Trang website PHẠM VĂN HIỀN

Trang chủ NLU | TTTH | Trang nhất | Sơ đồ trang | TRANG WEBSITE PHẠM VĂN HIỀN - BỘ MÔN SINH LÝ SINH HÓA, KHOA NÔNG HỌC - NGUYÊN PHÓ HIỆU TRƯỞNG TRƯỜNG ĐẠI HỌC NÔNG LÂM TP.HCM - NGUYÊN GIÁM ĐỐC PHÂN HIỆU NINH THUẬN.
Thống kê
Số lần xem
Đang xem 1311
Toàn hệ thống 1866
Trong vòng 1 giờ qua
Trang liên kết

TẠP CHÍ NÔNG LÂM

Email

PHÒNG SAU ĐẠI HỌC

Em trai Phạm Văn Hậu

Genetic Resources Policy

Initiative

IFSAFarming Systems

Association

Hai người bạn "đời" thuỷ chung

Thành viên

Email:
Password

Nội dung

  Phạm Văn Hiền

Bài viết năm 2007 của GS. Hoang Tụy, nhưng tính thời sự vẫn còn và tham khảo tốt; quan điểm tùy bạn, chúng ta đọc và chắc lọc "vấn đề" bổ túc cho môn học Phương pháp luận nghiên cứu khoa học.

 

Thế nào là một công trình khoa học ?
Hoàng Tụy     01/04/2007

 
 
Trong thời đại toàn cầu hóa, xây dựng khoa học, công nghệ mà tùy tiện, bất chấp chuẩn mực quốc tế thì có nghĩa tự cô lập ta với thế giới, không hợp tác được với ai, không cạnh tranh nổi với ai, tất nhiên sẽ mau chóng  bị loại khỏi cuộc chơi để ngày càng tụt hậu xa hơn.
Đáng buồn đó chính là tình hình thực tế từ hơn hai chục năm nay của chúng ta khiến cho khoa học Việt Nam mãi vẫn chưa vươn lên được, tuy tiềm năng của ta đâu đến nỗi kém cỏi đến vậy.
 
Đánh số nhà là đề tài khoa học: Tự hạ thấp trước thế giới!
 
 
 
Thế nào là một công trình khoa học?
 
Yêu cầu đầu tiên khi xây dựng khoa học là cần hiểu cho đúng thế nào là một công trình khoa học. Trong hoạt động thực tế có nhiều việc muốn làm tốt cần phải nghiên cứu, nhưng không phải bất cứ việc nghiên cứu nào cũng gọi được là công trình khoa học. 
Có những  việc bình thường mà trong tình hình nào đó cần xem trọng và cấp kinh phí đáng kể để nghiên cứu thực hiện thì cũng không sao (như đánh số nhà trong thành phố, ghi lại lịch sử chính phủ bằng hình ảnh, v.v.), nhưng nếu vì thế mà nâng lên thành đề tài khoa học, thậm chí cấp nhà nước, thì không những không thuyết phục được ai mà còn hạ thấp giá trị khoa học của ta trong con mắt quốc tế.
Lại có những việc tuy đòi hỏi hiểu biết khoa học, công nghệ khá phức tạp nhưng trên thế giới đã có sẵn lý thuyết và công nghệ chế taọ rồi (như máy bay nhỏ,  tamiflu, hay chiếc vi tính VT1 trước đây, v.v.), nếu ta phải tự làm và làm được thì rất đáng mừng vì nó chứng minh khả năng của ta (tuy về những mặt khác có thể còn vấn đề phải bàn), nhưng muốn kể là thành tựu khoa học thì cần làm rõ trong đó ta đã phát triển thêm được điều gì mới về lý thuyết hay công nghệ có thể công bố hoặc đăng ký bản quyền trên quốc tế để được thừa nhận.
Cam gọi là cam, quýt gọi là quýt
 
Thật là nhầm nếu nghĩ rằng cái nhãn “nghiên cứu khoa học” có thể làm tôn thêm giá trị, ý nghĩa của một công trình. Có những nghiên cứu khoa học hoàn toàn vô giá trị,  trái lại có những ứng dụng thuần túy nhưng hết sức đáng quý vì có lợi ích to lớn. Vấn đề là cái gì ra cái ấy, cam thì gọi là cam, quýt thì gọi là quýt. Nếu cứ lẫn lộn cái nọ với cái kia thì sẽ gặp khó khăn trong đánh giá, so sánh, và do đó  cạnh tranh, hợp tác, hội nhập.
 
Chính sự nhập nhằng ấy ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng đào tạo và trình độ, năng lực đội ngũ những người làm khoa học (số khá lớn tiến sĩ đã đào tạo trong nước và GS, PGS được công nhận thời gian qua đều cách xa trình độ quốc tế). Đồng thời đó cũng là một nguyên nhân gây lộn xộn trong phân phối đầu tư cho khoa học, khiến 5 năm vừa qua tuy ngân sách khoa học tăng liên tục mà khoa học không có được bước tiến tương xứng, vì phần kinh phí thực tế dành cho khoa học theo đúng nghĩa quá ít.
Với cách xây dựng khoa học xô bồ này, ai cũng có thể tự phong là nhà khoa học, dễ  hiểu là số nhà khoa học của ta đông  gấp 3 Thái lan mà đóng góp  khoa học của ta lại quá kém so với họ.
 
Ai thẩm định? Thế nào là mới?
 
Chuẩn mực quốc tế thông thường của một công trình khoa học.
 
Gần đây trên báo chí trong nước đã có một số nhà khoa học đề cập vấn đề này một cách nghiêm túc ([1], [2].[3].[4]). Chắc chắn các bài ấy cung cấp nhiều thông tin bổ ích cho phần đông các nhà quản lý khoa học và giáo dục của chúng ta, kể cả ở cấp cao. Tôi rất tán thành quan điểm và nhiều nhận định cơ bản trong các bài báo ấy,  tuy nhiên cũng xin góp thêm một số ý kiến, chủ yếu để làm rõ và để tránh hiểu lầm, có thể dẫn đến nhận định thiếu thỏa đáng, một số vấn đề về tình hình khoa học trong nước.
 
Để dễ bàn, sau đây xin giới hạn trong các lĩnh vực khoa học có tính quốc tế như khoa học tự nhiên, kinh tế, y, dược,  v.v.  Dựa theo hiểu biết và kinh nghiệm qua mấy thập kỷ làm việc trong ban biên tập của một số tạp chi quốc tế, tham gia các hoạt động quốc tế về chuyên ngành của mình và trao đổi, hợp tác nghiên cứu, giảng dạy ở một số đại học lớn ở Phương Tây, tôi xin giới thiệu một cuốn sách đã bàn kỹ về các vân đề này, và tuy ra đời gần 20 năm nay nhưng vẫn còn rất thời sự, đó là cuốn “Où va l’université ?” (Đại học đang đi về đâu ?) , Báo cáo của Ủy ban quốc gia Pháp về việc đánh giá các đại học, 1987, do  L. Schwartz, một trong những nhà toán học lỗi lạc của thế kỷ XX, làm chủ tịch. Trong cuốn này có hẳn một  mục (trang 167-152) về “Đánh giá các nghiên cứu khoa học”.
 
Thông thường ở các nước tiên tiến, người ta xem là công trình khoa học những kết quả nghiên cứu đã được công bố dười dạng  bài báo (article) trên các tạp chí khoa học quốc tế. Ở đây tạp chí khoa học quốc tế được hiểu là những tạp chí có cơ chế thẩm định nghiêm túc và được điểm duyệt (review) thường xuyên trên các tạp chí điểm duyệt quốc tế đã được thừa nhận rộng rãi (như Mathematical Review đối với toán).
Cơ chế thẩm định đòi hỏi mỗi bài gửi đăng trên tạp chí, bất kể của ai, kể cả của Tổng biên tập, đều phải được giao cho it nhất hai thẩm định viên (referee), tức là chuyên gia am hiểu cùng lĩnh vực (mà tòa soạn phải giữ kín tính danh để bảo đảm khách quan) xem xét kỹ, về cả nội dung chi tiết, cách trình bày và ngôn ngữ (thường là tiếng Anh) và có nhận xét bằng văn bản, đánh giá bài báo có giá trị đáng đăng hay không, có cần sửa chữa, bổ sung gì trươc khi đăng, hay không đủ giá trị để có thể đăng được.
 
Chỉ cần một referee không chấp thuận cho đăng thì thường bài báo bị từ chối. Không phải chỉ cần bài báo không sai và đưa ra được một kết quả mới là có thể đăng được, mà cái mới ấy còn phải  là một đóng góp thật sự ý nghĩa (significant) thì mới  đáng đăng. “Mới” ở đây là mới so với thế giới, và giá trị của nó phải đạt mức tối thiểu đòi hỏi đối với một công trình khoa học về lĩnh vực đó.
 
Bên cạnh các bài báo đăng trên  tạp chí, còn có các công trình khoa học dưới dạng sách chuyên khảo, tổng kết nhiều nghiên cứu rời rạc trong một lĩnh vực thành lý thuyết, hoặc tập hợp các nghiên cứu của một hoặc nhiều tác giả xung quanh một số chủ đề quan trọng.
Mấy thập niên gần đây, do quy mô nghiên cứu trên toàn cầu tăng lên quá nhanh, số tạp chí quốc tế dù ngày càng nhiều vẫn không đáp ứng yêu cầu đăng kịp thời các kết quả nghiên cứu có giá trị, cho nên hình thức tuyển tập chuyên khảo ngày càng phổ biến.
 
Việc xuất bản các tuyển tập chuyên khảo này cũng phải tuân thủ các nguyên tắc làm việc như các tạp chí quốc tế, nghĩa là cũng có ban biên tập và cơ chế thẩm định nghiêm túc, chỉ khác là không ra đều kỳ. Các tóm tắt báo cáo trong các hội thảo quốc tế, đăng trên các tập kỷ yếu hội nghị, thường không được coi là công trình khoa học nghiêm túc. Tuy nhiên, nếu sau hội thảo một số báo cáo có chất lượng được chọn lọc qua một quy trình thẩm định nghiêm túc để in thành tuyển tập chuyên khảo, thì các báo cáo ấy cũng được kể như các bài báo đăng trên các tạp chí quốc tế. 
 
Đừng sáng tạo cách thẩm định không giống ai! 
 
Trên nguyên tắc thì chặt chẽ như vậy, và phần lớn các tạp chí đều làm việc theo cách đó, nhưng trong thực tế cũng không tránh khỏi nhiều trường hợp thiếu nghiêm túc và thiếu khách quan. Chẳng hạn, lẽ ra chỉ các chuyên gia thật giỏi trong từng lĩnh vực mới được mời thẩm định, song vì các chuyên gia này thường quá bận, nên có nhiều bài, nhất là bài của các tác giả còn vô danh, phải nhờ cả những chuyên gia hạng thường tham gia thẩm định. 
 
Những khó khăn thực tế đó dẫn đến một số trường hợp thẩm định sai, tác giả khiếu nại, tòa soạn phải thẩm định lại. Nhiều trường hợp khác, do những quan hệ quen thân cá nhân nào đó có những bài  chất lượng kém, thậm chí sai căn bản, mà vẫn được đăng. Dù sao những trường hợp như thế cũng không nhiều.
 
Tình trạng phổ biến hơn là bài của các tác giả ở các trung tâm nổi tiếng hay các nước phát triển thường được xử lý nhanh và dễ dàng hơn nhiều so với bài của các tác giả ở các nơi ít nổi tiếng, hoặc thuộc các nước chậm phát triển. Sự bất bình đẳng này, với nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó có phần định kiến sai lệch, đã được một số nhà khoa học quốc tế chỉ trích, bản thân tôi cũng đã có lần đề cập trong một bài phỏng vấn đăng trên tạp chi The Mathematical Intelligencer số 3 năm 1990, song cho đến nay tình hình vẫn chưa được cải thiện gì.
Mặc dù còn có những hạn chế và khiếm khuyết như vậy, song cho đến nay chưa  có cách nào tốt hơn để đánh giá các công trình khoa học trên thế giới.
 
Các hội đồng của ta đang “định lượng” công trình một cách thô thiển
Các tiêu chuẩn đánh giá một nhà khoa học.
 
Đương nhiên  cơ sở chủ yếu để đánh giá trình độ, đóng góp khoa học của một cá nhân hay tập thể là các công trình khoa học.
Khoảng ba bốn chục năm nay, cùng với sự tiến bộ của công nghệ thông tin, đã xuất hiện và ngày càng được phổ biến một loạt tiêu chuẩn định lượng để đánh giá trình độ và mức độ hoạt động của một nhà khoa học.
Thứ nhất, là số lượng bài đã công bố trên quốc tế kể từ khi nhà khoa học bước vào nghề và số lượng bài công bố mấy năm gần đây nhất (thông tin này có  trên mạng và được cập nhật thường xuyên).
 
Chẳng hạn  trong ngành toán, một PGS ở một đại học trung bình ở các nước tiên tiến thường phải có it nhất 10-15 công trình khoa học, một GS  thường phải có 25-30 công trình (đó là ngành toán, hiện nay, còn các ngành khác thì tôi không có thông tin; theo ông Nguyễn Văn Tuấn [1] hiện nay một GS ngành y ở các nước tiên tiến phải có khoảng 50 công trình trở lên ?) . Tuy nhiên, các con số đó chỉ có ý nghĩa định mức xấp xỉ để tham khảo và hơn nữa thường khác nhau tùy nơi, tùy ngành và tùy thời gian.
 
Trước đây nửa thế kỷ một nhà toán học sau 30 năm làm việc mà có 50-60 công trình đã thuộc đẳng cấp cao, còn bây giờ, chắc phải đến 70-80 công trình. Hơn nữa đó chỉ là về mặt số lượng mà ai cũng biết mười bài báo xoàng không bằng một bài báo xuất sắc.
 
Vì vậy khi đánh giá trình độ khoa học, không chỉ số lượng mà chất lượng các công trình mới thật sự quan trọng, mà điều này thì chỉ có các chuyên gia am hiểu mới xác định được, cho nên cuối cùng sự đánh giá định tính của các chuyên gia am hiểu bao giờ cũng là yếu tố quan trọng hàng đầu để cân nhắc. Ý kiến chung của giới khoa học quốc tế là các tiêu chuẩn định lượng cũng giống như, đối với thầy thuốc, nhiệt độ, kết quả xét nghiệm máu của bệnh nhân, đương nhiên cần phải tham khảo nhưng đó không phải mà có khi còn xa mới là tất cả thông tin cần biết. Công trình khoa học không thể cân, đo, đếm máy móc, theo kiểu làm của chúng ta lâu nay trong các hội đồng như Hội đồng chức danh GS, hoặc hội đồng chấm thầu đề tài khoa học. Với cách đánh giá thô thiển đó sẽ không có gì lạ nếu khoa học khó phát triển mạnh, lành mạnh.
Một tiêu chuẩn định lượng thứ hai là chỉ số trích dẫn CI (citations index), tức số lần các công trình, hay tên của nhà khoa học,
được trích dẫn bởi các đồng nghiệp. Gần đây chỉ số CI được quảng cáo nhiều, nhưng chưa có ích lợi rõ  khi xét các hồ sơ khoa học cá nhân. Vì nhiều lý do. Chẳng hạn, có những tác giả trình độ kém, nhưng đăng lọt được nhiều kết quả sai lầm trên một số tạp chí quản lý lỏng lẻo thì rất có thể chỉ số CI của họ cao hơn nhiều người khác chỉ vì các sai lầm của họ được nhiều người nhắc đến để phê phán hoặc tránh.
 
 Tự trích dẫn tràn lan  
 
Một hiện tượng khác làm sai lệch ý nghĩa CI là nhiều tác giả có xu hướng trích dẫn vô tội vạ các công trình của chính mình và của các tác giả nổi tiếng, dù không liên quan gì đến nội dung nghiên cứu trong bài. Bản thân tôi đã từng gặp hai trường hợp tiêu cực như sau.
Năm 1964 trong một bài báo trên Doklady của Liên Xô đã được dịch đăng lại ở Mỹ, tôi có đưa ra một lát cắt để giải quy hoạch lõm, sau đó hai năm một tác giả ở Mỹ dùng lát cắt ấy nhưng thay đổi đôi chút cách trình bày rồi gọi nó là lát cắt lồi (convexity cut). Thế là cái tên này và tác giả của nó cứ được trích dẫn thoải mái, và phải đợi đến hơn mười năm sau những tác giả có uy tín lấy tên tôi đặt tên cho lát cắt ấy, thì từ đó mới có sự trích dẫn đúng đắn, tuy sự trích dẫn sai vẫn còn tiếp tục một thời gian do quán tính.
 
Lại nữa, năm 1974, cũng trong tạp chí Doklady tôi có công bố một định lý minimax tôpô, kết quả này liền sau đó cũng đã được dịch đăng lại ở Mỹ, và được một số tác giả sử dụng. Nhưng năm 1986 tôi tình cờ phát hiện kết quả ấy được “phát minh” lại nguyên xi, chỉ thay đổi toàn bộ ký hiệu, bởi hai tác giả Mỹ trong một bài đăng trên tạp chí khá nổi  tiếng Proc. Amer. Math. Soc. số 94 (1984), 337-380.  Khi tôi viêt thư báo cho tòa soạn tạp chí này biết chuyện, thì thật ngạc nhiên họ chỉ trả lời là đã thông báo sự việc cho hai tác giả kia. Rồi mọi chuyện dừng ở đấy, khiến nhiều năm sau vẫn có người tiếp tục trích dẫn kết quả theo bài trên Proc. Amer. Math. Soc. Không còn cách nào khác, cuối cùng tôi đã phải nói rõ việc này trong mấy bài nghiên cứu về minimax. Như vậy chỉ số CI không phải bao giờ cũng đáng tin cậy. Hơn nữa thông tin của hai tổ chức chuyên cung cấp các chỉ số CI là ISI (Inst. of Scientific Ìnformation) và CHI (Computer Horizon Incorporation)  ít khớp nhau do sử dụng các phương pháp tính khác nhau.
 
Vì những lẽ tương tự, chỉ số ảnh hưởng IF (impact factor), phản ảnh tổng số lần các bài báo đăng ở một tạp chí nào đó được trích dẫn, so với tổng số bài đăng trên tạp chí ấy, dù cũng đáng tham khảo vẫn còn nhiều chỗ chưa ổn, nhất là đối với những công trình đòi hỏi phải có thời gian mới thấy hết tầm quan trọng. Cần nói thêm rằng những bảng xếp hạng các tạp chí cũng vậy; chỉ có ý nghĩa tương đối trong từng chuyên ngành hẹp, mà việc phân định rạch ròi các ngành khoa học hiện nay rất khó khăn, do các nghiên cứu liên ngành ngày càng tăng và ngày càng quan trọng. Chẳng hạn, rất nhiều công trình toán đăng ở các tạp chí cơ, vật lý lý thuyết, công nghệ thông tin, toán kinh tế, khoa học quản lý, tối ưu, ..., có thể ít hay không được trích dẫn trong các tạp chí toán nhưng lại có thể được trích dẫn nhiều trong các tạp chí về những ngành có khi rất xa toán. Một trường hợp đáng chú ý là nhà toán học Nash, giải thưởng Nobel về kinh tế năm 1994, được xem là một tài năng toán học lỗi lạc tuy không có nhiều công trình đã đăng hay được trích dẫn nhiều trong các tạp chí toán hàng đầu.
Tóm lại, các chỉ số định lượng còn những mặt hạn chế nên cần được sử dụng thận trọng, tuy đó vẫn là những thông tin tham khảo rất bổ ích.
 
“Danh nhân”, “nhân vật trong năm”… đâu mà nhiều thế ?
 
Khoa học VN đang ở đâu trên quốc tế ?
 
Trong xã hội ta gần đây đã xuất hiện ngày càng nhiều “danh nhân thế giới”, “nhân vật trong năm của thế giới”, “bộ óc vĩ đại của thế kỷ”, “viện sĩ”, v.v. nên nhiều người cứ tưởng Việt Nam chắc phải có nhiều nhà khoa học tầm cỡ thế giới lắm.
Song thật buồn và đáng lo, cái danh với cái thực trong khoa học ở VN  khác nhau quá xa (xem chẳng hạn [3]). Nhiều người đã bị sốc thật sự khi nghe nói nhiều ngôi sao sáng trong làng khoa học VN lâu nay cứ tưởng là bác học lớn, hóa ra trên thế giới chẳng được mấy ai cùng chuyên môn biết đến hoặc đánh giá cao như vậy.
 
Thời Pháp mới chiếm nước ta vài ba thập kỷ, ở nhiều nơi đỗ bằng tiểu học cũng đã được rước về làng theo kiểu “võng anh đi trước, võng nàng theo sau”, rồi đến giai đoạn các ông tú, ông cử tân học được xem như bậc đại tri thức; kỹ sư, tiến sĩ là bác học. Sau này, có lúc tiến sĩ khoa học ở Liên Xô về đều được xem như tài năng xuất chúng, thậm chí có người còn tự phong “thiên tài”. Dễ hiểu rằng khi nhận thức về tài năng kiểu như vậy đã cắm rễ quá sâu thì không thể một sớm một chiều mà thay đổi được, nhất là khi một bộ phận không nhỏ những trí thức ấy đã trở thành quan chức có nhiều ảnh hưởng trong xã hội.
 
 Đố ai biết ta có bao nhiêu khoa học gia tầm cỡ quốc tế
 
 Khi đánh giá trình độ khoa học của một cộng đồng trong khung cảnh toàn cầu hóa, người ta thường để ý xem trong đó có bao nhiêu nhà khoa học tầm cỡ quốc tế (tcqt). Với các tiêu chí định lượng ngày càng được dùng phổ biến, nhiều người cho rằng một nhà khoa học như thế phải có nhiều (chính xác bao nhiêu ?) công trình đăng trên các tạp chí quốc tế hạng cao.
Đương nhiên khi nói tạp chí hạng cao  là đã hàm ý chất lượng, song việc xếp hạng các tạp chí để suy ra chất lượng vẫn chưa được mọi người nhất trí, mà trường hợp Nash là một ví dụ như trên đã thấy.
 
Vì vậy, muốn chính xác hơn thì ngoài tiêu chí định lượng như trên, còn phải xét sự đánh giá định tính của các chuyên gia cùng ngành. Sự đánh giá định tính này được thể hiện nhiều cách như: những nhận xét khách quan kèm theo sự trich dẫn trang trọng trong các chuyên khảo của những tác giả có uy tín, việc được mời tham gia ban biên tập của các tạp chí quốc tế quan trọng, được mời tham gia các ban chương trình quốc tế, hoặc làm các báo cáo chính hay toàn thể (plenary hay key lecture), báo cáo mời (invited lecture) ở các tiểu ban trong các hội nghị khoa học quốc tế lớn (nhưng việc được mời thẩm định một bài báo gửi đăng ở một tạp chí quốc tế thì không thể kể là bằng chứng về uy tín quốc tế, như tôi đã từng nghe báo cáo thành tích của vài nhà khoa học trong nước),  được tặng những giải thưởng quốc tế có giá trị, là tác giả những chuyên khảo nổi tiếng trong ngành, được bầu là thành viên của những viện hàn lâm khoa học được đánh giá cao trên quốc tế (viện hàn lâm đích thực, chứ không phải những hiệp hội khoa học hay hiệp hội lăng nhăng gì đó mà ở nhiều nước cũng gọi là academy – và thành viên được bầu trên cơ sở thành tựu khoa học chứ không phải danh hiệu được tặng vì các quan hệ ngoại giao hữu nghị).
 
Với tiêu chí đó, theo tôi ngành toán trong nước có thể có khoảng 7-8 người tcqt, tập trung phần lớn ở Viện Toán (đã được Viện Hàn Lâm Thế Giới Thứ Ba công nhận là một viện xuất sắc – institute of excellence – trong Thế giới thứ ba từ hơn mười năm nay). Dù sao đó cũng là con số đáng nể trong khu vực Đông Nam Á, cho nên, hơi khác với tác giả Nguyễn Tiến Dũng [3], tôi đánh giá hiện tại toán học VN vẫn còn vị trí cao ở Đông Nam Á và trong thế giới thứ ba nói chung.
 
 Điều đáng lo nhất  là tuổi trung bình quá cao của những người giỏi trong nước, và không có gì quá đáng nếu nói rằng ngành toán VN đang có nguy cơ tắt lịm dần, rồi sẽ đến ngày bị xóa sổ nếu không được hồi sức kịp thời . Tình hình ngành vật lý có lẽ cũng tương tự, cho nên khi nhắc đến khoa học VN, các nhà khoa học quốc tế thường hay nêu đích danh toán và vật lý. Tuy vậy, điều đó không có nghĩa là đầu tư cho khoa học đã tập trung vào hai ngành này, để từ đó nói rằng đầu tư kém hiệu quả vì hai ngành này chưa có tác dụng trực tiếp đến kinh tế.
 
Đề nghị lập viện hàn lâm: các quan chức quá lạc quan!!!
 
Những chỉ số định lượng được dẫn ra và phân tích trong các bài [2,3,4]  đã cho thấy rõ mức yếu kém và lạc hậu đáng lo của khoa học VN so với thế giới và khu vực, trái với nhận định chủ quan của nhiều quan chức trong tờ trình đề nghị thành lập viện hàn lâm cách đây mấy năm.  Điều bổ ích nhất, theo tôi, là các bài ấy đã giúp cho ta thấy cái nhìn khách quan của thế giới đối với nền khoa học của nước nhà, nhờ đó có thể thấy rõ hơn ta phải hội nhập, cạnh tranh, hợp tác trong những điều kiện nào.
Tuy nhiên có một điểm tôi xin nhấn mạnh một lần nữa là, mặc dù các tiêu chuẩn định lượng rất cần được sử dụng trong việc xác định trình độ, đóng góp khoa học, nhưng phải thận trọng để không coi nhẹ mặt định tính khi đánh giá một nhà khoa học cụ thể.  Sở dĩ như vậy là vi các chí số định lượng dù hoàn hảo đến đâu  cũng không thể chú ý được hết các dị biệt của từng hoàn cảnh cụ thể và do đó, không bao giờ có thể thay thế hoàn toàn sự đánh giá định tính của các chuyên gia am hiểu. Còn khi xem xét một cộng đồng như nền khoa học của một nước thì khác, vì khi ấy, do tác dụng của luật số lớn, các dị biệt cá nhân có xu hướng trung hòa nhau, cho nên các chỉ số định lượng có nhiều ý nghĩa hơn và cho phép rút ra những kết luận phù hợp thực tế hơn.
 
 Thế nào là “thuần Việt” ?
 
Một điểm nữa là, khi phân tích chỉ số năng lực sáng tạo (innovation index) mà chỉ xét các bài báo đăng trên tạp chí quốc tế và các công trình “thuần Việt” thì có lẽ chưa xác đáng. Như trên đã nói, ngày nay các tuyển tập chuyên khảo cũng đóng vai trò như các tạp chí, và với xu thế toàn cầu hóa, sự hợp tác giữa các nước trở thành bình thường, và cần được khuyến khích. Nếu một công trình khoa học đứng tên tác giả nhiều nước, trong đó tác giả người Việt làm việc và thường trú ở VN chứ không phải ở nước ngoài thì phải kể như các công trình “thuần việt” khác.
Đương nhiên phần đóng góp của tác giả Việt trong những công trình đó nhiều hay ít còn tùy trường hợp, và theo tôi biết, cũng có rất nhiều trường hợp là phần quyết định. Như ở Viện Toán, một số khá lớn công trình là như vậy, và đó chính là một điểm mạnh, chứ không phải điểm yếu, của viện, vì nó thể hiện mức độ hợp tác cao với bên ngoài (hợp tác bình đẳng chứ không phải giúp đỡ một chiều). Còn những công trình chỉ một tác giả người Việt nhưng thường trú và làm việc ở nước ngoài thì dĩ nhiên hiện nay không nên kể là “thuần Việt”.  Với quan niệm như vậy, bức tranh về thực trạng khoa học của chúng ta có thể phần nào chăng sáng sủa hơn so với những gì đã được biết qua các bài đã dẫn.  
 
 Còn điểm đáng mừng: Môi trường không thuận mà chỉ kém có thế!
 
Cuối cùng cũng xin nói đôi lời về các điều kiện và môi trường làm việc hiện nay của các nhà khoa học Việt Nam so với các bạn đồng nghiệp quốc tế, tạo ra cho họ một thế bất lợi lớn khi hội nhập và cạnh tranh. Hiển nhiên trong hoàn cảnh nước nhà hiện tại các nhà khoa học VN phải chấp nhận làm việc trong những điều kiện vật chất nghèo nàn và môi trường khoa học chưa thật sự thông thoáng. Nhưng làm sao không suy nghĩ khi nghe một nhà khoa học nước ngoài nhận xét: với đồng lương, điều kiện và môi trường làm việc như thế mà khoa học của các bạn cũng chỉ kém đến mức này thôi, thậm chí có đôi chỗ còn vượt lên trên, thì tôi hiểu tiềm năng của VN còn nhiều lắm, nếu khai thác tốt VN chắc chắn sẽ thành công khi bước lên kinh tế tri thức.
 
 Nhớ khó khăn xưa… bao chuyện đau lòng
 
Thế mà điều kiện và môi trường làm việc của các nhà khoa học VN bây giờ so với 25 năm trước đây đã khác xa rồi đấy. Hồi đó, làm được một kết quả gì đã khó, muốn gửi bài để đăng trên các tạp chí quốc tế còn khó hơn: tiếng Anh kém, không quen với cách viêt bài báo khoa học ở Phương Tây, không có giấy trắng chuẩn cỡ A4, không có máy đánh chữ đánh được các công thức toán học, không có máy sao chụp để sao thành 3 bản, v.v..., rồi khi xong mọi việc đó lại vấp phải khó khăn khi liên hệ thư từ với thế giới (môt bức thư gửi máy bay ra nước ngoài mất hai tháng, ngược lại mất 3-4 cho đến vô cực tháng !). Rồi đến cái nạn bài gửi đăng ở các tạp chí quốc tế bị làm khó dễ đủ thứ, khiến từ lúc có kết quả đến lúc bài gửi được đăng thường phải mất 3-4 năm. Tôi còn nhớ lúc đó để khắc phục một phần những khó khăn, mỗi khi đi công tác ở Đông Âu thì viện trưởng phải tranh thủ chở về mấy kg giấy trắng A4, mấy cuộn băng đánh máy chữ, hàng đống tài liệu sao chụp từ các tạp chí mà trong nước không thể tiếp cận được, đồng thời hễ có khách nước ngoài đên viện thì khi họ ra về phải tranh thủ nhờ họ mang theo hàng chục gói thư, bài, để ra nước ngoài dán tem và gửi hộ.  Đến nỗi có lần Cottle, Tổng biên tập tạp chí Math. Programming mà khi ấy tôi là một thành viên ban biên tập, gặp tôi hỏi: tại sao mọi thư từ của anh gửi cho chúng tôi bao giờ cũng được gửi từ một thành phố nào khác trên thế giới chứ không cái nào được gửi từ VN !
 
 Bây giờ thuận lợi hơn: Vẫn còn đau lòng!
 
Bây giờ không còn những khó khăn đó thì lại xuất hiện những khó khăn mới: phần lớn các tạp chí quốc tế dần dần chuyển sang chế độ trực tuyến cả, từ việc gửi bài, theo dõi kết quả thẩm định, rồi sửa bài theo góp ý của các thẩm định viên, gửi lại bài đã sửa, cho đến việc sửa bản in thử, v.v.  đều làm trên mạng – một công việc không phải lúc nào cũng thông suốt dễ dàng khi kết nối internet chậm chạp và dễ bị tắc nửa chừng.  Chỉ một việc nhỏ như soạn thảo công trình trên máy vi tính, theo đúng quy cách đòi hỏi của từng tạp chí, ở các nước thì quá đơn giản nhưng ở ta vì thiếu phương tiện nên đối với nhiều người cũng trở thành công việc khá phiền toái và mất thì giờ.   
Thế đấy, cho nên khi nhận định sự kém cỏi của khoa học VN cũng cần nhìn thấy hết những khó khăn của người làm khoa học ở nước ta để những gì có thể làm giảm nhẹ được những khó khăn ấy, cả về vật chất và tinh thần, mà thật sự không quá tốn kém, thì xin hãy mở lòng giải quyết cho các anh em còn trẻ và còn sức cống hiến.
Thật đau lòng nhìn thấy biết bao tài năng trẻ, biết bao tâm huyết, biết bao khát vọng, mà trong bao năm đành chịu cho khoa học của đất nước cứ ì ạch từng bước trong khi thiên hạ đi hài bảy dặm.  
 
Hoàng Tụy
 Đã đăng trên VietNamNet
 
 Tài liệu dẫn
[1] Nguyễn Văn Tuấn: Thế nào là một bài báo khoa hoc ? Tia Sáng số 17.5.12.2005, 23-26.
[2] Phạm Duy Hiển: VN ít ấn phẩm trên các tạp chí khoa học quốc tế. /khoahoc/vande/2006/01/532815/
[3] Nguyễn Tiến Dũng: Vài điều suy nghĩ về toán học Việt Nam, http://zung.zetamu.com (?), Tết Bính Tuất
[4] Đào Tiến Khoa:  Tri thức và khoa học Việt Nam cùng với sự phồn vinh của đất nước, Tia Sáng, số 8.2004, 15-18.
 

Số lần xem trang : 15543
Nhập ngày : 13-10-2009
Điều chỉnh lần cuối :

Ý kiến của bạn về bài viết này


In trang này

Lên đầu trang

Gởi ý kiến

  Chia sẻ dạy & học

  Đánh giá khả năng thích nghi, xác định mật độ và thời điểm thu hoạch thích hợp cho cây cải dầu (Brassica napus L.) tại Lâm Đồng(01-04-2009)

  Đánh giá hệ thống canh tác lúa -đậu nành, lúa-đậu xanh và thí nghiệm thâm canh đậu nành, đậu xanh tại Ô Môn-Cần Thơ, Chợ Mới-An Giang và Lấp Vò-Đồng Tháp(18-03-2009)

  Tuyển chọn giống mía nhập nội có nguồn gốc từ Thailand(05-03-2009)

  Tuyển chọn giống mía năng suất cao, chất lượng tốt bổ sung vào cơ cấu mía tỉnh Sóc Trăng(05-03-2009)

  Cải thiện hệ thống cây trồng ngắn ngày vùng đồng bào dân tộc huyện Xuân Lộc và Cẩm Mỹ tỉnh Đồng Nai(18-03-2009)

  Tuyển chọn giống mía mới từ nguồn gốc nhập nội cho ba vùng mía trọng điểm phía Nam(18-03-2009)

Họ tên: PGS.TS. Phạm Văn Hiền. Bộ môn Sinh lý-Sinh hóa, khoa Nông học. Nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Nông Lâm Tp HCM. Nguyên Giám đốc Phân hiệu Ninh Thuận. Đc: 16/17 đường 49, Quận 2, TP. Hồ Chí Minh Email: pvhien@hcmuaf.edu.vn Mobi: 0913464989

Thiết kế: Quản trị mạng- ĐHNL 2007