Phạm Văn Hiền Tri ân Cố doanh nhân - Người Thầy không bục giảng Phạm Văn Bên.
Nhớ về “Người thầy không bục giảng” nhân ngày 20 - 11 - 2020
Ngược dòng thời gian, ngày 19 - 11 - 1955 Trường Quốc gia Nông Lâm Mục (Nay là Trường Đại học Nông Lâm Tp. Hồ Chí Minh, ĐHNL) được thành lập theo Nghị Ðịnh số 112-BCN/NÐ của Bộ Canh Nông. Trong không gian xanh của Trường ĐHNL ngày nay có một Ký túc xá nhỏ xinh, sạch đẹp mang ý nghĩa nhân văn lớn. Đó là Ký túc xá Cỏ May.
Nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20 - 11, thăm và chúc mừng thầy/cô giáo là một nghĩa cử cao đẹp của bao thế hệ học trò dưới mái trường ĐHNL, riêng tôi lại sâu lắng một người thầy sau 5 năm của hơn 500 sinh viên thuộc năm khóa học tại KTX Cỏ May từ khóa 1 (2016). Đó là Người “Thầy không bục giảng”.
Thay mặt cho các em, tôi viết đôi dòng thay cho Lời tri ân về Ông và gia đình ông tại Sa Đéc, Đồng Tháp.
Ông là một con người đáng kính, có trái tim nhân hậu, một nhân cách lớn - Cố doanh nhân Phạm Văn Bên.
Nhớ lại ngày gặp Ông lần đầu cách đây 6 năm tại một quán cà phê góc phố thuộc Quận Thủ Đức, TpHCM dáng người miền Tây đen sạm sương gió, nhỏ nhắn, phúc hậu kể cho tôi nghe cuộc đời gian khổ kiếm sống, ăn học trên đất Sài Gòn ngày xưa; luân trầm trong kinh doanh xà phòng Cỏ May, thành đạt trong kinh doanh lương thực, thức ăn cho chăn nuôi và trở thành doanh nhân Sao Vàng đất Việt, Doanh nhân tiêu biểu, Doanh nhân APEC; và nhiều nhiều nữa nhưng khúc ngoặt của dòng sông cuộc đời, kể cả những phút giây buồn rã rời khi “thần chết” gọi tên do căn bệnh ung thư quái ác và “một ý tưởng lạ đời” để “trả nợ bá tánh” thời Ông gian khổ.
Ông trầm tư kể lại chuyện ngày xưa, đôi mắt sáng nhìn qua tôi rồi dừng lại châm điếu thuốc, kéo một hơi dài và thả làn khói trắng vào hư vô trên bầu trời chiều thu Thủ Đức ngày ấy! Cơ duyên chúng tôi gặp nhau, âu cũng là duyên và nợ cuộc đời, có khi là nhân duyên kiếp trước, ông đã từng nói vậy với tôi và không ít người nói chúng tôi như hai anh em đồng tộc Phạm Văn, chợt nhớ gần đây tôi được mấy em KTX Cỏ May giới thiệu là PGS.TS. Phạm Văn Bên lên hát bài “Tình cha” nhân ngày nhập học của các em vào KTX Cỏ May, tôi chết lặng người, một dòng cảm xúc cay cay buồn lan chảy vào tim.
Một ý tưởng lạ đời, “Giúp từng con người là việc tốt. Nhưng nghĩ lại, giúp như vậy chưa giải quyết căn cơ của xã hội, tôi muốn làm một cái gì đó căn cơ hơn, tạo một thế hệ có tâm, có tài và lịch lãm hơn” Ông trăn trở!
Từ đó, ý tưởng về một ký túc xá hoàn toàn miễn phí cho sinh viên nghèo hiếu học đã ra đời. KTX không chỉ lo ăn ở, sinh viên còn được đào tạo các kỹ năng mềm để giúp các em hoàn thiện bản thân. Đây có lẽ là ý tưởng làm từ thiện “lạ đời, chưa từng có” tại Việt Nam do một cá nhân đứng ra khởi xướng.
Ký túc xá xây 4 tầng, 54 phòng đầy đủ phương tiện và sinh hoạt cho 432 sinh viên, đối tượng sinh viên ở ký túc xá được chọn từ các trường đại học công lập, với 2 tiêu chí gia cảnh từ dưới lên, học tập từ trên xuống. Tổng mức đầu tư dự toán được Sở Xây dựng TP. HCM thẩm định 41,7 tỷ, kinh phí xây dựng hơn 31,7 tỷ; và mỗi năm dự kiến khoảng 10 tỷ đồng lo chuyện ăn học cho hơn 400 sinh viên, ông mong được kéo dài ít nhất 20 năm để chăm lo trồng người đến nơi đến chốn.
Ngoài việc lo ăn, ở miễn phí, đóng tiền học, Ông quan tâm đến giáo dục nhân cách, đạo đức con người, đào tạo ngoại ngữ, tin học, kỷ năng sống, kỷ năng giao tiếp, kể cả việc thúc đẩy phát huy năng khiếu của các em như: ca hát, đàn sáo, võ thuật, khiêu vũ, ... nhằm giáo dục, đào tạo ra con người toàn diện, có đạo đức, giỏi chuyên môn, có kỷ năng sống, tạo ra lớp người góp phần xây dựng sự phồn vinh cho đất nước trong tương lai.
Nhà giáo dục lâu nay chúng ta thường hiểu là người hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, có tri thức chuyên môn, am hiểu về giáo dục; có thể là nhà giáo, nhà nghiên cứu, nhà quản lý định hướng thúc đẩy phát triển giáo dục để đào tạo ra con người có ích cho xã hội. Ông Phạm Văn Bên không phải là nhà giáo dục theo nghĩa trên, nhưng ông có cái tâm của nhà giáo dục, có cách nghĩ và hành động thiết thực, hiệu quả vì mục tiêu đào tạo ra con người có đức, có tài cho xã hội. Một con người “tử tế” thể hiện ngay trong suy nghĩ, cử chỉ, hành động và cách sống đạm bạc trong đời thường. Với việc làm và cách nghĩ, ông Phạm Văn Bên trong lòng của tôi, đích thực và xứng đáng là “Người thầy” có trái tim nhân hậu, có quan điểm giáo dục hội nhập, hiện đại và đầy tính nhân văn.
Nhân cuối ngày 20 -11-2020, tôi viết đôi dòng cảm xúc thay mặt các em KTX Cỏ May chân thành, cảm kích và tri ân ông Phạm Văn Bên - “Người Thầy không bục giảng”.
Số lần xem trang : 15077 Nhập ngày : 20-11-2020 Điều chỉnh lần cuối : 28-11-2020 Ý kiến của bạn về bài viết này
Giáo dục-Phát triển Tri ân Người Thầy nhân 20-11-2024(25-11-2024) Phúc âm từ Chị Út Oanh/Bác Út!(18-09-2022) Hè 2022 - Bàu cát trắng - Bàu sen(14-08-2022) Bình minh trên Mũi Né, Bình Thuận - Hè 2022(14-08-2022) Thắp hương đầu Xuân tại Sa Đéc!(15-02-2022) Câu chuyện “độp” xe đầu Xuân!(15-02-2022) (15-02-2022) Câu chuyện chiếc “xe độp” và “xe độp” là một hệ thống(15-02-2022) 40 năm - Thương hiệu Cỏ May(13-11-2021) Bill Gates học để làm(05-06-2017) Trang kế tiếp ... 1 2 3
|