà nước khi cần thiết.

c/  Cho  phép  nâng  cao  được  chất  lượng  chuyên  môn  nghề nghiệp của tất cả mọi thành phần trong xã hội, kể cả trong biên chế nhà nước [...]

d/ Phục hồi, mở thêm và nâng cao giá trị một số ngành học gần với « khu vực thứ ba » (dịch vụ và thông tin) như các ngành luật, kinh tế, thương mại, sinh ngữ, văn khoa, khoa học xã hội vv... Khu vực này tạo ra nguồn thu nhập ngày càng lớn, trong khung cảnh « mở cửa » làm ăn với thiên hạ vv...

 

Lời bình (1993): Hệ thống A và hệ thống B hiện hành trong nước không hoàn toàn giống như chúng tôi gieo ý. Nhưng đấy cũng là lẽ thường, bởi vì môi trường thay đổi, xã hội thay đổi, thì hệ thống giáo dục cũng phải thay đổi sao cho phù hợp. Về điểm d/, với sự đang phục hồi và đang mở thêm các ngành học liên quan đến « khu vực thứ ba » (secteur tertiaire, còn gọi là « khu vực dịch vụ và thương nghiệp »), trong đó có ngành quản lý, tôi nghĩ rằng cần một sự thận trọng về chất lượng cũng như về số lượng, để tránh một sự « ồ ạt » hôm nay có thể dẫn đến một sự « vỡ mộng » (désillusion) ngay mai.

2.- (Trích bài 1987:) Trong hướng tổ chức nói trên, đề nghị tiến tới xoá bỏ các loại « chiếu cố » trong việc tuyển sinh. Chiếu cố, nâng đỡ, từ nay chỉ ở mức tạo điều kiện vật chất (cấp học bổng), còn việc nhập học thì hệ thống B đã mở rộng cho mọi người.

 

Lời bình (1993):  Đề cập đến các loại « chiếu cố » đây là đề cập đến vấn đề lý lịch và vấn đề ưu tiên cho một số loại người trong việc học. Đã bỏ được các loại « chiếu cố » này, là một trong những tiến bộ lớn. Nhưng hiện nay, lại xuất hiện một nguy cơ mới cần được theo dõi: đó là nguy cơ ưu tiên vì có phương tiện tiền bạc, dẫn đến một loại bất công mới.

 

3.- (Trích bài 1987:) Các học vị là những bằng cấp chứng nhận mức độ hiểu biết của những người thi đỗ. Việc cấp học vị phải có tác dụng khoa học, chỉ cấp học vị cho những người có trình độ học vấn tương xứng, chứ dứt khoát không có vấn đề chiếu cố. Mặt khác, cần xem học vị đánh giá sự hiểu biết để có thể đưa con người vào lao động, chứ không phải là một thứ huân chương, lại càng không được xem là  căn cứ vĩnh viễn để sắp xếp con người vào vị trí và chức vụ nghề nghiệp. Với quan niệm  như vậy về học vị, nên xem lại chế độ học vị « trên đại học » ở nước ta. Chúng tôi đề nghị thi hành chế độ một học vị (tiến sĩ) thay cho chế độ hai học vị (phó tiến sĩ và tiến sĩ) hiện nay.

 

Lời bình (1993):  Đối với tôi, cụm từ « sau (trên) đại học » là một cụm từ « không ổn », (phải dùng thời đó là một sự bất đắc dĩ) bởi vì thông thường ở nhiều nước, mọi bằng cấp đại học đề nằm « trong » đại học, kể cả học vị tiến sĩ. Theo tôi hiểu, vì hệ thống đào tạo của các nước xã hội chủ nghĩa mà nước ta chịu ảnh hưởng lúc đó, việc đào tạo đại học được tổ chức tuột một chặng 4 hay 5 năm rồi chứng nhận đã « tốt nghiệp đại học », và vì hệ thống nghiên cứu (viện hàn lâm và các cơ quan phụ thuộc) rất lích kích và phức tạp, cho nên mới có khái niệm « sau đại học ». Ngày nay, ở ta đã có sự chấp nhận nguyên tắc phục hồi các bằng cấp « từng chặng » và « có tên » như cử nhân, vv... (mà tôi có góp phần khi ý khi kiến nghị thành lập Trung tâm đại học dân lập Thăng Long). Như vậy, phải chăng cụm từ « sau đại học » đã lỗi thời? [...]

 

4.- (Trích bài 1987:) Trong khung cảnh tổ chức nói trên, dần dần tiến tới việc thay thế hình thức « phân công công tác » (với tất cả sự tuỳ tiện đã thấy) bằng hình thức « tuyển lựa sử dụng » như ở các nước đã phát triển vẫn làm. Hình thức « tuyển lựa sử dụng » trước hết là sự công khai kêu gọi rộng rãi « thí sinh » nộp đơn khi có một chỗ làm, rồi dựa trên học vị để nhận đơn hay không (học vị là một thứ bảo đảm tối thiểu về trình độ) rồi sau đó mới tiến hành lựa chọn hơn kém (vừa công bằng vừa tối ưu hoá được mọi mặt: dùng những người giỏi nhất, ít lãng phí trong việc đào tạo vv...). […] (Cách làm đó khác với hình thức thi tuyển thấp, ngưng ở mức độ thi tuyển học sinh từ trung học vào đại học, rồi sau đó sự phân công công tác hầu như là hiển nhiên, vì vậy mà dễ tuỳ tiện).

 

Lời bình (1993):  Ngày nay, ý thay thế « phân công công tác » bằng « tuyển lựa sử dụng » đã được coi là chuyện tự nhiên. Nhưng « tuyển lựa sử dụng » áp dụng trong cụ thể như thế nào, còn là con đường dài. Nhân đây, tôi xin được đề cập đến cách tuyển lựa giáo viên, hay nói chính xác hơn, tôi muốn đề cập đến vấn đề các trường đại học sư phạm mà sự tồn tại biệt lập có lẽ là một sự trở ngại cho việc cải cách giáo dục. Phải chăng vấn đề đào tạo giáo viên có thể giải quyết được bằng cách đã kể trên (tuyển lựa từ những người đã tốt nghiệp đại học, rồi sau đó có được đào tạo thêm về phương pháp giảng dạy), bảo đảm được chất lượng cao hơn, đồng thời đỡ tốn kém và ít lãng phí về thời gian và chất xám (theo nghĩa không mất nhiều thời gian học những môn không có ích trong hằng bốn năm năm) hơn?

[...]

   

V. Kết luận.

(Trích bài 1987:) (...) Chúng tôi mong rằng, trong công cuộc đổi mới hiện nay, việc học sẽ được Nhà nước và toàn dân quan tâm đầy đủ, có chính sách tích cực và được đầu tư thích đáng từ mọi nguồn xã hội.

 

Lời bình (1993): « Đầu tư thích đáng » thì chưa có, nhưng « từ mọi nguồn của xã hội » thì đã chớm nở: Nguyên tắc trường công lập, bán công, dân lập, tư lập đã được công bố, nhưng hình thức và qui định đã phù hợp chưa, còn là một vấn đề đáng được đưa ra thảo luận rộng rãi.

 

 

Để kết luận chung, tôi nghĩ rằng phê bình suông thì dễ, thực hiện một-giải-pháp-sao-cho-có-hiệu-quả thì khó. Có người lại cho tôi là « bất cơ » (theo định nghĩa của Tư Mã Thiên, sử gia thế kỉ 2 trước Công nguyên: « bất cơ » là không biết buộc mình theo tập tục, và vượt ra ngoài lề thói). Nhưng tôi không có thành kiến và tôi biết những giới hạn của mình, cũng như tôi hình dung những khó khăn mà trong nước gặp phải: vì thế, tôi đánh giá cao những thành tựu, nêu lên những điều không hợp lý, dè dặt trước những điều không rõ, đề nghị những giải pháp khi có thể, trong tinh thần xây dựng. Và tôi đã cố gắng viết bài này trong sự thận trọng và sự trân trọng.

 

 

[1] Bài đăng trong Nhân Dân Chủ Nhật 24/10/1993,  và  Tuổi Trẻ Chủ Nhật 11/1993 trích đăng phần IV

Số lần xem trang : 15016
Nhập ngày : 15-04-2010
Điều chỉnh lần cuối : 15-04-2010

Ý kiến của bạn về bài viết này


In trang này

Lên đầu trang

Gởi ý kiến

  Giáo dục-Phát triển

  Thông báo khóa học “Phương pháp viết bài báo khoa học và công bố quốc tế”(13-04-2014)

  Mười đặc điểm của trường Đại học nghiên cứu hiện đại(18-12-2013)

  Ngô Bảo Châu đối thoại và suy ngẫm(16-09-2011)

  Những nhân tố tạo nên đức tính của người Nhật(01-04-2011)

  Vì một nền giáo dục trung thực, lành mạnh và hiện đại(01-04-2011)

  Chúc mừng ngày Nhà giáo 20/11/2010(18-11-2010)

  Hễ người giỏi là chúng tôi mời gọi(10-09-2010)

  Nên học nền giáo dục Mỹ những điểm nào - GS TS Trần Văn Hiển(15-02-2010)

  NGND. GS.TS. Mai Trần Ngọc Tiếng đã về cõi vĩnh hằng(21-01-2010)

  Nên ưu tiên gì cho Chiến lược phát triển giáo dục? (18-01-2010)

Trang kế tiếp ... 1 2 3

Họ tên: PGS.TS. Phạm Văn Hiền. Bộ môn Sinh lý-Sinh hóa, khoa Nông học. Nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Nông Lâm Tp HCM. Nguyên Giám đốc Phân hiệu Ninh Thuận. Đc: 16/17 đường 49, Quận 2, TP. Hồ Chí Minh Email: pvhien@hcmuaf.edu.vn Mobi: 0913464989

Thiết kế: Quản trị mạng- ĐHNL 2007